11.02.2016

Đà Nẵng sợ bị "Tàu hóa", trục xuất công nhân về Tàu

Đà Nẵng sợ bị "Tàu hóa", trục xuất công nhân về Tàu
Có đến 137 lô đất ven biển Đà Nẵng đã rơi vào tay người Tàu. (Zing)

Đà Nẵng đã trục xuất 64 người Trung Hoa làm việc “chui” tại thành phố này, sau khi có nhiều than phiền về tình trạng người Tàu lục địa nhập cảnh bằng đường du lịch để làm việc lậu tại Việt Nam.

Theo các bản tin từ trong nước ngày thứ Năm, những người bị buộc phải rời Việt Nam đã từng đến Đà Nẵng với visa du lịch, và mỗi người đã bị phạt gần $1,000 Mỹ kim.


Trước khi bắt đầu trục xuất người Trung Hoa, các viên chức thành phố nói rằng tình trạng người Tàu nhập cảnh bằng đường du lịch để làm việc trái luật “đang gây nhiều phức tạp cho công tác quản lý nhà nước.”

Vụ trục xuất xảy ra sau khi nhà chức trách địa phương nhìn nhận rằng họ đã “phát hiện” 71 cá nhân là người Việt đứng tên mua 137 lô đất trên địa bàn thành phố cho người Tàu lục địa.

Khu vực mà người Tàu mua phần lớn nằm trên đường Võ Nguyên Giáp - Trường Sa, gần một căn cứ quân sự của quân khu 5.

Bà Thu Diễm, một người Đà Nẵng, nói với đài VOA Việt Ngữ ngày thứ Năm, “Người Tàu lục địa bây giờ họ mua đất ven biển rất là nhiều. Họ mua đất ở trong này nhiều nhưng đa số là mua theo tên của người Việt Nam, chứ không mua theo tên của người Hoa. Người ta đã chui thì làm sao mà nắm rõ được.


“Người Tàu họ mua đất chắc là muốn chiếm dụng đất của Việt Nam thôi. Người ta mua đất của mình, thông qua chính người dân của mình, và người ta sử dụng, chiếm dụng các vị trí đất đấy để làm những việc không có lợi cho mình thì tất nhiên mình phải bức xúc chứ?”


Chức sắc địa phương được dẫn lời nói rằng những khu đất hiện do người Tàu lục địa nắm giữ là “những vị trí nhạy cảm liên quan đến an ninh, chính trị, quốc phòng.”

Người Tàu lục địa chủ yếu tập trung ở khu vực ven biển, gần sân bay quân sự Nước Mặn.


Ông Trương Duy Nhất, blogger hiện sinh sống ở Đà Nẵng, nhận định rằng tình trạng người Tàu “núp bóng”, mua đất như vậy “đúng là một mối lo.”

Ông cũng nói thêm rằng chính quyền đang bị đặt vào tình thế “tiến thoái lưỡng nan.” Ông nói với VOA, “Chính quyền họ nhận ra rồi đấy, nhưng mà bây giờ để ngăn chặn tình trạng này thì cũng khó. Người ta có tiền người ta mua, sao cấm người ta được? Tên người Việt Nam mà.

“Thực ra, trên dưới 200 khu nền đất ven biển, dọc theo sân bay Nước Mặn ở quận Ngũ Hành Sơn thì nói là đứng tên Việt Nam, chứ đa phần là của người Tàu lục địa. Một số khu bây giờ họ xây resort, xây khách sạn, xây nhà cao tầng, và chữ Tàu nó làm cả khu sống động lên rồi
.”

Báo chí trong nước cho biết các viên chức đã tránh né trả lời trực tiếp liên quan đến tình trạng mua đất tại Đà Nẵng.

Trong buổi họp ngày thứ Năm, khi nghe cử tri bày tỏ thắc mắc về hiện tượng người Tàu “giấu mặt” để mua nhà đất, ảnh hưởng tới an ninh, quốc phòng thành phố, ông Trần Thọ, chủ tịch Đà Nẵng, nói rằng vấn đề này hơi "nhạy cảm" nên sẽ trả lời bằng văn bản sau.

