08.04.2016

Bàn về Sài Gòn - 'Hòn ngọc Viễn Đông' - Trương Nhân Tuấn

Bàn về Sài Gòn - 'Hòn ngọc Viễn Đông'
Trương Nhân Tuấn
Image copyright asiabooking.com.vn
Sài Gòn từng được mệnh danh là "Hòn ngọc Viễn Đông", "từng là số một của khu vực", đúng như lời của ông Đinh La Thăng vừa nhắc trên báo chí.
Mơ ước của ông Đinh La Thăng, xây dựng lại để Sài Gòn trở thành "Hòn ngọc Viễn Đông", là một ước mơ đẹp, chắc chắn sẽ được sự đồng tình và chia sẻ từ nhiều thành phần dân tộc. Vấn đề là xây dựng lại với mô hình nào?

Sài Gòn, thành phố được quân viễn chinh Pháp xây dựng trên vùng đầm lầy, từ những năm 1860. Đô đốc Bonard dự kiến một thành phố "quan trọng", bao gồm Chợ Lớn, cho một dân số 500.000 người.
Mô hình thành phố là một Paris thu nhỏ, (vì vậy Sài Gòn ban đầu mệnh danh là Petit Paris - Paris thu nhỏ), như mong muốn của những thủy sư đô đốc Pháp, những người đầu tiên tham gia cuộc viễn chinh phân xẻ Trung Hoa.
Những công trình đầu tiên xây dựng ở Sài Gòn hiện nay là do thợ thầy ở Hồng Kông, những người được mời về, vì có kinh nghiệm về xây dựng trên vùng đầm lầy.
Đối thủ lợi hại của Pháp trong khu vực, về quân sự cũng như kinh tế chiến lược, dĩ nhiên là Anh Quốc.
Ở phương diện cạnh tranh về hình ảnh trên trường quốc tế, hai đế quốc Anh và Pháp luôn có dịp là phô trương.
Sài Gòn (Hải Phòng và Hà Nội) được Pháp dốc sức xây dựng để cạnh tranh với Tân Gia Ba và Hồng Kông của Anh.
Xuất xứ của tên gọi "Hòn Ngọc Viễn Đông"

