Trung cộng phá huỷ sinh cảnh vét nạo các đại dương
Ngô
Thế Vinh
"Trung cộng là gã khổng lồ đang im
ngủ. Hãy để nó yên giấc, vì khi thức dậy nó sẽ chuyển dịch cả thế giới"
"China
is a sleeping giant. Let her sleep, for when she wakes she will move the
world."
Napoléon Bonaparte, 1816 à Saint
Hélène
Hình 1: Con tàu cá lưới rà / trawler Trung cộng có khả năng vét nạo tới
đáy đại dương: những chiếc tàu khủng ấy đang đánh cá lậu ngoài khơi các xứ Tây
Phi châu và các nơi khác; một lối đánh cá lùng và diệt nguồn tài nguyên của
hành tinh này. Nguồn: India Live Today, July 8, 2016.
TRUNG CỘNG VÉT CẠN NGUỒN CÁ
Thời kỳ mà biển
còn tràn đầy các loại cá, đời sống ngư dân tốt đẹp no đủ. Nhưng giờ đây ở phía
bên kia trái đất, ngư dân các xứ Tây Phi châu như Guinea, Senegal đang than thở
là biển hết cá họ chỉ kéo lên được những mẻ lưới gần như trống trơn. (1,2)
Trong khi đó, ở
một tỉnh miền đông Trung cộng, Zhu Delong 75 tuổi cũng lắc đầu nhìn vào mẻ lưới
với lác đác mấy con cá nhỏ và vài con tôm đỏ. Ông ta hồi tưởng: "Khi còn
bé, tôi có thể câu được những con cá đù vàng/ yellow croakers rất lớn. Nhưng
nay thì ngoài biển trống trơn rồi."
Theo lượng giá của
Tổ chức Lương Nông Liên Hiệp Quốc, do bị lưới bắt quá mức, nguồn cá biển trên
toàn cầu đang dần cạn kiệt. Trên khắp các đại dương,
do đánh cá theo lối lùng và diệt, mà đa phần là các hạm đội tàu cá Trung cộng,
đã ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống bao nhiêu triệu ngư dân các quốc gia nghèo mà
tài nguyên biển là nguồn lợi tức chính và cũng là thực phẩm của họ.
Hình 2: Số hạm đội tàu cá Trung cộng ngày càng gia tăng, tăng mức đánh
trộm cá ngày đêm suốt dọc vùng biển Tây Phi châu. Nguồn: Greenpeace Africa
20.05.2015.
Hình 3: Với hơn 2600 tàu cá lớn, Trung cộng hiện diện cùng khắp: trên Biển
Đông, Úc châu, Ấn Độ Dương, Tây Phi châu và Nam Mỹ, họ được mệnh danh là
"Vua của Đại Dương". Nguồn: The NYT 04.30.2017.
Trung cộng với
ngót 1.4 tỉ dân, chiếm 1/5 dân số toàn cầu, kinh tế phát triển, đã qua giai đoạn
đói kém, lợi tức gia tăng mỗi năm, họ có nhu cầu ăn ngon và hải sản trở thành
nguồn thức ăn được ưa chuộng. Để cung ứng nhu cầu ấy, Trung cộng đã thành lập
các hạm đội gồm những con tàu sắt lớn, không chỉ là tàu đánh cá mà còn có vai
trò bán quân sự / militia trên đại dương, họ được nhà nước Trung cộng cung cấp
ngân khoản đóng tàu, dụng cụ hải hành, nhiên liệu và cả những khoang nước đá ướp
giữ cá trong nhiều tuần lễ cho những cuộc hải hành rất xa tới Tây Phi châu hay
Nam Mỹ. Các hạm đội tàu cá này còn được hoả lực của hải quân Trung cộng bảo vệ.
Đối với Bắc
Kinh, các hạm đội tàu cá này giúp Trung cộng xác định tham vọng chủ quyền về
lãnh hải đang có những tranh chấp trên Biển Đông. Chính quyền tỉnh đảo Hải Nam
luôn luôn khuyến khích các đoàn tàu cá Trung cộng ra các vùng biển quần đảo
Hoàng Sa/ Paracels thuộc Việt Nam và trên Trường Sa / Spratlys nơi mà Phi Luật
Tân và cả Việt Nam đều tuyên bố có chủ quyền.
