23.07.2017

Sửa đổi phương cách - Làm thế nào ngăn chận sự lấn lướt biển của Trung cộng

„Thực tế cho thấy những người trong giới lãnh đạo Bắc Kinh cổ xúy cho việc quân sự hóa Biển Nam Hải (Biển Đông - DLB) đã làm như thế vì Mỹ không có cách giải quyết, chứ không phải vì Mỹ hiếu chiến. Một cơ hội thật sự duy nhất cho một giải pháp hòa bình về vấn đề tranh chấp là chận đứng tập quán của Trung cộng. Bắc Kinh sẽ không thỏa hiệp chừng nào mà họ còn có thể tự bước vào một cánh cửa đã mở.“

Sửa đổi phương cách - Làm thế nào ngăn chận sự lấn lướt biển của Trung cộng

Ely Ratner (Foreign Affairs)
Người dịch Yên Tánh

Biển Nam Hải (Biển Đông - ghi chú DLB) đang trở thành một đường hàng hải quan trọng nhất thế giới. Là hành lang chính giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, biển này chuyên chở một phần ba lượng mậu dịch hàng hải thế giới trị giá 5 ngàn tỷ Mỹ kim hàng năm, trong đó 1,2 ngàn tỷ Mỹ kim mậu dịch phát xuất từ hoặc đến Mỹ. Tại đây, trữ lượng dầu khí và những ngư trường rộng lớn chiếm 12% lượng đánh bắt toàn thế giới hàng năm, cung cấp thực phẩm và năng lượng cho 620 triệu người dân Đông Nam Á.


Nhưng mọi chuyện không ổn thỏa ở khu vực này. Chính quyền 5 nước: Brunei, Trung cộng, Mã Lai, Phi Luật Tân, Đài Loan và Việt Nam tuyên bố chủ quyền chồng lấn trên hàng trăm bãi đá và rặng san hô rải rác trên biển. Chủ quyền lãnh thổ không chỉ là vấn đề danh dự quốc gia mà còn là chuyện liên quan đến các quyền được khoan dầu, đánh bắt hải sản và sử dụng tàu chiến ở những vùng biển xung quanh. Do vậy, đã nhiều thập niên qua, các nước này luôn chống đối các tuyên bố chủ quyền của nhau, có khi dùng đến cả vũ lực. Không một chính phủ nào tìm cách thống lĩnh toàn bộ khu vực này và Hoa Kỳ chọn lập trường trung lập đối với sự tranh chấp chủ quyền. Tuy nhiên, những năm gần đây, Trung cộng đã bắt đầu mạnh mẽ tuyên bố chủ quyền của họ và bây giờ thì khăng khăng kiểm soát vùng biển này. Nếu Trung cộng thành công, họ sẽ giáng một đòn tai hại cho ảnh hưởng của Hoa Kỳ tại khu vực, làm lệch cán cân quyền lực ở Á Châu về phía Trung cộng.

Thời gian đã cạn dần cho việc ngăn chận bước tiến của Trung cộng. Đối với chính sách sai lầm hiện thời, chính quyền Trump cần có một lập trường rõ rệt. Nên có sự bổ sung của răn đe vào biện pháp ngoại giao cho Trung cộng biết rằng nếu sự hiếu chiến tiếp diễn, Hoa Kỳ sẽ bỏ lập trường trung lập và giúp đỡ các nước trong khu vực bảo vệ tuyên bố chủ quyền của họ. Washington cần làm rõ họ có thể sống với những bế tắc khó chịu ở Á Châu nhưng không thể với sự bá quyền cua Trung cộng.

Tiến bước

Trung cộng kiên trì luận điệu “chủ quyền không thể tranh cãi” đối với tất cả các dạng vùng đất đai ở vùng Biển Đông và tuyên bố quyền về biển đối với các lãnh hải bên trong “đường cắt khúc chín đoạn” ngốn hết hầu như toàn bộ vùng biển chạy dọc theo bờ biển của các quốc gia có tuyên bố chủ quyền khác. Mặc dầu Trung cộng trước đây đã không dùng sức mạnh quân sự hỗ trợ cho những tuyên bố đó, nhưng nay điều đó đã thay đổi nhanh chóng. Hơn thế nữa, sau khủng hoảng tài chính năm 2008, các tai họa kinh tế ở phương Tây đã làm cho Bắc Kinh tin tưởng rằng thời cơ đã chín mùi cho Trung cộng diễu võ dương oai.

