„Thật khó để nói với thế giới về những gì đang diễn ra ở Việt Nam.
Hơn 60 năm sau, câu chuyện của một thời kỳ đen tối bậc nhất lịch sử dưới triều
đại cộng sản vẫn tái hiện, gạt nhân loại văn minh sang bên lề.
…câu chuyện đấu tố thời Cải cách Ruộng Đất năm 2017 tại Việt Nam“
Cuộc đấu tố giết người giữa Kỷ nguyên Công nghệ 4.0
Phạm Thanh Nghiên
Cuộc Cách mạng Công nghệ lần thứ 4 (Kỷ nguyên Công
nghệ 4.0) đã đưa nhân loại bước vào nền văn minh và thịnh vượng chưa từng có.
Cách đây ít năm, người ta làm sao hình dung nổi có thể kết hợp các hệ thống ảo
với đời thực. Kỷ nguyên Công nghệ 4.0 đã mang lại những thành tựu khoa học về mọi
mặt trong đời sống của con người.
Nhưng, càng ngạc nhiên về sự phát triển như vũ bão của
nền văn minh bao nhiêu thì nhân loại lại càng khó tin bấy nhiêu về một mảng tối
đang diễn ra cùng thời điểm trên chính trái đất này. Sự văn minh và man rợ, nghịch
lý thay đang cùng nhau tồn tại.
Câu hỏi đặt ra, bạn làm thế nào để thế giới văn minh
tin rằng, ở Việt Nam, chỉ cần lên mạng xã hội chia sẻ bài viết của người khác
có nội dung chỉ trích chính sách sai lầm của Nhà nước là có thể lãnh án tù?
Bạn làm thế nào để thế giới văn minh tin rằng có rất
nhiều người bị đánh đập, bắt bớ, bách hại chỉ vì công khai đòi Nhà nước tôn trọng
quyền công dân, quyền con người?
Bạn làm sao thuyết phục được những nước văn minh tin
rằng, ở Việt Nam, chỉ vì bị nghi ngờ trong nhà có lá cờ Việt Nam Cộng Hòa, người
dân có thể bị bắt, bị giết? Con người văn minh nào hình dung nổi một người dân
hôm trước vào tù còn lành lặn, hôm sau đã chết trong tình trạng đầu gần như lìa
khỏi cổ với vết cứa kinh hoàng và những cú đập dập đầu?
Thật khó để nói với thế giới về những gì đang diễn
ra ở Việt Nam. Hơn 60 năm sau, câu chuyện của một thời kỳ đen tối bậc nhất lịch
sử dưới triều đại cộng sản vẫn tái hiện, gạt nhân loại văn minh sang bên lề.
Và đây là câu chuyện đấu tố thời Cải cách Ruộng Đất
năm 2017 tại Việt Nam, giữa đại Kỷ nguyên Công nghệ 4.0 của nhân loại.
Những người bị đấu tố:
Linh mục Đặng Hữu Nam và Linh mục Nguyễn
Đình Thục.
Bị buộc tội: Chống
đảng, chống Nhà nước vì dám bảo vệ môi trường, chống tập đoàn xả thải Formosa,
nói lên sự thật về hiện tình đất nước, đề cao các giá trị nhân văn, giá trị con
người.
Đề nghị mức án: Chung
thân hoặc tử hình.
Nơi diễn ra cuộc đấu tố: Nghệ
An.
Kẻ đấu tố: Báo chí, UBND tỉnh
Nghệ An, một bộ phận quần chúng đỏ bao gồm người già, trẻ em và phụ nữ.
Sơ lược cuộc đấu tố:
Liên tiếp nhiều ngày trong đầu tháng 5/2017, báo Nghệ
An đã đăng đàn xuyên tạc, đánh phá hai Linh mục đáng kính trên. Đồng thời đưa
tin rằng có ít nhất 3 cuộc biểu tình, meeting do người dân tự tổ chức để phản đối
cha Nam và cha Thục. Trước đó, trong suốt một năm qua, cơ quan ngôn luận này
cũng liên tục đưa tin sai sự thật về các cuộc biểu tình bảo vệ môi trường của
người dân Miền Trung, đồng thời cáo buộc cha Nam, cha Thục là phản động, nhận
tiền của các tổ chức nước ngoài nhằm chống phá Nhà nước.
