04.05.2017

Công an, Cảnh sát csVN hành xử côn đồ, ngoài vòng pháp luật

Công an csVN hành xử côn đồ, ngoài vòng pháp luật


Một thanh niên Phật Giáo Hòa Hảo bị chết tại cơ quan công an tỉnh Vĩnh Long sau khi bị bắt và điều tra
Ông Nguyễn Hữu Tấn, người chết trong đồn công an. Courtesy of baovinhlon
Theo tin từ gia đình của thanh niên Nguyễn Hữu Tấn, cư ngụ tại khóm 7, phường Thạnh Phước, Thị Xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long: ngày 2 tháng 5, 2016 anh Tấn đang làm việc nhà ở ngoài đường thì bị rất nhiều công an đến bắt và dẫn vào nhà lục xét khắp nơi để tìm kiếm tài liệu và cờ VNCH, không biết kết quả như thế nào mà công an đã bắt anh Tấn về Công an điều tra tỉnh Vĩnh Long. Cha của anh Tấn là ông Nguyễn Hữu Quân và vợ của anh Tấn lên cơ quan công an để tìm hiểu và thăm hỏi. Họ phải ngồi chờ suốt cả ngày và được công an cho biết là anh Tấn đang điều tra thẩm vấn. Sau đó người nhà đã ra về và trở lại sáng hôm sau. Khi trở lại, gia đình vẫn phải ngồi chờ, đến trưa thì được công an cho biết là anh Tấn đã chết. 


Theo ông Quân, ông đã thấy máu loang đỏ đầy phòng điều tra và anh Tấn đã bị cắt cổ họng ?. Ông Quân và vợ anh Tấn yêu cầu công an để xác anh Tấn vào hòm và đưa về gia đình. Rất nhiều xe công an đã đưa quan tài anh Tấn về nhà. Về đến nhà, gia đình vì quá đau buổn và tức giận nên khi công an đến họ đã lên tiếng đả đảo chế độ cộng sản quá dã man, thời VNCH không bao giờ có sự kiện như vậy. Cuối cùng, công an phải rút đi và hẹn ngày hôm sau sẽ trở lại.

Ban đặc trách tôn giáo của Hội Đồng Liên Kết QNHN đã gửi ngay một thông báo đến các cơ quan hữu trách quốc tế để trình bày sự việc nhờ họ tìm rõ sự thật và có biện pháp thích đáng đối sự tàn bạo của nhà cầm quyền CSVN.

Tin của Hội Đồng LKQNHNVN tại Việt Nam.


Tình trạng của ông Vương Văn Thả: Hoàn toàn bị công an bao vây.

Theo nguồn tin từ giới đồng đạo PGHH với ông Vương Văn Thả, công an bao vây căn nhà của ông và chiếm tầng dưới, họ ra vào tự do, còn gia đình ông Thả sống ở tầng trên, chỉ có thể liên lạc bằng một khung cửa nhỏ. Không một ai có thể tiếp cận, tiếp tế thực phẩm ngoài công an.

Từ xa muốn đến nhà ông Thả, phải đến Long Xuyên, rồi đến xã Nhơn Mỹ, bến đò Cồn Thiên, chợ Huyện An Phú. Có rất đông công an lúc nào cũng canh gác, có khoảng 30-40 công an đóng chốt, khi đến gần nhà ông Thả thì có hàng trăm công an đêm ngày canh gác.

Theo nguồn tin người thân cận, có thể ông Thả trong lúc này không có gì nguy hiểm đến tính mạng, nhưng hoàn toàn không biết chính xác ra sao. Tòa đại sứ và lãnh sự Hoa Kỳ và các nước khác đã rất quan tâm, nhưng họ không cho biết rõ tình trạng của ông Thả như thế nào.


Vụ Lê Mỹ Hạnh: Chính quyền có tôn trọng luật?

Bà Lê Mỹ Hạnh, người nhận là nạn nhân trong clip bị đánh và khai báo với công an Quận 2 TP Sài Gòn. file photo

Ngày 2 tháng 5 một video được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội với nhiều lời bình luận và tức giận. Một nạn nhân trong video được xác định là nhà hoạt động Lê Mỹ Hạnh và hai người bạn bị một nhóm người không quen biết hành hung.