Đáng
sợ nhất phải kể những con tàu lưới rà/ trawlers Trung cộng có khả năng tung những
mẻ lưới dài hàng dặm đụng tới đáy biển sâu, cào vét mọi sinh vật trong lòng đại
dương, bốc lên cả những
khối san hô và những bãi sò / oyster beds; và 90% đã bị chết khi bị ném trở lại
lòng biển. Loại tàu lưới rà / trawlers này bị cấm ở nhiều quốc gia vì hậu quả
huỷ hoại quá lớn trên toàn sinh cảnh đại dương nhưng lại được Trung cộng tận dụng.
[Hình 1]
Do nguồn cá trên
biển Trung cộng gần như cạn kiệt, ngư dân Trung cộng được khuyến khích của nhà
nước đưa những hạm đội tàu đánh cá tới các vùng biển xa của những quốc gia
khác.
Những
hạm đội tàu cá Trung cộng này không chỉ vẫy vùng trên Biển Đông, mà còn đi xa tới
cả hơn nửa vòng bên kia trái đất, tới vùng biển Tây Phi châu và cả xuống tới
Nam Mỹ. [Hình 2, 3]
Theo một nghiên
cứu của Đại học Singapore, nhà nước Trung cộng đã tài trợ cho kỹ nghệ ngư nghiệp
/ fishing industry 22 tỉ MK tăng gấp ba lần so với 4 năm trước (2011-2015),
Hạm đội tàu cá Trung
cộng tới các vùng biển xa / distant-water đã lên tới 2,600 chiếc (số tàu cá Hoa
Kỳ chỉ bằng 1/10). Nơi vùng biển Senegal, những con tàu sắt ấy có thể lưới số
lượng cá trong một tuần bằng cả một năm lưới bắt của ngư dân địa phương.
Khi nói tới đánh
cá toàn cầu, thì Trung cộng là vua của đại dương / king of the sea. Trung cộng
là quốc gia xuất cảng hải sản lớn nhất thế giới, dân Trung cộng tiêu thụ 1/3 lượng
cá đánh bắt được, 2/3 cá còn lại là xuất cảng.
Kỹ nghệ hải sản cũng đã cung cấp
việc làm cho 14 triệu dân Trung cộng.
"Thực chất, cái gọi là đánh cá truyền thống
trong vùng biển Trung cộng chỉ còn là một cái tên. Đối với giới lãnh đạo Trung
cộng thì việc bảo đảm cung cấp nguồn hải sản không chỉ tốt cho kinh tế mà còn
góp phần vào ổn định xã hội và chánh trị." – theo Zhang, thuộc Đại học
Nanyang.
TRUNG CỘNG CƯỚP CƠM CHIM
Tưởng cũng nên mở
một dấu ngoặc, giải thích với các bạn trẻ lớn lên ở ngoại quốc về thành ngữ
"cướp cơm chim"; đó là một cái gì rất thiết yếu như nắm cơm ít ỏi của
những người nghèo khổ nhưng vẫn bị kẻ giàu có nhẫn tâm cướp đi. Đó cũng chính
là hình ảnh các hạm đội tàu cá Trung cộng đánh trộm và cướp cá của những ngư
dân nghèo khó trên khắp thế giới.
Senegal điển
hình cho một quốc nghèo của Tây Phi châu với 14 triệu dân và 300 dặm bờ biển và
nguồn cá như mạch sống của họ. Mạch sống ấy đang bị Trung cộng nạo vét đến cạn
kiệt. (1)
Làm sao mà cư
dân địa phương chỉ với những chiếc thuyền gỗ mỏng manh có thể đương đầu với hạm
đội tàu sắt không khổng lồ với lưới cào trải rộng hàng dặm của Trung cộng [Hình
1,4]. Hậu quả là những ngư dân Senegal vốn đã nghèo khổ, nay không còn lợi tức,
không còn đủ cá để ăn như là nguồn protein chính của họ.
Alssane Samba,
nguyên giám đốc nghiên cứu Hải học viện Senegal đưa ra nhận định: "Chúng tôi đang phải đương đầu với một khủng
hoảng chưa từng có, và nếu sự việc cứ tiếp tục như vậy, dân chúng Senegal sẽ phải
ăn sứa / jellyfish để sống còn." (1)
Theo World Bank/
Ngân hàng Thế giới thì hải sản không chỉ là nguồn protein của dân chúng Senegal
mà kỹ nghệ thuỷ sản còn là nguồn lợi tức xuất khẩu và đem lại 20% công ăn việc
làm cho họ.