Image copyright Getty
Danh xưng "Hòn ngọc Viễn Đông" xuất hiện để chỉ cho Sài Gòn, thủ đô Đông Dương về kinh tế (và ăn chơi), cạnh tranh với "hòn ngọc Viễn Đông" của Anh là Tân Gia Ba.
Hà Nội được xây dựng để trở thành một "thủ đô văn hóa" của Đông Dương. Tất cả các trung tâm văn hóa của ba xứ Đông Dương đều tụ tập ở đây. Còn Hải Phòng, nỗ lực của Pháp để cạnh tranh với Hồng Kông cũng rất lớn lao. Điển hình là công trình xây dựng đường xe lửa Hải Phòng - Vân Nam, với cây cầu nổi tiếng thời đó là cầu Long Biên (trước đó có tên là Paul Doumer, viên thống sứ chủ trương phát triển kinh tế các xứ thuộc địa).
Mới đây, ông Trương Thái Du viết bài trên BBC (*), so sánh hơn thua giữa Sài Gòn và Tân Gia Ba. Bài viết nói: "Việc ngợi ca "hòn ngọc Viễn Đông số một" và "Tân Gia Ba mơ thành Sài Gòn" chỉ là suy nghĩ của những người Việt Nam Cộng hòa hoài cổ và dí dỏm sau 1975."
Dĩ nhiên danh xưng "Hòn ngọc Viễn Đông" không hề đến từ suy nghĩ của những người VNCH hoài cổ, mà đó là một sự thật lịch sử, là mục tiêu xây dựng thuộc địa của đế quốc Pháp. Việc này có thành hiện thực hay không, đọc lại sử sách của Anh, hay của các nước chung quanh ta có thể kiểm chứng.
"Hòn ngọc Viễn Đông" cũng là lời tán dương trên đầu môi chót lưỡi của những chính trị gia, những nhà "sành điệu ăn chơi" sống trong thời kỳ đó.
Sài Gòn, "Hòn ngọc Viễn Đông", là chốn "phồn hoa đô hội", nơi nhà giàu khoe tiền của. Thời đó, tài phiệt quốc tế trong khu vực, nếu không đi Paris mua sắm, thì người ta qua Sài Gòn. Không ai đi Vọng Các hay Tân Gia Ba. Chơi bời, cờ bạc, hút sách... cũng vậy, không ai đi qua các thuộc địa của Anh. Sài Gòn là nơi những "đại gia" các nước đến đốt tiền.
Lời phê bình của Phạm Quỳnh, dẫn trong bài viết của Trương Thái Du cho rằng hải cảng Tân Gia Ba lớn hơn rất nhiều Sài Gòn và Hải Phòng. Điều này không làm giảm đi cái lấp lánh của "Hòn ngọc Viễn Đông" - tên gọi Sài Gòn. Đơn giản vì Sài Gòn không phải là hải cảng.
Việc lựa chọn Sài Gòn (thay vì Đà Nẵng), với vị trí ở sâu trong đất liền, là do quyết định của thủy sư đô đốc Page, một quyết định thuần túy quân sự, với hai mục đích: một là phòng thủ và hai là nhằm mở rộng lãnh thổ cho đến Campuchia, Lào; sau đó mở đường sông Cửu Long sang Tàu. Vì lý do phòng thủ mà dự án "vòng đai Sài Gòn" được thiết lập, với vòng đai là một con kinh bề ngang 20m, sâu 6m, nối sông Sài Gòn qua kinh Thị Nghè. Dự án này sau đó bãi bỏ.
Những tiêu chí để so sánh

