19.09.2016

Biển đông: Luật biển quốc tế và chiến lược nước lớn cần theo dõi

Biển đông: Luật biển quốc tế và chiến lược nước lớn cần theo dõi

Nguyễn Cao Quyền  

Sau khi lên ngôi “chúa tể” Mao Trạch Đông nhận định là các nước Tây Phương đã chiếm của Trung cộng hàng trăm ngàn dặm vuông lãnh thổ và hàng tá nhượng địa. Mao thề phải phục hận và lấy lại tất cả những gì đã mất.

Trong chương trình thu hồi lãnh thổ và lãnh hải, Mao chú trọng đầu tiên đến Biển Đông và nói với các tướng Lãnh: Bắt đầu từ lúc này, Thái Bình Dương không còn an bình nữa, và chỉ trở lại an bình khi nào chúng ta làm chủ vùng biển này”. 


Bản đồ Trung Hoa được Mao vẽ lại với sự nới rộng tùy tiện sang tứ phía. Mao chết năm 1976. Chương trình phục hận của Mao được thế hệ lãnh đạo tiếp nối tiến hành. Sau hơn 150 năm lụn bại, Trung Hoa đang quyết tâm lấy lại vị thế đại cường. Sự phát triển kinh tế lẫy lừng trong hơn 30 năm qua cho phép họ xây dựng một “Trật Tự Trung Hoa” với tiềm năng khuynh đảo vùng trời Đông Á.

Họ đang mở cửa ngõ tiến xuống phía Nam để thực hiện kế hoạch tàm thực trên bộ và kế hoạch vết dầu loang trên biển. Họ đã chiếm Hoàng Sa và một số đảo khác trong quần đảo Trường Sa của Việt Nam và gây hải chiến với Phi Luật Tân cũng trong quần đảo này.

Bắc Kinh có vẻ bất cần đến luật lệ quốc tế và đang phô trương sức mạnh đề dọa nạt mấy nước nhỏ trong vùng. Vì vậy, chúng ta cần biết đến một số luật biển quốc tế và một số chiến lược nước lớn để tiện bề theo dõi và có phản ứng thích hợp khi cần thiết.

Định nghĩa lãnh thổ, lãnh hải và EEZ 

Chúng ta biết diện tích lãnh thổ nước Việt Nam là 329.600 km vuông. Ngoài lãnh thổ đó, một khu vực từ biển trở ra khơi 20 hải lý được nhận là lãnh hải (territorial waters). Chủ quyền quốc gia trên lãnh hải giống như chủ quyền trên lãnh thổ.

Ngày nay chúng ta cần biết thêm về một hải phận rộng lớn hơn nữa ở ngoài biển thuộc chủ quyền khai thác của dân ta. Đó là khu vực Biển Kinh Tế Độc Quyền 200 hải lý mà Luật Biển Liên Hiệp Quốc gọi là EEZ (Exclusive Economic Zone).

Vùng EEZ của Việt Nam tính ra rộng tới 210.600 dặm vuông, tức hai lần rộng lớn hơn đất liền, và Luật Biển UNCLOS cho hưởng cùng một quy chế. Nếu ta kiểm soát trọn vẹn cả Hoàng Sa và Trường Sa thì EEZ của nước ta sẽ lớn gấp 4 lần lãnh thổ hiện thời trong lục địa. 

Luật Biển Liên Hiệp Quốc UNCLOS (United Nations Convention On The Law Of the Sea) 

Trong những năm trước thế kỷ 20 quan niệm cũ về lãnh hải chỉ là ba hải lý. Ba hải lý là tầm súng đại bác có thể bắn xa nhất và là bảo đảm an ninh cho tàu chạy ngoài khơi. Sang thời hiện đại thì ba hải lý quá chật hẹp cho nên nhiều quốc gia đã nới lãnh hải của họ rộng lớn khác thường.

Ý thức được sự cần thiết phải có một trật tự chung trên đại dương cho nhân loại nên nhiều quốc gia đã đồng ý cùng nhau đưa ra một dự án quản trị biển cả toàn cầu. Sau 15 năm với biết bao khó khăn về thương thuyết, và sau 3 lần đại hội, Luật Biển Liên Hiệp Quốc ra đời vào năm 1982.

