21.12.2015

Ước mơ của Thủy

„Ước mơ của Thủy dày 100 trang thay vì nằm gọn trong chiếc quán cà phê nhỏ bé tại Sài Gòn bây giờ đã tung ra khắp thế giới trong sự háo hức tìm đọc từ những người có quan tâm đến vấn đề của tuổi trẻ Việt Nam.“
Ước mơ của Thủy
Mặc Lâm (RFA)
Bìa sách Ước mơ của Thủy của Lê Việt Kỳ Nhi.  RFA

Sáng ngày 13 tháng 12 năm 2015, công an bất ngờ ập tới quán cà phê sách của Chiêu Anh trên đường Nguyễn Văn Nguyễn phường Tân Định Q 1 bắt sinh viên Phương Uyên và cô chủ quán Chiêu Anh. Hai người bị bắt để tra hỏi về cuốn sách có tên Ước mơ của Thủy, tác giả là một Việt Kiều đang sống tại Na Uy với bút danh Lê Việt Kỳ Nhi. Chính Phương Uyên là người viết tựa cho sách dẫn tới sự bắt giữ hai người.


Một biến cố chữ nghĩa
Vụ việc xáo động cộng đồng mạng vì Phương Uyên là một khuôn mặt nổi bật trong giới trẻ tranh đấu của Việt Nam. Cô nổi tiếng và vừa mãn án tù vì can tội chống Trung Quốc. Những gì Phương Uyên làm dĩ nhiên được sự chăm sóc triệt để của công an và việc bắt giữ này không nằm ngoài dự tính của cô gái trẻ đầy nghị lực này.
Ước mơ của Thủy dày 100 trang thay vì nằm gọn trong chiếc quán cà phê nhỏ bé tại Sài Gòn bây giờ đã tung ra khắp thế giới trong sự háo hức tìm đọc từ những người có quan tâm đến vấn đề của tuổi trẻ Việt Nam. Người ta hỏi nhau cách mua, cách chuyền đọc nhanh và gọn gàng nhất, kể cả tìm bản gốc, không phải vì tiếc một số tiền nhỏ bỏ ra mà sự háo hức không chịu nổi của một biến cố chữ nghĩa.
Ước mơ của Thủy được giới thiệu trên nhiều tờ báo uy tín ở hải ngoại và cuối cùng từ giáo sư Nguyễn Ngọc Bích, người ủng hộ việc in ấn cuốn sách sau khi có lời yêu cầu của tác giả. Nói với chúng tôi GS Nguyễn Ngọc Bích cho biết:
“Tôi biết về Lê Việt Kỳ Nhi như thế này: cô là một phụ nữ còn trẻ lắm và khi Kỳ Nhi viết cuốn sách đó vào năm 2008 trong lúc đang công tác tại Việt Nam. Hiện giờ nếu tôi không lầm thì cô đã ra ngoài nhưng quen rất thân với Nguyễn Phương Uyên vì thế nên Phương Uyên đã viết tựa cho cuốn sách của Lê Việt Kỳ Nhi. Họ đã chuyền tay nhau đọc quyển sách đó trong nước mấy năm trời nhưng cuối cùng thì họ muốn được phổ biến cho nên họ có nhờ chúng tôi in ở hải ngoại trước ngày mùng 2 tháng 9 năm nay tức là ngày lễ Độc lập của Việt Nam. Gần đây có nhiều người thấy quyển sách nó hay và cũng muốn ủng hộ cho nó phổ biến trong nước.”
Ước mơ của Thủy bắt đầu bằng một mệnh đề tự giới thiệu mình, tha thiết và dứt khoát, Kỳ Nhi viết:
“Cuốn sách này viết lên ước mơ của tôi, - tôi tên là Thủy.
Bất chợt một ngày nọ, mùa hạ năm 2008 tôi biết mình có một ước mơ. Đó là ước mơ về một Việt Nam khác hẳn bây giờ.”
