29.07.2017

Đấu tranh bất bạo động: Phản kháng chính trị - Nguyễn Cao Quyền

Đấu tranh bất bạo động: Phản kháng chính trị

Nguyễn Cao Quyền 


Nhận thức về cốt lõi của quyền lực ta thấy việc làm tan rã một chế độ độc tài không phải là một điều bất khả thi. Độc tài cộng sản không là một ngoại lệ. Cho nên ta cần phải xét xem chế độ độc tài cộng sản có những đặc điểm nào dễ bị chọc thủng để làm nền tảng cho một cuộc cách mạng không tiếng súng. Bài này được viết để đóng góp thêm sức mạnh cho cuộc cách mạng bất bạo động đang nổi dậy ở Việt Nam nhằm thanh toán nạn độc tài đang trở nên thối nát. Người dân bất mãn đang nổi dậy, nhưng cách mạng sẽ không thể thành công nếu không có sự tham dự của trí thức và tuổi trẻ. Với ước mong là trí thức và tuổi trẻ Việt Nam sẽ làm nên sự nghiệp cứu nước và giữ nước, những dòng viết sau đây hy vọng mang thêm sáng suốt và tin tưởng cho cuộc cách mạng dân chủ đang tiến hành, sớm thành công.


Những nhược điểm của một nền độc tài

Những nhược điểm của một nền độc tài thì nhiều, nhưng những điểm quan trọng nhất và cần chú ý, đối với những người đấu tranh hiện nay, thì gồm những điểm sau đây:

1/ Lề thói vận hành hệ thống quản trị đã trở thành quán tính khó điều chỉnh để đáp ứng tình hình mới (chẳng hạn như các khó khăn kinh tế).

2/ Cấp dưới sợ làm mất lòng cấp trên nên luôn luôn báo cáo sai lầm.

3/ Ý thực hệ bị xói mòn. Thực tế bị lãng quên.

4/ Mâu thuẫn nội bộ, tranh giành cá nhân, hiềm khích thù địch, đang tạo tác hại và làm đình trệ sự vận hành của chế độ.

5/ Những khác biệt địa phương, trở nên nhức nhối.

6/ Hệ thống quyền lực hàng dọc của chế độ đã trở nên bấp bênh. Những đơn vị cảnh sát hay quân đội địa phương theo đuổi mục tiêu riêng của họ, bao gồm cả mưu đồ đảo chánh.

7/ Hiện tượng quá ít người đủ khả năng, đủ tầm cỡ để quyết định, để né tránh những sự sai lầm trong phán quyết, trong chính sách, trong hành động là không thể giải quyết. 

8/ Nếu muốn tránh hiểm họa này bằng cách tản quyền cho cấp dưới thì họ lại tự làm sói mòn quyền lực ở thượng tầng.

Tấn công vào nhược điểm của chế độ độc tài 

Với những nhược điểm trên ta thấy, mặc dù ra vẻ mạnh mẽ, nền độc tài nào cũng là một cơ chế yếu kém. Không phải điều gì chế độ muốn là sẽ đạt được. Cho nên trong nhiều trường hợp ta thấy chế độ độc tài tan vỡ rất nhanh. Vì thế, nếu tấn công vào các nhược điểm của chế độ thì sẽ dễ thành công hơn là đánh vào các chỗ họ mạnh nhất. Câu hỏi còn lại là phải đánh thế nào?

Thế nào là phản kháng chính trị?

Nếu ta muốn tấn công một chế độ độc tài bằng quân sự tức là chúng ta muốn đánh vào điểm mạnh nhất của họ. Do đó, các lực lượng dân chủ đừng làm như vậy. Chúng ta phải hành động thế nào để làm trầm trọng thêm những nhược điểm của họ. Phương cách đó chính là phản kháng chính trị.

So sánh với đấu tranh bạo lực thì phản kháng chính trị phức tạp và đa dạng hơn nhiều. Thay vì dùng quân đội và súng ống chúng ta phải dùng các võ khí tâm lý, xã hội, kinh tế và chính trị. Các võ khí này đã được biết qua bằng các tên gọi như: biểu tình phản đối, đình công, bất hợp tác, tẩy chay, bất mãn và thế lực quần chúng.

Các chế độ độc tài chỉ có thể cai trị khi nào họ còn nhận được sự tiếp tế cho những nguồn lực của chế độ qua sự quy phục và tuân thủ của quần chúng. Phản kháng chính trị thích hợp cho sự cắt lìa những tiếp tế cho những nguồn lực đó.

Phản kháng chính trị: vũ khí và kỷ luật

Phản kháng chính trị không chỉ thuần túy trông cậy vào đình công và biểu tình của số đông. Thật ra còn nhiều phương pháp khác cho phép các chiến lược gia tập trung hay phân tán các lực kháng cự tùy theo nhu cầu của tình hình tranh đấu.