Thỏa ước UNCLOS, công bố ngày 10/12/1982 tại Montego Bay (Jamaica) đã được 159 quốc gia ký nhận và đã có đủ 90 quốc gia duyệt y (ratifcation). Kể từ 16/11/1994 UNCLOS trở thành luật và được mang ra thi hành. Một số điều chưa hợp với thực tế đã được điền khuyết hay tu chỉnh như đã được thực hiện tứ mấy chục năm qua. 

Các nước Đông Nam Á quanh vùng Biển Đông đều là hội viên LHQ đã cùng ký kết thi hành luật biển. Chỉ có nước Tàu là vẫn ngoan cố chưa chịu chấp nhận việc thi hành. Gần đây Trung cộng đã ban hành Luật Lãnh Hải 1992 của riêng họ. Luật này trắng trợn tuyên cáo: Biển Đông là nội hải của Trung cộng. Sự trắng trợn này được nhiều nước đánh giá là một hoài vọng quá đáng.

Vùng biển lịch sử

Thế nào là một vùng biển lịch sử? Về mặt công pháp quốc tế và chiếu án lệ của tòa án quốc tế The Hague, muốn được coi là một vùng “biển lịch sử” thì phải hội đủ ba điều kiện sau đây:

1/ Phải có một sự hành sử chủ quyền, nghĩa là một sự chiếm đóng hòa bình,

2/ Sự chiếm đóng đó phải liên tục và trường kỳ,

3/ Sự chiếm đóng đó phải được sự thừa nhận của các quốc gia duyên hải tiếp cận và đối diện.

Ngoài ba điều kiện trên, điều 8 Công Ước Về Luật Biển 1982 còn quy định thêm một điều kiện nữa bằng đoạn văn viết như sau: “Biển lịch sử hay nội hải của một quốc gia nằm trong đất liền về phía bên trong đường cơ sở của lãnh thổ”. Đó là điều kiện thứ tư cần phải hội đủ.

Việt Nam và hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa

Việt Nam cùng với 159 nước trên thế giới đã ký duyệt bản dự thảo Luật Biển 1982 của Liên Hiệp Quốc. Tháng 7/1999 Việt Nam lại ký tên vào danh sách các quốc gia tự nguyện chấp hành luật quốc tế này. Vậy thì theo luật biển nói trên mà sau đây là một số bằng cớ thực tế chứng minh, hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam.

Hoàng Sa Và Trường Sa về phương diện vị trí. Quần đảo Hoàng Sa nằm giữa Biển Đông của Việt Nam, ngang bờ biển các tỉnh Quảng Trị, Quảng Nam và một phần Quảng Ngãi. Còn đối với quần đảo Trường Sa thì hầu hết các đảo thuộc quần đảo này nằm ngang vĩ độ Phan Rang và Cà Mâu. 

Về khoảng cách đất liền, quần đảo Hoàng Sa nằm gần Việt Nam nhất: từ đảo Tri Tôn đến cù lao Ré khoảng cách chỉ là 123 hải lý. Trong khi đó khoảng cách từ quần đảo Hoàng Sa tới bở biển Hải Nam của Trung Hoa là 235 hải lý.

Hoàng Sa và Trường Sa về phương diện địa hình đáy biển. Toàn thể quần đảo Hoàng Sa được nối thẳng vào thềm lục địa của Việt Nam. Sau khi khảo sát vùng này, T.S Krempt giám đốc Viện Hải Học Đông Dương kết luận: “Về phương diện địa chất, như vậy mấy đảo Hoàng Sa là một phần của Việt Nam”. 

Về phương diện địa hình đáy biến, quần đảo Trường Sa cũng rõ rệt nối liền với Việt Nam hơn bất cứ quốc gia nào khác. Bờ biển Việt Nam chạy thoai thoải tới tận bãi Tú Chính thuộc quần đảo Trường Sa. Trong khi đó Trường Sa cách hẳn với Trung Hoa/Đài Loan bằng một rãnh biển sâu 3000 m về phía Bắc.

Việt Nam có triển vọng được Ủy Ban Định Ranh Thềm Lục Địa LHQ cho mở rộng thềm lục địa pháp lý 200 hl thành thềm lục địa “địa chất mở rộng” 356 hải lý.

