10.11.2015

Việt Nam là mục tiêu hoàn hảo của Trung cộng?

„…Nơi nào không thể chiếm đoạt được bằng biện pháp hòa bình, Trung Cộng sử dụng vũ lực và lựa chọn thời cơ thích hợp.
…theo logic sự kiện và những hành động mà Trung Cộng tiến hành gần đây cho thấy, nạn nhân đầu tiên của chính sách đối ngoại Đại Hán hiển nhiên sẽ là Việt Nam…“


Việt Nam là mục tiêu hoàn hảo của Trung cộng?

Tờ Topwar của Nga vừa đăng tải bài viết nhận định:  Nạn nhân đầu tiên của chủ nghĩa bá quyền của Bắc Kinh có thể là Việt Nam.


5 lý do Việt Nam là mục tiêu hoàn hảo cho Trung cộng    

Hiện nay, Trung Cộng đang đứng trước những vấn đề thường có của siêu cường đang phát triển.  Tất cả những gì dễ dàng chiếm đoạt được, siêu cường này đã sát nhập về tay mình.  Đó là thu hồi Hồng Kông, Macau, đảo trên sông Amur và sông Ussuri, chiếm đoạt những vùng lãnh thổ Kyrgyzstan, Tajikistan và Kazakhstan.


Nơi nào không thể chiếm đoạt được bằng biện pháp hòa bình, Trung Cộng sử dụng vũ lực và lựa chọn thời cơ thích hợp.  Điển hình có thể kể đến như sự kiện đánh chiếm trái phép quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam năm 1974 cũng như một số đảo Trường Sa cũng thuộc Việt Nam năm 1988.

Chưa kể đến việc sát nhập Tây Tạng và tham gia vào các cuộc chiến khác, nếu so sánh số lượng thì các cuộc chiến do Trung Cộng tiến hành chỉ kém Mỹ. 

                                                         Thủy quân lục chiến TC.

Phải thẳng thắn thừa nhận rằng, khi nghiên cứu các cuộc chiến tranh do Trung Cộng tham gia, ngoài số lượng binh lực vượt trội nhiều lần, Quân đội Trung Cộng chiến đấu cũng không tồi trên đất liền và rất có kinh nghiệm tác chiến trên biển.

Ở châu Á có thể Hải quân Trung Cộng chỉ thua sút hơn so với Nhật Bản, nhưng bù lại có số lượng binh khí kỹ thuật vượt hơn gấp nhiều lần.  Đến thời điểm này, những cơ hội xâm chiếm mở rộng lãnh thổ và vùng ảnh hưởng bằng cưỡng chế hòa bình đã hết.

Bước phát triển tiếp theo sẽ là đe dọa chiến tranh và chiến tranh với những chi phí khổng lồ.  Tất nhiên, chính quyền Bắc Kinh hiểu rất rõ điều đó và tạm thời đang giới hạn bằng các hoạt động củng cố quyền lực và tăng cường sức mạnh kiểm soát nội bộ tại các vùng đất chưa được quản trị chặt chẽ, củng cố và siết lại thiết chế, xây dựng các khu dân cư hiện đại, hạ tầng cơ sở công nông nghiệp, chế áp chủ nghĩa ly khai địa phương (trước hết là người Tây Tạng và Duy Ngô Nhĩ cũng như phong trào đòi dân chủ).

Nhưng những hoạt động ấy không diễn ra mãi mãi.  Tình hình phát triển cho thấy thượng tầng lãnh đạo Trung Cộng phải lựa chọn giữa chiến tranh ngoài biên ải và nội chiến trong đất nước mình.  Họ sẽ lựa chọn điều gì cho tinh thần Đại Hán, lịch sử hàng nghìn năm duy trì “Thiên mệnh” Trung Hoa hoàn toàn không quá khó để dự đoán.

Sự ổn định nội bộ là điều cực kỳ quan trọng đối với một quốc gia khổng lồ như Trung Hoa.  Mỗi tỉnh của đại lục trên thực tế có thể trở thành một quốc gia độc lập, giàu mạnh với nền kinh tế phát triển.  Chỉ riêng một tỉnh Quảng Đông đã có dân số hơn 100 triệu người với sức mạnh kinh tế không thua kém bất cứ một quốc gia nào ở Đông Nam Á, ở Tân Cương có trữ lượng tài nguyên khoáng sản vô cùng to lớn.  Các khu vực kinh tế hùng mạnh đó cũng tồn tại và phát triển theo một nguyên nhân sâu xa: không ai có lợi gì nếu để xảy ra chia rẽ và hỗn loạn.

