21.05.2017

Đối thoại nhân quyền Việt Mỹ lần thứ 21 tại Hà Nội tuần tới

Đối thoại nhân quyền Việt Mỹ lần thứ 21 tại Hà Nội tuần tới

Người dân biểu tình phản đối vụ bắt nhà hoạt động Hoàng Đức Bình tại Diễn Châu, Nghệ An, ngày 15/5/2017.

Đối thoại nhân quyền Việt Mỹ lần thứ 21 sẽ diễn ra tại Hà Nội vào ngày 23 tháng 5 tới đây. Thông cáo báo chí của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết như vậy vào hôm 19/5.


Đại diện phía Mỹ tham gia đối thoại lần này là quyền Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ phụ trách vấn đề dân chủ, nhân quyền và lao động, bà Virginia Bennett. Đại diện phía Việt Nam là ông Vũ Anh Quang, Vụ trưởng Vụ các tổ chức quốc tế.

Theo Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, đối thoại lần này giữa hai nước sẽ thảo luận một loạt các vấn đề bao gồm tầm quan trọng của việc tiếp tục quá trình đổi mới luật pháp, pháp quyền, tự do biểu đạt, tự do lập hội và tụ họp, tự do tôn giáo, quyền của người lao động, người tàn tật, chống kỳ thị, hợp tác đa phương và một số trường hợp cá nhân đáng quan tâm.

Trong thông cáo của mình, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ khẳng định vấn đề nhân quyền là một phần quan trọng trong chính sách ngoại giao của Mỹ và những tiến bộ đạt được trong các vấn đề nhân quyền sẽ giúp cho quan hệ hai nước đạt được tiềm năng như mong muốn.

Trước đó, phát biểu tại buổi lễ kỷ niệm ngày nhân quyền cho Việt Nam, 11 tháng 5 tại Washington DC, Phó Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ phụ trách các vấn đề dân chủ, nhân quyền và lao động, cho biết tại đối thoại lần này, Hoa Kỳ sẽ yêu cầu Việt Nam phải trả tự do cho tất cả những tù nhân chính trị.

Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, Việt Nam hiện vẫn giam giữ hơn 90 tù chính trí. Việt Nam luôn bác bỏ có tù chính trị bị giam giữ ở Việt Nam.

Trả lời VOA, nhà hoạt động Trịnh Bá Phương, con trai của nhà đấu tranh về quyền đất đai Cấn Thị Thêu - người hiện đang chịu án 20 tháng tù giam vì “gây rối trật tự công cộng,” nói:
Tôi tin là luật chế tài của Hoa Kỳ là lực thúc đẩy cho nhân quyền Việt Nam và ủng hộ cho các phong trào đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền.”
Anh hy vọng phía chính quyền Mỹ trong cuộc đối thoại sắp tới sẽ “không nhân nhượng Việt Nam nữa,” vì theo đánh giá của anh, tình trạng đàn áp nhân quyền trong nước đang có chiều hướng gia tăng.
Tin tức phổ biến trên mạng cũng cho biết, Việt Nam hiện đang  làm mọi cách để siết chặt thêm việc kiểm soát thông tin mạng. Theo đó, Bộ Công an tập trung vào công tác bao gồm ngăn chặn các trang web, trang blog có nội dung xấu, phản động; chủ động tấn công các đối tượng và mục tiêu trên không gian mạng; tuyên truyền và phản bác các quan điểm thù địch, sai trái đối với đảng và nhà nước.