Image copyright GettyImage caption Thuyền bè và các hoạt động vận chuyển tại cảng Sài Gòn 1/1970
Cũng trong bài viết này dẫn lời phê bình của cụ Trần Trọng Kim, cho rằng Bangkok lớn hơn Hà Nội năm bảy lần. Thì cũng đúng thôi. Hà Nội không phải là Sài Gòn.
Từ khi nhà Nguyễn thiên đô về Huế, Hà Nội trở thành cái bóng của lịch sử. Cho đến cuối thế kỷ 19, tại Bắc Kỳ, tinh thần hoài Lê vẫn còn rất mạnh. Loạn lạc thường xuyên nổi lên. Nguyên nhân vì sĩ phu Bắc Hà không chấp nhận việc dời đô. Thăng Long là thủ đô ngàn năm thì không thể hạ xuống dưới Huế và Sài Gòn được.
Riêng câu "50 năm trước, ông Lý Quang Diệu nhìn về Sài Gòn và mơ ước Tân Gia Ba sẽ được như Sài Gòn" mà bài viết có nhắc, thì chỉ mới xuất hiện sau này. Người ta cho rằng ông Lý Quang Diệu có nói vậy. Vấn đề là không ai ghi rõ ông này nói câu đó ở đâu, lúc nào?
Điều chắc chắn là không có người VNCH hoài cổ nào "sáng tác" ra được một lời như vậy.
Nếu so sánh "bề thế", Sài Gòn hay Tân Gia Ba lớn, như ý kiến của bài viết trên BBC, thì việc so sánh cũng không ổn. Tân Gia Ba là một đảo nhỏ, không có đất để mở rộng thành phố. Vì vậy làm sao so sánh được với Sài Gòn? Mà độ lớn nhỏ của một thành phố đâu có nói lên được điều gì ? Quan trọng là hạ tầng cơ sở của thành phố đã được xây dựng ra sao.
Một cách đơn giản để so sánh Sài Gòn với Tân Gia Ba (và Bangkok), là so sánh các bản đồ của các thành phố này (cùng thời kỳ).
Việc làm này hết sức dễ dàng vì hiện nay các tập bản đồ Indochine, Thái Lan, Tân Gia Ba... có thể tham khảo tự do trên các trang web.
Bản đồ Sài Gòn, Bangkok và Tân Gia Ba cùng năm 1928. Ta thấy, trên bản đồ, mức độ qui mô của Sài Gòn vượt xa Bangkok (và dĩ nhiên Tân Gia Ba).
Điều nên biết, các nước được xếp vào vùng Viễn Đông bao gồm: Việt, Miên (Campuchia) , Lào (là ba nước Đông dương thuộc Pháp), Mã Lai (Malaisia), Tân Gia Ba (Singapore), Thái Lan, Nam Dương (Indonesia), Phi Luật Tân (Phillipines), Đại Hàn, Trung Quốc và Nhật Bản. Nước nào cũng có "Hòn ngọc Viễn Đông" của nước đó, do tự phong hay do "quốc tế" đặt tên.
Image copyright Reuters Image caption Sài Gòn, nay được gọi là Thành phố Hồ Chí Minh
Sự cạnh tranh của hai đế quốc Anh và Pháp, thực ra là Pháp cạnh tranh với Anh (do ganh tị) vì vậy, vô hình chung, Việt Nam hưởng lợi. Từ những năm 1895 Pháp đã tập trung vào việc xây dựng hạ tầng cơ sở ở thuộc địa nhằm phát triển kinh tế, với tham vọng qua mặt Anh quốc tại Tân Gia Ba và Hồng Kông.
Bản đồ năm 1921 cho thấy hệ thống đường xá (đường lộ và đường sắt) huyết mạch cơ bản ở các xứ Đông Dương đã được xây dựng. Hệ thống cơ sở hạ tầng này vẫn còn được sử dụng đến hôm nay.
Nếu so sánh về hạ tầng cơ sở, cùng thời, Sài Gòn bỏ xa Bangkokvà Tân Gia Ba. Dẫu vậy, Tân Gia Ba có tầm quan trọng lớn về chiến lược, kiểm soát hầu hết các hải đạo thông thương Âu-Á. Tân Gia Ba cũng là một hải cảng lớn nhất vùng, Sài Gòn không thể so sánh (vì không phải là hải cảng).
Nếu so sánh Sài Gòn với các thành phố (ở các nước Viễn Đông) sau 1945, thì sự khác biệt lại càng sâu sắc.
Tân Gia Ba, Kuala Lumpur, trong thời kỳ Thế chiến II bị Nhật chiếm, sau đó chịu sự oanh tạc, bỏ bom của quân Đồng minh, bị tàn phá nhiều nơi, ngoại trừ Sài Gòn (và Hồng Kông). Vì vậy ta không thể so sánh.
Bài viết đã dẫn trên BBC cũng đưa ra các số liệu về kinh tế, cho rằng GDP của Mã Lai thường lớn gấp đôi đến gấp 3 lần Việt Nam. Nguyên văn dẫn lại như sau:
"Theo các hồ sơ lưu trữ cũng như các nghiên cứu kinh tế Châu Á suốt thế kỷ 20, GDP của Việt Nam đều có vị trí rất thấp. Ví dụ, theo thống kê của hai giáo sư kinh tế học Jean-Pascal Bassino và Pierre van der Eng, từ 1913 đến 1970 kinh tế Việt Nam (cả miền Bắc và miền Nam) hầu như luôn thấp hơn Malaya (tiền thân của Mã Lai với Tân Gia Ba là thủ đô kinh tế), Phi Luật Tân, Thái Lan (không có số liệu trước 1950).
"Tùy thời điểm, GDP của Malaya thường gấp đôi đến gấp 3 lần Việt Nam, thì lẽ nào thủ phủ kinh tế của nó chỉ là một làng chài nhỏ và mơ được như Sài Gòn!"
'Nhầm lẫn'

