17.05.2017

Tình trạng nhân quyền Việt Nam ở mức báo động

Tình trạng nhân quyền Việt Nam ở mức báo động

Chỉ trong vòng 2 tuần lễ, một nhà hoạt động xã hội và lên tiếng vụ Formosa xả thải gây ô nhiễm 4 tỉnh miền Trung bị bắt giam, hai người nhận lệnh truy nã toàn quốc cũng vì phản đối Formosa.

Hoàng Đức Bình (trái) đã bị bắt và Bạch Hồng Quyền đang bị truy nã do lên tiếng về vụ Formosa.  RFA photo

Báo động

Ông Phil Robertson, Phó giám đốc tổ chức theo dõi nhân quyền khu vực Á Châu cho biết ông quan tâm và theo dõi sát sao diễn biến của những ngày vừa qua. Đưa ra nhận định về việc bắt giữ cũng như truy nã đối với những người lên tiếng bảo vệ môi trường, chống đối Formosa, ông Phil Robertson nói rằng có hai vấn đề Tổ chức theo dõi nhân quyền đề cập đến:


“Trước tiên, chúng tôi cho rằng công ty Formosa mới chính là đối tượng cần phải bị truy tố, đối diện với những bản án bởi vì đó chính là nguyên nhân gây ra thảm hoạ môi trường và huỷ hoại đời sống của người dân. Chính phủ Việt Nam cần phải thực thi việc đó chứ không phải điều tra, hay bắt giữ những người lên tiếng.”

Từ tháng 4 năm 2016, Công ty TNHH gang thép Hưng Nghiệp Formosa, Vũng Áng, Hà Tĩnh, xả thải gây ra thảm hoạ ô nhiễm môi trường biển, làm cho cá chết hàng loạt ở bốn tỉnh ven biển miền Trung. Báo cáo của chính phủ năm ngoái cho biết đời sống của hơn 200 ngàn người dân bị ảnh hưởng bởi thảm hoạ này.

Rất nhiều các nhà hoạt động xã hội đưa tin hoặc lên tiếng mạnh mẽ phản đối hoạt động của Formosa ở Việt Nam và bị chính quyền kết vào tội “gây rối trật tự công cộng” theo Điều 245 Bộ luật Hình sự Việt Nam; "Lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân" theo điều 258 của Bộ luật Hình sự.

Ngày 15 tháng 5, Hoàng Đức Bình, nhà hoạt động xã hội, cũng là thành viên của Lao động Việt, bị chính quyền công an tỉnh Nghệ An bắt giữ vì hành vi chống người thi hành công vụ, lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, qui định tại điều 257, và 258 bộ luật hình sự Việt Nam.

Báo Công An Nghệ An nói rằng Hoàng Đức Bình đã lợi dụng sự cố Formosa, cùng các linh mục cực đoan thuộc giáo phận Vinh tổ chức biểu tình gây mất trật tự xã hội tại Hà Tĩnh và Nghệ An.

Trong tuần lễ trước đó, một nhà hoạt động xã hội khác là Bạch Hồng Quyền cũng bị công an Hà Tĩnh truy nã, vì bị cho là đã kích động khoảng 2000 người dân phản đối Formosa và hành xử bạo lực của công an, dẫn đến việc chiếm trụ sở Ủy ban nhân dân huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh vài giờ đồng hồ, vào ngày 3 tháng tư năm 2017.

Cũng trong ngày 15 tháng 5, báo mạng Nghệ An công bố lệnh truy nã toàn quốc một nhà hoạt động xã hội tại Nghệ An là ông Thái Văn Dung vì không chấp hành lệnh 4 năm quản chế.

Nhận xét về những diễn tiến mới nhất này, ông Phil Robertson cho rằng động thái đàn áp những người phản đối Formosa, kêu gọi Formosa chịu trách nhiệm việc gây ra ô nhiễm môi trường tại Việt Nam đang ở mức đáng báo động.

Sự việc đã nói lên một điều rằng chính phủ Việt Nam đang cố gắng tìm  mọi cách ngăn cản quyền lên tiếng và quyền tự do của người dân. Cũng chính điều đó cổ suý cho việc làm thiếu trách nhiệm của một công ty đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, khi gây ra thảm hoạ ô nhiễm môi trường biển.

Với tôi, dường như nhà đầu tư nước ngoài không hề quan tâm đến vấn nạn ô nhiễm môi trường đang ở ngưỡng báo động. Thế nhưng ngược lại, khi người dân biểu tình đòi quyền lợi hoặc đòi bồi thường thoả đáng thì lại bị buộc tội và bị bắt giam.”

Những hình ảnh và video do người dân địa phương và những nhà hoạt động khác đưa lên mạng xã hội những ngày qua cho thấy rất nhiều lực lượng an ninh, cơ động được chính quyền Việt Nam sử dụng để ngăn chặn, đàn áp người tham gia các cuộc biểu tình.

Chính quyền địa phương và truyền thông nhà nước khẳng định những người bị bắt như Hoàng Đức Bình, Bạch Hồng Quyền đã kích động biểu tình. Cụ thể là thông cáo của tỉnh Nghệ An đưa ra hôm 16 tháng 5 nói rằng Hoàng Đức Bình là đối tượng đã kích động người dân biểu tình, chiếm trụ sở Uỷ ban nhân dân huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh vào tháng 4 vừa qua.