Xin được trích dẫn đoạn văn sau đây trong Ước mơ của Thủy qua giọng đọc của Hiền Duyên:
“Nói đến việc phát triển đất nước và dân tộc, trước tiên phải trả lời cho mình được câu hỏi: Xuất phát điểm là đâu? Nếu không biết đặt viên đá đầu tiên ở đâu thì chẳng thể xây xong một căn nhà nhỏ huống gì là một thành lũy kiên cố để bảo vệ quốc gia và từ đó làm cho phát triển. Chữ phát triển tự nó đã mang ý nghĩa thay đổi. Nếu duy trì mãi những cái cũ thì không hề có thể gọi là có phát triển.
Những gì không còn phù hợp với xu hướng phát triển của thời đại mà cứ cố giữ mãi chẳng khác chi chiếc áo đã chật vẫn mang ra mặc thì khó tránh chuyện bị bung rách, thủng chỗ này chỗ kia vá víu mãi cũng chẳng xong vì cơ thể cứ lớn dần khiến bản thân người mặc chẳng thấy thoải mái lại làm trò cười cho thiên hạ và thế giới.
Để tìm con đường mới, trước khi bắt đầu chúng ta cần phải chuẩn bị một tư tưởng cởi mở để tìm hiểu điều gì là hợp lý và cần thiết cho con đường phát triển dân tộc và đất nước. Đó là những gì tôi đã hỏi tôi... Và tôi sắp xếp ước mơ của tôi, viết nó ra đây... xin chia sẻ với người đồng cảm.”
Ước mơ nào rồi cũng khó thực hiện và rất nhiều ước mơ trôi nổi, mất tích theo dòng đời nghiệt ngã.
Ước mơ của Thủy không phải của một người, một thế hệ hay một chế độ mà nó là ước mơ của cả một dân tộc, kéo dài từ khi chiếc trống đồng Đông Sơn xuất hiện cho mãi tới hôm nay, thời khắc thành tựu của mọi nơi trên thế giới, duy chỉ còn Việt Nam, vẫn ngồi mơ những điều căn bản của mọi xã hội văn minh.
Tham vọng đánh thức giấc ngàn thu của dân tộc
Ước mơ của Thủy có tham vọng đánh thức giấc ngàn thu của dân tộc, đánh thức giấc ngủ quá dài của công dân, đánh thức sự trầm lắng vô biên về những câu hỏi không tìm ra giải đáp vì cả dân tộc bị thôi miên bởi nhiều loại phù thủy. Ước mơ của Thủy cũng là ước mơ của chúng ta, có điều Lê Việt Kỳ Nhi thấy được hình thái của giấc mơ ấy khi cô thức dậy, còn đa số người trẻ hôm nay, hôm qua và không chừng cả ngày mai, tuy có cùng một giấc mơ như Thủy nhưng khi tỉnh giấc thì mọi thách thức của đời sống đã che đi ánh sáng của niềm mơ ước cháy bỏng của mình.
Sáng ngày 13 tháng 12 năm 2015, công an bất ngờ ập tới quán cà phê sách của Chiêu Anh trên đường Nguyễn Văn Nguyễn phường Tân Định Q 1 bắt sinh viên Phương Uyên và cô chủ quán Chiêu Anh. Citizen photo.
Ước mơ của Thủy có ba chương với các tiêu đề: Nguồn Cội, Giáo Dục và Nhân bản luận. Trong lời tựa của cuốn sách, Phương Uyên với nhận xét rất trẻ và khá bộc trực đã viết những giòng chữ chân thành và không thiếu chủ quan, loại chủ quan của người trẻ tuy chưa từng viết sách nhưng sẵn sàng đặt bút khai phá dòng nham thạch của ước mơ. Rõ ràng Phương Uyên cũng mơ và song song với ước mơ ấy, các hoạt động của Uyên đánh thức rất nhiều người để họ cùng mơ ước như cô:
“Đối với giới trẻ của Việt Nam thì người Việt mình phải biết giá trị của người Việt, văn hóa của người Việt, pháp luật của người Việt, lịch sử của người Việt. Cuốn sách này đáng để cho những người trẻ đọc tại vì nó phổ quát và cách viết của chị Nhi rất gãy gọn dễ hiểu chứ nó không phải là lối văn vẻ rườm rà.