Khác hơn so với các quốc gia khác, khi cộng đồng xã hội và giới lãnh đạo theo các nhiệm kỳ lang thang với những định hướng khác nhau, giới lãnh đạo Trung Cộng hiểu rất rõ và tuyên truyền sâu rộng cho cộng đồng định hướng phát triển của đất nước và những mục tiêu cuối cùng của quốc gia.  Có những mục tiêu được công khai rõ ràng cụ thể “giấc mơ Trung Hoa” chẳng hạn và có những mục tiêu được người dân Trung Hoa hiểu rất rõ ràng nhưng không công bố (có thể chưa đến thời gian công bố).  Các mục tiêu đó có thể là thống trị vùng nước Biển Đông và biển Hoa Đông cùng với những tài nguyên của nó, đặt mục tiêu thống trị chính trị – quân sự trên vùng đất Viễn Đông và Siberia của Nga.

Cho đến hiện nay, cả vùng nước Biển Đông và biển Hoa Đông cũng như vùng đất Viễn Đông của Nga đang bị ràng buộc về kinh tế với siêu cường “thiên triều” này hơn tất cả các khu vực kinh tế nào khác trên thế giới.  Các lãnh đạo Bắc Kinh hiểu rất rõ các lợi ích hiện có. Không thống trị được Trường Sa, Trung Cộng không bao giờ có thể là một siêu cường hàng đầu thế giới do không thể kiểm soát được con đường vận tải thương mại và quân sự của thế giới, buộc nó phải đi vào các cảng biển đại lục, chưa đề cập đến giá trị kinh tế của những hòn đảo đó.

Từ lịch sử hàng nghìn năm và những bài học gần đấy Việt Nam hiểu rất rõ, đất nước này mà số phận có một láng giềng như vậy sẽ là ứng cử viên số 1 trong số các nạn nhân của chủ nghĩa bành trường bá quyền và chính trị cường quyền trong khu vực châu Á ngày nay.

Những đặc điểm của mục tiêu hoàn hảo đó là:

Thứ nhất:  Việt Nam hoàn toàn không ràng buộc với bất cứ nước nào các thỏa thuận về liên minh quân sự.  Liên xô đã không tồn tại, Nga trên thực tế không phải là một quốc gia có thể giúp đỡ và ủng hộ hiệu quả do những ràng buộc về kinh tế, những phức tạp nội bộ, cuộc đối đầu gay gắt với NATO và châu Âu.

Nếu so với Đài Loan và Phi Luật Tân thì ít nhất các nước này còn có danh tiếng là đồng minh của Mỹ và Nhật. Xung đột với Việt Nam, nếu tốc độ tiến hành chiến tranh nhanh chóng, thì tiếng vang trên trường quốc tế không lớn và chỉ có Mỹ, Phi Luật Tân, có thể cả Nhật Bản lên tiếng phản đối, nhưng đưa ra những giải pháp quyết liệt thi không một nước nào thực hiện.


                    Trung Cộng có thể chọn Việt Nam để tránh những thiệt hại nặng nề.

Thứ hai:  Đài Loan, Nhật Bản, Việt Nam đều có lực lượng hải quân, nhưng lịch sử phát triển hải quân của Đài Loan và Nhật Bản sớm hơn rất nhiều, có thể gây tổn thất nặng nề với Trung Cộng.  Lực lượng Hải quân Việt Nam phát triển khá muộn, phương tiện và trang thiết bị đang ở giai đoạn ban đầu của tiến trình hiện đại hóa, các hoạt động diễn tập hợp đồng tác chiến hiện đại trên biển lớn chưa có nhiều, đặc biệt với các lực lượng nước ngoài.  Sức mạnh Hải quân Việt Nam chỉ có thể vượt trội hơn so với Phi Luật Tân, nhưng Hải quân Phi được sự hỗ trợ của Mỹ, ít nhất là về mặt tinh thần và những đe dọa mạnh mẽ từ phía Mỹ.

Thứ ba:  Trong các mục tiêu mà Trung Cộng nhằm đến, thì Đài Loan là đối tượng phải sát nhập bằng giải pháp hòa bình, Đài Bắc trong tranh chấp chủ quyền ở Trường Sa cũng đồng quan điểm với Bắc Kinh, tấn công đánh chiếm quốc đảo này thực tế không có lợi, không những thế còn có thể khơi mào và thúc đẩy phong trào ly khai nội địa.
Do đó, kế hoạch đánh chiếm Đài Loan bằng vũ lực chỉ là “đòn đánh lạc hướng dư luận”.  Mục tiêu nghi binh thứ hai gây sóng gió dư luận là Senkaku Nhật Bản, nhưng đây là mục tiêu khó nhằn và có thể dẫn đến sự phong tỏa hoàn toàn đại lục.

