21.05.2017

Tin Tổng Hợp liên quan đến Biển Đông và Trung Cộng (ngày 21.05.2017)

Tin Tổng Hợp liên quan đến Biển Đông và Trung Cộng (ngày 21.05.2017)

Tác động của thỏa thuận khung về Biển Đông

Thỏa thuận khung giữa Trung cộng với các nước ASEAN về Bộ Quy tắc Ứng xử Biển Đông đánh dấu bước tiến quan trọng tiến tới việc giảm nhiệt căng thẳng tại vùng biển chiến lược này, theo giới phân tích ngày 19/5.
Các chuyên gia nói dù chi tiết thỏa thuận đạt được hôm nay chưa được tiết lộ, nhưng đây là dấu hiệu có tiến bộ trong việc tiến tới một Bộ Quy tắc chung cuộc mà các bên đã cam kết 15 năm trước.


Đối với Trung cộng, Bộ Quy tắc Ứng xử là phương tiện để đạt mục đích cản chân Hoa Kỳ và các đồng minh của Mỹ can thiệp vào chuyện Biển Đông trên danh nghĩa quyền tự do hàng hải hay duy trì ổn định khu vực, chuyên gia khu vực, Huang Jing, từ Trường Chính sách Công Lý Quang Diệu thuộc Đại học Quốc gia Singapore.

Trung cộng có thể tuyên bố ‘Nhìn đây, chúng tôi đã đạt thỏa thuận và tự kìm chế, Mỹ hay các nước khác không cần nhúng tay vào chuyện của chúng tôi nữa,” ông Huang nhận định.

Vẫn theo lời ông, thỏa thuận này thích hợp với mục tiêu của Trung cộng là kiểm soát tranh chấp hơn là giải quyết tranh chấp và Bắc Kinh vẫn đinh ninh rằng cuối cùng sẽ đạt được giải pháp thông qua các cuộc đàm phán tay đôi.

Đối với 10 nước ASEAN, thỏa thuận tạo điều kiện để ngưng các bước tiến sâu hơn nữa từ Trung cộng trong lúc Mỹ chuyển trọng tâm ra khỏi khu vực với việc hủy bỏ Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương TPP, chuyên gia này nói thêm.

Thứ trưởng Ngoại giao Trung cộng, Lưu Chấn Dân, nói văn bản của khung thỏa thuận vẫn được giữ kín. Phi Luật Tân cho biết văn kiện sẽ được đưa cho Ngoại trưởng các nước xem xét vào tháng 8 tới đây.

Nhà phân tích Huang Jing cho rằng ‘Các nước ASEAN biết rõ không thể đối chọi với Trung cộng hay trông cậy vào Mỹ, cho nên tốt hơn hết là làm việc với Trung cộng để bình ổn thực trạng.

Trong khi chuyên gia Huang Jing xem thỏa thuận khung này là ‘tiến bộ rất đáng kể,’ nhà nghiên cứu Ian Storey tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ở Singapore nói đây chỉ là ‘một bước tiến nhỏ’ dựa vào bản thảo nhất trí hồi tháng 3.

Ông Storey nói bản thảo đó chẳng kêu gọi một Bộ Quy tắc mang tính ràng buộc pháp lý như ASEAN mong muốn, thành ra tác động sẽ không đáng kể.
Đáp câu hỏi liệu thỏa thuận đó có mang tính ràng buộc pháp lý hay không, Thứ trưởng Ngoại giao Trung cộng nói ‘Tôi chưa thể có câu trả lời dứt khoát vào lúc này.’

Tuy nhiên, ông Lưu Chấn Dân cho biết thỏa thuận vừa kể sẽ là nền tảng vững chắc cho các cuộc thương thuyết sau này.



Khó thi hành Bộ qui tắc ứng xử Biển Đông 
Tổng thống Phi Luật Tân Rodrigo Duterte phát biểu với báo chí sau khi hội nghị thượng đỉnh lần thứ 30 của ASEAN kết thúc tại Manila,ngày 29/4/2017.

Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á và Trung cộng ngày 18/5 đã hoàn tất dự thảo khung để thương lượng về Bộ Quy tắc Ứng xử Biển Đông, Các nước Đông Nam Á có tuyên bố chủ quyền chồng chéo tại Biển Đông từ lâu muốn Trung cộng ký một bộ qui tắc có tính cách ràng buộc pháp lý và thực thi được. Hiện chưa rõ điều này có được đề cập đến trong khung dự thảo hay không vì nội dung chi tiết chưa được công bố.
Bộ trưởng Ngoại giao Phi Luật Tân Alan Peter Cayetano hạ giảm tầm quan trọng của một thỏa thuận có tính ràng buộc về phương diện pháp lý.
“Nếu đó là một thỏa thuận ràng buộc pháp lý, các bên có thể đưa ra tòa án nào? Và những quốc gia không tuân thủ, liệu họ có tôn trọng phán quyết của tòa án đó hay không?” ông Cayetano nêu vấn đề.
Năm ngoái, Tòa án Trọng tài Thường trực tại La Haye, quyết định vô việu hóa bản đồ lưỡi bò của Trung cộng trong một vụ kiện về ranh giới biển mà chính phủ trước của Phi Luật Tân đệ nạp năm 2013.
Một bộ qui tắc ứng xử là mục tiêu chính yếu của Tuyên bố Ứng xử năm 2002, mà phần lớn tuyên bố này đã bị Trung cộng phớt lờ, đặc biệt là cam kết không chiếm hay lấy đất lấn biển những vùng không có người ở.
Trung cộng đã lấp cát trên các vĩa san hô để xây dựng 7 đảo nằm trong quần đảo Trường Sa. Mọi việc chưa hoàn tất và ba bãi đá đã bị Trung cộng biến thành căn cứ tiền phương, theo nhận xét của các chuyên gia.
Khung qui tắc ứng xử có thể bao gồm một đường dây nóng 24/24 và thúc đẩy các giới chức quốc phòng tìm cách thuân thủ qui tắc, ông Chee Wee Kiong thuộc Bộ Ngoại giao Singapore cho biết hôm 18/5.
Một số nhà ngoại giao lo ngại là việc Trung cộng bất chợt quan tâm đến việc hoàn tất bộ quy tắc có thể là một chiến lược mua thời gian giúp Trung cộng kết thúc các hoạt động xây dựng.
Các chuyên gia nói Trung cộng muốn làm ra vẻ như giao tiếp với ASEAN hay ràng buộc các nước đòi chủ quyền với một bộ qui tắc ứng xử ‘mềm’ hơn giữa lúc chính sách của Hoa Kỳ về Biển Đông chưa rõ ràng.
Một nhà ngoại giao ASEAN nói dự thảo cuối cùng không đề cập đến cơ chế giải quyết tranh chấp nào hay chế tài những vi phạm, nhưng chú trọng hầu hết vào việc quản lý căng thẳng và xây dựng lòng tin.
“Chúng tôi rất thực tế và rõ ràng,” nguồn tin ẩn danh của Reuters cho biết. “Trước nhất chúng tôi muốn gặt hái những gì trong tầm tay. Nếu chúng tôi đi thẳng vào vấn đề tranh cãi, chúng tôi sẽ không đến nơi chúng tôi đang đứng hiện nay.”
Dự thảo khung là một tiến bộ, nhưng chúng ta cũng nên thực tế trong kỳ vọng của mình, ông Jay Batongbacal, một học giả Phi Luật Tân và là một chuyên gia về Biển Đông, nhận xét.




