24.05.2017

Nhân Quyền tại Việt Nam (24.05.2017)

Nhân Quyền tại Việt Nam
(24.05.2017)

“Truyền thống” ngăn chặn nhà hoạt động trước đối thoại nhân quyền
Bà Vũ Thuý Hà (giữa), vợ của nhà bất đồng chính kiến Phạm Hồng Sơn, bị công an ngăn cản đến gặp đại sứ Mỹ tại Hà Nội ngày 05 tháng 4 năm 2007. Chuyện này đã trở thành truyền thống hàng chục năm qua. AFP photo

Ngày 23/5, Việt Nam và Hoa Kỳ sẽ có buổi đối thoại nhân quyền lần thứ 21 tại Hà Nội. Trước khi sự kiện này diễn ra, một số nhà hoạt động và thân nhân đã bị ngăn cấm ra khỏi nhà.


Canh gác tại nhà

Một trong những nhân vật bị những người được cho là an ninh mặc thường phục “canh gác cẩn mật” là bà Nguyễn Thị Tuyết Lan, mẹ của blogger Mẹ Nấm - Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, người đang bị giam giữ vì cáo buộc tuyên truyền chống nhà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam theo điều 88 Bộ luật hình sự.

Nói với Đài RFA, bà Tuyết Lan cho biết hàng trăm an ninh mặc thường phục đã mang theo hàng rào barrier đến canh giữ nơi cư trú của gia đình bà từ sáng thứ 6, ngày 19/5 và theo dõi mọi hành động của bà. Đến chiều ngày 19/5, tổ an ninh thành phố Nha Trang đã nói với bà rằng nếu Tổng lãnh sự Hoa Kỳ, bà Mary Tarnowka có nhờ bà nhận giải Người phụ nữ can đảm Quốc tế cho blogger mẹ Nấm thì bà Tuyết Lan không được nhận.

Từ đó ngày 19 đến ngày 20 tôi đi đâu là họ theo đó. Bắt đầu đến tối 20, họ đổ xuống gia đình tôi khoảng hơn 100 người và họ nói thẳng tôi không được đi ra đường. Công an tỉnh, công an thành phố, công an phường và họ huy động tất cả những dân quân để chặn. Những chiếc xe đi vào trong hẻm nhà tôi đều bị chặn lại và họ nhìn vào trong xe, có lẽ để nhìn xem có phải bà Tổng lãnh sự hay không.

Sáng Chủ Nhật ngày 21/5, được tin bà Tổng lãnh sự rời khỏi Nha Trang, những người này mới rút lui. Tuy nhiên, bà Tuyết Lan cho biết đến chiều ngày Thứ Hai 22/5 họ nhận được tin bà Mary Tarnowka quay lại Nha Trang nên tiếp tục canh gác gia đình bà. Thời điểm chúng tôi nói chuyện với bà Tuyết Lan là khoảng 7h tối ngày 22/5 nhưng bên ngoài vẫn còn 5 an ninh canh gác, theo bà Lan cho biết.

Bà Tuyết Lan cho biết tâm trạng hiện tại của bà và các thành viên trong gia đình:

Tôi đã chọn cách im lặng để nhẫn nhục nuôi cháu. Nhưng họ làm như vậy là khủng bố tinh thần và đàn áp gia đình chúng tôi dự dội như vậy. Tôi mong sẽ được những nhà bảo vệ nhân quyền chú ý đến vì tôi hơn 60 tuổi rồi còn phải nuôi mẹ già, nuôi cháu nhỏ và con trong tù nhưng chúng tôi không hề có chút tự do hay nhân quyền cho người dân như chúng tôi.

Blogger Mẹ Nấm - Nguyễn Ngọc Như Quỳnh vừa được Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ vinh danh và trao giải thưởng “Phụ nữ Can đảm Quốc tế” hồi cuối tháng 3 vừa qua vì những nỗ lực vượt trội trong việc đấu tranh và thúc đẩy các quyền cơ bản của người dân Việt Nam. Blogger này bị công an bắt tại nhà vào ngày 10 tháng 10 năm 2016.