Trong lời giới thiệu tôi cũng đã nói đây là một suy nghĩ không phải đơn thuần mà bạn đọc có thể lướt qua như những cuốn sách khác mà đây là cách đọc, nói chuyện trực tiếp với tác giả vì những câu văn trong đó nó giống như là nói, rất ngắn gọn. Còn nói về phần tâm đắc trong tác phẩm này thì trong lời giới thiệu tôi cũng đã có nói, trong chương Nhân bản luận tôi gặp ở tác giả và tôi giao nhau trong tư tưởng ở chữ “nhân”. Không những Việt Nam mà cả thế giới đang rơi vào một xã hội băng hoại. Xã hội mà ngày ngày chúng ta chứng kiến sự chết chóc, tàn sát thảm khốc vậy thì chỉ có nhân bản mới cứu vãn và đem lại hạnh phúc bình yên thật sự.
Đó là những gì làm cho tôi cảm thấy đã gặp được tác giả ở chỗ đó và cảm thấy đó là chương sách mà mình thích nhất.”
Không còn trẻ như Phương Uyên nhưng GS Nguyễn Ngọc Bích lại có cái nhìn của một người quá nhiều kinh nghiệm về chữ nghĩa, về triết học và nhất là về cách làm cho chữ nghĩa có linh hồn trong tác phẩm Ước mơ của Thủy. Lê Việt Kỳ Nhi đã nén chữ đặc lại như đá cuội và bất ngờ ném vào dòng suy nghĩ của người đọc với các lập luận thú vị:
“Tôi rất thích cuốn sách đó vì lý do rất đơn giản. Thứ nhất nó là sản phẩm của một người trẻ Việt Nam. Chúng ta được đọc những cuốn sách dày cộm của những người có nhiều kiến thức lắm thế nhưng nó chỉ chứng minh được kiến thức uyên bác của người viết mà chưa chắc đã chuyên chở một thông điệp gọn ghẽ như cuốn Ước mơ của Thủy.
Cái thứ hai ngay cả việc đặt tên cho cuốn sách cũng là ý kiến rất đặc biệt. Như chúng ta biết thì Thủy là tên một người có thể là tên con gái trong trường hợp này, thế nhưng thủy cũng có nghĩa là nước nhưng dùng chữ thủy để thay cho đất nước là một ý niệm tương đối mới mẻ. Sờ dĩ cuốn sách viết ngắn nhưng chuyên chở nội dung khá phong phú và độc đáo nữa vì Lê Thị Kỳ Nhi có suy nghĩ rất sâu sắc khi viết cuốn sách này mặc dù lúc bấy giờ còn rất trẻ mới hăm mấy tuổi thôi.
Ngay cả vấn đề minh họa thì Lê Việt Kỳ Nhi cũng rất đặc biệt, cô ấy dùng hình của con thuyền trên trống đồng Đông Sơn là bức minh họa đầu tiên trong cuốn sách. Đó cũng là con thuyền quốc gia cho thấy người Việt mình cũng đã có những quan niệm từ rất xa xưa, đã nhìn thấy vận mệnh của đất nước như con thuyền đi trên sóng, trên biển.”
Linh mục Kim Định, một triết gia của Việt Nam đã từng khẳng định “Sứ điệp trống đồng nằm ngay trong chữ Trống…” Trong nhiều tác phẩm của mình, linh mục Kim Định nhiều lần dùng hình ảnh trống đồng để lập thuyết cho triết lý của ông về ý nghĩa thật sự mà tổ tiên Việt Nam đã dùng hình ảnh để chuyển tải.”
Với Lê Việt Kỳ Nhi thì ngoài ý nghĩa chữ Trống, chữ Đồng còn bổ xung một lập thuyết khác của cô: chữ đồng còn là đồng tâm, đồng lòng của cả dân tộc nữa. Tác giả chia sẻ:
“Triết gia Kim Định đã nhìn ra được triết lý nằm trong chữ Trống, mà không thấy nói đến chữ Đồng. Trong chữ Đồng trộm nghĩ ắt cũng bao hàm một ý nghĩa sâu xa chẳng kém chữ Trống. Người viết thắc mắc tại sao người xưa lại dùng Đồng mà không dùng loại kim loại nào khác hơn để đúc Trống, và nếu như thời xưa chẳng có kim loại nào chỉ có Đồng là bền nhất mà sao đặt cho thứ kim loại đó là Đồng mà không gọi tên gì khác hơn? Đó chắc hẳn đâu phải là việc ngẫu nhiên. Có phải chăng trong cái chữ “đồng” tàng ẩn những sứ điệp cùng triết lý tư tưởng của Việt Tộc chứ không hoàn toàn chỉ là tên của một thứ kim loại dùng để đúc Trống? Chữ đồng được dùng còn mang một ý nghĩa khác có tính đoàn kết ấy là chữ “đồng” của “đồng lòng”? Và chữ “đồng” của “đồng nhau”; một triết lý về sự bình đẳng rằng con người sinh ra vốn ngang đồng như nhau.”
