28.06.2016

Brexit và tương lai châu Âu - George Soros

Brexit và tương lai châu Âu 
George Soros
Nguyễn Thị Kim Phụng dịch 

Theo tôi, Anh là nước có được những thỏa thuận tốt nhất với Liên minh châu Âu (EU). Họ là một thành viên của thị trường chung châu Âu nhưng lại không thuộc khu vực Eurozone, và cũng không phải thực hiện nhiều quy định khác của EU. Thế nhưng điều đó vẫn chưa đủ để ngăn cản cử tri Anh bỏ phiếu “Rời đi”. Tại sao lại như vậy?

Câu trả lời có lẽ đã xuất hiện trong các cuộc thăm dò ý kiến được thực hiện trước khi diễn ra trưng cầu dân ý “Brexit”. Khủng hoảng nhập cư tại châu Âu và cuộc tranh luận về Brexit đã thúc đẩy lẫn nhau. Phe “Rời đi” khai thác tình hình người tị nạn đang ngày càng xấu đi – với hình ảnh đáng sợ của hàng ngàn người tị nạn tập trung ở Calais (Pháp), tuyệt vọng tìm đường vào Anh bằng bất cứ giá nào – để khơi dậy nỗi sợ hãi tình trạng người nhập cư “không kiểm soát được” trong các nước thành viên EU khác. Thế nhưng các nhà chức trách châu Âu lại trì hoãn các quyết định quan trọng về chính sách tị nạn nhằm tránh gây ảnh hưởng tiêu cực lên cuộc trưng cầu dân ý tại Anh, kết cục là cảnh hỗn loạn như ở Calais vẫn cứ tiếp diễn.
Quyết định “mở cửa” cho người tị nạn của Thủ tướng Đức Angela Merkel là một cử chỉ mang tính nhân đạo, nhưng lại không được suy xét thấu đáo, bởi vì nó không tính đến các phản ứng tiêu cực. Một dòng người tị nạn đột ngột xuất hiện đã phá vỡ cuộc sống hàng ngày của người dân trên toàn EU.
Hơn nữa, sự thiếu kiểm soát đầy đủ đã tạo ra hoảng loạn, gây ảnh hưởng đến tất cả mọi người: từ người dân địa phương, các giới chức phụ trách an ninh công cộng, cho đến chính những người tị nạn. Nó còn mở đường cho sự vươn lên nhanh chóng của các đảng bài ngoại chống châu Âu – như Đảng Độc lập Anh Quốc, vốn là đảng dẫn đầu chiến dịch “Rời đi” – khi mà chính phủ các nước và các thể chế tại châu Âu dường như không còn khả năng xử lý cuộc khủng hoảng.
Giờ thì kịch bản thảm họa mà nhiều người lo ngại đã được hiện thực hóa, khiến cho sự tan rã của Liên minh châu Âu trở thành một thực tế không thể đảo ngược. Về lâu dài, khi rời khỏi EU, liệu Anh có thể trở nên tốt hơn so với các nước khác hay không còn chưa chắc chắn. Nhưng trong ngắn và trung hạn thì nền kinh tế và người dân Anh sẽ phải chịu nhiều tổn thất đáng kể. Ngay sau cuộc bỏ phiếu, đồng bảng Anh đã giảm xuống mức thấp nhất trong hơn ba thập niên và các thị trường tài chính trên toàn thế giới có thể vẫn tiếp tục hỗn loạn trong suốt quá trình đàm phán phức tạp để Anh “ly hôn chính trị và kinh tế” khỏi EU. Những hậu quả đối với nền kinh tế sẽ lớn tương tự như cuộc khủng hoảng tài chính 2007-2008.
Quá trình đó chắc chắn sẽ đầy bất ổn và rủi ro chính trị hơn nữa, bởi không chỉ một số lợi thế thực sự hay tưởng tượng của Anh (khi làm thành viên EU), mà là sự tồn tại của toàn Liên minh châu Âu, đang bị đe dọa.
Brexit sẽ mở “cống xả lũ” cho các lực lượng chống châu Âu khác trong Liên minh. Thật vậy, không lâu trước khi kết quả của cuộc trưng cầu dân ý được công bố, Mặt trận Quốc gia Pháp đã đưa ra một lời kêu gọi “Frexit”, còn nhà dân túy người Hà Lan – Geert Wilders – thì kêu gọi “Nexit.”
Hơn nữa, bản thân nước Anh cũng có thể không sống sót được. Scotland, vốn đã bỏ phiếu áp đảo để ở lại trong EU, có thể sẽ nỗ lực để giành độc lập, và một số quan chức ở Bắc Ireland, nơi cử tri cũng ủng hộ “Ở lại”, đã kêu gọi thống nhất với Cộng hòa Ireland.
