06.09.2017

Vì sao đảng vẫn quyết tâm ‘hòa hợp dân tộc về văn học’? - Thiền Lâm

„Nhiều dấu hiệu cho thấy hai chiến dịch “Hội nghị hòa hợp dân tộc về văn học” và “Thừa nhận Việt Nam Cộng Hòa” đều xuất phát từ chủ trương và chỉ đạo của những cấp cao trong Bộ Chính trị đảng.

Chỉ có điều, tất cả vẫn hoàn toàn… không chính danh.“

Vì sao đảng vẫn quyết tâm ‘hòa hợp dân tộc về văn học’?

Thiền Lâm
Bản tin về một sự kiện "chưa từng có": Hội Nhà văn Việt Nam sẽ mời tất cả các nhà văn hải ngoại, kể cả những người từng cầm bút phục vụ chế độ cũ (VNCH), về dự “Hội nghị hòa hợp dân tộc về văn học”. Ảnh: VOA.


Vào đầu tháng Chín năm 2017, trên facebook của một số trí thức người Việt hải ngoại lan truyền hai bức thư là lạ: một thư được cho là của ông Hữu Thỉnh – Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam – gửi ông Phan Nhật Nam – tác giả của sách “Mùa hè đỏ lửa” và từng là người bên kia chiến tuyến, đang định cư ở Hoa Kỳ, mời ông Nam về Việt Nam “gặp mặt” với các nhà văn trong nước “với ý nghĩa cao cả, góp phần làm giàu các giá trị truyền thống của dân tộc, xứng đáng để chúng ta vượt qua mọi xa cách và trở ngại, cùng ngồi lại với nhau trong tình đồng nghiệp”.

Người được cho là nhà thơ Hữu Thỉnh – vào những năm trước vẫn là một cây cổ thụ trong làng “chống diễn biến hòa bình” và mạnh miệng lên án “các thế lực phản động” ở nước ngoài – đã bất thần da diết chưa từng có với nhà văn hải ngoại: “Anh Nam ơi, tôi muốn nói thêm rằng, chúng ta đều không còn trẻ nữa. Tôi hình dung cuộc gặp này là rất có ý nghĩa cho những năm tháng còn lại của mỗi chúng ta. Tôi cũng dự đoán rằng, có thể có những khó khăn. Nhưng từ trong sâu thẳm thiên chức nhà văn, chúng ta cùng chọn Dân Tộc làm mẫu số chung để vượt qua tất cả”.

Cuối thư này là hứa hẹn của ông Thỉnh “Cuộc gặp mặt dự kiến sẽ diễn ra từ 20 đến 25 tháng 10 năm 2017 tại Hà Nội và một số địa phương ở phía Bắc. Trường hợp anh Nam, Ban tổ chức sẽ lo chi phí toàn bộ đi về và thời gian tham gia Cuộc gặp mặt”.

Còn bức thư thứ hai là lời từ chối “gặp mặt” của ông Phan Nhật Nam với lý do “TÔI KHÔNG CÓ LIÊN HỆ NÀO VỚI GIỚI VĂN CHƯƠNG, HỌC THUẬT MIỀN NAM TRƯỚC 1975. LẼ TẤT NHIÊN SAU 1975 CŨNG VẬY, TRONG NƯỚC CŨNG NHƯ Ở HẢI NGOẠI..” (chữ in hoa của tác giả).

Mặc dù chưa có đầy đủ cơ sở để kiểm chứng về hai bức thư trên là của ông Hữu Thỉnh và ông Phan Nhật Nam, nhưng ý định “thua keo này bày keo khác” của Hội Nhà văn Việt Nam và đứng sau đó là đảng cầm quyền là rất rõ ràng. Sau phá sản của “Hội nghị hòa dân tộc về văn học” được Hội Nhà văn Việt Nam dự kiến tổ chức vào tháng 4/2017, đến tháng Sáu năm nay đã bắt đầu xuất hiện tin tức ngoài lề về việc hội nghị này sẽ được “làm lại” vào tháng 10/2017.

Cần nhắc lại, vào đầu năm 2017, Hữu Thỉnh – nhà thơ được tiếng là “cháu ngoan của đảng” – đã bất ngờ công bố một kế hoạch chưa từng có tiền lệ trong lịch sử tồn tại của đảng: Hội Nhà văn Việt Nam sẽ mời tất cả các nhà văn hải ngoại, kể cả những người từng cầm bút phục vụ chế độ cũ (VNCH), về dự “Hội nghị hòa hợp dân tộc về văn học”.

Khi đó, một video xuất hiện trên mạng xã hội đã tường thuật nguyên văn phát biểu của ông Hữu Thỉnh về “Hội nghị hòa hợp dân tộc về văn học”: “Đây là một sự kiện chưa từng có, Tổng Bí thư có hỏi tôi rằng: Có phải đây là lần đầu tiên tổ chức hội nghị này không? Tôi trả lời: Đây là lần đầu tiên chúng ta sẽ tổ chức vào dịp Giỗ tổ Hùng Vương 10/3 (âm lịch) 2017…”.