Trước đây, ngư
dân đánh bắt được những con cá mú / grouper và cá thu / tuna rất lớn nhưng bây
giờ thì họ phải tranh giành nhau từng mớ cá mòi / sardine nhỏ vụn. Ngư dân Senegal
ngày nay muốn đánh bắt cá thì phải chấp nhận hiểm nguy dám ra xa với những chiếc
thuyền gỗ của họ, không kể bất trắc về thời tiết nhưng khi gặp hạm đội tàu cá lớn
/ super trawlers của Trung cộng thì những chiếc ghe gỗ mỏng manh của họ có thể
bị húc chìm. Cam phận với những mớ cá nhỏ còn đánh được, tương lai của họ gần
như vô vọng.
Thêm nạn hạn hán
vì thay đổi khí hậu / climate change, đã lại xô đẩy thêm hàng trăm ngàn nông
dân Senegal từ vùng quê ra các vùng duyên hải kiếm sống khiến quốc gia này càng
lệ thuộc vào biển, trong khi tài nguyên biển cũng đã bị cạn kiệt.
Do các đợt di
dân ra vùng biển đã biến thị trấn duyên hải Joal từ một làng cá nhỏ với vài chục
thuyền cá nay đã trở thành một thị trấn 55,000 dân với 4,900 chiếc thuyền gỗ.
Abdou Karim Sall chủ tịch hội ngư dân địa phương được coi như một người hùng
khi tự tay bắt được hai thuyền trưởng tàu đánh cá lậu Trung cộng nói: "Chúng tôi vẫn nghĩ cuộc sống biển là vô tận,
nhưng nay thì đang phải đối đầu với một thảm hoạ."
Cuộc sống ngày
càng khó khăn, bế tắc cuối cùng đã xô đẩy họ thành đám thuyền nhân tị nạn kinh
tế bất đắc dĩ đổ sang các xứ Âu châu. Moustapha
Balde 22 tuổi, có đứa em họ vị thành niên vượt biển bị chết do đắm tàu trên
Địa Trung hải, nói: "Người ngoại quốc thì than phiền về đám di dân từ Phi châu
nhưng cũng chẳng ai quan tâm gì tới đám người – ám chỉ Trung cộng – tới vùng biển
chúng tôi và đánh cắp hết cá."
Dyhia Belhabib
chuyên viên ngư nghiệp đang có những cố gắng lượng giá tình trạng đánh cá lậu dọc
bờ biển Tây Phi châu và tệ hại nhất vẫn là những hạm đội tàu cá tới từ Trung cộng.
Chỉ riêng vùng biển Senegal, Trung cộng đã đánh trộm
40,000 tấn cá / năm, gây thiệt hại lên tới 28 triệu MK. Con số thiệt hại
thật sự lớn hơn nhiều do các tàu cá lậu Trung cộng hoạt động mạnh mẽ trong vùng
biển cấm nhất là vào ban đêm.
Thảm cảnh bị Trung
cộng cướp cá ấy cũng diễn ra trên xứ Guinea, một quốc gia Tây Phi châu khác. Hải
cảng Bonfi thuộc thị trấn Conakri cũng thật ảm đạm với những chiếc thuyền gỗ
sơn nhiều màu sắc đã chẳng còn đem về được những mẻ cá sung túc như xưa. Người
dân cảng Bonfi chỉ biết giận dữ nhưng cũng bó tay chẳng làm được gì với những
đoàn tàu cướp cá của Trung cộng. Chính phủ Guinea không chỉ thiếu phương tiện bảo
vệ biển mà còn bị tê liệt vì nạn tham nhũng.
Với Trung
cộng thì thảm hoạ nơi quốc gia khác lại là cơ hội của họ. Theo tổ chức Greenpeace, thì điều vô cùng tệ hại và
cả nhẫn tâm của Trung cộng là khi mà cả đất nước Guinea đang bị khốn đốn để đối
phó với trận dịch kinh hoàng Ebola 2014, thì lúc đó thay vì tham gia cứu trợ,
thì chính là lúc các hạm đội đánh Trung cộng tăng tốc đưa thêm hạm đội tới khai
thác đánh cá lậu của quốc gia này.