Phản ứng của EU trước Brexit cũng có thể là một cái bẫy nguy hiểm khác. Các nhà lãnh đạo châu Âu, với mong muốn ngăn chặn các nước thành viên khác đi theo con đường Brexit, có thể sẽ không có tâm trạng để chấp nhận các điều khoản đàm phán của Anh – đặc biệt là các điều khoản liên quan đến tiếp cận thị trường chung châu Âu –  vốn dĩ sẽ giúp xoa dịu nỗi đau “Rời đi”. Xét tới việc EU chiếm một nửa kim ngạch thương mại của Anh, tác động vào xuất khẩu có thể sẽ rất lớn mặc dù tỷ giá sẽ cạnh tranh hơn (do đồng bảng Anh rớt giá). Và với việc các tổ chức tài chính dịch chuyển trụ sở và nhân viên của họ sang các trung tâm khác thuộc khu vực Eurozone trong những năm tới, thành phố London (và thị trường nhà ở London) sẽ khó lòng trụ vững.
Nhưng những tác động lên châu Âu có thể còn tồi tệ hơn nữa. Căng thẳng giữa các quốc gia thành viên đã đạt đến đỉnh điểm, không chỉ vì vấn đề người tỵ nạn, mà còn là vì căng thẳng giữa các nước chủ nợ và con nợ trong khu vực eurozone. Đồng thời, các nhà lãnh đạo đang suy yếu tại Pháp và Đức còn đang phải tập trung trực tiếp vào các vấn đề trong nước. Ở Ý, thị trường chứng khoán giảm 10% sau cuộc bỏ phiếu Brexit rõ ràng là dấu hiệu cho thấy sự dễ bị tổn thương của nước này trước một cuộc khủng hoảng ngân hàng toàn diện – điều có thể giúp cho các nhà dân túy trong Phong trào Năm Sao (Five Star Movement), đại diện là bà Virginia Raggi – người vừa giành chức thị trưởng Rome –  lên nắm quyền vào năm sau.
Không điều nào trong số này là tín hiệu tốt cho một chương trình cải cách khu vực Eurozone nghiêm túc vốn dĩ sẽ phải bao gồm một liên minh ngân hàng thực sự, một liên minh tài khóa hạn chế, và các cơ chế mạnh mẽ hơn về trách nhiệm giải trình dân chủ. Và thời gian không đứng về phía châu Âu, vì áp lực bên ngoài từ Thổ Nhĩ Kỳ và Nga – cả hai đều đang khai thác những mối bất hòa có lợi cho họ – nhằm gây ra xung đột chính trị trong nội bộ châu Âu.
Đó là thực trạng ngày nay của chúng ta. Tất cả các nước châu Âu, trong đó có Anh, sẽ mất đi thị trường chung và mất đi cả những giá trị chung mà EU vốn được thiết kế để bảo vệ. Tuy nhiên, EU thực ra đã bị phá vỡ và không còn đáp ứng được nhu cầu và nguyện vọng của người dân. Đó là tiền đề cho một sự tan rã vô trật tự, một sự tan rã sẽ khiến châu Âu rơi vào tình trạng còn tồi tệ hơn so với khi EU không được thành lập.
Nhưng chúng ta không được bỏ cuộc. Phải thừa nhận rằng, EU là một công trình còn thiếu sót. Sau Brexit, tất cả những ai tin vào các giá trị và nguyên tắc mà EU đã được thiết kế để phát huy cần phải liên kết với nhau để cứu lấy EU bằng cách triệt để xây dựng lại nó. Tôi tin rằng với những hậu quả của Brexit trong những tuần và tháng tới, ngày càng nhiều người sẽ tham gia cùng chúng ta.
George Soros
Brexit and the Future of Europe”, Project Syndicate,
George Soros là chủ tịch của công ty Quản lý quỹ Soros (Soros Fund Management) và là chủ tịch của Quỹ Xã hội Mở (Open Society Foundations). Là một người đi đầu trong lĩnh vực quỹ phòng hộ (hedge-fund), ông là tác giả của nhiều cuốn sách, bao gồm The Alchemy of Finance, The New Paradigm for Financial Market: The Credit Crisis of 2008 and What it Means, và The Tragedy of the European Union. 

