15.09.2015

Đức ngưng tham gia Hiệp ước Schengen, đình chỉ các chuyến tàu (Tin VOA)

Đức ngưng tham gia Hiệp ước Schengen, đình chỉ các chuyến tàu
Xe lửa chở di dân tiến vào ga xe lửa chính ở Munich, Đức, ngày 13/9/2015. Đức đã đình chỉ tất cả các chuyến xe lửa trong 12 tiếng đồng hồ với nước láng giềng Áo – là tuyến đường chính mà 450.000 người tỵ nạn đã đến Đức.

Đức đã tạm ngưng tham gia vào hệ thống được ca tụng nhiều của Liên Hiệp Châu Âu cho phép tự do đi lại không cần sổ thông hành giữa các nước thành viên, và đã áp đặt các biện pháp kiểm soát biên giới. Đức nói họ buộc phải làm như vậy để hạn chế luồng người tỵ nạn đổ vào từ các nước bị chiến tranh xâu xé, chủ yếu là Syria và Iraq.
Thông báo hôm qua của bộ trưởng nội vụ Đức Thomas se Maiziere được đưa ra vào một ngày biến chuyển rất nhanh trong vụ khủng hoảng di trú của Châu Âu. Đức đã đình chỉ tất cả các chuyến xe lửa trong 12 tiếng đồng hồ với nước láng giềng Áo – là tuyến  đường chính mà 450.000 người tỵ nạn đã đến Đức trong năm nay.
Các chuyên gia dự báo việc ngưng các chuyến tàu sẽ khơi ra thêm những cảnh tượng tuyệt vọng ở biên giới Áo-Đức, khi hàng ngàn người tỵ nạn cố gắng vào Đức bằng mọi cách.


Bộ trưởng Maiziere nói: “Đức đang tạm thời thực thi việc kiểm soát biên giới dọc theo các đường biên trong nước. Trọng điểm sẽ là ở biên giới với Áo trước nhất. Mục đích của các biện pháp này là để hạn chế luồng người hiện đang đổ vào Đức và trở lại với các thủ tục có trật tự khi mọi người vào nước.”
Việc Đức ngưng tham gia vào hiệp ước cho phép đi lại không cần sổ thông hành giữa các nước thành viên EU diễn ra vào lúc các tiểu bang trong liên bang Đức cảnh báo rằng họ đang chật vật xử lý luồng người tỵ nạn đổ vào, và trì hoãn quyết định của Thủ tướng Đức Angela Merkel tiếp nhận hàng trăm ngàn người tỵ nạn.
Liên minh Xã hội Cơ đốc giáo, còn gọi tắt là CSU, đảng kết nghĩa với Liên Minh Dân chủ Cơ đốc giáo của Thủ tướng Merkel trong liên minh cầm quyền, cũng gia tăng việc chỉ trích quyết định của nhà lãnh đạo đức muốn nới lỏng các luật lệ cho những người Syria tầm trú muốn định cư ở Đức. Trong lời chỉ trích trực tiếp và hiếm hoi, các thành viên hàng đầu của CSU chĩa mũi dùi vào bà Merkel và nói rằng bà đã phạm “một lỗi lầm lịch sử vô song.”
Lãnh tụ CSU, ông Horst Seehofer nói với tạp chí Spiegel: “Đó là một sai lầm sẽ ở lại với chúng ta rất lâu. Tôi không thấy làm thế nào có thể bịt cái nút chai trở lại.”
Việc Đức đình chỉ các chuyến tàu sẽ khơi ra thêm những cảnh tượng tuyệt vọng ở biên giới Áo-Đức, khi hàng ngàn người tỵ nạn cố gắng vào Đức bằng mọi cách.