Từ đó về sau, Trung cộng đã tiến hành một loạt hành động để thực thi việc chế ngự vùng Biển Nam Hải (Biển Đông - DLB). Năm 2009, tàu Trung cộng quấy nhiễu tàu hải giám Impeccable của Hoa Kỳ trong khi nó đang tiến hành hoạt động thường lệ tại vùng này. Năm 2011, tàu tuần tiểu Trung cộng cắt dây cáp của một tàu Việt Nam đang thăm dò dầu khí. Năm 2012, hải quân và tuần duyên Trung cộng đã chiếm đóng và phong tỏa bãi cạn Scarborough, một rặng san hô nằm trong vùng đặc quyền kinh tế mà Phi Luật Tân tuyên bố có chủ quyền. Năm 2013, Trung cộng điều một tàu tuần duyên đến lãnh hải của Indonesia để đòi trao trả lại thuyền viên Trung cộng đã bị nhà chức trách Nam Dương bắt giữ vì đã đánh cá trái phép trong vùng quần đảo Natuna của Nam Dương.

Tiếp đó, đầu năm 2014, cố gắng của Trung cộng về tuyên bố chủ quyển trên Biển Nam Hải đã chuyển từ bước kiệu sang nước Phi. Tàu Trung cộng bắt đầu những kế hoạch nạo vét lòng biển khổng lồ để tuyên bố chủ quyền trên vùng đất xung quanh 7 rặng san hô mà Trung cộng đã kiểm soát ở Trường Sa, quần đảo ở phần nửa phía nam của Biển Nam Hải (Biển Đông). Trong khoảng thời gian 18 tháng, Trung cộng đã tái tuyên bố chủ quyền gần 3,000 mẫu Anh (acre). Trái lại, trong nhiều thập niên trước đó, Mã Lai, Phi Luật Tân, Đài Loan và Việt Nam đã chỉ tuyên bố chủ quyền cho tổng cộng dưới 150 mẫu Anh. Dẫu cho Chủ Tịch Tập Cận Bình của Trung cộng cam đoan "không có ý định quân sự hóa" Biển Nam Trung Hoa, họ đã và đang nhanh chóng biến những đảo nhân tạo của vùng biển này thành những căn cứ quân sự tân tiến trang bị với các sân bay, đường sá, cảng, hệ thống chống phi cơ và hỏa tiễn. Nói tóm gọn là Trung cộng đã xây dựng nền tảng cho việc khống chế Biển Nam Hải (Biển Đông - DLB).

Nếu Trung cộng thành công trong nỗ lực này, họ sẽ kiên định trong việc thiết lập một vùng ảnh hưởng rộng lớn ngoài bờ biển phía nam của họ, làm cho những nước khác trong khu vực có ít lựa chọn mà phải tuân phục ý chí của mình. Điều này sẽ làm khó khăn cho vai trò của Mỹ như là đồng minh và đối tác trong khu vực, đe dọa thông thương của Mỹ với các thị trường và tài nguyên trong vùng và hạn chế điều kiện cho Mỹ tạo ảnh hưởng quân sự và chính trị ở Á Châu.

Sự vắng mặt của Hoa Kỳ

Mặc dầu có nhiều quyền lợi to lớn, Mỹ đã bỏ qua việc ngăn chận quyết tâm của Trung cộng ở Biển Nam Hải (Biển Đông - DLB). Trong nhiều trường hợp, Mỹ cho rằng khi Trung cộng mạnh lên và quan hệ với thế giới nhiều hơn, họ sẽ đi đến chỗ chấp nhận những luật lệ và qui chế quốc tế một cách tự nhiên. Đã hơn một thập kỷ, ngôi sao dẫn đường của chính sách Hoa Kỳ đã hun đúc Trung cộng thành cái mà Phó Bộ trưởng Ngoại Giao Mỹ Robert Zoellick mô tả năm 2005 như là một “thành viên có trách nhiệm” đã tuân thủ các cơ chế quốc tế hoặc ít ra là cộng tác với các cường quốc hiện hữu để thiết lập trật tự thế giới. Các chính sách gia Mỹ cho rằng Mỹ có thể giải quyết hầu hết các vấn đề hóc búa của thế giới tốt hơn với sự tham gia của Trung cộng.

Hoa Kỳ tán đồng kế hoạch đưa Trung cộng vào hệ thống các tổ chức uy tín của thế giới với nỗ lực giảm thiểu sự kình chống từ họ. Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Hillary Clinton đã từng nói về sự cần thiết “viết một câu trả lời cho mỗi câu hỏi chuyện gì sẽ xảy ra khi một đương kim cường quốc đối mặt với một cường quốc mới”. Bà muốn nhắc đến sự nguy hiểm của trường hợp rơi vào “bẫy Thucydides”, sự xung đột giữa cường quốc cũ và mới. Các sử gia Athen đã viết về sự trỗi dậy của Athen và sự âu lo của Sparta đã làm cho chiến tranh không tránh khỏi. Lo lắng cho một kết cục tương tự, các nhà lập pháp Mỹ kiếm cách làm giảm căng thẳng và tránh xung đột bất cứ lúc nào có thể được. Phương thức này đã từng thành công. Hiệp ước khí hậu thế giới tại Paris và thỏa thuận hạt nhân Iran đều là kết quả trực tiếp của nỗ lực song phương để cùng giải quyết các vấn đề thế giới. Trong lúc đó, các nhà chức trách Mỹ, Hoa phối hợp hoạt động thường xuyên, giảm thiểu hiểu lầm và có thể ngay cả việc chặn đứng các khủng hoảng đủ lớn để hóa thành xung đột.