Đọc thêm: 


Hậu Brexit, châu Âu tìm giải pháp

Sau Brexit, Liên Hiệp Châu Âu đã chuẩn bị các biện pháp giải quyết chưa?
Nghị viện Châu Âu họp phiên toàn thể đặc biệt vào sáng ngày 28/06/2016, để thông qua một nghị quyết yêu cầu thủ tướng Anh tiến hành các thủ tục ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu ngay lập tức.
Thứ Tư 29/06 tới đây, 27 thành viên EU sẽ họp thượng đỉnh tại Bruxelles. Nhưng ngay từ đầu tháng Sáu, chủ tịch nhóm sử dụng đồng tiền chung Euro gọi tắt là Eurogroupe, Jeroen Dijsselbloem đã tuyên bố rõ ràng : châu Âu không có kế hoạch ngăn chận hệ quả lây lan trong trường hợp Liên Hiệp Anh ra đi.
Trong phản ứng đầu tiên, chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Jean-Claude Juncker khẳng định « đây không phải là bước đầu tan rã » của Liên Hiệp Châu Âu. Chủ tịch Hội Đồng Châu Âu Donald Tusk thì kêu gọi không nên « hoảng loạn ».
Dân biểu nghị viện châu Âu Daniel Cohn-Bendit, cực kỳ gắn bó với Liên Hiệp Châu Âu khẩn thiết kêu gọi ông François Hollande và bà Angela Merkel hãy nhanh chóng hành động và hành động. Việc cấp thiết đầu tiên là tránh những biện pháp nửa vời mà hãy triệu tập « đại hội toàn châu Âu » để định nghĩa lại dự án mới cho tương lai.
Vấn đề là giữa Đức và Pháp, lãnh đạo mỗi nước có quan điểm trái ngược nhau về sách lược chấn hưng kinh tế. Pháp, cũng như các thành viên Nam Âu thì muốn « đầu tư kích thích tăng trưởng, hài hòa thuế vụ và phúc lợi xã hội » còn Đức và các nước Bắc Âu thì cương quyết với chủ trương đang thắng thế là « thắt lưng buộc bụng, tăng thu giảm chi ». Chính sách khắc khổ này đã gây bất bình cho một tầng lớp dân chúng, đặc biệt là Hy Lạp, Tây Ban Nha, ở Pháp và Anh chống thái độ mà họ gọi là « độc đoán » của Bruxelles trong lãnh vực tài chính, kinh tế.
Làm cách nào để dung hòa giữa hai quan điểm đối chọi này giữa Nam Âu và Bắc Âu ? Làm thế nào để dung hòa giữa các thành viên ở Đông Âu chống hiện tượng di dân nhập cư, và quan điểm cởi mở hơn ở Tây Âu ?
Trong khi đó tại Ba Lan, đảng cánh hữu cầm quyền tại Ba Lan đã lên tiếng đòi phải viết lại Hiệp Định Châu Âu, cải cách Liên Hiệp Châu Âu thành một thị trường rộng lớn, trả lại Quốc Hội của mỗi thành viên vai trò quyết định, như đòi hỏi của Luân Đôn.
Theo lời bà Elisabeth Morin-Chartier thuộc đảng Nhân dân Châu Âu (PPE) thì phải thuyết phục các công dân rằng Liên Hiệp Châu Âu mang lại lợi ích cho họ, Bà nói : „Đấu tranh cho công ăn việc làm, chúng ta còn rất nhiều việc phải làm để cho Châu Âu sống động và nhạy cảm hơn về phúc lợi xã hội“.
Một Châu Âu chăm lo cho đời sống người dân, đó cũng là quan điểm của ông Philippe Lamberts, đồng chủ tịch nhóm đảng Xanh/Liên minh tự do Châu Âu. Bởi vì Châu Âu không còn khiến người ta mơ tưởng, nên ông mong muốn nhấn nút „tái khởi động“ Liên Hiệp và đáp ứng lợi ích chung.
Ông Lamberts nói : „Nói về Hiệp ước tự do mậu dịch xuyên Đại Tây Dương chẳng hạn, rõ ràng là các công dân không hề đòi hỏi, tuy vậy người ta lại muốn áp đặt“.
Trong các hành lang Nghị viện Châu Âu, các đại biểu nói rằng họ đang trải qua một thời điểm lịch sử, nêu ra một cuộc cách mạng dân chủ và mơ đến một đà tiến mới. 
Về phần nước Nga, theo lời Thủ tướng David Cameron, Tổng thống Vladimir Putin "có lẽ là hài lòng" nếu như Anh rời EU. Có phải lãnh đạo Kremlin thích thú với kết quả Brexit không?  Ít nhất là ông Putin cũng không thể hiện công khai. Nhóm vận động Brexit ở Anh thì nói rằng chính Kremlin đã bí mật ủng hộ việc ra khỏi Brexit nhằm làm suy yếu EU.
Konstantin Kosachev, người đứng đầu Ủy ban Đối ngoại của Thượng viện Nga, thừa nhận trên Life TV: "Nhìn vào mối quan hệ căng thẳng của chúng ta với EU, thì những khó khăn của EU khiến có người cảm thấy hả dạ." 
Nhưng Kosachev vẫn biết rằng EU vẫn là đối tác thương mại lớn nhất của Nga. "Nếu như EU tan rã," ông cảnh báo, "thì điều đó sẽ ảnh hưởng tới quan hệ thương mại của chúng ta.
Thị trưởng Moscow Sergei Sobyanin tin rằng Nga thắng từ vụ Brexit: "Nếu không có Anh trong EU, sẽ không còn ai ganh ghét đứng lên đòi trừng phạt chúng ta nữa," ông viết trên Tweeter.

