Khi “Mỗi người là một Hoàng Bình, một Bạch Hồng Quyền”
Cát
Linh (RFA)
Từ trái qua: Bạch Hồng Quyền, Thảo
Teresa, Hoàng Đức Bình. Photo: fb Bach Hong Quyen
Trong hai tuần lễ
vừa qua, rất nhiều người trong và ngoài nước đồng loạt thực hiện việc thay đổi ảnh
đại diện trên trang Facebook cá nhân của mình với hình ảnh của nhà hoạt động
Hoàng Bình và Bạch Hồng Quyền. Cùng với hành động đó là những lời khẳng định, như
“Tôi là Bạch Hồng Quyền” hay “Tôi là Hoàng Bình”, hoặc lời kêu gọi “Mỗi người là một Bạch Hồng Quyền”, “Mỗi người
là một Hoàng Bình.“ Hiệu ứng này được những người trẻ trong nước đón nhận
thế nào? Mời quí vị theo dõi.
Hiệu ứng ngược
Hoàng Bình và Bạch Hồng Quyền là hai nhà hoạt động
sôi nổi trong phong trào đấu tranh cùng với người dân đòi hỏi môi trường sạch
và yêu cầu Formosa ngưng hoạt động ở Việt Nam.
Ngày 15 tháng 5 vừa qua, Hoàng Bình, cũng là thành
viên của Phong trào Lao động Việt, bị chính quyền công an tỉnh Nghệ An bắt giữ
cáo buộc anh có hành vi chống người thi hành công vụ, lợi dụng các quyền tự do
dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, theo điều 257, và 258 bộ luật hình sự Việt
Nam.
Báo Công An Nghệ An còn cáo buộc anh Hoàng Bình đã lợi
dụng sự cố Formosa, cùng các linh mục mà họ gọi là “cực đoan” thuộc giáo phận
Vinh tổ chức biểu tình gây mất trật tự xã hội tại Hà Tĩnh và Nghệ An.
Tuần lễ trước đó, một nhà hoạt động xã hội khác là
anh Bạch Hồng Quyền cũng bị công an Hà Tĩnh truy nã, vì bị cho là đã kích động
khoảng 2000 người dân phản đối Formosa và hành xử bạo lực của công an, dẫn đến
việc chiếm trụ sở Ủy ban nhân dân huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh vài giờ đồng hồ,
vào ngày 3 tháng tư năm 2017.
Từ Hà Nội, bạn Hoàng
Thành, thành viên của Green Trees, cho biết động
thái mới nhất của chính quyền Việt Nam trong việc bắt giữ hai nhà hoạt động này
không thể dập tắt được ngọn lửa đấu tranh vì môi trường, mà ngược lại, theo
anh, nó làm cho phong trào có thêm sắc thái mới.
“Qua hiệu ứng truy tố hoặc truy nã những
người đấu tranh cho môi trường thì đó là một hiệu ứng ngược do chính nhà nước
đưa ra và đang tự trói buộc mình. Vì vốn dĩ rằng, theo mình biết tầm ảnh hưởng
nguy hại của Formosa, có rất nhiều ngư dân, người dân xung quanh ấy đều chịu ảnh
hưởng và đang chịu thiệt hại. Họ đang cần giải quyết những nguy hại ấy một cách
triệt để nhưng hiện nay nhà nước chưa làm được điều ấy.
Cho nên khi nhà nước truy tố và truy nã
những người đấu tranh môi trường thì đó là 1 hiệu ứng ngược. Không những thế lại
tạo ra một hình thái mới là những người chưa quan tâm lại để ý sự việc này
thông qua những người mà họ (nhà cầm quyền) truy nã.”
Nguyễn
Phương, từ Sài Gòn, cũng là người hoạt động sôi nổi trong
việc đòi hỏi môi trường sạch cho biết:
“Theo tôi thì
những điều này không ảnh hưởng gì đến phong trào và có thể nó làm cho phong
trào ngày càng mạnh hơn. Vì những việc bắt bớ trái pháp luật nó làm cho những
người đang tin tưởng vào chế độ sẽ có sự suy nghĩ. Càng phẫn nộ hơn thì phong
trào sẽ càng mạnh hơn.”
Cũng từ Hà Nội, anh Nguyễn Đình Hà, một nhà hoạt động dân chủ cũng đưa ra quan điểm đồng
thuận khi cho rằng bắt giữ anh Hoàng Bình và truy nã anh Bạch Hồng Quyền không
thể ngăn cản người dân tiếp tục lên tiếng phản đối Formosa.
“Tôi cho rằng việc bắt giữ Hoàng Bình
cũng như truy nã Bạch Hồng Quyền cũng không thể nào gây tác động lớn đến phong
trào đấu tranh vì phong trào môi sinh môi trường chống lại Formosa được.
Vì nếu không có
Hoàng Bình, không có Bạch Hồng Quyền thì sẽ có hàng ngàn hàng vạn Hoàng Bình, Bạch
Hồng Quyền khác. Điển hình như chúng ta thấy ngày 15 tháng 5 vừa qua, rất
nhiều bạn trẻ đã sử dụng công nghệ smartphone để quay livestream, chụp ảnh rồi
đưa lên các trang mạng xã hội như Facebook, Youtube để nói lên sư kiện đó hay
quan điểm, bình luận của họ xung quanh sự việc đó.”