Hoa Kỳ cũng từng nhiều lần yêu cầu Việt Nam phải trả tự do đối với nữ blogger này.

Ngoài trường hợp mẹ của Blogger Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, nhà báo Phạm Đoan Trang ở Hà Nội cũng bị an ninh mặc thường phục canh giữ xung quanh nhà từ ngày 19/5:

Trước cửa nhà tôi lúc nào cũng có ít nhất khoảng 3 người và họ có nhiều ca thay nhau. Đó là trước cửa nhà, còn ở dưới cổng và dưới tầng 1 tôi không biết là bao nhiêu người nhưng tôi nghĩ cũng phải đến hơn một chục. Họ ngồi suốt ngày đêm, cả đêm cũng ngồi. Chắc là sợ ban đêm tôi bỏ trốn. Sáng hôm qua là Chủ nhật, tôi có đưa bà cụ đi đám tang một người thân nhưng họ không cho đi.

Khi các bạn trẻ đến chỗ tôi thì họ đã ra gây sự. Các bạn ấy đã chất vấn rằng tại sao không cho tôi đi đâu cả và họ đã gây sự rồi tát một bạn. Hai bên đã có xô xát. Hàng chục người kéo đến cùng với côn đồ, họ vây nhà và đe dọa nên các bạn trẻ phải rút lui.

Nhà hoạt động Thảo Teresa, một trong những người tới thăm nhà báo Đoan Trang hôm thứ Bảy 20/5, cho chúng tôi biết thêm tình hình:

Mình đến nhà Đoan Trang hôm vừa rồi thì không khí rất căng thẳng, ngột ngạt, giống như khủng bố. Công an mặc thường phục ngồi rải rác xung quanh khu chung cư đó và trên cầu thang. Xung quanh hành lang mật vụ an ninh ra vào rất đông, cả nam và nữ và chúng đe dọa mình rằng nếu không cút vê thì nó đánh. Họ dùng những lời lẽ hết sức mất dậy và vô văn hóa.

Không cho ra khỏi nhà

Ngoài gia đình blogger Mẹ Nấm, nhà báo Đoan Trang, một số nhà hoạt động xã hội và bất đồng chính kiến khác như Tiến sĩ Nguyễn Quang A, thành viên Diễn đàn Xã hội Dân sự và bác sĩ Nguyễn Đan Quế, Chủ tịch Cao trào Nhân bản, cũng bị an ninh canh gác cẩn mật, không cho ra khỏi nhà.

Đây không phải là lần đầu tiên nhà báo Đoan Trang bị giam lỏng tại gia, mà theo cô, chuyện này xảy ra “như cơm bữa”. Trong chuyến thăm Việt Nam của cựu Tổng thống Hoa Kỳ Barrack Obama hồi tháng 5 năm ngoái, cô cũng bị an ninh chặn không cho đến gặp Tổng thống mặc dù đã được đích thân Tổng thống Obama gửi thư mời trước đó.

Cũng trong dịp đó một loạt các nhà hoạt động khác cũng bị giam giữ không cho đến gặp Tổng thống Obama như Tiến sĩ Nguyễn Quang A, luật sư Hà Huy Sơn,…

Việc các nhà hoạt động và thân nhân bị giam lỏng lần này được cho là có liên quan đến buổi Đối thoại nhân quyền Việt Mỹ lần thứ 21 diễn ra vào ngày 23/5 tại Hà Nội. Tại cuộc đối thoại năm 2013, hai nhà hoạt động dân chủ là Phạm Hồng Sơn và luật sư Nguyễn Văn Đài đã được Hoa Kỳ mời tham gia đối thoại nhưng đều bị chặn, không thể tham dự.