Trung Cộng sẽ xụp đổ nếu đẩy Nhật Bản, sau đó là Mỹ vào một cuộc đối đầu thực sự.  Mục tiêu các hòn đảo của Việt Nam dễ dàng hơn cả do bộ máy tuyên truyền của Trung Cộng cũng như Hoa kiều hoạt động rất mạnh trên trường thế giới, đồng loạt đưa ra các luận điệu giống nhau cùng với những hoạt động đầu tư mạnh mẽ trên thế giới khiến cộng động xã hội quốc tế lẫn lộn hoàn toàn về những thực tế đang diễn ra trong chiến lược “Thiên triều” trên Thái Bình Dương.

Thứ tư:  Trung Cộng và Việt Nam có lịch sử lâu đời về xâm lược và đấu tranh chống xâm lược.  Mặc dù các láng giềng khác cũng từng lâm vào hoàn cảnh như vậy, nhưng lịch sử với Việt Nam đã được Trung Cộng bóp méo hoàn toàn.  Người dân Trung Hoa hoàn toàn hiểu biết sai lầm về lịch sử, đặc biệt là lịch sử cận đại và có tâm lý Đại Hán, muốn chinh phục một Việt Nam.

Thứ năm:  Những diễn biến gần đây cho thấy, Trung Cộng muốn thực hiện một đòn “Crimea” hóa kết hợp với bạo loạn và hỗn độn chính trị nhằm giảm tổn thất tối thiếu cho chiến lược đánh chiếm quần đảo, thống trị Biển Đông, làm bàn đạp mở rộng ảnh hưởng sang vùng nước Hoa Đông và vượt ra khỏi eo biển Malacca.  Chiến dịch này được cho là có thể củng cố được tình hình nội bộ trong nước, tăng cường tình thần dân tộc “Đại Hán” trong quân đội và đại đa số cộng đồng xã hội, giải thích được khoản ngân sách quốc phòng vượt trội khủng khiếp và đẩy mạnh cuộc thanh lọc nội bộ, tiêu diệt tham quan.

Như vậy, theo logic sự kiện và những hành động mà Trung Cộng tiến hành gần đây cho thấy, nạn nhân đầu tiên của chính sách đối ngoại Đại Hán hiển nhiên sẽ là Việt Nam.

Việt Nam, cũng như tất cả các nước láng giềng khác của Trung Cộng đều hiểu rất rõ điều này, ngoại trừ một trường hợp hết sức mong manh là Bắc Kinh phải đối đầu với nguy cơ đe dọa mới từ trong nước tương tự như “nhà nước Hồi giáo”, rất khó xảy ra do thực tế khủng bố ở Tân Cương xảy ra với cấp độ rất nhỏ, chưa hình thành một tổ chức nguy hiểm có trang bị mạnh, an ninh nội địa và cảnh sát Trung Cộng dễ dàng khống chế và tiêu diệt.  Ngay cả nguy cơ khủng bố cũng có thể dẫn đến tình huống Bắc Kinh sẽ nhẩy vào một cuộc phiên lưu quân sự mới nhằm củng cố tình hình nội bộ.  Có thể nói, tiến trình thôn tính Biển Đông đang được thực hiện ráo riết với tốc độ cao.

Trung Cộng có thể gây áp lực cho Việt Nam như thế nào?

Tương quan lực lượng chênh lệch lớn, Việt Nam mua của Nga 4 chiến hạm Gepard 1166.  1, 2 chiếc đã được đưa vào vào lực lượng hải quân, 6 tàu ngầm lớp Kilo 636.  Việt Nam cũng đang đặt hàng mua từ Hà Lan 2 chiếc “Sigma” và đóng thêm 2 tàu Sigma nữa.  Thực tế Gerpad và Sigma là những tàu hộ vệ trang bị hỏa tiễn.

Ngoài ra, Việt Nam đang tăng tốc độ đóng các tàu hộ tống và khinh hạm trang bị hỏa tiễn dự án 1241 với số lượng khoảng 30 chiếc.  Lực lượng dự bị động viên có thể tính đến các tàu Cảnh sát biển và Kiểm ngư, khi xảy ra chiến tranh sẽ được trang bị vũ khí.  Với những chiến hạm này có thể thấy được sự thiếu hụt của hệ thống phòng không trên biển và số lượng so với hạm đội Nam Hải thực sự mỏng.

