“…xà xẻo đất sân bay chỉ là “gà què ăn quẩn
cối xay”, Thì đấy, kẻ thù đang chiếm Hoàng Sa, tôn tạo đảo chìm thành sân bay ở
Trường Sa. Binh hùng tướng mạnh ra đấy mà quy hoạch thành đất… quốc phòng.”
Hãy ra Hoàng Sa mà
quy hoạch thành đất… quốc phòng.
Nguyễn Duy Nghĩa
Nghịch lý của sự Độc quyền
Đã đến lúc phải
thêm ngay thuật ngữ “ĐẤT QUỐC PHÒNG” vào Từ điển “Điền thổ Việt Nam”. Theo đó,
đất quốc phòng là phần đất do quân đội đang nắm giữ để phục vụ cho công cuộc bảo
vệ tổ quốc. Nhưng phải nhấn mạnh trong cái thể chế đất đai là của toàn dân, đất
quốc phòng vừa của toàn dân vừa của toàn quân, nên nó thuộc hạng siêu sở hữu
công cộng. Dù đất chỉ là thổ nhưng đất quốc phòng là hoàng thổ - “hoàng triều
cương thổ”. Là đất nên hiền cục đất nhưng sao khi thành đất quốc phòng nó dữ dằn
thế, bất khả xâm phạm, chẳng thế lực nào dám dúng tay. Biết trước để khi xem
màn ảo thuật mang tên ”Đất quốc phòng” mới bớt ngậm ngùi.
“Tất đất tấc vàng” - chân lý muôn thuở.
Thời kinh tế thị trường thì có thể nói tấc đất nghìn vàng không hề ngoa ngôn.
Vàng có thể làm ra, ngày càng nhiều, đất khi không. Lâu nay, cái gọi là đất thuộc
sở hữu toàn dân đã bị lạm dụng thì đất quốc phòng cũng lại càng bị xâu xé. Cái
này có căn nguyên từ nghịch lý của sự độc quyền: Quyền sở hữu hờ về của toàn
dân song quyền ban phát thật lại chỉ do một người ký. Thay người ký theo nhiệm
kỳ. Ký sau mau hơn ký trước.
Đâu chỉ có Tân Sơn Nhất
Không phải tới khi sân bay Tân Sơn Nhất kẹt
cứng mới ỏ e chuyện đất sân bay được “tự chuyển hóa” thành đất quốc phòng.
Chuyện tán phát đất quốc phòng thành truyền thống, được đẩy lên thành cao trò với
đất của các sân bay từ thời Pháp, khu hoàng thành, trận
địa phòng không, trạm, kho dã chiến thường được giao gấp để phòng vệ quốc gia,
sau mặc nhiên thuộc quốc phòng. Đất “quốc” phòng thoắt biến thành “tư” phòng,
mô hình nào cũng đều từ hoành tráng trở lên. Nói dại, lại có ngày “Rồng lửa
Thăng Long” (2) bay lên vít cổ giặc trời, chẳng nhẽ đặt Dàn phóng tên lửa lên
sân thượng Toà Cao ốc xây trên đất quốc phòng.
Chính sách ưu đãi những người đổ xương máu cho thắng lợi huy hoàng ai cũng đồng lòng. Song đã bị thổi phòng, lạm dụng quá mức, tạo đặc quyền, đặc lợi cho nhóm còn sống, cho lớp quân hàm tăng trên sa bàn, trong phòng lạnh. Đặc quyền đâu chỉ về đất đai mà còn cả hệ số lương, biển trời sao vạch, doanh nghiệp sân sau. Còn đại đa số lớp các Anh, lúc chiến tranh thì “… thăm thẳm rừng sâu/ mười năm bom đạn, măng rau, sốt ngàn” (1) , tới ngày toàn thắng tức tưởi một mạch từ đơn vị vác ba-lô về đến nhà mới chắc mình còn sống. Sau đó, người theo trâu, lang thang cắt tóc, lủi thủi đánh dậm, lếch thếch bán kem, ủ rũ bơm xe…. Ra đi tay trắng, ngày trở về vẫn trắng tay.
Đất quốc phòng nổi danh từ khi có nhiều biệt thự, nhà nghỉ trên đất quốc phòng, thậm chí có con đường phải né nhà To thành ra đường… cong mềm mại, tô đậm vẻ nhôm nhoam của thủ đô ngàn năm văn hiến.
Ngày nay đố ai nhận ra Sân bay Bạch Mai một thời bởi nó đã bị băm nát cho đủ thứ sở hữu. Đến lượt Sân bay Gia Lâm cũng biến dạng, bị chia năm sẻ bảy cho đa loại lợi ích. Giả sử đất sân bay Bạch Mai, sân bay Gia Lâm giành một phần cho bà mẹ Việt Nam Anh hùng, cho gia đình thương binh hạng đặc biệt, xây dựng bệnh viện, nhà trẻ, trường học, nhà dưỡng lão cho thương bệnh binh, hẳn ai cũng hoan hỷ. Giả sử thôi chứ đừng giàu trí tưởng bở vì nó đã hân hạnh thành đất quốc phòng. Đất chia theo tiêu chuẩn theo hàm cấp xông xênh, sàng sê một phần lấy tiền vẫn có nhà xịn, tạo ra quần thể vui vầy quân - dân cá nước. Phóng tay chia chác thế liệu có nghĩ đến hàng chục vạn chiến sỹ hiện vẫn mất tích, bỗng một ngày đột ngột trở về xin… tiêu chuẩn.