Nhà báo Đoan Trang cho rằng Chính quyền Việt Nam sợ những người bất đồng chính kiến sẽ tới gặp các phái đoàn Hoa Kỳ và trình bày về thực trạng nhân quyền ở Việt Nam. Theo cô, đó là lý do những người như cô bị canh giữ trong những dịp như thế này.

Tháng 3 năm nay Hoa Kỳ đã công bố báo cáo về tình hình nhân quyền năm 2016 ở Việt Nam, trong đó nêu rõ Việt Nam cấm đoán chặt chẽ quyền chính trị của người dân, giới hạn quyền tự do của công dân bao gồm tự do hội họp, ngôn luận; và đánh giá tình trạng giam giữ tùy tiện các nhà hoạt động chính trị là một vấn đề nghiêm trọng.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam sau đó đã lên tiếng bác bỏ những cáo buộc này và cho rằng báo cáo thiếu khách quan, không phản ánh đúng tình hình thực tế ở Việt Nam.

Ông Scott Busby, Phụ tá Thứ trưởng Ngoại giao phụ trách Dân chủ, Nhân quyền và Lao động hôm 11 tháng 5 cho đài Á châu Tự do biết tại buổi đối thoại nhân quyền với Việt Nam năm nay, Hoa Kỳ sẽ tiếp tục bày tỏ lo ngại về việc chính phủ Việt Nam hạn chế quyền tự do ngôn luận, tự do hội họp và giam cầm những người thực hiện những quyền tự do đó. Ngoài ra, Hoa Kỳ cũng sẽ gửi Việt Nam danh sách những tù nhân chính trị mà họ yêu cầu Việt Nam cần thả tự do ngay lập tức.

Cũng theo ông Busby, hiện Việt Nam vẫn đang giam giữ khoảng hơn 90 tù nhân chính trị.

Lan Hương (RFA)


Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam công bố báo cáo nhân quyền 2016-2017
Thành viên Ban Phối Hợp MLNQVN trong buổi công bố báo cáo nhân quyền tại VN 2016-2017, từ trái, ông Đỗ Anh Tài, Giáo Sư Nguyễn Thanh Trang, Tiến Sĩ Nguyễn Bá Tùng, và ông Nguyễn Bá Lộc. Photo: Ngoc Lan

Trái ngược với tuyên truyền của chính quyền Việt Nam cho rằng tình hình nhân quyền đang được cải thiện, báo cáo nhân quyền thường niên của Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam (MLNQVN) trong năm 2016 và ba tháng đầu năm 2017 vạch rõ nhiều diễn biến suy thoái trong tất cả các lãnh vực kinh tế, xã hội, và văn hoá tại quê nhà.

Bản báo cáo nhân quyền thường niên được đại diện MLNQVN công bố trong buổi tiếp xúc với giới truyền thông Little Saigon vào sáng Chủ Nhật, 21 Tháng Năm, tại Thư Viện Việt Nam Toàn Cầu, ở thành phố Westminster, miền Nam California.

Nói về mục đích của báo cáo nhân quyền, Tiến Sĩ Nguyễn Bá Tùng, trưởng Ban Phối Hợp MLNQVN, cho biết:

“Đây là bản báo cáo thường niên thứ 8, điều mà chúng tôi đã thực hiện từ năm 2009. Bản báo cáo thường niên của MLNQVN nhằm mục đích thứ nhất là trình bày cho dư luận thế giới biết về tình trạng nhân quyền tại Việt Nam. Thứ hai là cung cấp những tài liệu cho các tổ chức đấu tranh nhân quyền mỗi lần họ tiếp xúc với các tổ chức nhân quyền quốc tế, bởi vì vậy chúng tôi đã in thành hai ấn bản, một ấn bản bằng tiếng Anh, một ấn bản bằng tiếng Việt. Bản tiếng Anh để giúp cho vấn đề giao dịch với các tổ chức nhân quyền quốc tế cũng như các chính phủ.”

