Tổng thống Barack Obama gặp gỡ đại diện
của các Xã hội dân sự trong chuyến thăm Việt Nam năm 2016. Courtesy: AFP
photo
Tờ Quân đội nhân dân, một cơ quan ngôn luận của Đảng
Việt Nam, hồi trung tuần tháng Bảy, đăng tải một bài xã luận về vai trò và mặt
trái của xã hội dân sự cùng các biện pháp để ngăn chặn hoạt động lợi dụng Xã hội
dân sự chống phá Đảng và Nhà nướcViệt Nam. Các tổ chức Xã hội dân sự độc lập phản
biện như thế nào đối với bài xã luận vừa nêu?
Vai trò của Xã hội dân sự
Trong bài viết có tựa đề “Phòng, chống hoạt động lợi
dụng xã hội dân sự để chống phá Đảng, Nhà nước”, đăng tải trên Báo mạng Quân đội
nhân dân hôm 17 tháng Bảy, tác giả Nguyễn Đức Quỳnh xác nhận Xã hội dân sự, bao
gồm các tổ chức, hội, nhóm…thực hiện mối liên hệ giữa công dân với Nhà nước và
Xã hội dân sự được hình thành, hoạt động theo nguyên tắc dân chủ, tự chủ, tự chịu
trách nhiệm trong khuôn khổ pháp lý và đạo lý, cùng với Nhà nước kiểm soát và
hoàn thiện Nhà nước pháp quyền, phát huy dân chủ, nhằm duy trì sự ổn định, cân
bằng và phát triển bền vững của Nhà nước và xã hội.
Bài xã luận cũng đưa ra số liệu thống kê chưa đầy đủ,
hiện Việt Nam có gần 18 tổ chức công đoàn ngành, 400 hội, hàng ngàn hiệp hội,
câu lạc bộ hoạt động trong mọi lĩnh vực xã hội. Và các tổ chức Xã hội dân sự
này không phụ thuộc vào Nhà nước, hoạt động theo nguyên tắc tự nguyện, tự chủ,
độc lập về tài chính với mục tiêu chung vì sự phát triển của cộng đồng, xã hội.
Đài RFA ghi nhận các tổ chức Xã hội dân sự độc lập
trong nước cho rằng đây là dấu hiệu lần đầu tiên Chính quyền Việt Nam chính thức
xác nhận nhận sự tồn tại của Xã hội dân sự qua một kênh truyền thông chính thống,
hoàn toàn trái ngược với quan điểm Xã hội dân sự là thủ đoạn của chiến lược “Diễn
biến hòa bình”, cũng được đăng tải trên Báo Quân đội nhân dân và Báo Nhân dân
cách nay 5 năm trước.
Nhà quan sát tình hình Việt Nam và là Chủ tịch Hội
Nhà báo Độc lập, Tiến sĩ Phạm Chí Dũng nêu lên nguyên nhân vì sao nhà cầm quyền
Việt Nam phải lên tiếng nói về vai trò và trách nhiệm của Xã hội dân sự tại thời
điểm này:
“Nguyên do thứ nhất là họ thấy áp lực
dâng cao về vấn đề dân chủ và nhân quyền trong nhiều giới ở trong nước, đặc biệt
là giới trí thức và người dân. Thành thử họ muốn dùng biện pháp tháo ngòi nổ,
giống như tháo ngòi nổ vụ Đồng Tâm vừa rồi, để làm xoa dịu sự căm phẫn, phẫn uất
trong sự đòi hỏi dân chủ, nhân quyền của người dân và mở ra Xã hội dân sự để
cho người dân trong nước thấy rằng nhà nước cũng chấp nhận Xã hội dân sự, mặc
dù rượu mới bình cũ mà thôi, tức là bên trong vẫn là khối phụ thuộc quốc doanh.
Nguyên nhân thứ hai là sự làm màu để cho quốc tế, các chính phủ tiến bộ trên
toàn cầu, cộng đồng nhân quyền quốc tế thấy là Nhà nước Việt Nam chấp nhận Xã hội
dân sự.”
Tiến sĩ Phạm
Chí Dũng nhấn mạnh mặc dù Chính quyền Hà Nội chính
thức đề cập đến sự hiện diện Xã hội dân sự, tuy nhiên chỉ là đối với Xã hội dân
sự quốc doanh chứ Xã hội dân sự hoạt động độc lập mang tính phản biện, phản
kháng không được chấp nhận.
