Chạy
Tôi vốn lười và dốt về thể thao, thể dục, chỉ ngồi xem các chương trình thể thao tôi cũng rất ít khi thưởng thức, nói chi tới thực hành. Hôm rồi chị bạn rủ bắt đầu chạy bộ hằng ngày, tôi tìm lý do để từ chối. Chị khuyến khích:
- Ráng đi! Xem con gà “chạy bộ” mua từ nông trại ốm nhẹ nhưng giá mắc gấp đôi con gà mập nuôi công nghiệp!
Cái này thì tôi công nhận, thon ốm dĩ nhiên là quá đẹp quá tốt rồi. Gần đây tôi hay bị mệt, làm việc chậm chạp, bụng bự, tôi nhủ lòng nhất định sẽ bắt đầu bằng việc đi bộ, biết đâu từ từ sẽ tăng vận tốc được thành chạy. Thấy người ta khỏe mạnh năng nổ chạy bộ, chạy nước rút, chạy đường trường thấy mà ham. Tôi bỗng miên man nghĩ tới chữ “chạy” trong tiếng Việt.
Ông bà ta có câu: “Ăn một bát cháo, chạy ba quãng đồng” ý khuyên nên để ý tới mục đích, đừng vì những chuyện vô bổ mà mất nhiều công sức, thời gian.
Ngoài ra ca dao cũng nói tới những chuyện oái oăm "Lù đù vác cái lu mà chạy". Ý nói bất kể con người hay sự vật, đều không nên đánh giá qua vẻ bề ngoài. Don't judge the book by its cover, khiêng vác cái lu to tròn là việc khó, thế mà vẫn có người chạy được dù xem ra khù khờ. Chớ nên xem thường ai cả!
Có khi người ta phải “chạy bán sống bán chết” để trốn nếu bị rượt đuổi. Chữ chạy không chỉ là động từ cho người hay thú vật, mà còn dành cho các danh từ trừu tượng như tài lộc, hạnh phúc. Thí dụ các thầy phong thủy khuyên mình treo tranh thế này, sửa cửa thế kia để tài lộc thi nhau “chạy” vào nhà, gia chủ tha hồ hưởng phúc.
Ông đồ Nguyễn Đình Chiểu đã có bài thơ Chạy giặc, chạy Tây rất hay:
Tan chợ vừa nghe tiếng súng Tây,
Một bàn cờ thế phút sa tay.
Bỏ nhà lũ trẻ lơ xơ chạy,
Mất ổ bầy chim dáo dác bay.
Chạy có khi không có nghĩa là… chạy nhanh bằng hai chân, mà là rải thành một đường dài và hẹp như khi các nhà văn miêu tả: Rặng dừa “chạy” dài ở hai bờ con kênh. Chạy cũng có nghĩa làm nổi thành đường dài khi may vá, trang trí như khi nói “chạy” viền chỉ đỏ, “chạy” một đường sơn dưới vách tường trong phòng. Trong thông tin, báo chí, nếu có tin "giật gân" thì hàng tít lớn, tiêu đề sẽ được "chạy" suốt trang báo. Đồng hồ Rolex “chạy” rất đúng giờ. Chạy cũng có khi mang nghĩa thuận lợi, trôi chảy: Vào dịp Tết, hàng bán rất “chạy”. Khi lái xe ở ngoại quốc, đừng có “chạy ngược chiều”. Ở Việt Nam thì OK, cứ tha hồ chạy vì có luật lệ chi mô. Chạy đúng luật cũng bị công an gác đường khó dễ kiếm tiền phạt bỏ túi. Tin vào luật đi đường ở VN thì đừng có ra đường, vì tới mai cũng chưa đến nơi.
Các chữ chạy nạn, chạy tìm nơi trú mưa, chạy tiền mua thuốc cho con, chạy ăn từng bữa, chạy gạo, chạy tiền … thì ai cũng biết, cũng xài. Nhà thơ Tú Xương đã viết: “Chạy ăn từng bữa toát mồ hôi”. Cha mẹ đã phải vất vả "chạy ngược chạy xuôi", “chạy đôn chạy đáo” lo cho gia đình.
Khi gấp, vội vã để tránh hư hại như khi nước lên nhanh thì phải gặt “chạy” trước thời vụ. Có nhà cần phải tổ chức đám cưới gấp để “chạy tang” khi trong nhà có người thân sắp qua đời, theo lệ xưa con cái phải để tang 3 năm không được làm đám cưới, nên phải cưới “chạy tang”.