Theo nhận định của
Tổ chức Công lý Môi trường/ Environment Justice Foundation (EJF) thì Tây Phi
châu là nơi có mức đánh cá lậu lớn nhất thế giới. Trung
cộng đã làm giàu bằng cách cướp nguồn cá cũng là thực phẩm thiết yếu của những
người dân nghèo khổ nhất của các xứ Tây Phi châu như Cape Verde, Mauritania,
Gambia, Guinea, Guinea-Bissau, Dierra Leone, Senegal... Nghèo, thiếu
phương tiện tự vệ, họ bị nước lớn Trung cộng bắt nạt. Các chính quyền tham
nhũng Tây Phi (nuôi dưỡng tham nhũng cũng là sức mạnh mềm của Trung cộng) không
thiếu những khẩu hiệu hô hào bảo vệ biển nhưng dân chúng thì hiểu đó chỉ là những
sáo ngữ trống rỗng. Phải đương đầu với một nước lớn như Trung cộng, từng được mệnh
danh là "quốc gia hải tặc/ a pirate
nation", thì đây quả là một trận đánh leo dốc/ uphill battle, phần
thua luôn luôn là phía họ.
Hình 4: Chiếc thuyền gỗ đánh cá mong manh của ngư dân Guinea luôn luôn bị
xua đuổi và trấn áp bởi những con tàu sắt lưới rà lớn /super trawlers của Trung
cộng. Nguồn: BBC World-Africa 8 July 2016.
Trung cộng có một
hạm đội tàu cá lớn nhất thế giới có khả năng đi hàng tháng tới các vùng biển xa
trên khắp toàn cầu, và đánh cá lậu trên các vùng lãnh hải thuộc chủ quyền của
các quốc gia khác. Có thể nói không một quốc gia nào có biển mà không bị các hạm
đội tàu cá Trung cộng xâm nhập đánh cá bất hợp pháp.
Theo
lượng giá của Liên Hiệp Quốc, những đoàn tàu đánh cá lậu, chủ yếu là từ Trung cộng
đã làm thiệt hại nền kinh tế toàn cầu 23
tỉ MK mỗi năm. Và vùng biển
Tây Phi châu là nơi có mức đánh cá lậu lớn nhất thế giới, theo nhận định của Tổ
chức Công lý Môi trường/ Environment Justice Foundation (EJF), là một tổ chức
phi chánh phủ của Anh quốc. " Những
tay điều hành các vụ cướp cá lậu này đã làm giàu bằng bóc lột chính đám cư dân
nghèo khổ nhất của các xứ Tây Phi."
RỒI NHÌN VỀ BIỂN ĐÔNG VÀ VIỆT NAM
Hàng ngàn ngư
dân Phi Luật Tân đã bị các tàu hải quân Trung cộng đánh đuổi ra khỏi vùng đánh
cá quanh Trường Sa, từ trước đến nay vẫn là vùng đánh cá truyền thống của họ.
Ngư dân tỉnh Palawan, do không còn sống được trên biển, họ phải xoay ra đốt rừng
làm rẫy nhưng do đất đã bị mưa sói mòn, khô cằn và họ cũng không thể sống bằng
canh tác. (1)
Việt Nam với
2,200 km bờ biển, với câu văn Giáo Khoa Thư: rừng vàng, biển bạc nay đã đi vào
quá khứ. Rừng bị phá gần hết, biển thì nhiễm độc và cạn cá. Ngư dân Việt Nam một
cổ hai tròng, khổ hơn cả những người dân Tây Phi châu. Không phải chỉ mất nguồn
cá, biển của họ cũng đã bị cướp. Họ phải giá bằng sinh mạng nếu muốn ra vùng biển
vốn bấy lâu vẫn thuộc ông cha mình.
Hình 5: Đoàn tàu gỗ đánh cá Biển Đông trên Sông Tiền chuẩn bị ra khơi, họ
luôn luôn bị Trung cộng truy đuổi ngay trên vùng biển chủ quyền của Việt Nam mà
không được bảo vệ. Nguồn: photo by Ngô Thế Vinh.
– 07 tháng 6,
2015: tàu Trung cộng dùng những súng vòi rồng / water canons gây hư hại cho tàu
cá Việt Nam.
– 10 tháng 6,
2015: bốn tàu Trung cộng vây một tàu cá Việt Nam trấn áp 11 ngư dân Việt Nam và
cướp trọn 6 tấn cá lên 4 con tàu của họ.