Giáo sư Nguyễn Thanh Trang, Tiến sĩ Nguyễn Bá Tùng, ông Đỗ Anh Tài và ông Nguyễn Bá Lộc đại diện cho Ban Phối Hợp MLNQVN lần lượt trình bày vắn tắt 8 vấn đề được nêu trong bản báo cáo, bao gồm Quyền sống, quyền tự do và an ninh thân thể, Quyền được toà án độc lập xét xử công bằng và vô tư, Quyền được tham gia đời sống chính trị quốc gia, Quyền tự do phát biểu và tự do ngôn luận, Quyền tự do tôn giáo và thờ phượng, Quyền được đối xử bình đẳng không kỳ thị, Quyền được làm việc và hưởng thụ thành quả lao động, và Quyền được hưởng an sinh xã hội.

Cách thức để thực hiện bản báo cáo, theo Tiến Sĩ Nguyễn Bá Tùng, là “nhờ sự phối hợp giữa MLNQVN và một số nhà hoạt động nhân quyền trong nước”:

Ấn bản Báo cáo Nhân quyền tại Việt Nam 2016-2017 bằng tiếng Anh.Photo by Ngoc Lan

“Cách thức để chúng tôi thực hiện bản báo cáo này là nhờ sự phối hợp giữa MLNQVN và một số nhà hoạt động nhân quyền trong nước. Những tài liệu chúng tôi dùng là những tài liệu mở, nghĩa là người đọc có thể kiểm chứng được những điều chúng tôi nói trong bản báo cáo. Những tài liệu này hoặc do những nhà đấu tranh trong nước đưa ra và chúng tôi đã kiểm chứng qua những thông tin chính thức của trong và ngoài nước.”

Bản Báo Cáo Nhân Quyền thường niên của MLNQVN còn cập nhật danh sách của 145 tù nhân lương tâm còn bị giam giữ và 37 tù nhân lương tâm còn bị quản chế đến ngày 30 Tháng Ba, 2017.

Trong buổi họp báo này, ông Tùng còn cho biết, ngoài giải thưởng Nhân Quyền được trao hằng năm, mỗi tháng một lần, MLNQVN còn thu xếp tài chánh để trao giải Phóng Viên Vỉa Hè, tức trao cho tác giả của những video clip được thực hiện để nói về vấn đề đấu tranh nhân quyền, chứ không phải nhân vật được nêu trong các video clip đó.

Với bản báo cáo này, MLNQVN không những muốn báo động dư luận thế giới về tình hình nhân quyền tồi tệ tại Việt Nam hiện nay, mà còn yêu cầu nhà cầm quyền CSVN chấm dứt những vi phạm đã tồn tại trong nhiều năm qua đồng thời phải bồi thường xứng đáng những thiệt hại gây ra cho nhân dân và các tập thể quần chúng. MLNQVN cũng ước mong các chính quyền dân chủ và yêu chuộng tự do và các tổ chức nhân quyền quốc tế có thái độ thích đáng đối với Việt Nam vì những thành tích tệ hại về nhân quyền của họ; đặc biệt cần ngăn cản việc chính quyền Việt Nam làm hoen ố uy tín của Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc khi họ lạm dụng tư cách thành viên của hội đồng.

Nói về những thành quả mà MLNQVN làm được trong hai thập niên qua, Tiến sĩ Nguyễn Bá Tùng phát biểu:

Mục đích chính của MLNQVN khi được thành lập là để hỗ trợ cho các nhà đấu tranh trong nước và để thực hiện mục đích đó thì hằng năm chúng tôi có tổ chức một giải Nhân Quyền từ năm 2002. Giải Nhân Quyền có mục đích để tuyên dương những hoạt động đấu tranh trong nước. Và để hỗ trợ các nhà đấu tranh trong nước, chúng tôi cũng có những công việc khác, chẳng hạn như hỗ trợ về tài chánh, nhưng quan trọng nhất là hỗ trợ tinh thần. Chúng tôi kết nối được trong nước và hải ngoại, đó là điều chúng tôi thành công.