Nam Dương tập trận rầm rộ tại vùng Natuna nhìn ra Biển Đông

Đảo Natuna. Ảnh chụp từ trên không.DR
Lần thứ hai trong vòng bảy tháng, Quân Đội Nam Dương vào hôm qua, 19/05/2017 đã lại tổ chức một cuộc tập trận lớn nhằm phô trương lực lượng tại vùng quần đảo Natuna, nơi có vùng biển bị đường lưỡi bò Trung cộng gặm nhấm và thường xẩy ra va chạm giữa tàu thuyền hai bên.
 Theo nhật báo Nam Dương The Jakarta Post, có khoảng 5.900 binh lính trong lực lượng phản ứng nhanh của Quân Đội Nam Dương, cao hơn gấp ba lần so với con số khoảng 2.000 quân được huy động vào cuộc tập trận không quân Angkasa Yudha, cũng được tổ chức tại Natuna tháng 10 năm ngoái. Cuộc tập trận còn huy động đến chiến đấu cơ, xe tăng và chiến hạm.
Cuộc tập trận này nhấn mạnh đến chính sách của tổng thống Nam Dương Joko Widodo muốn tăng cường lực lượng bảo vệ các vùng biên giới trên biển nhằm bảo vệ chủ quyền hàng hải của Nam Dương chống lại tệ nạn buôn lậu ma túy và đánh trộm cá.
Vùng Natuna rất được Jakarta quan tâm vì một phần khu vực đặc quyền kinh tế của Nam Dương quanh quần đảo này đã bị Bắc Kinh đưa vào bên trong đường lưỡi bò mà họ vẽ ra để đòi chủ quyền trên hầu như toàn bộ Biển Đông.
Phát biểu sau khi đến tận nơi quan sát cuộc tập trận, tổng thống Nam Dương khẳng định : « Cho dù là ở trên bộ, trên không hay trên biển, quân đội Nam Dương đều sẵn sàng khi đất nước cần đến ».
Cũng hôm qua, quân đội Phi Luật Tân và Mỹ đã kết thúc cuộc tập trận song phương thường niên Balikatan (Vai Kề Vai), kéo dài 12 ngày.
Cũng tại Biển Đông, Hoa Kỳ và Nhật Bản hôm 18/05/2017 cũng đã hoàn tất cuộc tập trân mang tên PASSEX, huy động chiến hạm lớn nhất của Hải Quân Nhật Bản là tàu chở trực thăng JS Izumo cùng với khu trục hạm JS Sazanami, và tàu cận chiến duyên hải USS Coronado của Mỹ.
Trong bản thông cáo công bố hôm 19/05, Hải Quân Mỹ nêu bật là cuộc tập trận chung này đã cho phép hai bên cải thiện năng lực tương tác để sẵn sàng đối phó với các tình huống xung đột hoặc cứu trợ nhân đạo.
RFI

Đài Loan muốn tham dự các cuộc thương lượng về Biển Đông
Mâu thuẫn Biển Đông phải giải quyết một cách ôn hòa và thảo luận về phát triển-khai thác chung trong khu vực phải có cả Đài Loan, đại diện của Đài Loan tới Phi Luật Tân, Gary Lin, tuyên bố hôm 19/5.
Phát biểu trước báo giới Phi Luật Tân, ông Lin nói Đài Loan luôn cổ súy cho việc giải quyết tranh chấp Biển Đông ôn hòa và rằng chớ nên tiến hành các cuộc thảo luận, thương lượng về Biển Đông mà không có Đài Loan.
Trước đó một ngày, Trung cộng và các nước ASEAN nhất trí soạn thảo khung sườn Bộ Quy tắc Ứng xử Biển Đông.
Nhà ngoại giao của Đài Loan kêu gọi chớ nên bỏ Đài Loan ra ngoài cuộc và rằng Đài Loan phải là một thành viên trong bàn thương thuyết.
Khẳng định chủ quyền của Đài Loan tại các đảo trên Biển Đông, ông Lin lặp đi lặp lại rằng các cuộc thương lượng trong vùng tranh chấp sẽ không đầy đủ nếu thiếu sự hiện diện của Đài Loan.
“Là một thành viên ở Biển Đông, Đài Loan nên được tham gia trong các cơ chế đa phương tìm cách giải quyết tranh chấp trong vùng,” ông Lin nhấn mạnh.
Ông Lin gửi thông điệp tới tất cả các bên có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông rằng Đài Loan sẵn sàng tham gia đối thoại với các nước để cùng cổ súy hòa bình-ổn định khu vực.
CNA/GMA News