Nếu ý kiến trên trang web của VOA, một độc giả từ Sài Gòn viết rằng người Tàu lục địa đang “Tàu hóa thành phố Đà Nẵng” và đưa người đổ dồn về thành phố này “theo chiến lược 3 mặt giáp công: trên không, trên biển và trên đất liền khi có chiến tranh xảy ra.”

Trong khi đó, blogger Trương Duy Nhất cho rằng không chỉ có Đà Nẵng vấp phải vấn đề người Tàu tràn sang. Blogger từng bị CSVN nhốt tù này nói với VOA, “Một số vùng nhạy cảm như Hà Tĩnh, như bauxite Tây Nguyên, tất cả các dự án bây giờ rơi vào tay của các doanh nghiệp Trung cộng hết. Ngoài Hà Tĩnh, họ xây dựng một vùng Tàu, toàn là Tàu. Họ xây cả chùa chiền, đền đài họ thờ trong đó nữa. Cái đó là cái mình phải lo, mình phải đặt dấu hỏi.

Vấn đề người Tàu lục địa “núp bóng” người dân Đà Nẵng, mua hơn 100 khu đất gần khu vực quân sự, đã là một đề tài nóng bỏng tại thành phố được xem là mang tính chiến lược ở miền trung.

Báo chí trong nước dẫn lời Đào Tấn Bằng, Bí Thư Quận Ủy Quận Ngũ Hành Sơn, cho biết đã khám phá 71 cá nhân là người Việt đứng tên mua 137 lô đất trên địa bàn quận này cho người Tàu.

Trong khi đó, Nguyễn Điểu, Giám Đốc Sở Tài Nguyên Môi Trường TP Đà Nẵng, được báo Người Lao Động trích lời nói rằng đây là “những vị trí nhạy cảm liên quan đến an ninh, chính trị, quốc phòng nên phải hết sức thận trọng.”

Nhiều người dân ở Đà Nẵng đang lo ngại về sự xuất hiện ngày một nhiều của người Trung Hoa, nhất là các công trình xây dựng ở những địa điểm quan trọng về quốc phòng.

Phát biểu tại kỳ họp của hội đồng nhân dân thành phố Đà Nẵng trong tuần này, bí thư thành ủy Nguyễn Xuân Anh đã đưa ra các chỉ đạo về an ninh - quốc phòng và công tác quy hoạch thành phố.

Nguyễn Xuân Anh được trích lời nói rằng cần phải “lưu ý công tác quản lý tại các khu vực nhạy cảm về an ninh quốc phòng. Không cho xây dựng các công trình cao tầng tại các khu vực đó”.

Trước đó, chính quyền Thành phố đã đình chỉ một công trình xây dựng của chủ đầu tư Trung Quốc để xem xét xử lý về độ cao sau khi nhận thấy vị trí của công trình này nằm giữa hai trận địa pháo phòng không ở địa phương.

Theo báo chí trong nước, trong năm 2015, quận Ngũ Hành Sơn đón gần 130,000 người nước ngoài tới du lịch, trong đó có đến 65,000 lượt khách Trung Hoa.

Mỗi tuần có khoảng gần 60 chuyến bay từ các tỉnh của Trung Quốc tới Đà Nẵng, theo báo cáo của Quận ủy Ngũ Hành Sơn.

Ngoài ra, hiện có hàng chục dự án nước ngoài do người Tàu lục địa làm chủ đầu tư, đưa lao động tới làm việc.


Báo cáo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP Đà Nẵng cho biết tính đến thời điểm này, ở Đà Nẵng có 55 doanh nghiệp sử dụng 276 lao động Tàu.

Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ Đà Nẵng nói với VOA, “Chúng tôi không có khuyến khích riêng cho một quốc tịch, bất kỳ một quốc tịch nào. Tất cả thành phố đang phát triển về du lịch, dịch vụ, cho nên chúng tôi chào đón tất cả công dân của các nước đến du lịch tại thành phố Đà Nẵng chúng tôi.”

Phát biểu sáng thứ Ba 8/12, Bí Thư Nguyễn Xuân Anh yêu cầu các sở, ngành phải tăng cường quản lý chặt chẽ người nước ngoài trên địa bàn. Ông yêu cầu các cơ quan phải lưu ý tình trạng khách du lịch Trung Hoa lục địa vào Việt Nam để hoạt động du lịch “chui.”