*

Tuyên cáo Cairo 1943. Ngày 27/11/1943 trước khi Thế Chiến 2 chấm dứt, trong Tuyên Cáo Cairo ký kết bởi TT Mỹ Roosevelt, thủ tướng Anh W. Churchill và TT Trung Hoa Tưởng Giới Thạch có đoạn ghi như sau: “Đối tượng của các quốc gia đồng minh là tước bỏ quyền của Nhật trên các lãnh thổ và hải đảo của Thái Bình Dương mà Nhật đã cưỡng chiếm từ khi Thế Chiến 1 khởi sự”. 

Điểm đáng lưu ý ở đây là, tại Hội Nghị Cairo, TT Tưởng Gới Thạch không đòi Hoàng Sa và Trường Sa. Như vậy là đã khước từ chủ quyền tại hai quần đảo này.

Hội Nghị Hòa Bình San Francisco 1951. Ngày 8/9/1951, 51 quốc gia đồng minh họp hội nghị để ký Hòa Ước Cựu Kim Sơn. Trong phiên khoáng đại thứ 5 ngày 5/9/1951 ngoại trưởng Liên Sô Gromyko đã trình tu chính án yêu cầu hội nghị trao trả Hoảng Sa và Trường Sa cho Trung cộng, nhưng tu chính án đã bị hội nghị bác bỏ.

Ngày 7/9/1951 trong phiên họp khoáng đại thứ 7, thủ tướng kiêm ngoại trưởng Trần Văn Hữu của quốc gia Việt Nam lên diễn đàn công bố chủ quyền của Việt Nam tại các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà không gặp một sự phản kháng nào của 50 quốc gia tham dự. Do đó có thể khẳng định rằng Hoàng Sa và Trường Sa đã được các quốc gia trên thế giới thừa nhận thuộc chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam.

Hiệp Định Genève 1954. Điều 4 Hiệp Định Genève 1954 chia đôi Việt Nam quy định như sau: “Quân đội nhân dân Việt Nam phải rút khỏi tất cả hải đảo phía Nam giới tuyến”. Như thế có nghĩa là hai quần đảo Hoàng sa và Trường Sa thuộc chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam Cộng Hòa. Và hậu quả là công hàm Phạm Văn Đồng gởi cho Chu Ân Lai ngày 14/9/1958 không có giá trị và không có hiệu lực pháp lý. 

Người viết nhắc lại ba văn kiện lịch sử nói trên để lưu ý thế hệ trẻ của nước nhà và mong rằng những chứng tích lịch sử này sẽ không bao giờ bị quyên lãng. 

Chiến lược của các nước lớn cần theo dõi

Nếu nói là nước lớn cần heo dõi thì hiện nay chúng ta cần quan tâm đặc biệt đến Hoa Kỳ và Trung cộng. Chúng ta thử triển khai xem ý đồ của hai nước lớn này ra sao.

Hoa Kỳ. Sau Chiến Tranh Lạnh quan tâm chính yếu của Hoa Kỳ là làm sao giữ được vị thế bá chủ trên thế giới. Thế chính trị này có thể kéo dài nếu Hoa Kỳ tìm cách đóng trụ được thường xuyên trên lục địa Âu-Á (Eurasia )và đặc biệt là tại vùng Đông Á. 

Lịch sử đã chỉ ra rằng các lực lượng khuynh đảo thế giới thường chỉ xuất hiện tại lục địa lớn nhất hoàn cầu này. Do đó Hoa Kỳ phải không cho một lực lượng khuynh đảo nào xuất hiện tại đây. Và muốn được như vậy, Hoa Kỳ cần làm được hai điều. 

Thứ nhất, tạo thế quân bình lực lượng trường cửu giữa Tây Bán Cầu và lục địa Âu-Á và giữa các lục địa Âu-Á với nhau. Sách lược này được Hoa Kỳ áp dụng cho Âu Châu và Đông Á sau Thế Chiến II đã đưa đến kết quả là cả hai vùng này đều phát triển trong hòa bình và thịnh vượng như ta thấy hiện nay.