Thị trưởng Munich, ông Dieter Reiter thông báo khả năng của thành phố ứng phó với những người tỵ nạn đã cạn kiệt.
"Việc Đức quyết định ngưng tham gia vào chương trình đi lại không cần sổ thông hành có phần chắc sẽ gây phẫn nộ từ phía các nước thành viên EU, nhất là Bỉ và Pháp, là những nước từ năm 2011 đã nhiều lần dọa cũng sẽ làm như vậy để đáp lại việc Italia cấp “sổ thông hành nhân đạo” cho người tỵ nạn và di dân kinh tế."
Italia đi đến quyết định đó để đáp lại việc các nước thành viên EU khác từ chối không góp phần chia sẻ gánh nặng người tỵ nạn – một yêu cầu nay đang được Đức đưa ra.
Pháp và Bỉ đã rút lại việc phá vỡ các luật lệ trong hiệp ước Schengen về biên giới mở ngỏ theo thỏa thuận đạt được năm 1995, và khởi sự bãi bỏ việc kiểm soát biên giới giữa các thành viên và cho phép khác nước ngoài du hành trong khắp khu vực “không có biên giới” mà chỉ cần có một giấy phép thị thực.
Các chính trị gia Châu Âu đã lo sợ rằng cuộc khủng hoảng di trú làm rúng động EU cuối cùng sẽ đe dọa đến tương lai của vùng không-biên-giới của châu lục này.
Di dân nằm ngủ tại nhà ga xe lửa chính ở Munich. Thị trưởng Munich nói khả năng của thành phố ứng phó với những người tỵ nạn đã cạn kiệt.

Tháng trước sau một vụ tấn công được dập tắt trên một chuyến xe lửa từ Amsterdam đến Paris, Thủ tướng Bỉ Charles Michel đã kêu gọi duyệt lại các luật lệ của hiệp ước Schengen, hối thúc việc áp dụng kiểm tra căn cước và hành lý của hành khác. Những người bênh vực hệ thống – chủ yếu là những người muốn có sự hòa nhập rộng lớn hơn của EU – lo ngại rằng bất cứ biện pháp thoái lui nào trong việc đi lại không cần sổ thông hành cũng sẽ gây phương hại cho toàn bộ dự án mà họ ủng hộ.
Tháng trước, tạp chí Economist thân EU đã cảnh báo: “Schengen nằm trong số các biểu hiện nổi bật nhất của sự thống nhất Châu Âu; việc xói mòn hiệp ước sẽ phát đi một tín hiệu mạnh.”
Chiều hôm qua, cảnh sát Đức đã bắt đầu tiến hành các cuộc tuần tra tại những giao điểm với Áo và các giới chức Đức nói việc kiểm tra có thể được phát động ở các đường biên giới với Ba Lan và Cộng hòa Czech. Cộng hòa Czech cho biết sẽ gia tăng kiểm soát biên giới tiếp giáp với Áo.
Việc Đức nhất thời đình chỉ hiệp ước Schengen sẽ có tác dụng làm bối cảnh cho sự kiện mà các chuyên gia phân tích cho là có phần chắc sẽ là một cuộc họp với nhiều chia rẽ vào ngày hôm nay của các bộ trưởng nôi vụ EU tại Brussels. Tại cuộc họp này, các giới chức Đức và Pháp sẽ ủng hộ một đề nghị chia sẻ gánh nặng đã được tiết lộ tuần trước bởi ông Jean-Claude Juncker, chủ tịch Ủy hội Châu Âu.
Theo kế hoạch của ông Juncker, sẽ có một hệ thống cưỡng hành mới để tái phân phối 160.000 người tầm trú giữa 28 nước thành viên EU được phân bổ cho mỗi nước căn cứ vào diện tích và tài lực.
Các nước thành viên ở Trung Âu như Hungary, Ba Lan và Cộng hòa Czech đã chỉ trích kế hoạch và nói họ sẽ không đồng ý.
Tổng thống Hungary Viktor Orban nói với báo Germany Bild hồi hôm qua rằng, “Những người di dân này không đến với chúng ta từ những khu vực có chiến tranh, mà là từ các trại ở các lân quốc của Syria. Vì thế những người này không chạy trốn hiểm nguy và không cần phải lo sợ cho tính mạng của mình.”