Lực lượng không quân Việt Nam có khoảng 30 Su-27/30 và gần 300 máy bay chiến đấu thế hệ cũ như (MiG-21, Su-22).  Máy bay trực thăng đủ loại loại khá nhiều, ngoại trừ một số trực thăng chống tàu ngầm Ka – 27, còn lại hầu hết là máy bay vận tải.  Lực lượng đông đảo và có sức mạnh chủ yếu nhất là hệ thống hỏa tiễn chống các loại tàu có từ trước mà sức mạnh chủ công là các dàn hỏa tiễn “Bastions”.

Xét từ góc độ chiến dịch chiến thuật, những phương tiện trang thiết bị hiện nay đủ đáp ứng nhu cầu bảo vệ vùng biển cận duyên, nhưng để bảo vệ các đảo xa và tạo sức mạnh bẻ gẫy ý đồ chiến lược của đối phương thì chưa đủ.  Do cuộc chiến tranh hiện đại sẽ sử dụng rất nhiều vũ khí chính xác (hỏa tiễn định hướng chống tàu, hỏa tiễn đạn đạo mang đầu đạn nổ thường, bom có điều khiển) riêng quân đội Trung Cộng có khoảng gần 2000 hỏa tiễn định hướng các loại, khoảng trống trong hệ thống phòng thủ bảo vệ biển đảo Việt Nam là phòng không trên biển, trong khi đó các phương tiện tấn công đường không của Trung Cộng tương đối nhiều và đủ loại được sản xuất nội địa. 

                     Trung Cộng có thể gây áp lực cho Việt Nam từ cả biển và đất liền.

Việt Nam và Trung Cộng có chung một đường biên giới dài hàng trăm km và những tuyến biên giới khác, Trung Cộng cũng dễ dàng gây áp lực nghiêm trọng.  Lực lượng Quân đội Trung Cộng dọc tuyến biên giới này rất lớn, thông thạo địa hình và có thể gây tổn thất nặng nề nếu cuộc chiến xảy ra từ hai hướng (tấn công xâm lược trên biển và công kích hỏa lực từ vùng đất liền biên giới).

Trong những năm gần đây, các doanh nghiệp và người dân Trung Hoa đã xâm nhập Việt Nam với số lượng lớn, nắm bắt rất kỹ tình hình kinh tế – chính trị Việt Nam, tình hình dân cư cũng như các mục tiêu cố định quan trọng có thể gây ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế Việt Nam.  Đây cũng là một trong những vấn đề mà Bắc Kinh chuẩn bị cho một chiến dịch quy mô lớn nhằm giải quyết vấn đề Biển Đông và củng cố nội bộ đất nước.

Hiện nay Việt Nam đang làm tất cả để ngăn chặn và đẩy lùi nguy cơ chiến tranh, nhưng có được lâu hơn nữa hay không và lúc nào Trung Cộng  sẽ khởi động cố máy khổng lồ của họ phục vụ cho mục đích bành trướng và tinh thần “Hán tộc”, chỉ phụ thuộc vào tính toán nội bộ của cường quốc gần 1,4 tỷ dân này.

Cho đến nay, tính hình hỗn loạn trên thế giới, đặc biệt ở Ukraine, Syria và Iraq hoàn toàn thuận lợi cho chính sách đối ngoại của Bắc Kinh, Moscow đang bị phương Tây tấn công dữ dội bằng các đòn trừng phạt, đe dọa khủng bố và cách mạng sắc màu.  Washington bị cuốn vào vòng xoáy hậu quả chính sách đối ngoại ở Trung Đông.  Thế giới đang đứng trước hai nguy cơ lớn – dịch Ebola và “nhà nước Hồi giáo” Caliphate.  Đồng thời, chiến dịch tuyên tuyền chống Việt Nam, bóp méo lịch sử và tăng cường tinh thần “giấc mơ Trung Quốc” vị trí “Thiên triều” cũng được đẩy mạnh trong nội bộ xã hội đại lục.

Trung Cộng đang đẩy mạnh những hành động trái phép như xây dựng  đảo nhân tạo, khai triển  các căn cứ, phi đạo quân sự trên các đảo chiếm được.  Đây được coi là bước chuẩn bị đầu tiên cho chiến lược thống trị Biển Đông của Trung Cộng, bằng tất cả các lực lượng quân – dân sự kết hợp (tàu cá, giàn khoan, chiến hạm, đảo nhân tạo)…

Trung Cộng có 2 kế hoạch đã được xây dựng đến từng chi tiết nhằm hiện thực hóa âm mưu này.  Kế hoạch thứ nhất là từng bước chuẩn bị, đợi thời cơ.  Khi đã chuẩn bị xong hạ tầng chiến lược (sân bay, căn cứ), Trung Cộng  sẽ tạo cớ để tấn chiếm từng đảo nhỏ một, tiền đề cho một cuộc chinh phạt ít tốn kém và tổn thất hơn nhưng lâu dài theo cách của năm 1988.

