11.02.2015

MÙA XUÂN TÔN GIÁO TẠI VIÊT NAM - Rupert Neudeck

„Mùa xuân tôn giáo tại Vietnam“ của TS Rupert Neudeck (ân nhân của người Việt tỵ nạn tại Đức) mới đăng trong báo CIG (CHRIST IN DER GEGENWART) tháng 1 2015.
Bài này cũng được phổ biến trong trang mạng MRVN (Menschenrechte für Vietnam)

Mùa Xuân tôn giáo tại Việt Nam

Giáo hội Công giáo tại đây đang phát triển và trẻ trung.  Một chuyến đi thăm người công giáo tại xứ sở cộng sản.



Rupert Neudeck

Vào ngày chủ nhật chỉ riêng tại nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế tại quận ba Sàigon có đến 9 lễ rước mình thánh chúa. Chúng tôi đã chọn lễ bắt đầu lúc năm giờ chiều. Quen theo kiểu Đức, chúng tôi nghĩ là đa số mọi người sẽ có mặt sớm trước giờ cử hành thánh lễ, nhưng không phải vậy. Khi chúng tôi đến giáo xứ, đã thấy có nhiều trẻ em và thanh thiếu niên. Bãi đậu xe thật lớn

cho cả mấy trăm chiếc xe gắn máy. Thêm một chợ giáng sinh, một hang đá Đức Mẹ và một trường mẫu giáo tạo thành tổng thể của khu giáo xứ. Bên trong nhà thờ chen chúc người dự lễ, ca đoàn đã khai mạc thánh lễ thật tưng bừng bằng những bài thánh ca nghe thật hay. Hơn phân nửa số người tham dự, thậm chí  hai phần ba, là còn trẻ. Số người xếp hàng chờ rước lễ dài vô tận. Khi bản tin của giáo phận được đọc lên mới biết là sinh hoạt cứu trợ thiện nguyện là phần chính của buổi thánh lễ.

Người công giáo tại VN không có tự do, cũng như những thành phần tôn giáo khác. Đảng cộng sản dùng sự kiểm duyệt, tù tội và lực lượng công an để thể hiện quyền lực. Hệ thống độc đảng chuyên quyền đã  thoái hóa từ lâu nay, nhà cầm quyền bây giờ theo tư bản và tham nhũng một cách trắng trợn. Độ khoảng 15 năm nay, người công giáo  được dễ thở một chút, việc xin phép xây cất nhà thờ dễ được chấp thuận hơn trước kia. Nhưng cũng không che dấu được rằng giáo hội công giáo đã có một thời gian bị cản trở và phải chịu đựng áp bức vô cùng. Người ta chỉ cần nhớ đến vị Tổng Giám Mục giáo phận Hà Nội, Hồng Y Paul Joseph Phạm đình Tụng, người đã qua đời vào năm 2009. Ngài đã bị quản thúc tại gia suốt 27 năm trời. Từ năm 1963 đến năm 1990, Ngài không được phép thăm viếng các giáo xứ trong địa phận của mình. Tổng Giám Mục Francois Xavier Nguyễn văn Thuận của giáo phận Sàigòn đã ngồi tù từ năm 1975 đến năm 1988 và cuối cùng được Đức Giáo Hoàng Johannes Paul Đệ Nhị triệu về Vatikan và năm 2001 được tấn phong bậc Hồng Y Bộ trưởng.

Giờ vẫn còn những cản trở: Tuy nhiên giáo hội công giáo Việt Nam đã tự tin hơn trước. Họ tìm cách đòi lại những đất đai, tài sản của giáo hội đã bị sung công, kể cả việc người công giáo xuống đường biểu tình. Về việc nối lại bang giao với Tòa Thánh, vốn đã bị cắt đứt từ năm 1975, vẫn chỉ là phỏng đoán.

Giáo hội công giáo đang hồi nở rộ, trong một thời kỳ mà người dân về mặt kinh tế được dễ chịu hơn. Trong khi ở Trung Âu châu, giáo hội công giáo già đi và co cụm lại vì hầu như không còn đến được với giới trẻ thì ở vùng Viễn Đông, giáo hội được trẻ trung hóa. Bất chấp khoảng thời gian cả ngàn năm lệ thuộc văn hoá tàu phương bắc; Bất chấp một giai đoạn dài bị Pháp thuộc (1882-1954) và mặc dù bị chế độ cộng sản vô thần cai trị, nhưng những phong cách, giá trị cổ truyền vẫn luôn được lưu giữ và phục hồi. Tập quán thờ cúng tổ tiên đã từng bị các giám mục ngăn cấm, nhưng cũng chẳng được bao lâu. Tại những khu công giáo như ở Sàigòn hoặc Biên Hòa người ta vẫn thấy trong nhà các giáo dân có đặt bàn thờ Đức Mẹ được thiết kế như những bàn thờ phật có cả bát nhang.      