Trung cộng ‘có động thái lập vùng kiểm soát ở Biển Đông’
Trung cộng đã triển khai tên lửa địa không HQ-9 tới đảo Hải Nam ở phía bắc Biển Đông, theo Kyodo News dẫn báo cáo từ Công ty ảnh vệ tinh ImageSat International (ISI) của Israel ngày 20.5. 
Trung cộng từng triển khai phi pháp tên lửa HQ-9 đến đảo Phú LâmAFP
Qua phân tích hình ảnh vệ tinh, ISI cho rằng “Trung cộng có vẻ đang bắt đầu lập vùng cấm bay tại Biển Đông”. Động thái này xảy ra trong bối cảnh nhiều nước trong khu vực lo ngại về việc Bắc Kinh quân sự hóa và xây đảo nhân tạo phi pháp ở Biển Đông.
Cụ thể, các hình ảnh được chụp ngày 8.5 cho thấy 2 xe phóng HQ-9, một trung tâm radar và 3 bệ phóng tại một ngọn đồi nằm ở phía nam đảo Hải Nam. Trung tâm này dường như được sử dụng để triển khai các radar cảnh báo sớm và radar kiểm soát hỏa lực. Trước đó, hình ảnh vệ tinh cũng cho thấy Trung cộng dường như đã triển khai hỏa tiễn chống hạm tại căn cứ Du Lâm ở phía nam Hải Nam.
Trung cộng cũng từng triển khai phi pháp hệ thống HQ-9 đến đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của VN trong khoảng 2 năm qua. Các chuyên gia ISI dự đoán “trong tương lai sẽ có thêm nhiều khẩu đội như vậy tại các đảo nhân tạo mà Trung cộng bồi đắp gần đây”.
“Nếu xem xét việc triển khai khẩu đội phòng không và chống hạm trong khu vực căn cứ Du Lâm và quần đảo Hoàng Sa, chúng ta có thể thấy rằng Trung cộng đã bắt đầu xây dựng một hành lang kiểm soát trên biển và trên không ở Biển Đông”, theo Kyodo News dẫn nhận xét của ISI.


Tập Cận Bình dọa Duterte : Sẽ gây chiến nếu áp dụng phán quyết Biển Đông
 Chủ tịch Trung cộng Tập Cận Bình (P) tiếp tổng thống Phi Luật Tân Rodrigo Duterte, Bắc Kinh, ngày 15/05/2017REUTERS

Tổng thống Phi Luật Tân Rodrigo Duterte hôm nay 19/05/2017 cho biết chủ tịch Trung cộng Tập Cận Bình đã đe dọa sẽ xảy ra chiến tranh giữa hai nước, nếu Manila quyết định áp dụng phán quyết của Tòa án Trọng tài Thường trực La Haye và khởi động khoan thăm dò dầu khí trên Biển Đông.

Theo AFP, ông Duterte kể lại rằng ông đã gặp gỡ Tập Cận Bình hôm thứ Hai 15/05 tại Bắc Kinh, và trong dịp này ông Tập đã cảnh báo ông, một cách thân mật nhưng kiên quyết.

Trong cuộc đối thoại, Rodrigo Duterte giải thích với Tập Cận Bình là Phi Luật Tân có ý định tiến hành khoan thăm dò trong vùng biển thuộc chủ quyền của mình. Theo lời kể của Duterte, ông Tập trả lời: « Chúng ta là bằng hữu, chúng tôi không muốn tranh chấp với quý vị, mà muốn duy trì mối quan hệ thắm thiết. Nhưng nếu quý vị làm như thế, buộc lòng chúng tôi phải khởi chiến ».

Trước đó, Duterte muốn củng cố quan hệ hai nước, ngõ hầu Phi Luật Tân có thể thụ hưởng đầu tư và tín dụng của Trung cộng, lên đến hàng tỉ đô la.
Ông Duterte lựa chọn chính sách mềm mỏng với Trung cộng về vấn đề Biển Đông để đổi lấy hàng tỷ USD cho các khoản vay và đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng.
 RFI


Thẩm phán Phi Luật Tân muốn kiện TC vì đe dọa chiến tranh
Một thẩm phán tòa án tối cao Phi Luật Tân ngày 20.5 lên tiếng kêu gọi Manila nộp đơn kiện ra tòa quốc tế và khiếu nại với Liên Hợp Quốc về lời đe dọa chiến tranh của Trung cộng.