Hầu như GS Nguyễn Ngọc Bích ngay lập tức bị thuyết phục bởi ý tưởng này ông cho biết:
“Lê Thị Kỳ Nhi không những vừa bị ảnh hưởng vừa dùng ý tưởng của linh mục Kim Định mà cô ta còn đi xa hơn thế. Thí dụ như ảnh hưởng của linh mục Kim Định thì chúng ta thấy trong nước ngay những người như GS Trần Ngọc Thêm cũng bị ảnh hưởng rất nhiều của linh mục Kim Định. Lúc đầu thì Hà Nội không muốn công nhận vai trò tư tưởng của thầy Kim Định nhưng về sau cuối cùng thì trong tự điển văn học của họ cũng phải công nhận vai trò đột phá của linh mục Kim Định trong việc tìm nguồn gốc Việt Nam.
Thế nhưng Lê Việt Kỳ Nhi đi xa hơn thế. Linh mục Kim Định chỉ nói về chữ trống rỗng, cái đó nó rất sâu sắc nó gần như một vấn đề của thiền học tức là mình phải trút bỏ tất cả định kiến của mình để cho óc của mình trống rỗng khi ấy mình mới trông thấy được vấn đề một cách sáng suốt. Cái độc đáo của Lê Việt Kỳ Nhi khi cô bảo rằng chúng ta quên mất chữ “đồng”, chúng ta có chữ “đồng” tức là đồng thuận, cái nhìn toàn quốc để chúng ta có sự thống nhất trong tư tưởng của người Việt thì chúng ta mới có sức mạnh để mà chống lại ngoại xâm chẳng hạn.
Từ xưa tới nay chúng ta chỉ nghĩ chữ đồng là một loại kim khí thôi nhưng Lê Việt Kỳ Nhi rõ ràng muốn chúng ta hiểu một cái nghĩa thứ hai của chữ đồng tức là đồng thuận của dân tộc. Tôi cho rằng đó là cái độc đáo vô song của Lê Việt Kỳ Nhi khi cho biết trống đồng có những nét sâu sắc trong tâm khảm người Việt.”
Lê Việt Kỳ Nhi không ngừng lại ở đó, tác giả còn tỏ ra rành rẽ về các thế lực luôn muốn dùng Việt Nam như một lực đẩy để nâng cao tham vọng của họ. Kỳ Nhi lập luận:
“Hãy quăng chủ nghĩa cộng sản vào sọt rác, dẹp chủ nghĩa tư bản luôn! Hãy chọn một chủ nghĩa khác cho riêng mình. Đó là chủ nghĩa "Nhân bản". Lấy con người làm gốc. Có nhu cầu vật chất và tâm linh (tất cả tôn giáo phải được coi trọng). Phát triển thăng bằng giữa hai nhu cầu đó. Tức là làm cán cân giữ thăng bằng giữa Đông và Tây. Đây là con đường dài cần có một bắt đầu và thời gian để xây dựng.”
Câu kết của Kỳ Nhi không mang tính cổ vũ cho bạo lực mà nó khuyến khích thái độ dứt khoát của người trẻ hôm nay trước ngã ba của trách nhiệm quốc gia và bổn phận kiếm sống đối với gia đình hay những nhu cầu vật chất cho bản thân. Ước mơ của Thủy không thể vực dậy được lòng thao thức với dân tộc nếu người đọc cuốn sách này chỉ xem nó như một sản phẩm văn học, một tư duy thông minh và cách chọn lời khôn khéo vì đó không phải là mục đích của người viết.