Ngày 5/5, Nguyễn Xuân Đường-Chủ tịch UBND Nghệ An đã
gửi công văn đến Đức cha Phaolo Nguyễn Thái Hợp, Giám mục Giáo phận Vinh; Linh
mục Nguyễn Văn Vinh - đại diện Giám mục vùng Nghệ An và Linh mục Nguyễn Văn
Đính - Quản hạt Thuận Nghĩa, Giáo phận Vinh “yêu cầu xử lý, không bố trí Linh mục
Đặng Hữu Nam tiếp tục hoạt động mục vụ”. Đương nhiên, đây cũng không phải lần đầu
tiên nhà cầm quyền gây sức ép để Giáo phận Vinh “đuổi” Linh mục Đặng Hữu Nam,
không cho hoạt động mục vụ.
Cái gọi là “các cuộc biểu tình” mà Cơ quan ngôn luận
tỉnh Nghệ An đưa tin, được miêu tả dưới ngòi bút của Tiến sĩ Vũ Thị Phương Anh, một nhà giáo chân chính đang sống và làm
việc tại Sài Gòn như sau:
“Tôi vừa xem video clip phụ nữ Quỳnh Lưu
mặc áo cờ đỏ, phất cờ đỏ, cầm micro oang oang đọc lời kết án LM Đặng Hữu Nam được
đưa trên trang web của báo Nghệ An. Không khí hừng hực hận thù, với những lời
luận tội ghê gớm, và hãi hùng nhất là khi có một phụ nữ đứng lên tự xưng là hội
viên hội nông dân đề nghị bỏ tù LM Đặng Hữu Nam 20 năm (stop) , thì người ta
reo hò và phất cờ tỏ vẻ vui mừng khôn xiết.
Rồi sau đó là quyết nghị của Hội phụ nữ,
tiếp tục lập lại lời kết án và đòi trừng trị cha Nam, bằng những lời lẽ đanh
thép và giọng đọc chát chúa. Chẳng khác nào cảnh đấu tố dưới thời cải cách ruộng
đất. Lại còn có cả tiếng nhạc, cứ như một đội quân đang trên đường ra trận (buổi
xuất quân tiểu đoàn năm ấy, cả tiểu đoàn thề dưới sao vàng: Người chiến sĩ tiếc
gì máu rơi...).
Nhìn những khuôn mặt của những người
tham gia buổi đấu tố (hay là biểu tình nhỉ, nhưng luật VN đã cho phép biểu tình
đâu mà, cho nên chỉ có thể gọi là đấu tố thôi, vì hình như đấu tố thì không bị
cấm), tôi chẳng biết phải tả như thế nào nữa. Chỉ cảm nhận rằng những khuôn mặt
ấy vừa đầy vẻ thù hận và say sưa hăng máu vừa thiếu vắng một cái gì đó rất rõ
ràng.
Tôi thấy rờn rợn. Là một nhà giáo, và là
một người Công giáo, tôi tin rằng điều quan trọng nhất
cần giáo dục ở một con người là lòng nhân ái. Con người mà không có chữ nhân
thì sao có thể gọi là người được?
Nhưng liệu có thể xây dựng
lòng nhân ái cho người trẻ được hay không khi chúng được sống trong một môi trường
sắt máu như thế này?”.
Có lẽ, Tiến sĩ Vũ Thị Phương Anh đã sẵn cho mình câu
trả lời: không thể xây dựng lòng nhân ái cho người trẻ trong một môi trường sắt
máu như thế.
Hơn 60 năm sau, nhà nước cộng sản vẫn
hành xử bệnh hoạn như thuở mới cướp được chính quyền. Nhưng
chẳng bao lâu nữa, nhà nước độc tài sẽ không còn sức để chống lại văn minh nhân
loại.
Xin nhắc lại một điều tôi đã từng nói: Nhà nước này
cần hành xử bớt man rợ hơn nếu còn muốn kéo dài sự sống sót của mình trong thời
đại văn minh.
Phạm Thanh Nghiên