Nay đến sân bay Tân Sơn Nhất lại đi theo vết xe đổ. Nhưng khác so với hai sân bay trước là thêm công trình thỏa dụng lạc thú ăn chơi nhảy múa thời thượng. Không có quốc gia nào phòng vệ đất nước bằng… sân gôn, khu nghỉ dưỡng. Thôi thì xin mời các mẹ liệt sỹ lò dò chống gậy, thương binh lóc cóc lia nạng … đến chơi gôn vớt vát hưởng chút đền ơn đáp nghĩa!
Trách lẫn trời gần, trời xa (3)
Với sân bay Tân Sơn Nhất “phải trách” đế quốc Mỹ sao lại mở rộng đến thế, để bây giờ các công bộc với tầm nhìn chỉ “sè sè nắm đất bên đường”(4) thấy thừa ứa sà sẻo một tí làm sân gôn, khu nghĩ dưỡng. Giá như chỉ như thời thực dân Pháp, xung quanh sân bay mặc sức chia lô bán nền cho bà con chòm xóm, hết dòm ngó. Trách cả cuộc Đổi mới sao nhanh thế. Máy bay ở đâu mà ào ào đến như ong vỡ tổ, đậu tựa ruồi bâu. Sân bay Tân Sơn Nhất ngày mới giành lại từ tay quân thù, bay từ sân bay Gia Lâm vào nhìn ngợp mắt. Cũng chính giây phút ấy, bừng sáng hình ảnh Chiến sĩ giải phóng hy sinh trên đường băng Tân Sơn Nhất tạo thành dáng - đứng –Việt – Nam tạc vào thế kỷ (5). Các Anh đã góp máu xương thu non sông về một mối trong đó có Tân Sơn Nhất. Lại cực đoan, giá như đừng đổi mới, cứ như thời bao cấp, xe đạp đã là tài sản phải có biển đăng ký, sổ mua phụ tùng (6). Đi vào lòng Phe ta – đang xây “thiên đường trên trái đất”, đến Liên Xô, tới Đông Âu chỉ độc đạo đường xe lửa liên vận qua Trung Quốc ê ẩm mấy tuần. Máy bay TU của Liên Xô chỉ dành cho hoàng gia, lớp quý tộc mới…Sân bay Tân Sơn Nhất chắc chỉ để cho “Đàn bò vào thành phố” (7) dạo chơi.
Nhưng thế lại
cũng hay. Mặc nhiên cái tên Tân Sơn Nhất rộ bao vụ tai tiếng từ ngay ta làm chủ
nay càng nổi như cồn, buộc những bộ óc lớn phải phụt ra sáng kiến “trả lại cho
em”. Đại hội Quốc dân rối bời bao chuyện mà phải luận
bàn nát nước nhưng vẫn chưa ngã ngũ. Chung quy chỉ vì những miếng đất vàng may
phúc từ sở hữu toàn dân lại vinh dự khoác thêm danh hiệu “Đất quốc phòng”. Sáng
kiến “Mời tư vấn nước ngoài” thì lập tức cú phản đòn đầu tiên đánh tiếng là thu
hồi đất cũ để mở rộng sân bay sẽ đắt hơn làm sân bay mới. Dù còn nhiều dang dở,
bế mạc cứ phủi tay ra về, đến hẹn các đại liền anh, siêu liền chị lại lên, lại
bắn chỉ thiên.
Chợt nhớ Đồng Tâm
Tình cờ Vụ Đồng Tâm, Mỹ Đức cũng chỉ tại có dẻo ruộng dính đến Đất quốc phòng từng thuộc sân bay Miếu Môn. Quốc phòng gắn liền với đạn bom, máu lửa, nên chạm vào là bật ra nóng và nóng thật. Nóng thì dập. Dập thấy yên lại thổi bùng cho nóng lên. Mấy hôm nay đang nóng. Nóng… mặt vì xoay 180 độ. Đầu trò lật kèo, lũ ăn theo được thể nói leo. Rõ khổ những ai đã phí phạm tràng vỗ tay, chót thế chấp lòng tin. Tỉnh ngộ hẳn bà con Đồng Tâm càng đồng tâm.
Nhưng suy cho cùng thì xà xẻo đất sân bay chỉ là “gà què ăn quẩn cối xay”, Thì đấy, kẻ thù đang chiếm Hoàng Sa, tôn tạo đảo chìm thành sân bay ở Trường Sa. Binh hùng tướng mạnh ra đấy mà quy hoạch thành đất… quốc phòng./.
Nguyễn Duy Nghĩa
__________________
(1) Bài thơ “Nước non ngàn dặm” Tố Hữu.
(2) Rồng lửa
Thăng Long: Biểu tượng của tên lửa phòng không, thời chống chiến tranh phá hoại
Miền Bắc.
(3) Câu Kiều
thứ 3250 “Cũng đừng trách lẫn trời gần, trời xa
(4) Câu Kiều
thứ 57.
(5) Bài thơ
“Dáng đứng Việt Nam“ – Thơ Lê Anh Xuân.
(6) Thời
bao cấp ở Miền Bắc xe đạp mua theo chế độ phân phối, phải mang xe đến Công an
làm giấy đăng ký và được cấp biển kiểm soát bằng sắt đeo vào khung xe. Kèm
theo được cấp sổ mua phụ tùng cũng theo phân phối.
(7) Tên một bài hát của Trịnh Công Sơn.
(Dân
Luận)