– 19 tháng 6,
2015: lính Trung cộng đổ bộ lên một tàu cá Việt Nam, phá huỷ lưới cá, tịch thu
các dụng cụ truyền tin và la bàn; cướp đi 5 tấn cá.
– 29 tháng 9,
2015: tàu Trung cộng và nhóm võ trang đổ bộ lên một tàu cá Việt Nam, tịch thu
các dụng cụ hải hành và cướp đi 2 tấn cá và đánh chìm con tàu 12 giờ sau đó.
– 14 tháng 11,
2015: một hạm đội tàu Trung cộng vây hãm 5 thuyền cá Việt Nam tại Vịnh Bắc bộ,
phá huỷ cá hết lưới cá cho tới khi được lực lượng hải cảnh Việt Nam giải cứu.
– 01 tháng 01,
2016: tàu Trung cộng đã húc và đánh chìm tàu cá Việt Nam chỉ cách Cồn Cỏ 40 dặm
ngoài khơi tỉnh Quảng Trị, 11 ngư dân Việt Nam được các ghe bạn tới cứu sau đó.
– 06 tháng 03,
2016: 11 người từ 2 tàu Hải giám có treo cờ Trung cộng đột nhập lên một tàu cá
Việt Nam ngoài khơi Hoàng Sa, chúng không chỉ phá huỷ các dụng cụ hải hành, lưới
cá mà còn tịch thu hết thức ăn, số thùng dầu dự trữ và cướp đi tất cả lượng cá
đánh bắt được.
– 13 tháng 05,
2016: một tàu Trung cộng húc và đánh chìm một tàu cá Việt Nam ngoài khơi tỉnh
Quảng Nam, 350 hải lý đông bắc Đà Nẵng trong vùng quần đảo Hoàng Sa, họ mất
toàn bộ thiết bị đánh cá và cả bị cướp đi 30 tấn mực tổn thất lên tới 450.000
MK.
– 09 tháng 07,
2016: tàu cá Việt Nam cùng 5 ngư dân đã bị tàu hải cảnh Trung cộng truy đuổi,
đâm chìm tại khu vực gần quần đảo Hoàng Sa cách đảo Bông Bay 34 hải lý của Việt
Nam và rồi bỏ rơi họ trên biển.
– 10 tháng 11,
2016: tàu cá KH 97580-TS của Việt Nam bị tàu hải cảnh Trung cộng húc và truy đuổi
ra khỏi vùng biển Hoàng Sa trong khu vực đảo Phú Lâm và đảo Linh Côn.
– 01 tháng 05,
2017: mới đây nhất tàu cá BĐ 93241-TS trên tàu có 15 thuyền viên đã bị
"tàu lạ" đâm chìm khiến một ngư dân Việt Nam tử vong và một bị
thương.
...
Trung cộng liên
tục tấn công vào các đoàn tàu cá Việt Nam (3), rõ ràng không phải là các sự kiện
riêng lẻ, nhưng là một chiến lược nhất quán. Bắc Kinh đã bật đèn xanh cho những
cuộc tấn công liên tiếp ấy; chính sách "một hòn đá giết hai con
chim". Bằng bạo lực, Trung cộng xác định chủ quyền trên vùng biển đang
tranh chấp; cùng một lúc khai thác độc quyền cướp trọn tài nguyên, nguồn dầu,
nguồn cá không chỉ trong vùng hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà xâm lấn cả
vùng cận duyên hiển nhiên là thuộc chủ quyền bất khả xâm phạm của Việt Nam.
Ngư
dân Việt Nam thì vẫn dũng cảm bám biển, họ được nhà nước bảo vệ qua những lời
tuyên bố lặp lại sáo rỗng của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam: "Lên án mạnh
mẽ các hành vi đối xử vô nhân đạo, sử dụng vũ lực đối với ngư dân Việt Nam, yêu
cầu Trung cộng điều tra và xử lý nhân viên tàu hải cảnh đã cố ý đâm chìm tàu cá
Việt Nam, bỏ mặc ngư dân trong điều kiện nguy hiểm đến tính mạng. Việt Nam yêu
cầu Trung cộng tôn trọng luật pháp quốc tế, không để tái diễn các hành động
tương tự và có hình thức bồi thường thoả đáng cho ngư dân Việt Nam."