Kế hoạch thứ hai là khi tình hình thế giới trở lên hỗn loạn hơn với những nguy cơ nóng bỏng, Trung Cộng tạo dựng cơ hội giàn khoan HD – 981 tiến hành các hoạt động vu cáo “dạy một bài học” và tung toàn bộ lực lượng Quân đội Trung Cộng để thực hiện trong một cuộc chiến tranh ngắn độc chiếm toàn bộ biển Đông, hiện thực hóa nhanh chóng “đường chín đoạn”.  Tổn thất đối với quân đội Trung Cộng có thể rất lớn, nhưng cũng như năm 1979, đó không phải điều mà Bắc Kinh quan tâm, mà là mục tiêu đạt được.  Kinh nghiệm của “Vạn lý trường chinh” đã thể hiện rất rõ tư tưởng này.

Nước Nga đang ở đâu trong thế trận Thái Bình Dương?

Thứ nhất:  Nếu như trước kia, Liên Xô có thể tiến hành những đòn phản kích mạnh buộc Trung Cộng phải lùi bước, không cần phải răn đe bằng vũ khí hạt nhân thì hiện nay, lực lượng vũ trang Nga đã thua sút rất nhiều trong khi đó PLA đang phát triển vượt bậc với tốc độ lớn cả về vũ khí trang bị, phương tiện chiến tranh và năng lực tác chiến.  Trong điều kiện thế giới hiện nay, là nước cung cấp năng lượng và thị trường cho Trung Cộng, Nga không phải là mục tiêu hàng đầu của Bắc Kinh, nhưng nếu xung đột xảy ra, vị thế của Nga trên trường thế giới sẽ suy giảm mạnh đến mức trở lên cô lập.

Thứ hai:  25 năm trở lại đây, Nga đã trở thành thị trường lớn của Trung Cộng, đặc biệt là các sản phẩm tiêu dùng giá rẻ, sự phụ thuộc càng tăng hơn khi những dự án đầu tư Nga Trung thành hiện thực và dòng người lao động Trung Hoa ồ ạt chảy sang vùng đất Viễn Đông và Siberia. Đây chính là mầm mống cho sự bất ổn vùng biên giới Nga Trung và nguy cơ xung đột biên giới tương lai gần.  Nếu Trung Cộng giải quyết được vấn đề Biển Đông, “con đường tơ lụa” trên biển thành công, Mỹ không đủ sức mạnh để ngăn cản Trung Cộng mà sẽ bắt tay như đã từng làm nhiều năm trước để bảo vệ lợi ích của mình.  Vũ khí ngăn chặn bằng năng lượng và các dự án đầu tư chung phát triển Viễn Đông sẽ phản tác dụng, nước Nga đứng trước nguy cơ bành trướng dân di cư dưới sự yểm trở của Quân đội Trung Cộng hùng mạnh.  Nếu chiến tranh biên giới xảy ra với sự thâm nhập của hàng trăm triệu dân nhập cư, nước Nga sẽ thất bại.

Thứ ba:  Thực tế là hiện nay, nước Nga đang là một nước dân chủ, không phải là “thành trì” Liên Xô trước đây, những chiến dịch chống Nga mà các nước lớn – (tất nhiên không loại trừ có bàn tay Bắc Kinh để hưởng lợi) và lực lượng khủng bố quốc tế tiến hành đang ở gia đoạn cao trào nhất.  Vấn đề Ukraine và Syria không thể giải quyết trong giai đoạn ngắn (một vài năm) mà có thể kéo dài, thậm chí lan rộng ra từ Iraq, Libya đến châu Âu.  Nước Nga nằm trong vòng vây của khủng bố quốc tế, chủ nghĩa bài Nga, dân tộc cực đoan, lực lượng thứ Năm và sự phụ thuộc kinh tế, hoàn toàn không thể phát huy được sức mạnh răn đe để giải quyết vấn đề thế giới, ngăn chặn nguy cơ chiến tranh và bảo vệ những người bạn truyền thống của mình.

Nhưng hậu quả của biển Đông cũng có thể sẽ gây cho nước Nga những nguy cơ không kém gì vấn đề Libya, Syria hiện nay.  Chính quyền Nga phải lựa chọn một giải pháp thích hợp nhất để gây ảnh hưởng lên biển Đông vì: là nước kế thừa của Liên bang Xô viết, đây chính là tuyến đầu của hệ thống phòng thủ cường quốc Nga và Liên minh Á – Âu – nếu Nga là một cường quốc.