27.09.2017

Chuyện du học - Đỗ Cao Sang

Chuyện du học

Đỗ Cao Sang

Trước khi đọc bài này, tôi xin lưu ý rằng bài viết không nhằm vào nhóm người nào hay bất cứ ai hết. Có gì động chạm, quý vị thông cảm. Nhớ ngày xưa Nam Cao tả con chó thì tên say rượu trong làng cứ sang dọa đánh vì hắn bảo NC tả hắn. Khi NC tả con người thật thì bà hàng xóm bảo nhất định ông này tả con chó nhà mình. Nghề “viết” mà không biết “lách” thì đôi khi cũng khổ lắm. 
Khuôn viên Đại học Georgetown ở Washington, DC nhìn từ phía dưới George Washington Parkway qua Cầu Key ở Virginia vào ngày 19 tháng 3 năm 2005  AFP

Du học Liên Xô

Nói chung ở Việt Nam mình, thời nào cũng thế, không nên lấy cái gì để làm chuẩn mực để nhìn nhận năng lực con người. Họa chăng ở thời phong kiến cực thịnh, qua thi cử có thể định được tài năng, (tạm thời không nói đến đạo đức). Tốt nhất cứ phải tay sờ - tai nghe - mắt nhìn - mũi ngửi.


Hãy quay trở về những năm 60, 70 của thế kỷ trước, khi mà nước Nga Xô Viết còn làm anh cả đầy uy lực và gương mẫu. Ngày đó, ai được đi LX học thì oách lắm. Chữ nghĩa chỉ là một phần, quan trọng là cứu đói cho cả nhà. Đi Nga hồi đó, hầu như 100% lưu học sinh của mình tham gia buôn bán, vận chuyển hàng về VN. Mèo bé bắt chuột con, mèo to bắt chuột bự. Từ đùi đĩa, khung xe đạp, xoong nồi, vở bút giấy đến bà là, tủ lạnh, quạt điện, đồng hồ, thuốc Tây…

Bảy năm dòng dã, các lưu học sinh từ già đến trẻ, hầu như không ai đứng ngoài cuộc. Đến nỗi khi nhà văn Nguyễn Tuân sang giao lưu, thấy ông không mua hàng hóa gì, bọn nhà văn Liên Xô hỏi thật thà: “Ông không nhập hàng à? Tôi thấy người VN ở đây, ai cũng buôn bán cả!” Nguyễn Tuân cay quá, chưởi lại: “Không phải thằng VN nào cũng sang đây để mua hàng!”

Cũng thông cảm cho dân các bác sinh viên tranh thủ buôn bán ấy vì hồi đó dân ta quá nghèo. Có cơ hội cải thiện đời sống, tội gì không làm? Phần lớn chúng ta đều thấp hèn cả. Mấy ai như Nguyễn Tuân?
Tuy nhiên, về chuyện đó, mấy cụ bây giờ giấu tiệt. Chỉ có những người “thành thật trước bình minh” mới nói thẳng: Ngày đấy chẳng mấy ai chú trọng học hành gìBuôn bán là chính.

Tại sao họ vẫn có bằng cấp về nước? Nhiều người còn bằng đỏ hẳn hoi? Đó là chính sách ưu tiên theo kiểu ngoại giao. LX mất gì mảnh giấy mà không cho ta? Nếu ai đó trong đám lưu học sinh mà trượt thì xấu hổ nhà trường, lại tốn công đào tạo tiếp. Vậy thì đành làm thì láo, báo cáo phải hay! Nên nhớ cơ chế bao cấp đều có những căn bênh giống nhau, không phân biệt màu da, sắc tộc và địa lý. Chẳng những thế, làm mất lòng nước anh em, phương hại đến hữu nghị dân tộc là điều các trường đại học ở LX không mong muốn.

Sự thật này chỉ khi ngồi lê quán rượu, trà dư tửu hậu, các cụ mới nói ra. Tôi không nói 100% số lưu học sinh đó là kém mà chỉ nói tình trạng chung như thế. Không nhằm vào cá nhân cụ thể nào.

Ông Hoàng Ngọc Hiến, giảng viên ĐHSP I Hà Nội, chuyên gia văn học nước ngoài, phát biểu: “Nếu dắt một con bò sang Liên Xô, khi về nó cũng có bằng Tiến sỹ”. Câu này được lan truyền khá rộng rãi trong giới trí thức Việt Nam hiện nay. Đúng là một lão già bất mãn và phản động! Nhưng qua câu này, ta cũng suy luận được nhiều điều bí ẩn thú vị.