Phạm tội công khai vẫn chưa bị khởi tố

Âm thanh và hình ảnh của video được công khai trên trang facebook của chủ tài khoản có tên Phan Hùng.

Sau gần một ngày im lặng, hai tờ báo của nhà nước Việt Nam lần lượt đưa tin về video hành hung hai người phụ nữ được chia sẻ trên mạng xã hội. Báo Pháp luật thành phố Hồ Chí Minh trích lời trung tá Trần Văn Hiếu, trưởng công an quận 2, rằng đang điều tra sự việc.

Báo Tuổi trẻ thành phố Sài Gòn thì trích lời đại tá Nguyễn Sỹ Quang, người phát ngôn của cơ quan công an thành phố cũng nói rằng đang điều tra và đây là trường hợp có dấu hiệu phạm tội hình sự.

Tuy nhiên theo ý kiến của luật sư Lê Công Định thì vụ việc cần phải được khởi tố ngay vì tính chất nghiêm trọng của nó. Ông cho biết:

“Về phương diện pháp lý thì vụ tấn công vừa rồi rất nghiêm trọng bởi vì có nhiều dấu hiệu tội phạm ở đây. Thứ nhất là xâm phạm chỗ ở của người khác, thứ hai là cố ý gây thương tích, và cái yếu tố tăng nặng của nó là thách thức dư luận và xem thường pháp luật. Ở đây cũng là dùng số đông để tấn công tức là tội phạm có tổ chức. Tôi cho là sự việc lần này phải được khởi tố và làm một cách nghiêm túc và đầy đủ theo đúng thủ tục pháp lý.”

Nạn nhân Lê Mỹ Hạnh nói với chúng tôi về cảm giác của bà sau khi bị hành hung:
“Đến lúc này cái cảm giác mình bị ám ảnh khi bước chân ra ngoài đường, mình cảm thấy sự nguy hiểm luôn luôn ở bên cạnh mình, với một sự tấn công mà họ dám ngang nhiên đến tận phòng của một công dân bình thường, mà tôi lại không hề có mâu thuẫn gì với các đối tượng đó.”

Bà Hạnh được biết cũng tham gia những hoạt động xã hội vì mục đích dân chủ hóa Việt Nam. Đây không phải là lần đầu tiên bà Hạnh bị hành hung. Vào đầu tháng tư vừa qua bà cũng bị một số người hành hung tại Hà Nội.

Quan niệm về sử dụng bạo lực và pháp luật

Chuyện những người hoạt động xã hội bị các nhóm mặc thường phục bị hành hung là chuyện được nhiều người nói đến trên các trang mạng xã hội trong mấy năm qua. Người ta cũng nói đến những nhóm này trong các cuộc biểu tình của ngư dân và giáo dân miền Trung chống Formosa. Tuy nhiên những việc này ít khi xuất hiện trên báo chí nhà nước. Những người hoạt động có nghi ngờ rằng những người mặc thường phục đôi khi có tính chất côn đồ chính là lực lượng an ninh giả dạng để đàn áp.

Người dân biểu tình chống Trung cộng bị công an mặc thường phục dồn lên xe bus hôm 21/8/2011. AFP photo

Sự tham gia của các nhóm mặc thường phục trong việc kiểm soát đám đông, hay cá nhân bất đồng chính kiến không phải là mới lạ trong lịch sử cầm quyền của đảng cộng sản Việt Nam. Đôi khi họ cũng được báo chí chính thống đề cập đến với danh từ quần chúng tự phát.

Từ ngữ này đã từng được dùng sau các sự kiện tôn giáo như Thái Hà mới cách đây vài năm, và xa hơn nữa là vào thời cải cách ruộng đất, nhân văn giai phẩm khi những người cộng sản mới cầm quyền cách đây hơn nửa thế kỷ. Và trên mặt chính thức, lực lượng an ninh, chính quyền không đứng ra nhận lãnh trách nhiệm vì những kẻ thủ ác không mang đồng phục của họ.
Cách đây hơn hai năm trong một dịp kỷ niệm các liệt sĩ Hoàng Sa và Trường Sa ở Hà Nội, một nhóm những người trẻ tuổi mang theo cờ của đảng cộng sản đến phá buổi tưởng niệm và xung đột bạo lực suýt nữa đã xảy ra.

