10.02.2017

Đi tìm đôi mắt người Sơn Tây.

Đi tìm đôi mắt người Sơn Tây.

“Đôi mắt người Sơn Tây
U uẩn chiều luân lạc
Buồn viễn xứ khôn khuây
…Đường hoa khô ráo lệ”.


Tranh của Quang Dũng

Gần 70 năm trôi qua với bao thời cuộc thăng trầm, bài thơ Đôi mắt người Sơn Tây, về sau được nhạc sĩ Phạm Đình Chương phổ nhạc, đã thấm sâu vào lòng người, dựng thành tượng đài âm nhạc bất hủ. 

Nhưng đời sau có mấy người biết đôi mắt ấy là đôi mắt nào, chàng thi nhân, chiến binh Quang Dũng đã đắm say ai để dệt mộng thành những dòng thơ trác tuyệt này? 


Bên tủ sách, bàn thờ Quang Dũng

Là lớp hậu sinh, tôi mê mẩn nằm lòng bài Tây Tiến, đắm đuối khôn khuây với Đôi mắt người Sơn Tây, Ba Vì mờ cao mà chưa bao giờ được may mắn hầu trà tác giả thi nhân.

Nhưng chính những dịp cầm viết rong ruổi, tôi tình cờ tao ngộ hoặc được sắp đặt trước với các người con và bạn bè văn chương, kháng chiến tri âm tri kỷ của ông đã gợi dậy nhiều kỷ niệm đặc biệt. 

Những kỷ niệm như chính họ tâm sự rất ít người được biết, bởi đấy là lúc tuổi đã xế chiều, ngồi nhớ bạn khuất xa mà bâng khuâng hồi tưởng. Bởi lúc còn sống, Quang Dũng hiếm khi trải lòng mình, đặc biệt là tháng ngày khoác áo phong sương, theo đoàn binh Tây Tiến.

Người bạn học “tiểu tư sản mơ màng”

Hà Nội, chớm đông. Tôi đội mưa đi tìm lại những kỷ niệm về ông. Tôi gọi điện cho chị Bùi Phương Thảo, con gái nhà thơ Quang Dũng, trong cơn mưa giao mùa giăng mờ mịt phố xá. Chị hào hứng: “Bạn ra Sài Đồng chơi, Thảo mới dọn nhà ở khu tập thể về đây rồi”.

Ông xe ôm, cựu chiến binh kháng Pháp, nghe tôi tìm nhà con cháu Quang Dũng cũng hăng hái ra mặt: “Ồ! Bác nhà thơ Tây Tiến đấy à. Lứa lính tráng một thời như chúng tôi ai chẳng thuộc bài thơ này”. 

Tiếp tôi trong căn hộ chung cư Sài Đồng, chỉ mỗi chiếc tủ sách bên trên làm bàn thờ là trang trọng nhất kê ngay giữa phòng, chị Thảo bùi ngùi: “Quà tôi tặng hương hồn cha nhân dịp giỗ đấy. Cả đời ông đi và viết trong nghèo khó, chỉ mơ một tủ sách đàng hoàng nhưng đến lúc xuôi tay vẫn chưa thể nào có được. Tôi vẫn nhớ mãi hình ảnh cha ngồi cặm cụi viết bài trên gác xép. Cái bàn viết của ông chính là bệ cầu thang đã cũ mục, mốc ố theo thời gian. Thời kỳ giới văn nghệ sĩ gặp sóng gió, ông trầm tư, buồn bã hẳn với chiếc bóng cô đơn của chính mình!

Ngược thời gian trở lại một thời chinh chiến chống Pháp, Quang Dũng gia nhập đoàn quân cách mạng mùa thu năm 1945. Trước đó, bước chân phiêu bạt thi nhân đã từng rong ruổi vào Nam, rồi ngược sang phương Bắc để tìm những người đồng chí hướng.