Đồng bảng Anh giảm giá mạnh trên thị trường châu Á ngày thứ Hai 27/6, sau ngày thứ Sáu 24/6 giảm kỷ lục.

Bảng Anh được giao dịch với giá 1,3365 đô la Mỹ, giảm gần 3% so với khi đóng cửa phiên giao dịch thứ Sáu 24/6. Hôm thứ Sáu, Bảng Anh rớt giá nhiều nhất so với đồng đô la Mỹ, có lúc một bảng chỉ đổi được 1,3236 USD.

Moody's cho hay kết quả cuộc trưng cầu dân ý báo trước "một giai đoạn dài không chắc chắn". Kết quả trưng cầu dân ý có "tác động tiêu cực đối với triển vọng tăng trưởng trung hạn của Anh Quốc".  Moody´s đã hạ xếp hạng phát hành nợ dài hạn của nước này xếp hạng từ mức "ổn định" xuống "tiêu cực".

Ngày 27 tháng 6, trong bài nói chuyện đọc trước Diễn Đàn Kinh Tế Thế Giới nhóm họp tại Thiên Tân, Thủ Tướng Lý Kế Cường của Trung Quốc nói rằng không ai ngạc nhiên khi thấy những biến động xảy ra, nhìn nhận đó là điều được dự đoán trước nhưng vẫn khiến mọi người lo âu, vì không thể biết được việc Anh rời EU sẽ ảnh hưởng tới mức nào, và kéo dài bao lâu. Ông lên tiếng trấn an, cho rằng trước những khó khăn không thể lường trước được đó, Trung Quốc có cách và khả năng để kinh tế tiếp tục đứng vững, không lo sợ bị sụp đổ.

Tin tổng hợp từ RFA, RFI, BBC, VOA