Xã hội dân sự độc lập phản
biện
Chủ tịch Hội Nhà báo Độc lập cũng trưng dẫn các bằng
chứng mà ông cho rằng tác giả của bài xã luận đăng trên Báo mạng Quân đội nhân
dân cố ý nêu ra để chứng minh có những cá nhân hay tổ chức hoạt động lợi dụng
Xã hội dân sự để chống phá Đảng và Nhà nước Việt Nam, chẳng hạn như tuyệt đối
hóa tính độc lập tương đối của Xã hội dân sự nhằm từng bước làm cho các tổ chức
Xã hội dân sự thành tổ chức chính trị đối lập với Đảng và Nhà nước; lợi dụng để
gây sức ép về dân chủ, nhân quyền, can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam;
tổ chức các hội thảo, tọa đàm, diễn đàn có nội dung đòi hỏi thực hiện quyền con
người theo như tiêu chí phương Tây, bất chấp đặc thù lịch sử, văn hóa và chế độ
chính trị của Việt Nam.
Thành viên nhóm Hoàng Sa Club, anh Từ Anh Tú sau khi đọc được bài xã luận,
lên tiếng với Đài Á Châu Tự Do là có sự mâu thuẫn trong quan điểm của Đảng Cộng
sản và Nhà nước Việt Nam. Anh Từ Anh Tú nêu lên một ví dụ liên quan kiến nghị của
tác giả trong bài viết rằng phải giữ vững nguyên tắc Đảng lãnh đạo trực tiếp,
toàn diện đối với cả hệ thống chính trị, trong đó có các tổ chức chính trị, xã
hội; trong khi quan điểm của anh là Xã hội Dân sự mà lại
chịu sự chỉ đạo của Đảng thì sẽ không còn là tổ chức Xã hội Dân sự nữa.
Bởi vậy, anh Từ Anh Tú nhấn mạnh, Xã hội Dân sự phải bắt
nguồn từ quần chúng và đại diện cho lợi ích của một nhóm quần chúng nào đó. Bạn
trẻ Từ Anh Tú nói tiếp:
“Em nghĩ rằng họ nói có nhiều mâu thuẫn,
bởi vì những gì luật pháp cho phép thì mình đều có thể làm. Điều gì không phù hợp
thì mình có quyền phản đối hay phản bác. Chẳng hạn như Đảng Cộng sản có nhiều
chính sách không hợp lý trong đối nội cũng như đối ngoại thì mình phản đối. Và
đó là điều bình thường. Họ đâu phải là thần thánh mà có thể cấm người ta chống
đối. Ví dụ họ sai thì em và nhóm của em không ngại chống đối vì mình hòan toàn
có quyền để làm điều đó.”
Blogger Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh tại
một tòa án ở thành phố Nha Trang vào ngày 29 tháng 6 năm 2017. Courtesy:
AFP photo
Nhóm Hoàng Sa Club là một tổ chức Xã hội dân sự độc
lập, được thành lập với tiêu chí phổ biến kiến thức về chủ quyền biển đảo cho
thanh niên Việt Nam trong bối cảnh giới trẻ trong nước rất mù mờ thông tin, mà
theo anh Từ Anh Tú thậm chí có nhiều người học hết phổ thông nhưng vẫn không biết
Hoàng Sa đã bị mất. Thế nhưng việc làm của nhóm Hoàng Sa Club không được thừa
nhận như một tổ chức Xã hội dân sự và các thành viên gặp nhiều khó khăn, trở ngại
từ phía chính quyền.
Bài xã luận trên Báo mạng Quân đội nhâ dân cũng nêu
đích danh các Xã hội dân sự độc lập như Hội Phụ nữ Nhân quyền, Hội Nhà báo Độc
lập, Hội Anh em Dân chủ…đã dùng các diễn đàn trực tuyến và mạng xã hội để công
khai tổ chức, lôi kéo quần chúng tham gia và dù hoạt động theo phương thức tự
phát nhưng luôn có sự liên kết chặt chẽ với các tổ chức phản động bên ngoài để
phát triển và hình thành tổ chức chính trị đối lập.