Về nước tham gia khởi nghĩa năm 1945, Quang Dũng được phân làm phái viên phòng quân vụ Bắc bộ chuyên đi tìm kiếm, thu mua, cất giấu vũ khí. 
Nhiều người bạn vong niên của ông thời kỳ này đã khuất núi từ lâu, nhưng may mắn tôi vẫn còn gặp được vài người từng tri kỷ của ông. Nguyên tiểu đoàn trưởng pháo binh 523, sư đoàn 304 từng tham chiến Điện Biên Phủ, Hoàng Giáp kể thuở thiếu thời ông học chung với Quang Dũng ở Trường Bưởi.

Ông ngồi lớp sau Quang Dũng nhưng hai người vẫn khá thân nhau do cùng chí hướng và chung cả cái tính “tiểu tư sản mơ màng chữ nghĩa, văn chương”. 

Nhà thơ Quang Dũng năm 1951

Gặp gỡ ở chợ tao nhân  

Nhiều năm hồi tưởng lại người bạn đã đi trước mình, ông Giáp nay đã ngoài tuổi 90,  bùi ngùi tâm sự sau kháng chiến Hà Nội mùa đông năm 1946, họ cũng như bao chiến sĩ rút về vùng kháng chiến. Quang Dũng giã từ gia đình theo đoàn quân Tây Tiến từ cửa ngõ Hòa Bình đi ngược miền sơn cước Tây Bắc sang Thượng Lào.

Ông Giáp cũng tham gia nhiệm vụ địch vận. Đây chính là thời gian hai người rất gần gũi bên nhau. 

Có một thời gian, họ tạm dừng chân ở vùng “trái đệm” Chợ Đại - Cống Thần, Hà Đông, bên bờ sông Đáy. Đây là một địa chỉ nổi tiếng mà có lẽ nhiều người cao tuổi Hà Nội từng trải thời chiến đều biết, bởi nó rất gần Hà Nội nhưng lại là vùng tự do. Trai gái Hà Nội tham gia Việt Minh hầu hết đều lên rừng qua cửa ngõ này. 

Thuở chín năm chống Pháp, Chợ Đại - Cống Thần là một khu chợ tự phát nằm ở vùng Pháp không thể kiểm soát được, để không chỉ người dân, mà người của Việt Minh có thể tìm về mua nhu yếu phẩm, trai Hà Nội theo đoàn quân đánh giặc còn có thể dừng chân, luyến lưu một chút hương vị Hà thành sót lại ở đây trước khi lên rừng.

Tiếng là chợ quê, hàng quán phần lớn dưới mái chòi tranh lụp xụp, người ta vẫn có thể tìm thấy nhiều thứ bất ngờ, thú vị ở đây. Nho nhỏ như những cây bút máy, bật lửa, đồng hồ, quyển sách có khắc tên, ký tên ai đấy, và không thiếu cả những hàng rượu, hàng chè, cà phê, ca hát đậm đà hương vị Hà thành. 

Nhiều tên tuổi tao nhân mặc khách đã xuất hiện ở nơi này, từ Phạm Duy trước khi lên rừng và ngày trở về đều không thể không dừng chân, đến Huyền Kiêu, Tản Đà, Nguyễn Tuân, Bùi Xuân Phái, Tạ Tỵ… Một số tướng lãnh, chiến sĩ lừng danh chiến cuộc như Tạ Đình Đề, Phùng Thế Tài, Hoàng Minh Thảo, Văn Tiến Dũng, Hoàng Sâm… cũng thoắt ẩn thoắt hiện gieo rắc kinh hoàng cho quân Pháp cũng như hút cả đám tai mắt tình báo tụ về. 

Cô hàng cà phê Akemi

Cảm xúc khởi nguồn của bài Đôi mắt người Sơn Tây chính là lúc Quang Dũng tạm dừng chân chinh chiến, vô tình tao ngộ hay có duyên từ muôn kiếp với một người đẹp ở ngôi chợ này”, ông Hoàng Giáp hồi tưởng kỷ niệm khó quên về bạn.

Những người bạn rất thân với cả ông Giáp và Quang Dũng là thiếu tướng Ngô Huy Phát và vợ chồng bà Tuyết Hương, hiện đang sống ở Hà Nội, cũng đoan chắc điều này. Họ đều tham gia cuộc chiến vệ thành Hà Nội mùa đông năm 1946.