Còn việc hiệu quả như thế nào, feedback tùy sự đánh giá của người ngoài. Nhưng năm nay chúng tôi có một điều vui là vào ngày Thứ Bảy tới, có một tổ chức nhân quyền ở Mỹ trao giải cho MLNQVN vì họ nói rằng MLNQVN đã tích cực trong 20 năm qua để vận động vấn đề nhân quyền cho Việt Nam. Tôi nghĩ đó là đánh giá của người ngoại quốc.”

Ngọc Lan (RFA)



Ân Xá Quốc tế lên tiếng về tù nhân Trần Huỳnh Duy Thức
Nhà hoạt động dân chủ Trần Huỳnh Duy Thức tại Tòa án Nhân dân thành phố Sài Gòn  vào ngày 20 tháng 1 năm 2010.  AFP photo

Tổ chức Ân xá quốc tế, Amnesty International, có trụ sở tại Anh Quốc viết thư ngỏ gửi cho ông Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an Việt Nam về trường hợp tù nhân lương tâm Trần Huỳnh Duy Thức.

Tổ chức Ân xá quốc tế kêu gọi các cơ quan quản lý nhà tù Việt Nam dành cho ông Thức sự đối xử tôn trọng và những điều kiện vật chất tối thiểu theo chuẩn mực quốc tế.

Theo Tổ chức Ân xá quốc tế, tại trại giam số sáu ở tỉnh Nghệ An, nơi ông Thức đang bị giam, phòng giam của ông không đủ ánh sáng cần thiết, và những người quản lý trại giam lại không cho phép gia đình ông Thức gửi đèn điện thêm cho ông.

Ngoài ra Tổ chức Ân xã quốc tế còn cho rằng từ khi thi hành án tù tới nay, ông Thức bị chuyển trại nhiều lần, mà không báo trước cho gia đình. Việc ông Thức bị chuyển trại ngày càng xa gia đình ông, theo Ân xá quốc tế, là trái với một điều khoản do Liên hiệp quốc qui địnhlà tù nhân phải được giam giữ ở nơi gần gia đình nhất có thể.

Ông Trần Huỳnh Duy Nhất là một kỹ sư, doanh nhân, thành đạt tại Thành phố Hồ Chí Minh. Ông là một trong những người sáng lập tổ chức Con đường Việt Nam để dân chủ hóa đất nước bằng những cải cách hòa bình.

Năm 2008 ông và ba đồng sự là Luật sư Lê Công Định, Kỹ sư Lê Thăng Long, và Thạc sĩ Tin học Nguyễn Tiến Trung bị ra tòa với tội danh Âm mưu lật đổ chính quyền theo điều 79 Bộ Luật hình sự Việt Nam. Ông Thức bị kết án 16 năm tù giam và 5 năm quản chế sau khi ra tù. Tổ chức Ân xá quốc tế gọi phiên tòa này là không công bằng vì thời gian xử rất ngắn, và có khả năng bản án đã chuẩn bị trước khi các quan tòa hội ý để nghị án.


Phạm Thanh Nghiên vào chung cuộc giải nhân quyền 2017
Cựu tù nhân chính trị Phạm Thanh Nghiên.  Courtesy of danlambao

Cựu tù nhân chính trị Phạm Thanh Nghiên được đưa vào danh sách chung cuộc 5 người cho giải thưởng ‘Những nhà Bảo vệ Tuyến đầu năm 2017’ vì những đóng góp, xả thân cho cộng đồng.

Bốn người khác thuộc các quốc gia Nicaragua, Ukraine, Nam Phi và Kuwait.

Năm người được chọn lựa từ 142 người thuộc 56 quốc gia khác nhau.
Ông Andrew Anderson, người đứng đầu tổ chức Những nhà Bảo vệ Tuyến đầu’ nói rằng năm người được trao giải thưởng là những người rất can đảm trong cuộc đấu tranh dù bản thân họ phải đương đầu với sự đe dọa tính mạng.

