Mừng sinh nhật Hồ Chí Minh với tượng đài 118 tỷ đồng
Tượng
đài Nguyễn Tất Thành và thân phụ Nguyễn Sinh Sắc tại tỉnh Bình Định, 18/5/2017.
(Ảnh chụp từ Báo Bình Định)
Tối 18/5, Bình Định tổ chức lễ kỷ
niệm 127 năm ngày sinh ông Hồ Chí Minh và khánh thành tượng đài tượng
đài ông Hồ với kinh phí 118 tỷ đồng.
Báo Tuổi Trẻ cho biết Phó Chủ Tịch nước, Đặng
Thị Ngọc Thịnh, đến dự lễ và khánh thành tượng đài “hoành tráng” của
ông Nguyễn Tất Thành, tên gọi lúc sinh thời của ông Hồ Chí Minh, và thân phụ là
Nguyễn Sinh Sắc.
Báo này trích lời phát biểu của bà Thịnh, đánh giá
tượng đài Nguyễn Sinh Sắc - Nguyễn Tất Thành là “công trình văn hóa có
ý nghĩa chính trị, lịch sử và nhân văn sâu sắc của nhân dân Bình
Định và đồng bào cả nước hướng về Bác Hồ.”
Ông Nguyễn Thanh Tùng - Bí Thư Tỉnh Ủy Bình
Định nói trong bài diễn văn khánh thành tượng đài rằng ông Nguyễn Tất Thành từng
sống ở Bình Định từ tháng 5/1909 đến tháng 8/1910, trong đó có sự kiện ông
Thành chia tay thân phụ Nguyễn Sinh Sắc tại đây: “Mặc dù những tháng ngày Nguyễn Tất Thành ở Bình Định là
không nhiều, nhưng đó là dấu ấn quan trọng, góp phần hình thành nên
tư tưởng, ý chí cứu nước của Người.”
Nhận định về việc xây tượng mừng sinh nhật, các nhà
bất đồng chính kiến ở Việt Nam cho rằng điều này “có tính tuyên truyền.”
Ông Nguyễn
Đan Quế, một nhà vận động nhân quyền lâu năm ở Sài Gòn, phát biểu:
“Phía nhà cầm quyền chỉ muốn tuyên truyền thôi. Chúng tôi bác bỏ
hoàn toàn chuyện mang tiền của dân để làm tượng đài. Không phải một cái tượng
này đâu. Có nhiều lắm. Bây giờ phải bỏ hết.”
Theo truyền thông trong nước, tượng đài đôi này cao
hơn 15 mét, nặng 30 tấn, được đặt trên diện tích hơn 3.000 mét vuông tại
quảng trường trung tâm ở thành phố biển Quy Nhơn. Hai bức tượng làm bằng chất
liệu đồng ép ngoại nhập, mô tả “cả hai
cha con cùng nhìn ra hướng Biển Đông.”
Trang Trithucvn.net nói rằng tổng kinh phí đầu tư
xây dựng tượng đài này trên 118 tỷ đồng, sử dụng nguồn vốn ngân sách Trung
ương, địa phương và các nguồn huy động khác.
Dân
nghèo chống chọi lũ lụt ở Việt Nam
Cùng nhận định với bác sĩ Quế, Hòa Thượng Thích Không Tánh, thành viên Tăng Đoàn Giáo Hội Phật
Giáo Việt Nam Thống Nhất, một tổ chức tôn giáo không được chính quyền công nhận,
nói với VOA:
“Việc xây dựng, tưởng niệm các nơi đều xây tượng đài thì tốn phí biết
bao nhiêu, trong khi đời sống người dân thì khổ sở, thiếu thốn.”
Trang Trithucvn.net cho biết Bình Định là một tỉnh
có đến 55.011 hộ nghèo, đứng thứ 12 trong số 63 tỉnh, thành về số hộ nghèo và
chính quyền tỉnh phải đề nghị chính phủ hỗ trợ 500 tỷ đồng để cứu trợ đợt mưa
lũ cuối năm ngoái khi ấy có đến 25 người chết, nhưng chính phủ chỉ có thể cấp
80 tỷ đồng.
Hòa Thượng Không Tánh, người cùng các thành viên
Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất từng thực hiện nhiều đợt cứu trợ người
dân vùng lũ ở Bình Định vào cuối năm ngoái, nói rằng đằng sau việc xây tượng
đài là các “khoản lợi ích” cho chính quyền:
“Việc xây tượng
đài cũng kèm theo những khoản lợi trong đó trong đó, cho nên họ chú trọng xây
tượng đài. Việc này làm tốn công quỹ rất nhiều. Điều đó chứng tỏ chế độ nặng về
chuyên chính, chủ nghĩa, chứ họ không lưu tâm đến người dân. Họ đặt quyền lợi của
Đảng, hay cho những người đã chết. Chưa chắc cái đó có ích lợi gì cả.”
Ông Nguyễn Đan Quế nhấn mạnh rằng việc xây tượng hay
thần thánh hóa ông Hồ Chí Minh là không thể chấp nhận được:
“Ngày
xưa, khi chế độ Cộng Sản còn mạnh, nhận thức còn kiểm soát được thì người dân
còn chịu đựng, chứ còn bây giờ mà xây tượng đài, thậm chí mang hình, mang tượng
Hồ Chí Minh để trưng cạnh tượng Phật hay để phong thánh thì hỏng vì ý thức người
dân ngày hôm nay người ta không chấp nhận sự điều khiển hóa của chế độ Cộng Sản
bởi vì chủ nghĩa hỏng, bởi vì chính quyền tham nhũng, phung phí trong quốc
doanh, rồi bây giờ lại đến tượng đài.”
Ông Quế cho biết thêm, việc chính quyền xây tượng
đài hay tuyên truyền quá mức hình tượng Hồ Chí Minh thì chỉ gây thêm phản ứng
ngược:
“Việc
xây tượng đài chỉ gây thêm phản ứng ngược về phía quần chúng đối với một chế độ
độc tài đảng trị đang suy tàn, cố dùng tuyên truyền để cứu vãn được cái ghế
chính quyền của họ.”
Trong một diễn biến liên quan, báo Pháp Luật thành
phố Sài Gòn ngày 19/5 đưa tin Hòa Thượng Thích Huệ Văn, Phó Ban Trị Sự Giáo Hội
Phật Giáo thành phố Sài Gòn, từng họa ảnh Hồ Chí Minh tại chùa trước năm 1975.
Nhà sư 70 tuổi trụ trì chùa Pháp Giới ở Sài Gòn nói
với báo Pháp Luật rằng: “sắp tới tôi sẽ vẽ
lại ảnh chân dung của Hồ Chủ tịch bằng chất liệu sơn dầu trên vải bố để treo
trong phòng khách”.
Trong khi báo Tuổi trẻ cho biết rằng các
tượng và tượng đài tưởng niệm ông Hồ Chí Minh có mặt tại khoảng 20 nước trên thế
giới ở cả châu Á, châu Âu, châu Mỹ và châu Phi, thì vào tháng 2 vừa qua, thành
phố Vienne ở Áo đã cho ngưng dự án xây dựng tượng đài Hồ Chí Minh trước “làn
sóng phẫn nộ của người Việt khắp nơi trên thế giới.”
Trước đó, Bộ Ngoại Giao Việt Nam đã xây dựng đề án “Tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Anh hùng giải
phóng dân tộc Việt Nam, Nhà văn hóa kiệt xuất, ở nước ngoài,” và đã được
Ban Bí Thư thông qua.