Khi tạm rút, mọi người có thời gian nán lại Chợ Đại - Cống Thần, và biết tại sao Quang Dũng viết Đôi mắt người Sơn Tây, tại sao lại những dòng thơ vừa lãng mạn vừa bi hùng:

“Em ở Thành Sơn chạy giặc về
Tôi từ chinh chiến cũng ra đi.
Cách biệt bao ngày quê Bất Bạt
Chiều xanh không thấy bóng Ba Vì…”.

Đó chính là nàng Akemi, một cô gái Việt thuần khiết, nhưng được gọi tên Nhật bởi một lý do đặc biệt xuất phát từ hoàn cảnh chiến tranh. Akemi quê ở Sơn Tây, là một thiếu nữ yêu kiều, quý phái và có học hành.

Thời cuộc ly loạn, chiến tranh đã đưa đẩy mỹ nữ Akemi về thành Hà Nội và một thời gian làm vũ nữ ở các phòng nhảy có sĩ quan Nhật thường xuyên lui tới. Vì chiến chinh xa nhà, họ nhớ quê hương, nhớ phụ nữ Nhật, nên đã mê mệt và tự đặt cho cô biệt danh Akemi.

Tướng Ngô Huy Phát, thời điểm 1945 tham gia Việt Minh trong đội tự vệ thành Hoàng Diệu, cũng biết cô: “Akemi rất đẹp, cô có đôi mắt đen to, làn da trắng mịn và dáng người cao gầy thanh thoát nên mỗi khi lên sàn lả lướt là hút hết mắt đàn ông.

Không chỉ giới nhà binh, nghệ sĩ, thi sĩ, mà cả nhiều sinh viên, thanh niên Hà Nội thuở ấy cũng biết tiếng cô. Một số người đã thầm tương tư Akemi, trong đó có cả bạn thân của tôi”. 

Sau cuộc chiến vệ thành Hà Nội mùa đông năm 1946, Akemi cũng như nhiều người khác theo Việt Minh, ra vùng tự do. Cô dừng chân ở Chợ Đại - Cống Thần, mở một quán cà phê nho nhỏ bên bờ sông Đáy, độ nhật cùng mẹ già.

Tuy nhiên, theo ông Hoàng Giáp, người bạn rất thân của Tạ Đình Đề, Akemi không chỉ đơn thuần là cô hàng cà phê xinh xinh trong mắt kẻ si tình. Cô chính là tai mắt bí mật của Việt Minh ở vùng trái đệm luôn dày đặc tình báo ta lẫn mật thám Pháp cài cắm nghe ngóng lẫn nhau. “Tôi tin Tạ Đình Đề nói chính xác. Lúc ấy, ông Đề là đội trưởng biệt động Hà Nội, chuyên làm nhiệm vụ trừ khử quân Pháp và Việt gian, nên thiết lập rất nhiều đầu mối mật báo và hiểu rõ nhiệm vụ bí mật của Akemi”, ông Giáp còn kể thêm chính mình và Tạ Đình Đề cũng nhiều lần ghé quán cà phê này. 

Quán tranh nhỏ bé, nhưng Akemi pha cà phê rất ngon, đặc biệt là dung nhan và nghệ thuật ăn nói thu hút của cô đã khiến nhiều bậc trai hùng mê mệt, không đành lỡ bước ngang qua. Và tất nhiên, trong đó cũng không thiếu Quang Dũng, một chiến binh Tây Tiến có trái tim thi nhân lãng mạn trong cái vẻ bề ngoài phong trần, khinh bạc...  