Những phương pháp nói trên được xếp thành 3 loại: 1/phản đối và thuyết phục; 2/ bất hợp tác và 3/ can thiệp.

Những phương pháp bất bạo động thuộc loại phản đối và thuyết phục là những hành động mang tính biểu kiến bao gồm: diễn hành, xuống đường, và những đêm canh thức.

Loại bất hợp tác được chia ra thành 3 nhóm nhỏ: bất hợp tác xã hội, bất hợp tác kinh tế (bao gồm tẩy chay và đình công) và bất hợp tác chính trị.

Loại can thiệp sử dụng những hình thức tâm lý, thể chất, xã hội như tuyệt thực, chiếm ngụ bất bạo động và hình thành chính quyền song song.

Các biện pháp nói trên có khả năng tạo khó khăn trầm trọng cho mọi chế độ bất hợp pháp. Điều này đúng cho tất cả các chế độ độc tài. Một số đấu tranh bất bạo động đòi hỏi người ta phải làm một số hành động không dính dáng gì đến đời sống thường ngày nhưng cũng có những phương pháp đấu tranh chỉ cần làm khác với đời sống thường ngày một chút thôi: thí dụ, thay vì đình công có thể lãng công nghĩa là làm việc chậm hơn hay kém hiệu quả hơn.

Kỷ luật trong đấu tranh bất bạo động là chìa khóa của thành công và phải được duy trì bất chấp mọi khiêu khích và đàn áp của kẻ độc tài. Trong đấu tranh bất bạo động, những đàn áp thô bạo sẽ tạo phản ứng chính trị ngược lại vào phía độc tài và sẽ tạo ra những sự ủng hộ các nhà đấu tranh trong phía quần chúng.

Có thể vẫn có thiệt hại nhân mạng trong phản kháng chính trị. Nhưng con số này ít hơn nhiều so với đấu tranh quân sự. Phản kháng chính trị sẽ giúp quần chúng bỏ đi sự sợ hãi đối với chế độ. Đánh mất hay kiềm chế được sự sự sợ hãi là yếu tố then chốt trong việc phá hủy quyền lực của phe độc tài chà đạp khối quần chúng.

Điều quan trọng cần ghi nhớ là phải có số đông quần chúng thì mới có đủ áp lực để tạo thay đổi, nhưng số đông đó chỉ đáng được tin cậy khi kỷ luật gắt gao được duy trì trong phong trào. 

Làm tan rã chế độ độc tài 

Chiến dịch phản kháng chính trị khéo léo sẽ làm vững mạnh thêm lực lượng đối kháng và mở rộng những lãnh vực xã hội mà sự kiểm soát của chế độ độc tài càng ngày càng bị thu hẹp. Nếu không với tới được những nguồn lực chính trị của họ, hệ thống độc tài sẽ bị suy yếu dần dần và cuối cùng sẽ bị hòa tan.

Phản kháng chính trị sẽ dần dân mở rộng “không gian dân chủ” trong xã hội và thu nhỏ vùng kiểm soát của chế độ. Với thời gian, chiến dịch kháng cự và nỗ lực xây dựng định chế sẽ dẫn đến tình trạng mặc nhiên cho tự do.

Những nhà đấu tranh dân chủ nên ý thức rằng trong một vài trường hợp sự sụp đổ của chế độ độc tài có thể xảy ra vô cùng mau chóng (chẳng hạn như Đông Đức năm 1989). Tuy nhiên đây không phải là một thông lệ nên tốt hơn hết là phải chuẩn bị cho một cuộc tranh đấu trường kỳ.

Các nhà dân chủ nên chuẩn bị một chính phủ lâm thời vào giai đoạn cuối của cuộc đấu tranh. Phải tính toán thế nào để một thể chế mới thích hợp xuất hiện và thành phần của chính phủ mới phải được lòng dân. Sự thiếu vắng chính phủ mới hoàn toàn nguy hiểm vì nó phát sinh hỗn loạn và có thể dẫn đến một chế độ độc tài khác.

Phải tránh để xảy ra một cuộc tắm máu trả thù vì nó sẽ mang lại những hậu quả trầm trọng cho thể chế dân chủ tương lai. Cũng cần có sẵn những kế hoạch về một định chế dân chủ trên nền tảng hiến pháp với đầy đủ các quyền tự do chính trị và tự do cá nhân. 

Phản kháng chính trị có nhiều triển vọng mang lại chiến thắng, Sự tan rã của chế độ độc tài đương nhiên là đáng được chào mừng. Tất cả những người còn sống và những người đã khuất sẽ được ghi nhớ như những vị anh hùng đã viết lên những trang sử tự do cho dân tộc.

Maryland ngày 28/7/2017 
Nguyễn Cao Quyền