Về điểm này, anh Sỹ Bình, một nhà hoạt động xã hội từ Sài Gòn chia sẻ thêm:
“Chắc chắn là sẽ
có hiệu ứng ngược sau những lần bắt bớ người lên tiếng bảo vệ môi trường môi
sinh. Vì cứ mỗi lần một người bi bắt là một lần truyền thông nóng lan rộng. Người
thân của người bi bắt lại tiếp bước hô trở cho tù nhân. Cứ mỗi người bi bắt là
kéo theo nhiều người hiểu thêm về xã hội.”
Chỉ trong 5 tháng đầu năm 2017, các nhà hoạt động xã
hội, bloggers đưa tin hoặc lên tiếng mạnh mẽ phản đối hoạt động của Formosa ở
Việt Nam, chẳng hạn như Blogger Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, Trần Thị Nga.
Nguyễn Văn Hoá…, đều bị chính quyền kết vào tội “gây rối trật tự công cộng”
theo Điều 245 Bộ luật Hình sự Việt Nam; "Lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm
phạm quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân" theo điều 258 của Bộ
luật Hình sự; “Tuyên truyền chống nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam”
theo điều 88 Bộ luật Hình sự Việt Nam.
Chị Nguyễn Thị
Bích Nga, một người đấu tranh trong nước đang cư ngụ tại Saigon, cho biết
việc người dân lên tiếng là hoàn toàn hợp lý vì họ đang bảo vệ cho quyền lợi
chính đáng của họ.
“Tôi nghĩ là hợp
lý. Người dân có quyền nói lên tiếng nói của mình, có quyền phản ảnh cho
nhà quyền biết là họ đang bức xúc, đang bảo vệ môi trường và ảnh hưởng đến quyền
lợi thiết thân của họ, miếng cơm manh áo của họ bị ảnh hưởng thế nào. Cái việc
họ biểu tình, họ xuống đường chặn quốc lộ là muốn chính quyền phải quan tâm đến
đời sống thiết thực, tiếng nói của họ. Đó là quyền của họ và họ có quyền làm
như vậy.”
Lan rộng tầm ảnh hưởng
Những người dân ấy quyết định thực hiện quyền của họ,
lên tiếng đòi lại quyền lợi thoả đáng bằng chính những điều đã quy định trong
hiến pháp. Tuy nhiên, tất cả những hành động như biểu tình ôn hoà, đệ đơn khiếu
kiện đều bị nhà cầm quyền từ chối và đàn áp.
Theo bạn Nguyễn
Phương cũng đang cư ngụ tại Saigon, những điều đó lại vô hình trung tạo
thành một ảnh hưởng khác, lớn hơn đối với dư luận. Bạn Phương chia sẻ quan điểm
của mình về lời kêu gọi “Mỗi người là một
Hoàng Bình”, “Mỗi người là một Bạch Hồng Quyền”.
“Tôi nghĩ là nó sẽ có sức ảnh hưởng vì
chúng ta thể hiện là chúng ta không có gì phải sợ hãi trước chính quyền đàn áp
bắt bớ người dân trái pháp luật. Không thể nào bắt hết
tất cả những người như Hoàng Bình. Tôi cũng có thể là một Hoàng Bình. Tôi sẽ
lên tiếng để phản đối Formosa và những hành vi sai trái của chính quyền.”
Đối với Hoàng Thành thì anh cho biết đó là việc nên
làm. Bất cứ ai lên tiếng lúc này đều là một việc làm thiết yếu để cho biết
Formosa đang ảnh hưởng đến mức nào đối với cuộc sống của người dân.
“Mình nghĩ là nên làm. Đó là một thành tố
rất tốt trong bối cảnh hiện nay. Bởi vì phía truyền thông nhà nước, trước khi
anh Bạch Hồng Quyền và anh Hoàng Bình bị truy nã thì một số trang Facebook hoặc
truyền thông nhà nước từng bôi nhọ hành động chính đáng là bảo vệ môi trường của
anh Hoàng Bình.”
Anh Nguyễn Đình Hà chia sẻ ý kiến của anh khi cho rằng:
“Chúng ta đã từng nói ‘Tôi là người Paris’, ‘Tôi
là người Berlin’ khi người dân thành phố này là nạn nhân của chủ nghĩa khủng bố.
Thì nay, với cái câu ‘Tôi là Bạch Hồng Quyền’ hay ‘Tôi là Hoàng Bình’ đã thể hiện
rằng chúng ta cùng đồng hành với những người đã mạnh dạn lên tiếng, mạnh dạn đấu
tranh để đòi lại quyền lợi cho người dân bốn tỉnh miền Trung cũng như Nghệ An
chịu hậu quả của thảm hoạ môi trường do Formosa gây nên, cũng như để chống lại
những kẻ đã và sẽ làm hại đến môi trường Việt Nam cũng như lợi ích quốc gia,
dân tộc Việt Nam.”
Thảm họa môi trường do nhà máy thép Formosa ở Vũng
Áng, Hà Tĩnh gây ra đã hơn một năm, từ tháng 4 năm 2016. Mặc dù Formosa đã nhận
lỗi và bồi thường 500 triệu USD, chính quyền Việt Nam cũng cam kết hỗ trợ tổn
thất, thiệt hại cho ngư dân, nhưng tất cả những điều đó vẫn chưa là câu trả lời
thoả đáng cho người dân. Từ đó, họ đã cùng nhau lên tiếng, và mỗi một ngày,
trong xã hội Việt Nam lại xuất hiện thêm nhiều Hoàng Bình, nhiều Bạch Hồng Quyền
khác.