Tranh của Quang Dũng

Nỗi sầu tương tư 

Tôi biết Quang Dũng hồi ấy cũng hiểu mình chỉ là một trong những người tương tư Akemi, nhưng trái tim anh lính mê thơ này đã đắm say rồi, biết làm sao”, ông Hoàng Giáp nhớ trong một lần say cô hàng cà phê, Quang Dũng đã đề tặng ngay mấy câu thơ lên vách nứa: “Tóc như mây cuốn, mắt như thuyền/ Khuấy nước kênh Đào sóng nổi lên/ Ý nhị mẹ cười sau nếp áo/ Non sông cùng đắm giấc mơ tiên”

Tuy nhiên, cuộc hành quân Tây Tiến không thể cho Quang Dũng dừng bước chinh nhân, xây mộng hồ điệp. Akemi cũng không đủ thời gian tường tận tấm tình của chàng chinh nhân để trái tim của mình đáp trả.

Giấc mơ tình chỉ như sương khói thoảng qua, thuyền tình theo nước sông Hồng cuốn trôi. Quang Dũng cầm súng lên miền sơn cước Tây Bắc, cô hàng cà phê vẫn bên bờ sông và ngày ngày lại dập dìu khách đến người đi. Nỗi buồn man mác như những câu thơ vọng xa xăm:

“Bao giờ tôi gặp em lần nữa
Ngày ấy thanh bình chắc nở hoa
Đã hết sắc màu chinh chiến cũ
Còn có bao giờ em nhớ ta?”...

Nhiều năm nhắc nhớ một thời hào hoa và hùng tráng, tướng Ngô Huy Phát kể không hiểu sau này Quang Dũng còn qua lại với Akemi không, nhưng ông biết chuyện mỹ nhân có một cuộc tình khác, đã đơm hoa kết trái dù cái hậu cũng rất buồn. Người ấy chính là T.S., trung đoàn trưởng trung đoàn 48, sư đoàn 320.

Còn tướng Phát hồi ấy là trợ lý trực tiếp của ông. “Những ngày dừng chân ở Chợ Đại - Cống Thần, tôi biết cả T.S. lẫn Quang Dũng đều ghé quán cà phê Akemi, nhưng nhà thơ hành quân trước, còn T.S. vẫn ở lại nên đã chinh phục được trái tim người đẹp”, tướng Phát kể thêm có những đêm T.S. lặng lẽ đi tới 12 giờ mới trở về, và có những tối không mưa mà ông vẫn cầm tấm khoác của lính đi. 

Khi T.S. lên đường, Akemi đã có một sinh linh trong lòng mà ông không hề biết, vì người đẹp không đành níu kéo bước chân vị tướng quân. Năm 1950, T.S. tử trận gần chân núi Ba Vì vẫn không biết mình có con gái với Akemi. Sau đó, mẹ con Akemi về lại Hà Nội, rồi di cư vào Nam, để lại nỗi lưu luyến vẩn lòng bao kẻ si tình.

Trong đó có nhà thơ Quang Dũng vẫn không nguôi ngoai đôi mắt người Sơn Tây:
“Vầng trán em vương trời quê hương
Mắt em dìu dịu buồn Tây phương
Tôi nhớ xứ Đoài mây trắng lắm
Em đã bao ngày em nhớ thương…
Em mơ cùng ta nhé
Bóng ngày mai quê hương
Đường hoa khô ráo lệ”.

Chiến tranh kết thúc, Quang Dũng giã từ áo lính, về Hà Nội tiếp tục nghiệp cầm viết, có đi tìm đôi mắt người xưa nhưng người ấy đã xa rồi… 

Nhà thơ Quang Dũng chụp tại Lâm Đồng năm 1983 cùng con gái Bùi Phương Thảo (thứ hai từ phải sang) - Ảnh riêng


Chị Bùi Phương Thảo kể cha mình nghèo thì thật nghèo nhưng lại rất giàu tình, giàu bạn. Thời gian ông nằm liệt sắp mất, con cái và bạn bè luôn quây quần bên ông. Người ôn lại chuyện xưa, bạn véo von Đôi mắt người Sơn Tây, ngâm nga Tây Tiến, Ba Vì mờ cao. Nhà thơ nằm bất động vẫn cảm nhận được tình cảm đầm ấm, nước mắt ông chảy dài trên má. 

QUỐC VIỆT