Thẩm phán tòa án tối cao Antonio Carpio.
Theo Reuters, thẩm phán tòa án tối cao Antonio Carpio nói việc Trung cộng sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực để giải quyết tranh chấp ở Biển Đông là vi phạm Hiến chương Liên Hợp Quốc.
Ông cho rằng, nếu Tổng thống Phi Luật Tân Rodrigo Duterte không lên tiếng phản đối, điều đó có nghĩa là “bán đứng người dân”.
“Tổng thống không thể không làm gì, hoặc tệ hơn là chấp nhận hành động của Trung cộng, vì không hành động đồng nghĩa với đi ngược lại việc bảo vệ Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Phi Luật Tân”, thẩm phán Carpio nói.
Thẩm phán tòa án tối cao Phi Luật Tân cũng chỉ trích ông Duterte về những thỏa thuận song phương với Trung cộng và “thói quen đưa ra những viễn cảnh tuyệt vọng” để người dân đồng tình với giải pháp của mình.
Theo lời Tổng thống Phi Luật Tân Duterte, ông đã có cuộc gặp với ông Tập Cận Bình tại Bắc Kinh, bên lề Diễn đàn quốc tế Vành đai và Con đường. Ông Durtete nói đã nhắc đến chuyện khoan dầu ở Biển Đông với ông Tập.
“Chúng tôi sẽ khoan dầu ở đó. Nếu ông nói rằng chỗ đó là của Trung cộng, tốt thôi, đó là quan điểm của ông. Còn quan điểm của Phi Luật Tân là chúng tôi có quyền khoan thăm dò dầu, xem thử có gì ở đó không bởi đó là mỏ dầu của chúng tôi”, Reuters dẫn lời ông Durtete, kể lại cuộc trò chuyện với ông Tập.
“Rồi ông ấy trả lời tôi, ông ấy nói “Chúng ta là bạn bè cả. Chúng tôi không muốn tranh luận. Chúng tôi muốn duy trì mối quan hệ nồng ấm như bây giờ. Nhưng nếu các ông dám làm chuyện này, chúng ta sẽ có chiến tranh”, ông Duterte kể lại.
  (Dân Việt)  


Ấn Độ và Singapore tập trận thường niên ở Biển Đông

Chiến hạm Sahyadri - một trong bốn chiến hạm được Ấn Độ điều đến Biển Đông tập trận với Hải Quân Singapore.@wikimedia

Hải quân Ấn Độ và Singapore vào hôm qua 18/05/2017 đã cho khỏi động một tuần lễ tập trận chung tại Biển Đông. Đây là một cuộc tập trận thường niên giữa hai nước, kể từ năm 1994 đến nay, nhưng sự kiện đặc biệt thu hút sự chú ý trong bối cảnh Ấn Độ ngày càng năng nổ hơn trong việc can dự vào Biển Đông.

Theo báo chí Ấn Độ, Hải Quân nước này đã cử 4 chiến hạm (Shivalik, Sahyadri, Jyoti và Kamorta) cùng một phi cơ tuần tra biển có khả năng chống tàu ngầm P8-I đến Biển Đông tham gia cuộc tập trận mang tên SIMBEX-17.

Về phía chủ nhà Singapore, Hải Quân nước này đã cử ba chiến hạm (Supreme, Formidable và Victory), một chiến đấu cơ F-16 và một máy bay tuần tra hàng hải Fokker F50 cùng thao diễn với Ấn Độ.

Mục tiêu cuộc tập trận chung là nhằm tăng cường năng lực tương tác giữa Hải Quân hai nước. Một phát ngôn viên Hải Quân Ấn Độ còn nói rõ là nội dung đợt tập trận năm nay tập trung vào việc nâng cao kỹ năng chống tàu ngầm, kỹ năng tích hợp các hoạt động trên không, trên biển và ngầm dưới biển, cũng như tiến hành các bài tập phòng không và hải chiến.

Báo chí Ấn Độ đã gắn liền quyết định của Hải Quân Ấn Độ đến Biển Đông tập trận với chính sách « Hành Động Hướng Đông – Act East » của New Delhi hiện nay, với chủ trương tăng cường tầm với của Hải Quân Ấn qua vùng Biển Đông, nơi Hải Quân Trung cộng ngày càng thêm quyết đoán.
Về phía Singapore, dù có quan hệ kinh tế chặt chẽ với Trung cộng, và cũng không phải là một bên tranh chấp Biển Đông, nhưng gần đây quốc đảo này đã bày tỏ quan ngại về khả năng quyền tự do hàng hải trong vùng Biển Đông bị đe dọa, và đã tăng cường quan hệ quân sự vốn đã rất chặt chẽ với Mỹ.

Bắc Kinh vào hôm nay đã lên tiếng phản ứng trước cuộc tập trận Ấn Độ-Singapore. Phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung cộng Hoa Xuân Oánh cho rằng Bắc Kinh không hề phản đối những hoạt động giao lưu « bình thường », nhưng lưu ý Ấn Độ và Singapore là những hoạt động giao lưu « không nên gây tổn hại tới lợi ích của các nước khác ».