VnExpress 13.07.2016
Kết quả của các
công hàm phản đối đó ra sao, các nạn nhân có được nhà nước Trung cộng bồi thường
thoả đáng hay không thì chính những ngư dân sống sót ấy họ biết rất rõ. Và như
từ bao giờ, mối quan hệ giữa Việt Nam Trung cộng vẫn được Bộ Chính trị Hà Nội
rêu rao đánh giá là tốt đẹp với phương châm 4 tốt và cả 16 chữ vàng.
Hình 6: Tàu Trung cộng húc chìm tàu cá Việt Nam ngay trong Vùng Kinh Tế
Đặc quyền / Exclusive Economic Zone của Việt Nam; đây chỉ là một trong chuỗi những
sự kiện liên tục Trung cộng tấn công các tàu cá của Việt Nam. Nguồn: Bloomberg
News May 26, 2014.
Cũng cần mở thêm
một dấu ngoặc ở đây, một sự kiện đáng buồn là do các ngư dân Việt Nam, không được
nhà nước bảo vệ lại bị Trung cộng dùng võ lực truy đuổi không cho đánh cá trên
vùng biển quen thuộc của mình, trong cảnh bần cùng ấy, để có thể sống còn, một
số đã liều mạng lái ghe tàu xâm nhập vùng biển của các quốc gia láng giềng như
Thái Lan, Mã Lai, Nam Dương và mới đây xuống xa tới cả Úc châu. Số tàu nhỏ nhoi
của ngư dân Việt tự phát ấy chẳng là gì so với những hạm đội tàu đánh cá lậu
hùng hậu của Tàu được hỗ trợ toàn diện bởi nhà nước Bắc Kinh nhằm đáp ứng cùng
một lúc các nhu cầu kinh tế, xã hội và cả quân sự của một Trung cộng đang theo
chủ nghĩa bành trướng.
CHÍNH SÁCH MỀM NẮN RẮN BUÔNG
Trung cộng đánh
trộm cá và ngang nhiên xâm phạm lãnh hải của các quốc gia khác đã đưa tới những
vụ tranh chấp. Mức độ tranh chấp với Trung cộng và phản ứng ra sao là tuỳ thuộc
ở sức mạnh của nước sở tại. Chỉ riêng vùng Thái Bình Dương, không kể vùng biển
rộng lớn quanh hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa mà Trung cộng hiện chiếm đoạt, Trung
cộng còn đưa những đoàn tàu đánh cá lậu vào vùng lãnh hải thuộc chủ quyền của
các quốc gia khác như Nhật Bản, Hàn Quốc, Nam Dương, Phi Luật Tân và Việt Nam.
"Mềm nắn rắn buông" là chính sách "bắt nạt" của các hạm đội
tàu cá Trung cộng. Gặp lực lượng tuần duyên hùng mạnh như Nhật Bản, Hàn Quốc có
đủ sức truy đuổi thì các đoàn tàu đánh cá lậu Trung cộng không còn dám bén mảng
tới.
Giận dữ và cam
chịu là tình cảnh của các nước Tây Phi châu không có khả năng tự vệ. Ngư dân Việt
Nam cho dù bị Trung cộng truy đuổi và trấn áp nhưng họ vẫn kiên cường cố bám biển.
Nhưng với các quốc
gia khác thì khác. Nam Dương đã từng bắt giữ nhiều tàu Trung cộng vào đánh cá lậu
trong vùng biển của họ, và cả dùng không lực với các phản lực cơ 5 F-16 ra tới
các đảo Natuna đánh chìm các tàu thuyền tàu xâm nhập bất hợp pháp. Chỉ mới đây
thôi, tháng 4, 2017 Nam Dương đã lại cho phá huỷ thêm 81 tàu cá lậu ngoại quốc,
dĩ nhiên trong số đó có những con tàu Trung cộng, nâng tổng số lên hơn 300 chiếc
kể từ 2014 thời Tổng thống Joko Widodo. Nam Dương rất quyết tâm bảo vệ biển và
nguồn cá của mình cho dù đưa tới căng thẳng ngoại giao với Bắc Kinh.
Hàn Quốc do có một
lực lượng tuần duyên rất mạnh và cả chính sách cứng rắn nên khi phát hiện đoàn
tàu đánh cá lậu Trung cộng, họ đã nổ súng truy đuổi và trấn áp với hậu quả để lại
một số tử vong và đoàn tàu đánh cá lậu Trung cộng đã phải tháo chạy. [Hình 7]
Hình 7: Đoàn tàu đánh cá lậu Trung cộng bỏ chạy khi bị lực lượng tuần
duyên Hàn Quốc truy đuổi; liệu bao giờ có một hình ảnh hào hùng như vậy với một
lực lượng tuần duyên của Việt Nam. Nguồn: báo Dong-A Ilbo.
