„Trịnh Xuân Thanh, Nguyễn Xuân Sơn, Võ
Thanh Hà, Vũ Đình Duy, Vũ Quang Hải, Vũ Thúy Huệ…“
Việt Nam: ‘Quy hoạch’ là sắp đặt lưu manh làm lãnh đạo
Võ
Thanh Hà (phải) cánh tay phải của Vũ Huy Hoàng, chủ tịch Hội Đồng Quản Trị
Sabeco và Vũ Quang Hải (giữa), con trai Vũ Huy Hoàng, phó tổng giám đốc Sabeco.
Hình: Tuổi Trẻ
Bộ Công Thương Việt Nam vừa chính thức công bố quyết
định xử lý một số trường hợp được “quy hoạch” không đúng quy định và loại bỏ
hàng loạt lãnh đạo của bộ này trong tương lai.
“Quy hoạch” là cách chính quyền Việt Nam gọi việc sắp
đặt những cá nhân được lựa chọn từ trước, đưa những cá nhân này đi theo lộ
trình nhất định để tích lũy uy tín, kinh nghiệm, sau đó bổ nhiệm làm lãnh đạo hệ
thống chính trị, hệ thống công quyền từ trung ương tới địa phương.
Trước nay, “quy hoạch” vẫn được xem
là phương thức hợp pháp hóa việc mua quan, bán chức, xây dựng, phát triển bè
cánh. “Quy hoạch” nhân sự lãnh đạo tại Việt Nam không có chỗ cho hiền
tài.
Quyết định vừa kể của Bộ Công Thương Việt Nam là lần
đầu tiên xóa bỏ “quy hoạch” sắp đặt nhân sự chủ chốt của một bộ trong tương
lai. Lần đầu tiên yếu tố không đúng qui định được nêu ra khi bản chất lưu manh
của những cá nhân được “quy hoạch” làm lãnh đạo không thể giấu ai được nữa.
Theo quyết định thì các nhân vật như Trịnh Xuân
Thanh, Nguyễn Xuân Sơn và Võ Xuân Hà đều đã được “quy hoạch” làm thứ trưởng Bộ
Công Thương, giai đoạn từ 2016 đến 2021. Cả ba đều liên quan đến hàng loạt
scandal.
Chẳng hạn Trịnh
Xuân Thanh, cựu chủ tịch Hội Đồng Quản Trị của Tổng Công Ty Xây Lắp Dầu Khí
Việt Nam (PVC). Sau khi gây ra những thua lỗ đáng ngờ khiến PVC mất 3,200 tỷ đồng,
ông Thanh được rút khỏi PVC để về làm trưởng văn phòng đại diện của Bộ Công
Thương ở miền Trung. Rồi từ miền Trung quay về Hà Nội làm chánh văn phòng Ban
Cán Sự Đảng của Bộ Công Thương. Sau đó được luân chuyển về Hậu Giang làm phó chủ
tịch tỉnh này và trở thành đại biểu Quốc Hội. Chuyện vỡ lở, ông Thanh biến mất
trước khi dư luận đẩy công an Việt Nam đến chỗ phải khởi tố nhân vật này vì có
dấu hiệu tham nhũng.
Nhân vật thứ hai bị loại khỏi “quy hoạch” thứ trưởng
Bộ Công Thương là ông Nguyễn Xuân Sơn,
chủ tịch Tập Đoàn Dầu Khí Việt Nam. Ông Sơn đang bị giam vì gây thiệt hại cho
Ocean Bank 770 tỷ đồng khi làm tổng giám đốc Ocean Bank. Nếu không bị khởi tố
vì “lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ gây hậu quả nghiêm trọng”
và “cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả
nghiêm trọng”, có thể giờ này ông Sơn đang chỉ đạo hai ngành công nghiệp và
thương mại của Việt Nam.
Nhân vật thứ ba bị loại khỏi “quy hoạch” thứ trưởng
Bộ Công Thương là ông Võ Thanh Hà.
Ông Hà được xem là “cánh tay phải” của ông Vũ Huy Hoàng, bộ trưởng Công Thương
suốt hai nhiệm kỳ ông Dũng làm thủ tướng Việt Nam. Ông Hoàng vừa bị cảnh cáo
trước toàn đảng, toàn dân vì hàng loạt sai phạm liên quan đến tuyển dụng, bổ
nhiệm nhân sự bất xứng, với những dấu hiệu rất rõ ràng về việc cố tình phát triển
bè cánh. Từ vị trí thư ký của ông Hoàng, ông Hà trở thành phó văn phòng rồi
chánh văn phòng Bộ Công Thương, sau đó được điều động về làm chủ tịch Hội Đồng
Quản Trị Sabeco (Tổng công ty Bia-Rượu-Nước giải khát Sài Gòn), nơi mà lương hợp
pháp lên tới cả tỷ đồng/năm.
Quyết định xử lý một số trường hợp được “quy hoạch”
không đúng quy định của Bộ Công Thương Việt Nam cũng đã hủy bỏ việc bổ nhiệm
hàng loạt cá nhân như Vũ Đình Duy
làm cục phó Cục Kỹ Thuật An Toàn và Môi Trường Công Nghiệp. Ông Duy từng là tổng
giám đốc Công Ty Cổ Phần Hóa Dầu Và Xơ Sợi Dầu Khí (PvTex). Sau khi PvTex ngốn
hết 7,000 tỷ đồng nhưng không thể hoạt động. Giống như ông Thanh, ông Duy đột
nhiên biến mất trước khi bị điều tra.
Rút lại việc trao cho ông Vũ Quang Hải, con ông Vũ Huy Hoàng hàm vụ phó, thu hồi quyết định
điều động ông Hải làm phó tổng giám đốc Sabeco kiêm kiểm soát viên Tổng Công Ty
Thuốc Lá Việt Nam.
Rút lại việc trao cho bà Vũ Thúy Huệ hàm vụ phó, thu hồi quyết định điều động bà Huệ làm đại
diện Bộ Công Thương ở văn phòng Tổng Cục Năng Lượng tại Sài Gòn. Bà Huệ được
xem là người gài một doanh nhân toan tố cáo tham nhũng ở tập đoàn Dầu khí Việt
Nam, nơi chồng bà làm phó tổng giám đốc vào tù vì “tống tiền.”
Cần lưu ý “quy hoạch” nhân sự của Bộ Công Thương sẽ
không có giá trị nếu không có sự phê duyệt của các viên chức lãnh đạo chính phủ
và lãnh đạo đảng CSVN. Dẫu “quy hoạch” bị hủy bỏ vì những lý do vừa kể nhưng
không có viên chức nào bị truy cứu trách nhiệm vì phê duyệt quy hoạch này.
(G.Đ)