Có đến 20 nhà dòng công giáo hiện diện tại VN và họ bắt đầu xây dựng cơ sở bởi vì có thêm nhiều người trẻ vào dòng tu. Thí dụ như dòng nữ tu Biển Đức nữ Thánh Rosa von Lima có đến 111 thiếu nữ xin đi tu.

Mới đây các tổ chức tôn giáo tại Sàigòn đã liên kết với nhau để chống lại một dự án xây dựng của nhà cầm quyền. Trên báo đảo Thủ Thiêm bên bờ sông Sàigòn, bao trùm một diện tích khoảng bảy cây số vuông, có dự án 1 trung tâm tài chánh thật tân tiến và một khu nhà ở: Khu ngoại ô Tân Thủ Thiêm. Dân cư ngụ đang bị cưỡng ép di dời đi chỗ khác. Cả một ngôi chùa và một nhà thơ trong khu vực cũng phải bị phá dỡ. Người ta phản đối dự án đó. Một Uỷ ban cố vấn  liên tôn, bao gồm năm tôn giáo lớn đã phổ biến một tuyên cáo chung để chận lại việc phá bỏ ngôi chùa và nhà thờ. Cùng với việc này, Uỷ ban cũng công khai vận động các tín đồ. Người ta kể là giáo dân được khuyến khích ngày chủ nhật hãy đến nhà thờ bên Thủ Thiêm để dự lễ.

Nhà cầm quyền VN lèo lái đất nước cũng giống như nhà nước Bắc Kinh. Sách lược tư bản theo kiểu xã hội  chủ nghĩa giống như một con sâu, sau khi ra khỏi kén thì hiện nguyên hình thành tư bản. Về tôn giáo thì không có số lượng chính xác. Người ta ước đoán là vào năm 2004 khoảng 4/5 dân số 92 triệu người Việt không theo tôn giáo nào cả. 20 triệu người theo đạo Phật, khoảng 6 triệu giáo dân công giáo và nửa triệu theo Tin Lành. Thêm vào đó là đạo Cao Đài (một nối kết giữa triết lý công giáo và đạo lý Á châu), khoảng 2 triệu tín đồ, và đạo Hòa Hảo (một hình thức nghiêm tu theo Phật giáo) có khoảng một triệu tín đồ. Theo quan niệm của tất cả những nhóm tín đồ này thì tôn giáo là phần căn bản trong đời sống hàng ngày của họ.  
Một ngày kia chúng tôi đi Vũng Tàu, một thành phố thuộc miền biển. Sau khi chiến tranh Việt Nam kết thúc vào năm 1975, tại đó đã có rất nhiều người đi vượt biên lén lút bằng thuyền, lúc sương mù đêm khuya để tránh tai mắt công an, kẻ dữ. Thoạt đầu họ đi bằng những chiếc thuyền taxi nhỏ để ra ghe lớn hơn mà thường là chứa khẳm người. Họ ra đi với một hy vọng tấp vào được một bến bờ nào đó của vùng biển đông.

Trên ngọn núi cao nhất của Vũng Tàu, nơi hiện có một pho tượng Jesu thật lớn, thấy có nhiều băng ghế nghỉ chân dọc đường ngoằn ngèo dẫn lên núi. Những ghế này là do những người vượt biên khi trước, giờ trở về thăm lại Vũng Tàu và hiến tặng như để cám ơn đã có được chuyến đi vượt biên thành công.  
Nhìn sự hồi xuân của tôn giáo tại vùng đông nam Á châu này, người ta cũng hồi tưởng lại vào thế kỷ thứ 19 đã có nhiều phản ứng chống lại Thiên chúa giáo một cách dữ dội mà tiêu biểu là trong dụ cấm đạo của vua Tự Đức đã cho „Đạo“ đây là đạo của phương Tây. „Đạo này cấm đoán việc thờ phật, ông bà, thánh thần, ma quỷ. Vì vậy đạo công giáo từ phương tây là sai lầm, làm hại đến linh hồn con người và phá vỡ mọi truyền thống dân tộc“.

Có một thứ mà dưới ánh mắt một người phương Tây khó tiêu hóa nổi là những thứ biểu hiện niềm tin tôn giáo như ảnh các thánh, chuỗi hạt, thánh giá… mang phong cách ấu trĩ. Chỗ nào người ta cũng thấy đầy những tượng màu sắc lòe loẹt, kể cả trong nhà thờ. Tôi và người bạn Việt đi chung, anh ta cũng từ Đức sang, cùng đồng ý với nhau là những thứ này quả tình không hợp nhãn chúng tôi, nhưng phải tôn trọng thôi. Dẫu sao Giáo hội đang sống tại Việt Nam, niềm tin của họ chính là sức mạnh vô song.  


(chuyển dịch ThànhLQ)