Ca sĩ nổi tiếng được ưa chuộng, được mời đi hát nhiều nên phải "chạy show", tức là hát hai ba địa điểm khác nhau. Ca sĩ và bầu sô phải chia giờ, chạy nhanh để hát kịp nhiều chương trình trong cùng một ngày.
Cần phải “chạy thầy, chạy thuốc” khi mang bệnh. Một số các loại bệnh nếu đem đi “chạy điện” có thể cứu được. Lỡ làm gì sai, nhận lỗi thấy khó quá thì cách hay nhất là “chạy tội, chạy lỗi”, đổ thừa cho ai đó dù mình không mang họ Đỗ! Khi bỏ cuộc chạy trốn để không phải trả nợ, chối bỏ trách nhiệm người ta lại gọi là “chạy làng”. Đừng làm ác, vì sẽ “chạy trời không khỏi nắng”, “chạy đằng trời” cũng khó thoát.
Cuộc sống sau 30 tháng 4, 1975 chịu nhiều khốn khó, thay đổi xấu nên nhiều người phải “chạy mánh” để kiếm sống. Ngày nay xã hội Việt Nam dưới chế độ Cộng Sản, đầy dẫy những thối nát bất công, người ta “chạy” nhiều cái lạ hơn như “chạy chức, chạy quyền”. Đây là tình trạng bổ nhiệm chức vụ, quyền hạn cho những thành phần không đủ tiêu chuẩn, điều kiện. Đó có thể là người thân, hoặc người đã đút lót, hối lộ. Khi có chức rổi thì kiếm chác để gỡ lại tiền vốn mua chức, nên có khi bị bắt, lúc ấy lại phải “chạy án”. Vấn nạn này ngày càng trở nên ung nhọt, gây xáo trộn trong xã hội. Trước khi chạy chức thì phải chạy điểm, chạy trường, chạy bằng cấp cho con, để con có điểm cao, cầm được mảnh giấy bằng cấp trong tay. Vụ thầy cô bán bằng, nâng điểm cho con cán bộ cao cấp ở Sơn La năm trước là một “vụ việc” đáng xấu hổ, cần phải thay đổi, bỏ “chạy có cờ”, “chạy mất dép”, “chạy té khói”, “chạy trối chết”, “chạy bán sống bán chết”, “chạy nhanh như sóc”, "chạy vắt giò lên cổ"… để trốn tránh những việc xấu này.
Gần đây cũng có nhiều người chạy đua câu khách, “câu like” kiếm tiền trên YouTube nhờ các tựa đề, nội dung độc và lạ, không kể tới giá trị đạo đức, văn chương, dùng các đề tài ngôn ngữ nghe qua thật “thầy chạy!”
Riêng tuần qua việc chạy trốn Việt Nam làm 39 người chết đã làm rúng động thế giới. Vì sao mà những gia đình này phải vay mượn, bỏ ra rất nhiều tiền để cho con đi lậu qua các nước Âu Châu? Xã hội VN tệ như thế nào để họ phải đánh canh bạc quá lớn, quá nguy hiểm để mong có được cuộc sống mới tốt đẹp hơn?
Khi xưa lánh nạn Cộng Sản, người dân Bắc Việt đã phải đi vào Nam bằng “Tàu há mồm” vào năm 1954. Sau 1975, người ta phải vượt biên bằng đường bộ, nhiều nhất là đường biển qua các con thuyền mong manh nên có chữ “thuyền nhân”. Gần đây một số đại gia, cán bộ có tiền nên đi bằng máy bay qua ngoại quốc theo diện mang tiền qua buôn bán đầu tư, hoặc theo kiểu người có trình độ “skilled worker” nên được gọi là “Phi Nhân”. Phi ở đây nghĩa là phi cơ, máy bay. 39 người chết trong xe tải bây giờ được gọi là “Thùng Nhân”, vì vượt biên trốn bằng thùng và chết trong thùng hàng đông lạnh.
