05.02.2022

Mỹ cảnh báo Nga - Trung về Ukraine -Trung Nhân (Theo Hill)

 Mỹ cảnh báo Nga - Trung về Ukraine

Quan chức ngoại giao Mỹ nhận định Trung Quốc cần thuyết phục Nga theo đuổi giải pháp ngoại giao cho bất đồng với Ukraine và phương Tây.

Daniel J. Kritenbrink, trợ lý ngoại trưởng Mỹ chuyên trách Đông Á và Thái Bình Dương, đánh giá cuộc gặp thượng đỉnh ngày 4/2 giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình là cơ hội để Bắc Kinh thuyết phục Moskva giảm căng thẳng trong vấn đề Ukraine.

"Đó cũng là điều thế giới kỳ vọng ở những cường quốc có trách nhiệm. Nếu Nga tấn Ukraine và Trung Quốc làm ngơ, họ sẽ bị đánh giá sẵn lòng dung thứ hoặc ngầm ủng hộ Nga toan tính cưỡng ép Ukraine", Kritenbrink cảnh báo. "Kịch bản này có thể khiến Bắc Kinh bẽ mặt, ảnh hưởng đến an ninh châu Âu, cũng như hòa bình và ổn định kinh tế toàn cầu".

Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bắc Kinh ngày 4/2. Ảnh: AFP.

Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bắc Kinh ngày 4/2. Ảnh: AFP.

Lãnh đạo Nga và Trung Quốc gặp trực tiếp tại Bắc Kinh trước lễ khai mạc Olympic Mùa đông. Thông cáo chung của cuộc họp thượng đỉnh nhấn mạnh quan hệ hai nước "không có giới hạn nào" và "ưu việt hơn những liên minh chính trị và quân sự từ kỷ nguyên Chiến tranh Lạnh", ám chỉ NATO và quan hệ đối tác giữa các nước phương Tây nói chung.

Chủ tịch Trung Quốc cùng Tổng thống Nga phản đối quá trình mở rộng NATO, đồng thời kêu gọi liên minh quân sự "từ bỏ cách tiếp cận dựa trên ý thức hệ từ thời Chiến tranh Lạnh". Hai nước không ủng hộ thành lập những liên minh khép kín, cũng như chiến lược tiếp cận của Mỹ ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Một số quan chức cấp cao trong chính phủ Mỹ thời gian qua nhận định chuyến thăm của Putin đến Bắc Kinh có thể mở ra cơ hội giảm căng thẳng dọc biên giới Nga - Ukraine. Nhóm này cho rằng lãnh đạo Nga không muốn động binh trong hai tuần Trung Quốc đăng cai tổ chức sự kiện thể thao mùa đông lớn nhất thế giới.

Tuy nhiên, Kritenbrink lo ngại Olympic Bắc Kinh là thời cơ cho Moskva khởi động chiến dịch quân sự. Ông lưu ý Nga từng đưa quân sang Georgia để giải quyết vấn đề Nam Ossetia và Abkhazia trùng với Olympic Mùa hè 2008, cũng tổ chức tại Bắc Kinh. Chiến sự bùng phát không lâu sau khi Moskva công khai phản đối kế hoạch Georgia gia nhập NATO.

"Chúng ta từng chứng kiến kịch bản tương tự. Đây là lần thứ hai Nga leo thang chính sách nhắm vào một nước có chủ quyền trong giai đoạn Olympic diễn ra tại Bắc Kinh", ông nhận định.

Kritenbrink tiết lộ Washington đã tổ chức gần 200 cuộc tiếp xúc ngoại giao với đồng minh và đối tác liên quan vấn đề Ukraine, tính từ tháng 11/2021 khi Nga bắt đầu tăng hiện diện quân sự dọc biên giới phía tây. Theo ông, Mỹ đang phối hợp cùng đồng minh và đối tác, trong đó có cả khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, nhằm "phản ứng quyết đoán nếu Nga tấn công Ukraine".

Căng thẳng leo thang sau khi Mỹ cùng NATO cáo buộc Nga tập trung hơn 100.000 quân sát biên giới phía tây và tại Belarus, đồng thời đang lên kế hoạch tiến đánh Ukraine. Trong khi đó, Moskva nhiều lần khẳng định các hoạt động quân sự chỉ mang tính phòng thủ và thuần túy diễn tập.

Giới chức Nga nhấn mạnh nước này không có kế hoạch tấn công Ukraine, nhưng Moskva đang ngày một lo ngại về quá trình mở rộng thành viên của NATO. Bộ Ngoại giao Nga cuối năm ngoái ra "tối hậu thư" yêu cầu phương Tây đảm bảo an ninh, trong đó có cam kết không kết nạp Ukraine và một số nước từng thuộc Liên Xô vào liên minh quân sự.

Mỹ không chấp nhận bản danh sách của Nga nhưng thông báo sẵn sàng thảo luận các bước giải quyết lo ngại an ninh như kiểm soát vũ khí, hạn chế triển khai tên lửa, tăng minh bạch về quy mô và lực lượng diễn tập quân sự.

Trung Nhân (Theo Hill)