Trước cáo buộc này, hầu hết các tổ chức Xã hội dân sự
độc lập đang hoạt động ở Việt Nam phản biện rằng cùng với sự phát triển của internet
và truyền thông mạng xã hội, dân chúng ngày càng nhận thức và hiểu biết hơn về
các quyền hiến định của người dân, cũng như người dân tích cực và chủ động hơn
trong việc tham gia vào các hội, nhóm để bày tỏ chính kiến nhằm đòi hỏi các quyền
căn bản chính đáng của họ, như quyền tự do ngôn luận, quyền tự do lập hội, quyền
tự do biểu tình…
Xã hội dân sự cần đoàn kết?
Một thành viên của tổ chức Hội Anh em Dân chủ là cựu
tù nhân lương tâm Phạm Minh Vũ, bị
tuyên án 18 tháng tù vì tội “lợi dụng quyền tự do dân chủ” theo Điều 258 Bộ luật
Hình sự Việt Nam, nhận xét Xã hội Dân sự ở Việt Nam hiện tại rất đa dạng và Xã
hội dân sự độc lập đang đóng vai trò để định hình xã hội đi vào trật tự, góp phần
cho chính quyền trong việc thay đổi và ổn định xã hội hơn. Cựu tù nhân lương
tâm trẻ tuổi Phạm Minh Vũ khẳng định nhà cầm quyền Hà Nội lại không nhìn nhận
điều đó:
“Đối với nhà cầm quyền, họ không thừa nhận đây là
những tổ chức Xã hội dân sự đơn thuần mang lại lợi ích cho xã hội mà họ cho là
những âm mưu và các nhóm manh mún chống đối chính quyền. Vô hình trung, tất cả
những người thuộc các tổ chức đó, trong đó có em mà nhà cầm quyền cho là những
thành phần nguy hiểm cả. Trong thể chế độc tài này thì
các Xã hội Dân sự cần làm ngay là phải đoàn kết lại. Theo quan điểm của em, nếu không đoàn kết
rõ ràng sẽ không bảo vệ được. Thể chế chính trị của Đảng Cộng sản sẽ duy trì hoạt
động khủng bố bằng hình thức này hay hình thức khác, sẽ đàn áp dẫn đến sớm bị
tan rã. Em nghĩ hiện tại ở Việt Nam Xã hội Dân sự buộc
phải ngồi lại đoàn kết hơn để giải quyết mục tiêu chung trước mắt cho sự công bằng
và bớt bất công cho xã hội Việt Nam tốt đẹp hơn.”
Trao đổi với chúng tôi về sự thành hình, phát triển
và hiệu quả của Xã hội dân sự tại Việt Nam, đặc biệt là các tổ chức Xã hội dân
sự độc lập mà bài xã luận đăng tải trên Báo mạng Quân đội nhân dân hôm 17 tháng
Bảy, từ Sài Gòn, nhà hoạt động đấu tranh dân chủ-Bác sĩ Nguyễn Đan Quế nhận định:
“Trong hòan cảnh khó khăn dưới chế độ độc
tài toàn trị, so với mấy chục năm về trước, gần đây các Xã hội Dân sự đã ra đời
được nhiều và đã có một số những hoạt động tương đối tích cực. Theo tôi, đó là
dấu hiệu đáng mừng. Nói chung, các Xã hội Dân sự chắc
chắn phải có tác dụng ít hay nhiều đối với quần chúng và sẽ là những tổ chức
càng ngày càng hữu hiệu hơn trong việc lên tiếng về nhân quyền, dân chủ…Nhưng cần
đẩy mạnh hơn nữa trong thời gian tới để có thể làm chuyển biến tích cực tình
hình tại Việt Nam.”
Cựu tù nhân chính trị, vừa được tổ chức Nhân quyền ở
Hàn Quốc trao giải Gwangju hồi năm 2016, Bác sĩ Nguyễn Đan Quế bày tỏ sự lạc
quan về xu thế phát triển tất yếu của Xã hội dân sự độc lập ở trong nước, bất
chấp Chính quyền Việt Nam sách nhiễu, bắt bớ hay bỏ tù không ít thành viên của
các tổ chức này và ông tin rằng Hà Nội sẽ phải chính thức công nhận và thừa nhận
sự đóng góp hữu hiệu của các tổ chức Xã hội dân sự độc lập trong thời gian tới.
Hòa
Ái (RFA)