Thứ hai, phải tiết chế tham vọng của một cường quốc bá chủ và chia sẻ trách nhiệm quản lý những công việc chung của thế giới với Nhật Bản và Trung cộng. Chiến lược chia sẻ trách nhiệm này được Hoa Kỳ áp dụng không gặp rắc rối nào suốt trong hai nhiệm kỳ của tổng thống G.W. Bush, nhưng đến nhiệm kỳ của tổng thống Obama thì thái độ của Trung cộng hơi thay đổi. 

Những cử chỉ quá khiêm tốn của TT Obama trong mấy năm vừa qua đã làm cho Trung cộng lầm tưởng rằng Hoa Kỳ hiện đang rất sợ chiến tranh. Vì thế Bắc kinh nghĩ rằng lúc này hơn lúc nào hết phải ra tay uy hiếp để thực hiện quyết tâm xâm chiếm Biển Đông.

Khi Bắc Kinh cho Hoa Kỳ biết vào tháng 3/2010 là họ coi Biển Đông như vùng “quyền lợi cốt lõi” và công bố vào tháng 5/2010 bản đồ chín đoạn hình “lưỡi bò” gồm 80% diện tích Biển Đông thì Hoa Kỳ đánh giá đây là một thách thức nguy hiểm. Biển Đông trở thành một vị trí thiết yếu trong “Chiến Lược An Ninh Mới” của Mỹ.

Ngũ Giác Đài được lệnh nghiên cứu và xác định khả năng gây chiến của Bắc Kinh. Sau một năm nghiên cứu, báo cáo cho biết không lực Hoa Kỳ tại các đảo Guam và Okinawa vượt trội quá xa không lực của cả ba nước Trung Hoa, Nga và Bắc Triều Tiên họp lại. Kết luận của Ngũ Giác Đài là Trung cộng chưa thể tiến hành chiến tranh với Hoa Kỳ.

Báo cáo này đã trang bị tư tưởng cho ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton khi bà sang Việt Nam phó hội ngày 23/7/2010. Tại diễn đàn An Ninh Á Châu (ARF) ngoại trưởng Mỹ tuyên bố “Hoa Kỳ sẽ trở lại Á Châu”. Trên diễn đàn này, lần đầu tiên Hoa Kỳ chính thức phủ nhận bản đồ “lưỡi bò” của Trung cộng và bác bỏ chủ quyền của Bắc Kinh trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, đồng thời công khai đứng về phía các nước ASEAN trong thế đối đầu với Trung cộng.

Trong tư thế bá chủ thế giới hiện nay, việc Hoa Kỳ lấp khoảng trống chính trị tại vùng Á Châu-Thái Bình Dương là một điểm chiến lược hàng đầu mà Việt Nam cần lưu ý. Chiến tranh chưa xảy ra ở Biển Đông nhưng nếu để Việt Nam hoàn toàn lép vế trong tranh chấp thì Trung cộng sẽ không còn gặp trở ngại nào trong việc kiếm soát toàn bộ vùng biển này. Cho nên chiến lược “Trở Lại Á Châu” của Mỹ không thể nào không có sự hợp tác của Việt Nam. Trung cộng có nhu cầu nuốt chửng Việt Nam để có điều kiện vươn lên ngôi vị “số một” của thế giới.

Trung cộng. Nước lớn thứ hai mà chúng ta cần theo dõi là Trung cộng. Bước quy phục Thành Đô là một sai lầm đang đưa tổ quốc đến nguy vong và cần phải điều chỉnh cấp tốc. Ta thử bình tâm mà suy xét xem Trung cộng hiện nay nguy hiếm đến cỡ nào.

Chiến Tranh Lạnh chấm dứt khiến Trung cộng mất chính danh lãnh đạo và đồng thời biến Trung cộng thành “điểm ngắm” duy nhất của chiến lược “Diễn Biến Hòa Bình”của Tây Phương. Trước những thử thách đó, hai biện pháp an ninh đã được đề ra và áp dụng. 

Duy trì phát triển kinh tế. Gương sụp đổ của Liên Xô cung cấp cho Trung cộng một bài học và họ hiểu rằng “cạnh tranh kinh tế là thực chất (essence) của trò chơi quốc tế sau Chiến Tranh Lạnh”. An ninh quốc nội tùy thuộc vào khả năng kinh tế nhiều hơn là vào sức mạnh quân sự. Duy trì phát triển kinh tế là điều kiến chủ yếu để chế độ sinh tồn.