Lễ trao giải sẽ được tổ chức vào ngày thứ sáu, 26 tháng năm tới đây tại Tòa thị sảnh thủ đô Dublin của nước Cộng hòa Ái Nhĩ Lan (Ireland).

Bà Phạm Thanh Nghiên, bị án tù 4 năm vào năm 2010 ở Hải Phòng, vì tham gia đấu tranh chống những hành động bắn giết ngư dân Việt Nam của Trung cộng trên biển Đông.

Sau khi ra tù, bà vẫn tiếp tục đấu tranh bằng các phương tiện truyền thông như là một blogger, và vẫn thường xuyên bị các cơ quan công quyền sách nhiễu. Bà hiện đang sống cùng gia đình tại thành phố Sài Gòn.




Bình luận về Đối thoại Nhân quyền Việt - Mỹ

BBC ghi nhận ý kiến của giới quan sát về cuộc đối thoại nhân quyền Việt - Mỹ lần thứ 21 diễn ra tại Hà Nội hôm 23/5.

Bản quyền hình ảnh OTHER Image caption Các cuộc biểu tình chống Trung cộng hoặc Formosa thường bị chính quyền ngăn cản

Bà Virginia Bennett, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ, phụ trách Dân chủ, Nhân quyền và Lao động, dẫn đầu phái đoàn Hoa Kỳ trong lúc phía Việt Nam do ông Vũ Anh Quang, Vụ trưởng Vụ Các Tổ chức Quốc tế, đứng đầu.

Thông cáo do Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ phát đi cho hay: "Việc thúc đẩy nhân quyền là phần quan trọng trong chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ và là khía cạnh chủ chốt trong cuộc đối thoại liên quan đến chiến lược hợp tác toàn diện Việt - Mỹ".

Hôm 23/5, trả lời BBC từ Hà Nội, nhà báo Phạm Thành nói: "Tôi không tin là Hà Nội thực lòng muốn đối thoại về nhân quyền mà chỉ muốn tìm cách che đậy bộ mặt phi dân chủ của họ thôi."

"Cứ nhìn vào cách hành xử của chính quyền với những tiếng nói đối lập thì thấy."

"Bản thân tôi và các nhà hoạt động khác ở Hà Nội như nhà báo tự do Đoan Trang đã bị canh nhà từ hôm kia đến nay."

"Từ thời Hoàng Minh Chính đến các nhà hoạt động, blogger bị bắt gần đây như Thúy Nga, Mẹ Nấm đều là những tiếng nói phản biện ôn hòa nhưng lại bị tống giam."

"Thậm chí có trường hợp như luật sư Nguyễn Văn Đài đã quá thời hạn tạm giam nhưng vẫn chưa đưa ra xét xử."

"Ngoài ra là việc chính quyền không muốn trao cho người dân quyền biểu tình khi luật Biểu tình cả chục năm vẫn không được thông qua."

Chủ blog Bà Đầm Xòe cũng cho biết thêm: "Nhưng tôi tin là chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ gây áp lực thật sự cho Hà Nội về vấn đề nhân quyền, vì ông ấy là nhà chính trị, nhà kinh tế thực dụng."

"Nhất là trong bối cảnh lòng tin của người dân đang giảm sút, thượng tầng chính trị Việt Nam đang đấu đá và cả thế giới đều đưa điều kiện nhân quyền khi Hà Nội muốn hợp tác thương mại."

Bản quyền hình ảnh  OTHER  Image caption  Blogger Mẹ Nấm là một trong 13 người được Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ trao giải Phụ nữ Quả cảm Quốc tế 2017 nhưng bà đang bị giam giữ

'Nhiều vi phạm'

Ông Thomas J. Reese, S.J., Chủ tịch Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ (USCIRF) bình luận với BBC: "Đối thoại Nhân quyền Hoa Kỳ - Việt Nam là một trong những công cụ song phương nhằm đảm bảo rằng các quyền như tự do tôn giáo được coi trọng."

