31.05.2017

Linh mục Nguyễn Đình Thục kêu cứu!

Linh mục Nguyễn Đình Thục kêu cứu! 

Tôi đang đứng ở giữa vòng vây có cả mấy ngàn người mà tôi nghĩ đó là côn đồ mà chính quyền đang dùng để đàn áp tôi. Có thể buổi tối hôm nay tôi bị đánh đập. Cũng có thể tối hôm nay tôi bị giết. Nhưng tôi nghĩ vấn đề đó không quan trọng. Vấn đề ở đây mà tôi thấy là một chính quyền mà lại đi dung dưỡng bạo lực, kích động bạo lực để tấn công giáo dân và tấn công cả một linh mục đi dâng lễ. Tôi không làm gì sai trái. Tôi đi dâng lễ. Vậy thì tấn công tôi hóa ra là chính quyền này đang xúc phạm niềm tin tôn giáo, xúc phạm tự do tín ngưỡng của tôi.


Linh mục Nguyễn Đình Thục bị bao vây, đe dọa

Linh mục Nguyễn Đình Thục cùng với các nạn nhân của thảm họa môi trường biển miền Trung trong một lần đi kiện Công ty Formosa.


Linh mục Nguyễn Đình Thục đêm 30/5 cho biết nhiều người từ các xóm lân cận đánh kẻng và kéo tới chặn đường ông trở về giáo xứ sau khi dâng lễ ở Giáo họ Văn Thai.

Sự việc xảy ra vào lúc Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đang có chuyến thăm Mỹ và nhiều tổ chức xã hội, dân biểu Mỹ đang nêu lên quan ngại về cuộc ‘khủng hoảng nhân quyền’ tại Việt Nam.

Theo lời kể của Lm. Nguyễn Đình Thục, khi ông đang trên đường trở về giáo xứ Song Ngọc sau khi dâng lễ ở Giáo họ Văn Thai, cách đó khoảng 3 km, thì được báo có nhiều người đang kéo đến chặn đường về của ông.
Một số người cho biết lương dân ở các xóm lân cận đang đánh kẻng báo động để kéo tới bao vây vị linh mục đang tham gia tích cực trong việc bảo vệ quyền lợi của các nạn nhân thảm họa môi trường Formosa.

Lm Nguyễn Đình Thục nói việc ông bị bao vây chỉ vì đi dâng lễ là hành động “sai trái và độc ác”, xúc phạm tự do tín ngưỡng.

“Tôi đang đứng ở giữa vòng vây có cả mấy ngàn người mà tôi nghĩ đó là côn đồ mà chính quyền đang dùng để đàn áp tôi. Có thể buổi tối hôm nay tôi bị đánh đập. Cũng có thể tối hôm nay tôi bị giết. Nhưng tôi nghĩ vấn đề đó không quan trọng. Vấn đề ở đây mà tôi thấy là một chính quyền mà lại đi dung dưỡng bạo lực, kích động bạo lực để tấn công giáo dân và tấn công cả một linh mục đi dâng lễ. Tôi không làm gì sai trái. Tôi đi dâng lễ. Vậy thì tấn công tôi hóa ra là chính quyền này đang xúc phạm niềm tin tôn giáo, xúc phạm tự do tín ngưỡng của tôi”.

Lm. Nguyễn Đình Thục cho biết có nhiều công an có mặt tại nơi ông bị bao vây.

Ở đây công an rất đông, mà công an không ngăn chặn hành vi này thì điều đó chứng tỏ công an đồng lõa hay chính công an kích động bạo lực?”

Trước đó 2 ngày, ngày 28/5, mạng xã hội lan truyền tin cho hay giáo họ Văn Thai xảy ra vụ bắn đạn vào nhà thờ của giáo họ trong cuộc diễn tập mà “dân phòng thì cầm súng bắn đạn, người dân thì cầm gậy gộc, sắt típ và đá”.

Các đoạn video đăng trên mạng cho thấy một vài người dân bị thương tích với nhiều vết máu trên quần áo.

Trong khi đó, Đài phát thanh truyền hình Nghệ An đưa tin đây là cuộc “diễn tập chiến đấu phòng thủ năm 2017”.

Một nội dung trong cuộc diễn tập bao gồm “trung đội dân quân cơ động xã thực hành tình huống giả định là giải tán một cuộc kích động, biểu tình của bà con giáo dân về sự cố gây ô nhiễm môi trường biển của Formosa tại trụ sở UBND xã”.

Sau đó, chủ tịch UBND xã đã đối thoại trực tiếp với một số đối tượng cầm đầu việc biểu tình và đồng thời tuyên truyền, vận động bà con không nên gây rối trật tự công cộng. Bên cạnh đó, công an, quân sự dùng đạn khói để giải tán đám đông và tạo điều kiện thuận lợi để lực lượng chức năng trà trộn vào bắt một số đối tượng quá khích nhằm giữ vững ổn định địa bàn”, theo Đài phát thanh truyền hình Nghệ An.

Trong lúc bị bao vây đêm 30/5, Lm. Nguyễn Đình Thục cho VOA biết:
Cách đây mấy hôm họ mua kẻng. Mỗi xóm một cái kẻng. Cái kẻng này không phải là cái kẻng của xóm, mà là kẻng của những người kích động bạo lực. Tức là mỗi khi họ muốn tấn công chúng tôi thì họ đánh cái kẻng đó và họ sẽ kéo đến để tấn công chúng tôi”.

Các cuộc tấn công liên tiếp nhắm vào các linh mục và những người khiếu kiện Formosa xảy ra giữa lúc Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đang có chuyến thăm đầu tiên tới Mỹ, với mục tiêu tiếp cận tân chính quyền Donald Trump và thúc đẩy quan hệ giữa hai nước trong nhiều lĩnh vực.
Ngay trước chuyến thăm của ông Phúc, tại Quốc hội Mỹ hôm 25/5 có buổi điều trần về “cuộc khủng hoảng nhân quyền” tại Việt Nam. Trong đó, các dân biểu Mỹ cho rằng nhân quyền ở Việt Nam đang biến mất và kêu gọi chính phủ Mỹ không tách rời nhân quyền ra khỏi mối quan hệ kinh tế, thương mại.


VOA Tiếng Việt