Đối với nhu cầu duy trì phát triển kinh tế hiện nay của Trung cộng thì vấn đề “dầu hỏa” là vấn đề sinh tử. Do nhìn thấy một vựa dầu khổng lồ ở Biển Đông nên Bắc Kinh đã nhanh chóng gia tăng hải lực và đưa ra quan điểm “lưỡi bò” để manh tâm làm chủ vùng biển này.

Khi đưa nhận định trên vào thực tế, Trung cộng đã có một số hành động. Tháng 12/2007 Trung cộng ban hành quyết định thành lập huyện Tam Sa gồm Hoàng Sa, Trường Sa và Trung Sa (Maclesfield Blank) thuộc tỉnh Hải Nam. 

Năm 2008 Trung cộng áp lực công ty đầu khí Anh British Petroleum hủy bỏ giao kèo khai thác dầu khí với Petro Việt Nam tại Biến Đông. Ngày 6/5/2009 Việt Nam và Mã Lai Á nộp LHQ bản xác định vùng biển nối dài. Việc này bị Trung cộng phản đối để ngăn cản LHQ xét giá trị vùng tranh chấp. 

Xây dựng một binh lực hùng mạnh. Sau chiến tranh vùng vịnh Ba Tư và chiến tranh Irak, các tướng lãnh Trung cộng đã nhận biết được thế nào là “chiến tranh kỹ thuật”. Để bắt chước, họ đưa ra quan niệm chiến tranh hiện đại trong đó hải quân và không quân có ưu tiên cao hơn bộ binh và phải được phát triển cấp tốc.

Từ đó đến nay, hải quân và không quân của họ đạt nhiều tiến bộ. Vào lúc này, với các tàu chiến loại nhỏ họ đã đủ để thành lập ba hạm đội Bắc Hải Trung Hải và Nam Hải, tập trung ở Biển Đông để làm đối trọng với Đệ Thất Hạm Đội của Hoa Kỳ. Bộ binh của Trung cộng ngày nay với ba triệu lính, tuy khá đông nhưng vẫn còn lạc hậu về mặt khoa học kỹ thuật.

Đánh giá về khả năng gây chiến của Bắc Kinh, cả Hoa Kỳ lẫn thế giới đều cho rằng sự đe dọa của Trung cộng chưa đáng sợ. Tuy chưa đáng sợ, nhưng Hoa Kỳ đang chuẩn bị trở lại Á Châu và quy trì sự hiện diện vững chắc tại vùng này. Việc mà Hoa Kỳ quan tâm hơn cả vào thời kỳ hiện đại là bảo đảm lưu thông tự do trên các hải lộ chạy quanh miền Nam và Đông Nam châu Á. Ngoài Hoa Kỳ không có quốc gia nào khác có thể làm được việc này. 

*

Việt Nam là một nước nhỏ. Dọc theo chiều dài của lịch sử, để sống còn Việt Nam luôn luôn phải tìm chỗ dựa quốc tế để tồn tại. Phải liên kết với kể mạnh khi quyền lợi dân tộc bị đe dọa. Và liên kết với kẻ mạnh hiện nay là liên kết với Hoa Kỳ và từ giã hàng ngũ xã hội chủ nghĩa tàn rụi của Bắc Kinh. Phải từ giã là vì tình nghĩa đồng minh cộng sản đã thực sự chấm dứt. Còn lại chỉ là tham vọng nấp sau chủ nghĩa bá quyền. 

Cách đây vài thập kỷ, khi kinh tế Nhật Bản phục hồi và phát triển với tốc độ chóng mặt, dư luận thế giới cũng đã tiên đoán sứ Phù Tang sẽ thay thế Hoa Kỳ. Nhưng sự tiến đoán đó chẳng bao giờ thành sự thực và người ta đã khám phá ra một số nguyên nhân có thể áp dụng cho trường hợp Trung cộng ngày nay. Cho nên CSVN không thể nuôi ảo tưởng về Trung cộng và đừng để cho những ước mơ viển vông biến thành đại họa./.