"Với việc chính phủ Việt Nam nói họ sẵn sàng rõ ràng để Hoa Kỳ và các bên quốc tế khác tham gia về quyền tự do tôn giáo và các quyền con người, chính phủ Hoa Kỳ nên tiếp tục khuyến khích điều này trong bối cảnh Đối thoại Nhân quyền và các diễn đàn khác."

"Dự thảo Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo mới của Việt Nam dù có những cải tiến nhưng vẫn còn thiếu sót và chưa phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế."
"Vì nó chưa được thực thi, nhiều tổ chức tôn giáo và tín đồ vẫn hoài nghi và quan ngại về việc luật sẽ ảnh hưởng thế nào đến việc họ thực hiện quyền tự do tín ngưỡng."

"USCIRF nhận thấy rằng có nhiều vi phạm về tự do tôn giáo ở nhiều địa phương tại Việt Nam."

"Vì những lý do này, Báo cáo thường niên năm 2017 của USCIRF một lần nữa đề nghị đưa Việt Nam vào danh sách CPC [Các quốc gia đặc biệt đáng quan ngại] vì những vi phạm tự do tôn giáo "có hệ thống, liên tục và trầm trọng".

"Một khía cạnh đáng quan tâm của cuộc đối thoại năm nay là thiếu vắng Đại sứ Lưu động về Tự do Tôn giáo quốc tế Hoa Kỳ và chỉ có sự tham gia của một đại diện Văn phòng Tự do Tôn giáo Quốc tế của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ."

"Việc này gửi tín hiệu sai trong bối cảnh Hoa Kỳ cần nhất quán khuyến khích Việt Nam tiếp tục thực hiện cải tiến tự do tôn giáo."

Trong khi đó, bà Hiền Vũ, từ Viện Liên kết toàn cầu (Institute for Global Engagement - IGE) đặt ở Mỹ, tỏ ra lạc quan hơn khi nói với BBC.
"Nếu cả chính phủ Mỹ và Việt Nam công nhận rằng có quan hệ trực tiếp giữa tiến bộ nhân quyền và tiến bộ trong thương mại, đầu tư và hợp tác quân sự, và họ hành động, thì tôi tin sẽ có tác động tích cực và cụ thể."

Trả lời BBC, ông Josef Roy Benedict, Phó Giám đốc Văn phòng Đông Nam Á và Thái Bình Dương của Amnesty (Tổ chức Ân xá Quốc tế) cho hay: "Bên cạnh Mỹ, Việt Nam cũng có các cuộc đối thoại với Úc, EU, Na Uy và Thụy Sỹ. Tuy Hà Nội sẵn sàng tham gia các cuộc đối thoại, họ vẫn chưa cho thấy rõ cam kết cải cách thật sự về các chính sách để đưa nó phù hợp với luật nhân quyền quốc tế."

"Việt Nam đã ký kết các công ước quốc tế về quyền con người. Nhưng thực tế thì các nhà bảo vệ nhân quyền và các nhà hoạt động môi trường, tôn giáo tại nước này đang bị sách nhiễu và khủng bố."

"Tổ chức Ân xá Quốc tế ước tính hiện có khoảng 90 tù nhân lương tâm ở Việt Nam đang bị cầm tù vì thực hiện các quyền tự do ngôn luận."

"Nhiều người trong số này bị biệt giam, khước từ việc được điều trị y tế."
"Hoa Kỳ phải đảm bảo rằng Việt Nam sẽ có những bước cụ thể về việc trả tự do cho các tù nhân lương tâm và cam kết công khai về việc chấm dứt tình trạng hình sự hóa, sách nhiễu và hăm dọa và các nhà hoạt động nhân quyền."

Liên quan đến việc bắt giữ những nhà hoạt động và blogger, Việt Nam luôn khẳng định "tôn trọng nhân quyền" và chỉ bắt giữ những người vi phạm pháp luật.

BBC Tiếng Việt