Luật sư Lê Công Định:
“Tôi không kết luận rằng nhà cầm quyền đứng sau lưng một việc như vậy, nhưng việc dung túng nó, khiến cho trong nhiều năm qua tình trạng bạo lực leo thang. Và nghiêm trọng hơn là lần tấn công chị Lê Mỹ Hạnh lần này, thủ phạm không những không giấu diếm hành vi tội phạm của mình mà lại còn công khai nó, đưa lên mạng xã hội để thách thức dư luận.

“Tôi rất là ngạc nhiên tại sao giữa một xã hội được gọi là dựa trên pháp luật như thế này, mà thủ phạm có thể nhởn nhơ và ngang nhiên có những hành động coi thường pháp luật như vậy mà nhà cầm quyền vẫn bình chân như vại. Lẽ ra trong những sự việc như vậy thì nhà cầm quyền phải ngay lập tức khởi tố vụ án, còn việc khởi tố bị can hay không thì cần phải tiến hành điều tra thêm. Nhưng khởi tố vụ án là phải dứt khoát làm ngay lập tức. Tôi ngạc nhiên là cho đến giờ sau hơn 24 tiếng đồng hồ rồi mà vẫn không có một động thái nào từ nhà cầm quyền, ngoài cái việc họ kêu nạn nhân lên để làm việc. Thật sự mà nói tôi thấy thất vọng về một xã hội được nói là có pháp luật như thế này.”

Xây dựng một xã hội dựa trên luật pháp là điều được các quan chức cao cấp của Việt Nam thường xuyên tuyên bố trong thời gian gần đây. Những tuyên bố này ngược với những ý tưởng sơ khai của những người cộng sản khi mới cầm quyền là nghĩ rằng pháp luật sẽ trói tay họ, không để họ thực hiện được điều mà họ cho là lý tưởng xã hội, theo như tiết lộ của luật sư Nguyễn Mạnh Tường sau năm 1954.

tin RFA (Kính Hòa)


Tuyên bố phản đối việc đàn áp người dân lên tiếng ôn hòa, nhân vụ hành hung chị Lê Mỹ Hạnh

Vào ngày 3 tháng 5 trên mạng xuất hiện Tuyên bố phản đối việc đàn áp người dân lên tiếng ôn hòa, nhân vụ hành hung chị Lê Mỹ Hạnh’.

Tuyên bố do 20 tổ chức xã hội dân sự độc lập và 20 cá nhân ký tên đầu tiên; trong đó kêu gọi chính quyền Việt Nam phải có biện pháp xử lý thích hợp với trường hợp hành hung này.

Tuyên bố nêu rõ là nếu chính quyền không có hành động nào thích hợp thì các nhóm xã hội dân sự độc lập hoạt động bảo vệ nhân quyền Việt Nam sẽ ra lời kêu gọi biểu tình trên toàn quốc.

Tuyên bố nêu lại một số vụ việc công dân bị hành hung trong thời gian qua như hai người gồm Đỗ Thanh Vân và Nguyễn Viết Dũng hôm 14 tháng 3 sau khi đi tưởng niệm vụ Thảm sát Gạc Ma ở Hà Nội; vụ chị Nguyễn Hương khi đi làm từ thiện ở Dak Nong, Quảng Trị ngày 22 tháng tư; vụ anh Trương Văn Dũng hôm 30 tháng tư khi quay video người dân giương biểu ngữ phản đối Formosa; vụ anh Nguyễn Peng mới hôm 1 tháng 5 ở Sài Gòn.


Tin mới nhất cho biết thông tin về sự việc công an cho côn đồ hành hung chị Lê Mỹ Hạnh đã được thông báo đến Văn phòng Cao ủy Nhân quyền LHQ khu vực châu Á.

Đại diện Cao ủy đã ngay lập tức đề nghị được cung cấp thông tin đầy đủ về vụ việc để thông báo đến các Báo cáo viên Đặc biệt về Nhân quyền của LHQ, từ đó các Báo cáo viên này sẽ gửi thư yêu cầu Chính phủ Việt Nam điều tra làm rõ và trừng trị thủ phạm. Trong trường hợp nhà chức trách Việt Nam phớt lờ những yêu cầu này, họ sẽ bị coi là dung dưỡng cho tội ác chống lại những người hoạt động xã hội.