Ngày 15.03.2016
lực lượng tuần duyên Argentina Nam Mỹ, đã phát hiện một tàu lớn của Trung cộng
đang đánh lậu cá trong vùng hải phận của mình và đã yêu cầu con tàu phải rời đi
nhưng họ chống cự lại và kết quả là con tàu Trung cộng bị Argentina bắn chìm, bốn
ngư phủ bị bắt sống và số thuỷ thủ còn lại đã thoát đi trên một con tàu Trung cộng
khác.
Hình 8: Argentina, Nam Mỹ đánh chìm tàu đánh cá lậu Trung cộng. Nguồn:
AFP/ Getty Images 15 March 2016.
NAPOLÉON VÀ ĐẤT NƯỚC TRUNG HOA
Napoléon một
thiên tài quân sự của nước Pháp thế kỷ 19, đã tiên tri về một đất nước Trung
Hoa: "Đó là một gã khổng lồ đang im
ngủ. Hãy để nó yên giấc, vì khi thức dậy nó sẽ chuyển dịch cả thế giới"
Sang đầu Thiên
niên kỷ thứ Ba, hơn hai thế kỷ sau Napoléon, một Trung cộng đã thức giấc. Nó
không chỉ làm rúng động mà cả xoay lệch trục hành tinh này theo cái nghĩa huỷ
hoại. Gã khổng lồ có dân số đông nhất thế giới ấy đã đem tới những tín hiệu xấu
cho hành tinh này: vô địch về gây ô nhiễm đất và không khí, phá huỷ cực thứ ba
của trái đất là Tây Tạng nơi phát nguồn các dòng sông lớn Châu Á; đang khai
thác huỷ diệt đời sống các đại dương / marine life. Nay với thêm chiến lược
"một vòng đai một con đường / one border one road" Trung cộng đang muốn
chinh phục và thu hết tài nguyên thế giới với "lý lẽ của kẻ mạnh".
Trở lại với Việt
Nam, không kể tới một thiểu số đại gia tư bản đỏ, với hơn 95 triệu dân, đứng thứ
14 trong số các quốc gia đông nhất thế giới, họ có một mẫu số chung, một giấc mộng
rất bình thường: được thở bầu không khí trong lành, uống ly nước tinh khiết, có
bữa ăn gia đình đủ mấy chén cơm, với tô cá và mớ rau sạch.
Nhưng với bùn đỏ bauxite đổ ra trên Tây Nguyên, với
nhà máy giấy Lee & Man bên bờ Sông Hậu, với nhà máy thép Formosa nơi biển
Hà Tĩnh vẫn không ngừng đổ ra các chất độc, đưa ô nhiễm lên mức báo động đỏ,
thì một giấc mơ tầm thường đến như vậy xem ra cũng đang vuột xa khỏi tầm tay của
người dân Việt. Và câu hỏi đặt ra là vì đâu nên nỗi?
Vẫn có đó một bài học lịch sử: dân tộc muốn sinh tồn
phải có nội lực, có sức mạnh đoàn kết bên trong và bên ngoài và phải biết nói
"không" với Trung cộng.
NGÔ THẾ VINH
California, 21
Tháng 5, 2017
Tham khảo:
1/ China's Appetite Pushes Fish Stocks to Brink;
Overfishing by Giant Fleet Exacts a Toll on Oceans Worldwide. Adrew Jacobs, The
New York Times, Sunday 04.30.2017.
2/ How China's Trawlers are Emptying Guinea'S Ocean. BBC World Africa, 08 July 2016 http://www.bbc.com/news/world-africa-36734578
3/ China Continues Attacks on Vietnamese Fishing Boats. Gary Sands, 13 May 2016. Foreign Policy Association.
4/ China’s Reclamations Roil South China Sea; James Borton; World News / 11 April 2015; https://intpolicydigest.org/2015/04/11/china-s-reclamations-roil-south-china-sea/
5/ Chinese Illegal Fishing Threatens World Waters. AsiaToday; The WorldPost. http://www.huffingtonpost.com/asiatoday/chinese-illegal-fishing-t_b_10425236.html