Tại sao các vị đó vẫn giấu sự thật? Vì phần lớn họ đang giữ trọng trách. Có đến 90% số sinh viên đào tạo cao học và tiến sỹ ở LX về hiện nay đang làm lãnh đạo khá to ở Việt Nam, ít nhất là giám đốc các trường ĐH công lập.

"Nếu trượt ĐH trong nước thì đi du học."

Bây giờ nói chuyện lưu học sinh VN ở nước ngoài hiện nay. Dân mình gần đây có câu: “Nếu trượt ĐH trong nước thì đi du học.” Phần lớn con các đại gia đi học nước ngoài về đều không có degree mà chỉ được cái certificate. Nghĩa là nó chỉ chứng nhận cho là đã học qua khóa A khóa B nào đó. Vì phần lớn các cháu vừa thấp chỉ số IQ, lại chết ở khoản tiếng Anh. Tiếng Anh không có thì học cái gì? Thế mà về VN, ai cũng đi đứng khệnh khạng, mặt ngửa lên trời. Làm như ở nội địa Việt Nam, ngoài mình ra, anh hùng thiên hạ đã chết hết cả rồi!

Ngoài ra, còn tồn tại một hình thức rất khốn nạn của bọn nước ngoài (điển hình là Trung cộng). Đó là việc họ cấp bằng láo để ăn tiền và thu hút học sinh. Nói thẳng ra là bán bằng, bán điểm.

Tôi có một sinh viên (xin chả dám nêu tên nhân vật này), học ở VN kém lắm. Ngay cả tiếng Hoa và cách tư duy logic đều hạn chế. Thế mà bảng điểm báo từ TC về, toàn điểm cao tít. Tôi bổ ngửa, không hiểu tại sao. Những môn thống kê, toán cao cấp và chuyên ngành tài chính không phải dễ nuốt lắm. Thế mà em đó toàn gặt 9 với 10. Mà trường này hẳn hỏi là có danh tiếng chứ không phải trường láo lếu như ta tưởng.

Thì ra bọn nó lập hai hệ, hệ học xịn, bằng xịn và hệ tiền, bằng là tiền, điểm cũng do tiền. Thương hiệu vẫn có mà tiền vẫn có.

Trò này ở Việt Nam cũng tương tự. Chúng ta biết các trường THPT cấp III Chu Văn An, Amsterdam có thương hiệu rất mạnh. Họ cũng có hai hệ: Hệ cho học sinh giỏi và hệ cho con các đại gia mua danh. Thì ra thằng Tầu nó chơi đểu mình đã đành, nhưng chính dân mình cũng chơi đểu nhau. Đúng là thời đại kim tiền!

Gần đây tôi nghe có vài học sinh các trường điểm ở HN đuổi đánh giáo viên. Giết nhau. Chém nhau. Hiếp nhau. Hãi quá! Hóa ra toàn lũ con đại gia đú đớn. Tuy nhiên, bộ phận các cháu đạo đức, nhân cách tốt thì vẫn cứ tốt. Không nên vơ đũa cả nắm.

Ở cấp ĐH thì Ngoại Thương, Bách Khoa, Kinh Tế QD đều làm kiểu hai hệ như thế cả.

Đây là vấn đề gây nhiều tranh cãi. Có nên duy trì hình thức đào tạo vì tiền như đang làm không? Nếu bỏ thì giáo viên lấy đâu ra thu nhập thêm để cải thiện bữa ăn? Nếu để tuyển sinh nhí nhố như thế mãi thì hậu quả thật khôn lường. Câu hỏi thật khó.

Quay lại chuyện du học sinh. Tôi xin lưu ý các nhà tuyển dụng nên cẩn thận với những tay học ở nước ngoài về. Xem kỹ họ được cấp giấy gì, degree hay certificate? Và họ học ở khoa nào ngành nào, lịch sử khoa đó ra sao. Nếu là bằng cao học và tiến sỹ thì hãy xem xét tương lai, công ty có áp dụng được gì từ cái M.A và Ph.D của họ không. Vì khá nhiều các đề tài của lưu học sinh VN nghiên cứu ở nước ngoài chẳng có liên quan gì đến thực tế kinh tế xã hội VN.

Vả lại, suy cho cùng, hiệu quả lao động và điều họ có thể làm cho công ty vẫn quan trọng hơn nhiều bằng cấp. Bất kể bằng đó được cấp ở một trường ĐH Việt Nam hay ở một trường ĐH nước ngoài.

RFA