Nhưng ngay sau khi ông Hữu Thỉnh phát ra tuyên bố về “Hội nghị hòa hợp dân tộc về văn học,” khắp các diễn đàn trong nước và đặc biệt ở hải ngoại đã phản ứng như sóng lừng. Rất nhiều ý kiến của nhà văn, nhà báo hải ngoại cho rằng sự kiện này về thực chất chỉ mang tính “cuội.” Họ tung ra một câu hỏi quá khó để trả lời rằng Nghị Quyết 36 của Bộ Chính Trị về “công tác vận động người Việt Nam ở nước ngoài” đã ra đời mười mấy năm trước mà hầu như chưa làm được gì cả, nhưng tại sao đến nay mới sinh ra mới cái cử chỉ như thể “chiêu dụ người Việt hải ngoại” như thế?

Nhiều ý kiến từ hải ngoại cũng thấu tim gan “đảng quang vinh” về chuyện suốt từ năm 1975 đến nay, đảng chỉ quan tâm đến “khúc ruột ngàn dặm” nhằm hút đô la “làm giàu cho đất nước” càng nhiều càng tốt, nhưng ai cũng hiểu là không có đô la thì chế độ không thể nào tồn tại.

Quả thật vào năm 2016, lượng kiều hối thực gửi về Việt Nam chỉ có 9 tỷ USD, giảm đến 30% so với năm 2015. Với hơn 4 tỷ USD bị sụt giảm từ lượng kiều hối trong năm 2016, GDP danh nghĩa của Việt Nam đã bị giảm khoảng 1,5%. Đây cũng là sự sụt giảm mạnh nhất trong vòng 23 năm qua, phát ra một tín hiệu hiển hiện về triển vọng kiều hối về Việt Nam đang bắt đầu chu kỳ suy thoái, và có thể suy thoái trầm trọng.

Sát lễ kỷ niệm giỗ tổ Hùng Vương 10 tháng Ba âm lịch, có tin cho biết Hội Nhà văn Việt Nam đã phát đi trên năm chục thư mời đến các nhà văn hải ngoại. Nhưng lại chẳng có tin gì về hồi đáp từ những người được mời. Hẳn đó là nguyên nhân chủ yếu mà đã khiến “Hội nghị hòa hợp dân tộc về văn học” không cách nào đủ túc số nhân sự để “gầy sòng.”

Còn giờ đây, có vẻ Hội Nhà văn Việt Nam đã rút được vài bài học kinh nghiệm khi không còn dùng “Hội nghị hòa hợp dân tộc về văn học” mà thay vào đó chỉ là “cuộc gặp mặt”.

“Cuộc gặp mặt” trên lại vừa được bổ túc một chất xúc tác hết sức đặc biệt: Hội Lịch sử Việt Nam – cùng nằm trong hệ thống hội đoàn nhà nước với Hội Nhà văn Việt Nam – vào tháng 8/2017 đã công bố bộ sách lịch sử Việt Nam với một nội dung bất ngờ: thừa nhận Việt Nam Cộng Hòa như một “thực thể chính trị”.

Nhiều dấu hiệu cho thấy hai chiến dịch “Hội nghị hòa hợp dân tộc về văn học” và “Thừa nhận Việt Nam Cộng Hòa” đều xuất phát từ chủ trương và chỉ đạo của những cấp cao trong Bộ Chính trị đảng.

Chỉ có điều, tất cả vẫn hoàn toàn… không chính danh. Cho tới nay, vẫn chưa có bất kỳ quan chức cao cấp đủ thẩm quyền nào đứng ra “nhận trách nhiệm” về việc tổ chức chính thức hai sự kiện trên, mà chỉ “đẩy” hội đoàn đi tiên phong.

Một cách làm mang tính “truyền thống” từ trước tới nay của đảng là đối với những chủ đề nhạy cảm về chính trị, các cơ quan đảng và chính quyền thường không ra mặt mà cho “làm thí điểm” bằng Mặt trận Tổ quốc hay hội đoàn nhà nước, để nếu thuận lợi thì đảng mới chính thức hiện ra “nhận công”, còn nếu có hơi hướng thất bại thì đảng lập tức “rút vào bí mật”, sau đó mọi chuyện lặn không sủi tăm.

Khi hào hứng nhận lãnh chiến dịch “Hội nghị hòa hợp dân tộc về văn học”, Chủ tịch Hội Nhà văn việt Nam Hữu Thỉnh có lẽ không thể hình dung ra việc ông ta sẽ phải thực hiện một công việc “khó bằng trời”, một công việc nhằm lôi kéo thuyết mị những người không còn chút khái niệm tin cậy nào về “hòa hợp hòa giải”.

Món lợi dễ thấy nhất và có thể là duy nhất của Hội Nhà văn Việt Nam trong chiến dịch trên chỉ là cơ hội lớn để xin ngân sách, đặc biệt trong bối cảnh hội đoàn này đã bị ngân sách cắt giảm kinh phí đến 50% trong vài năm qua.


(Cali Today News )