Ngược lại, một người dân có mặt trong cuộc biểu tình hôm đó cho biết, lý do khiến hàng ngàn người dân tụ tập trước trụ sở Ủy ban Nhân dân huyện Lộc Hà sáng 3/4:

“Vào đêm ( 2 tháng tư) công an trà trộn vào những bạn trẻ uống cà phê để áp đảo dân: một công an huyện và một công an xã đánh dân bị thương tích và nổ súng.

Thứ hai đòi hỏi về việc bôi nhọ linh mục đoàn và giám mục Giáo phận Vinh.
Thứ ba đòi hỏi về việc đền bù cho người dân đã kê khai, số hàng đã lập văn bản, kê khai nhưng đến nay không giải quyết.”

Báo cáo mới của HRW

Ông Phil Robertson, Phó giám đốc tổ chức Theo dõi Nhân quyền khu vực Á Châu. AFP photo

Một sự việc đáng chú ý được truyền thông mạng đưa lên rất nhiều, đó là trong thời gian gần đây, xảy ra những trường hợp lực lượng an ninh mặc thường phục, giả danh côn đồ tấn công các nhà hoạt động hoặc người bất đồng chính kiến ngoài đường phố hoặc trong những cuộc biểu tình. Những nạn nhân bị tấn công cho biết các sự việc đó đều không được pháp luật Việt Nam giải quyết thoả đáng.

Ông Phil Robertson cho biết, một bản báo cáo của Tổ chức theo dõi nhân quyền về vấn đề này sẽ được đưa ra trong khoảng hai tuần nữa.

“Một bản cáo cáo mới sẽ được đưa ra trong vòng khoảng hai tuần nữa, liên quan đến cách thức mà chính phủ Việt Nam áp dụng để đàn áp người biểu tình, không chỉ biểu tình chống đối Formosa mà cả những cuộc biểu tình vì mục đích khác. Chính quyền Việt Nam thuê những người không mặc thường phục để thực hiện việc đàn áp, đánh đập người biểu tình.

Đã có nhiều trường hợp như thế và chúng tôi nhận thấy tình trạng này đang có xu hướng ngày càng tăng. Chúng ta cần phải chấm dứt điều này.”
Ông nhấn mạnh thêm Tổ chức theo dõi nhân quyền sẽ tiến hành điều tra những sự việc trên.

Chúng tôi sẽ thúc đẩy yêu cầu chính quyền Việt Nam phải trả tự do cho những nhà biểu tình ôn hoà đấu tranh cho môi trường. Chúng tôi cũng yêu cầu những người bị bắt giữ phải được quyền tiếp cận với luật sư của họ.”

Tuy nhiên, ông cũng nói rằng trở ngại lớn nhất của tội “xâm phạm an ninh quốc gia” là những người bị bắt giữ không được phép làm việc với luật sư cho đến khi kết thúc quá trình điều tra, và có nhiều trường hợp mà thời gian điều tra kéo dài đến 20 tháng.

Front Line Defenders, một tổ chức nhân quyền có trụ sở tại Ireland, cũng đưa lên trang nhà lời kêu gọi chính quyền Việt Nam phảu huỷ bỏ cáo buộc và trả tự do vô điều kiện đối với Hoàng Bình và thu hồi lệnh bắt giữ Bạch Hồng Quyền.

‘Mỗi người là một Hoàng Đức Bình’

Trong lúc các Tổ chức nhân quyền thế giới cùng lên tiếng về trường hợp của Bạch Hồng Quyền, Hoàng Bình cũng tình hình nhân quyền ở Việt Nam, thì ngay trong nước dấy lên lời kêu gọi “mỗi người là một Hoàng Đức Bình, một Bạch Hồng Quyền” như một phản ứng chống lại quyết định của nhà cầm quyền.

Hoàng Thành, thành viên của Green Trees, từ Hà Nội cho biết đó là việc nên làm. Bất cứ ai lên tiếng lúc này đều là một việc làm thiết yếu để cho biết Formosa đang ảnh hưởng đến mức nào đối với cuộc sống của người dân.

“Mình nghĩ là nên làm. Đó là một thành tố rất tốt trong bối cảnh hiện nay. Bởi vì phía truyền thông nhà nước, trước khi anh Bạch Hồng Quyền và anh Hoàng Đức Bình bị truy nã thì một số trang Facebook hoặc truyền thông nhà nước từng bôi nhọ hành động chính đáng là bảo vệ môi trường của anh Hoàng Đức Bình.”

Nguyễn Phương, từ Sài Gòn, cũng là người hoạt động sôi nổi trong việc đòi hỏi môi trường sạch cho biết:

“Tôi nghĩ là nó sẽ có sức ảnh hưởng vì chúng ta thể hiện là chúng ta không có gì phải sợ hãi trước chính quyền đàn áp bắt bớ người dân trái pháp luật. Không thể nào bắt hết tất cả những người như Hoàng Bình.”

Tại buổi lễ kỷ niệm Ngày Nhân quyền Việt Nam lần thứ 23 tổ chức tại Washington DC, hôm 11/5 vừa qua, ông Scott Busby, Phụ tá Thứ trưởng Ngoại giao phụ trách Dân chủ, Nhân quyền và Lao động của Hoa Kỳ cũng nhắc đến những hành vi đàn áp và bắt bớ người lên tiếng phản đối Formosa của chính quyền Việt Nam. Ông cho biết Hoa Kỳ sẽ yêu cầu Việt Nam phải thả các tù nhân lương tâm và dừng ngay việc bắt giữ những người hoạt động vì môi trường trong cuộc Đối thoại nhân quyền Việt- Mỹ lần thứ 21 diễn ra vào cuối tháng 5 này.


Cát Linh (RFA)