Image copyrightGetty
Cái sai thứ nhất (của đoạn dẫn trên), là Tân Gia Ba chưa bao giờ là "thủ đô kinh tế" của Mã Lai hết cả.
Thuở ban đầu, Tân Gia Ba là một lãnh thổ thuộc bang Johor, sau đó trở thành thuộc địa của Anh (1819). Khi độc lập, bang Johor gia nhập Liên Bang (gồm cả Tân Gia Ba), nhưng sau đó Tân Gia Ba bị đuổi ra khỏi Liên bang Mã Lai (1965).
Cái sai thứ hai là tài liệu thống kê của Jean-Pascal Bassino và Pierre van der Eng không hề ghi GDP của VN thấp hơn Mã Lai đến hai, ba lần.
Thực ra số liệu GDP đầu người không nói lên được điều gì.
Dưới thời thực dân, người dân Việt, ở miền Trung và miền Bắc, một cổ hai tròng. Một tròng của thực dân và một tròng của quan lại. Miền Nam thì một tròng của thực dân và một tròng của địa chủ. Vì vậy GDP đầu người rất chênh lệnh, tương tự Việt Nam hiện nay. Những người có chức quyền thì tiền xài không hết, trong khi những người dân khác thì "lần không ra".
GDP ở Sài Gòn tính bằng trung bình của người giàu có (đốt tiền theo kiểu Hắc, Bạch nhị công tử) hay người nông dân?
Vì vậy, kết luận của tác giả bài viết trên BBC hết sức sai lầm và phiếm diện. Sai lầm vì không nắm vững lịch sử bành trướng thuộc địa của các đế quốc Anh và Pháp. Sai lầm vì diễn giải sai những dữ kiện toán học đồng thời dữ kiện đưa ra không đúng với tư liệu nguồn. Sai lầm khác là so sánh những thứ không thể so sánh.
Làm sao để Sài Gòn lấy lại hình ảnh xưa?

Image copyright Hoang Dinh Nam AFP
Trở lại ý kiến của ông Đinh La Thăng, làm thế nào để Sài Gòn lấy lại hình ảnh của "Hòn ngọc Viễn Đông" ngày xưa?
Theo tôi, có nhiều mô hình để nghiên cứu. Thứ nhất mô hình Kuala Lumpur, với Tiến sĩ Mahathir. Mô hình này tách Kuala Lumpur thành một "tiểu bang tự trị", có thẩm quyền như các tiểu bang khác. Kuala Lumpur trở thành trái tim kinh tế của Mã Lai, với nhiều cơ sở công kỹ nghệ tiên tiến về dầu hỏa, điện tử, cơ khí...
Thứ hai, mô hình Tân Gia Ba với Lý Quang Diệu. Điều này sách vở Việt Nam có nhiều người đề cập.
Thứ ba mô hình "đặc khu kinh tế" của Đặng Tiểu Bình.
Ta thấy các mô hình này đều thành công, vì nó phù hợp với tình hình địa lý, chính trị, nhân văn của các nước.
Việt Nam hoàn toàn khác. Việt Nam có nhiều tiềm năng để qua mặt các "đặc khu kinh tế" theo kiểu Đặng Tiểu Bình hay mô hình Kuala Lumpur của Tiến sĩ Mahathir. Nhưng Việt Nam không có cái gì để so sánh với Tân Gia Ba.
Vấn đề là chế độ chính trị. Chưa thấy mô hình chế độ XHCN nào kinh tế phát triển bền vững. Đó là chưa nói đến các hệ quả của nền công an trị. Việc này đã tạo sự thù hận, đào hố sâu ngăn cách giữa những thành phần dân tộc. Dĩ nhiên, về lâu dài, đó là yếu tố cản trở mọi phát triển cũng như đe dọa sự ổn định trong xã hội.

Trương Nhân Tuấn (Gửi cho BBC từ Pháp)

(*) Sài Gòn có phải là 'Hòn ngọc Viễn Đông'? - Trương Thái Du