Cái chết thê thảm đến từ từ, vừa lạnh vừa thiếu không khí để thở, có lẽ còn khủng khiếp hơn cái chết của người Do Thái khi xưa bị Đức Quốc Xã đưa vào phòng hơi ngạt. Mới đây bà Marie Luise Dott, Dân biểu Liên bang Đức đã phát biểu câu: “Quý vị lấy sự tàn bạo của nhà cầm quyền Đông Đức trước kia, rồi nhân lên nhiều lần, thì sẽ hình dung ra chế độ độc tài tại Việt Nam”. Vâng, người Đức hiểu về Đảng CS như thế, người Việt chúng ta hiểu cách nào? Hiểu rồi thì làm gì, hay là cha chung không ai khóc, thích lấy họ Tây Mackeno (Mặc Kệ Nó!). Không chỉ 39 người xấu số này, còn rất nhiều người khác đã chết trong âm thầm, hoặc may mắn còn giữ mạng sống nhưng phải khổ sở làm việc như nô lệ, sống chui rúc bị hành hạ đủ điều. Biết bao nhiêu người phải trả tiền “chạy chọt” để được đi ra nước ngoài lao động, mong kiếm được tiền trả nợ và có lời để giúp gia đình. Biết bao cô dâu Đài Loan, Đại Hàn, Trung Quốc phải bán mình như nàng Kiều khi xưa… Một trong những người trốn được ra nước ngoài làm lậu đã chia sẻ: “Anh nói tụi em khổ còn hơn nô lệ. Em thì thấy ở nhà còn khổ hơn! Thương quá con người của Việt Nam, thương quá "đồng bào" của mình.
Trong lịch sử Việt Nam trước đây, dù bị đói khát, chiến tranh người dân cũng không phải bỏ quê cha đất tổ để tha hương cầu thực ở nước ngoài, tại sao bây giờ lại phải cùng cực như thế? Tai nạn Formosa và bao tội ác khác sẽ bao giờ giải quyết được?
Tôi đã nghe 2 bài giảng mới nhất trong thánh lễ cầu nguyện cho 39 nạn nhân trên đường đến nước Anh do Linh Mục Nguyễn Hữu Nam và Linh Mục Ngô Văn Kha giảng. Hai linh mục này ở VN nhưng không sợ, dám can đảm nêu lên vấn nạn, cho thấy vì sao người dân và xã hội VN đi đến tận cùng đau khổ như thế, đòi hỏi nhà cầm quyền Cộng sản nhận trách nhiệm. Cha Nam kết luận: “Việt Nam chúng ta đang trải qua một giai đoạn đầy bất ổn, thử thách và hiểm nguy. Là công dân nước Việt, là con cái Giáo Hội, chúng ta có bổn phận đối với vận mệnh của tổ quốc, hòa bình thịnh vượng của nhân loại”.
Riêng tôi cả tuần nay cũng rất suy tư, một câu trong bài hát của Trịnh Công Sơn bỗng hiện về - dù từ khi đọc về con người của TCS, tôi không mấy thích ông nữa:
“Hãy sống dùm tôi, hãy nói dùm tôi, hãy thở dùm tôi” - lời bài hát như một lời trăn trối trong lúc này.
Chúng ta còn thở, còn may mắn có quyền tự do ngôn luận ở xã hội Tây Phương đầy Tự Do, Nhân Quyền này, chúng ta phải làm gì? Cảm ơn hai cha Nguyễn Hữu Nam, Ngô Văn Kha và rất nhiều tác giả đã viết bài, đã lên tiếng “comment” trong các trang Facebook, diễn đàn để nói dùm những nạn nhân của xã hội Cộng Sản VN. Còn thở, còn sinh họat, còn “chạy” được, hãy “chạy” nước rút để cuộc sống mình có ý nghĩa hơn, kẻo như câu thơ của nhà ái quốc Phan Bội Châu “sống tủi làm chi, đứng chật trời”.
Ngày nào chế độ Cộng sản này còn tồn tại thì sẽ còn khó thở, khó sống, còn những thảm cảnh chết trong container đông lạnh - điều mà chưa ai tưởng tượng được trước đây. Ngoài cái chết ngay, thì người dân Việt Nam cũng đang chết từ từ trong cái xã hội chủ nghĩa phải đi tha phương cầu thực, phụ nữ bị bóc lột tình dục, sống trong đói nghèo gian dối, dân lành ai cũng có thể trở thành dân oan …..
Dân Việt cũng sẽ chầm chậm chết trong tay Tàu Cộng, bản đồ chữ S sẽ biến mất trên thế giới. Đã đến lúc những ai còn quan tâm đến vận mệnh dân tộc hãy mạnh dạn, liên kết đấu tranh dân chủ để sớm kết thúc cái chế độ đang tàn phá đất nước.
Hãy sống dùm tôi, hãy nói dùm tôi
hãy thở dùm tôi
Đã lâu rồi làm sao chờ đợi
Sao còn ngồi, sao im lìm
ngủ hoài các anh
Hãy sống dùm tôi, hãy nói dùm tôi
hãy thở dùm tôi
Anh chị này sao vui mừng làm người cúi xin…
Nguyễn Ngọc Duy Hân