"Năm 2016 thực sự là một cú sốc dành cho
chính thể cầm quyền tại Việt Nam: lượng kiều hối trong năm đó chỉ còn có 9 tỷ
USD, sụt giảm rất mạnh - đến 30% - so với lượng kiều hối của năm 2015."
Kiều hối sụt giảm là lý do chính quyền không dám công bố thống kê?
Đã
gần hết tháng Bảy, nhưng một hiện tượng “lạ” là vẫn chưa thấy Tổng cục Thống kê
công bố con số kiều hối về Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2017. Trong khi những
năm trước, số kiều hối thường được công bố đều đặn vào ngay đầu tháng Bảy hoặc
thậm chí trước khi kết thúc tháng Sáu.
Những năm trước lại là “thời kỳ vàng” của tiền từ
“kiều bào ta”.
Trừ năm 2016, còn trong hơn 23 năm trước đó, dòng kiều
hối về Việt Nam đã tăng khoảng gần 100 lần, từ mức 140 USD triệu năm 1993 lên
10 tỷ USD năm 2012; 11 tỷ USD năm 2013; 12 tỷ USD năm 2014, và hơn 13,2 tỷ USD
năm 2015, đưa Việt Nam đứng thứ ba tại Châu Á và đứng thứ 11 trên thế giới về
thu hút kiều hối. Những con số thống kê đầy lạc quan của chính quyền cho biết
trong giai đoạn 2002-2015, kiều hối chiếm khoảng 6% GDP, trong khi vốn FDI và
ODA vào Việt Nam lần lượt là 7,7% và 3% GDP. Mức tăng trung bình liên tục của
lượng kiều hối những năm gần đây là 10 đến 15%/năm.
Hẳn nhiên, kiều hối là một nguồn quan trọng đã giúp
duy trì “máu” để chính quyền Việt Nam vẫn có thể tạm ung dung về “đà tăng trưởng
kinh tế không ngừng”, đồng thời khi cần thiết có thể gia tăng in tiền mặt để
“gom” USD trôi nổi từ dân chúng, đặc biệt từ các gia đình được thân nhân ở nước
ngoài gửi ngoại tệ về, giúp bổ sung kho dự trữ ngoại hối và có thêm ngoại tệ để
dễ bề trả số nợ nước ngoài đang lên đến hàng chục tỷ USD hoặc hơn mỗi năm.
Trong hơn 23 năm trước
đó, dòng kiều hối về Việt Nam đã tăng khoảng gần 100 lần...
Nhưng sau hơn hai chục năm duy trì xu hướng tăng
liên tục, hiện tượng rất đáng chú ý là vào năm 2016, lần đầu tiên dòng kiều hối
bị khựng lại, suy giảm rất mạnh và báo hiệu về dòng kiều hối này có thể đảo chiều
trong những năm tới.
Năm 2016 thực sự là một cú sốc dành cho
chính thể cầm quyền tại Việt Nam: lượng kiều hối trong năm đó chỉ còn có 9 tỷ
USD, sụt giảm rất mạnh - đến 30% - so với lượng kiều hối của năm 2015.
Vậy là sau 6 tháng đầu năm
2017, chỉ có duy nhất con số kiều hối về TP Sài Gòn được công bố: khoảng 2,1 tỷ
USD.
Với cái tên cũ là Sài Gòn và là địa chỉ đã được ước
tính có đến vài triệu người có thân nhân ở nước ngoài, thành
phố này thường tập trung đến 50% lượng kiều hối chuyển về Việt Nam. Luôn
có thể hiểu rằng nếu lượng kiều hối về Sài Gòn giảm thì kiều hối chảy vào Việt
Nam tất yếu giảm theo. Một khi kiều hối về Sài Gòn trong 6 tháng đầu năm 2017
không khả quan thì luôn có thể hình dung kiều hối trên bình diện quốc gia thậm
chí còn giảm nhiều hơn so với cùng kỳ năm ngoái. Đây có thể là nguồn cơn sâu xa khiến các cơ quan thống kê
“thất vọng” đến mức chậm trễ công bố số liệu thống kê về kiều hối của 6 tháng đầu
năm 2017.
Vậy đà sụt giảm của lượng kiều hối sẽ gây
ảnh hưởng thế nào đến nền kinh tế Việt Nam?
Nếu vào thời hoàng kim của kinh tế Việt Nam vào những
năm 2006-2007, kiều hối có giảm cũng khó có tác động tiêu cực đến nền kinh tế
này. Nhưng khi kinh tế Việt Nam đã trải qua 9 năm suy thoái liên tiếp tính từ
năm 2008, bất cứ một sự giảm sút nào về luồng tài chính ngoại vận cũng khiến nền
kinh tế phải chịu thêm áp lực khủng hoảng.
Với hơn 4 tỷ USD bị sụt giảm từ lượng kiều
hối vào năm 2016, GDP danh nghĩa của Việt Nam sẽ bị giảm khoảng 1,5% trong năm
2016.
Trong khi đó, từ tháng Bảy năm 2017 trở đi, Việt Nam
sẽ phải vay ODA với lãi suất không còn ưu đãi như vài chục năm trước, mà ngang
giá với thị trường quốc tế, cùng thời gian vay không còn ân hạn như trước đây.
Các nguồn “ngoại viện” đã hầu như đóng cửa với chính thể và nền kinh tế Việt
nam.
Việc kiều hối năm 2016 bị “đảo chiều” còn
có thể báo hiệu trước một thời kỳ suy giảm liên tiếp kiều hối chảy về Việt Nam,
càng khiến nền kinh tế nước này thiếu hẳn sức sống.
Sẽ không ngạc nhiên nếu từ năm 2016 trở đi, bắt đầu
một chu kỳ suy giảm đáng kể của dòng kiều hối của “kiều bào ta” về miền đất đã
chìm trong cơn suy thoái kinh tế năm thứ chín liên tiếp, tràn ngập bất ổn xã hội
và bất ổn chính trị, và nhiều nguy cơ sắp rơi vào cuộc khủng hoảng không lối
thoát.
VNTB