Áp dụng sách lược này cho vùng Biển Nam Hải, chính quyền Obama đã dùng áp lực ngoại giao đối với các bên tranh chấp để giải quyết các tranh cãi một cách hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế. Để ngăn đe Trung cộng sử dụng vũ lực, Hoa Kỳ gia tăng sự hiện diện quân sự của họ trong khu vực cùng với tăng cường quan hệ đồng minh và đối tác như là một bộ phận của kế hoạch to lớn hơn“tái cân bằng” ở Á Châu.

Mặc dầu Bắc Kinh ít khi có cùng cách nhìn, Mỹ thận trọng không nghiêng về phía nào trong tranh chấp chủ quyền, chẳng hạn bằng cách gởi tàu thuyền đến thực thi quyền tự do hàng hải ở các vùng biển có tuyên bố chủ quyền bởi nhiều nước, không chỉ Trung cộng. Tuy chiến lược này đã giúp Mỹ tránh được nhiều khủng hoảng to lớn, nó không ngăn được Trung cộng tiến xuống Biển Nam Hải. Năm 2015, lập lại quan điểm mà các nhà chức trách Mỹ đã theo đuổi hơn một thập niên, Tổng Thống Mỹ Obama đã tuyên bố trong một cuộc họp báo hỗn hợp với họ Tập rằng Hoa Kỳ chào đón sự trỗi dậy hòa bình, ổn định, thịnh vượng và có trách nhiệm của Trung cộng như một đối tác trong quan hệ quốc tế, tuy nhiên Hoa Kỳ chưa từng làm rõ điều gì họ sẽ làm nếu Bắc Kinh không thực thi những tiêu chuẩn đó như những gì đã thường xuyên xảy ra trong những năm gần đây. Mỹ mong muốn tránh xung đột có nghĩa là mỗi lần Trung cộng hành động ngoan cố hoặc chối bỏ luật lệ quốc tế ở Biển Nam Hải (Biển Đông - DLB) thì Hoa Thịnh Đốn lại theo bản năng dùng những biện pháp làm giảm căng thẳng, do vậy làm cho Trung cộng giành được lợi từng phần.

Sẽ là một chiến lược khôn ngoan nếu ngăn chận chiến tranh là thử thách duy nhất gây ra bởi sự trỗi dậy của Trung cộng. Nhưng sự việc không phải vậy. Sức mạnh quân sự của Mỹ và đồng minh tiếp tục răn đe Trung cộng không khởi sự một cuộc đụng độ quân sự lớn với Mỹ, nhưng họ đã không kềm chế sự bành trướng âm thầm ảnh hưởng của Trung cộng ra bên ngoài. Thay vào đó, sự trốn tránh rủi ro của Mỹ đã cho phép Trung cộng tiến gần đến mức kiểm soát hoàn toàn Biển Nam Hải (Biển Đông - DLB).

Các nhà lập pháp Hoa Kỳ nên nhận ra rằng hành động của Trung cộng đối với vấn đề biển dựa trên sự cảm nhận của họ về phản ứng đáp trả của Hoa Kỳ. Thiếu sự chống đối từ phía Mỹ đã dẫn Trung cộng đi đến kết luận rằng Hoa Kỳ sẽ không làm phương hại đến mối quan hệ của Trung cộng vì vấn đề Biển Nam Hải (Biển Đông - DLB). Kết quả là, sự đe dọa lớn nhất ở Á Châu cho Mỹ ngày nay là sự bá quyền Trung cộng chứ không phải là vấn đề siêu cường. Vai trò lãnh đạo khu vực này của Mỹ gần với quở trách hơn là dùng roi vọt.

Nước Rút Cuối Cùng

May mắn là dù cho Trung cộng đã bước những bước dài tiến đến việc kiểm soát toàn bộ Biển Nam Hải (Biển Đông - DLB), họ chưa đến đích cuối cùng. Để hoàn tất việc xâm chiếm, họ cần phải tuyên bố chủ quyền thêm trên nhiều vùng đất nữa, đặc biệt là bãi cạn Scarborough nằm ở phía đông của vùng biển này, nơi mà họ hiện giờ chưa có những căn cứ hoạt động. Kế đó, họ phải phát triển khả năng ngăn chận sự thông thương hàng hải và hàng không của nước ngoài ở vùng này bằng cách triển khai hàng loạt quân cụ tân tiến ở các căn cứ của họ bao gồm phi cơ chiến đấu, hỏa tiễn chống tàu thuyền, phòng không tầm xa, và nhiều việc khác nữa.

Hoa Kỳ trước đây tìm cách ngăn chận Trung cộng thực hiện những bước kể trên. Trong những năm gần đây, Washington đã khích lệ Bắc Kinh và những nước có tranh chấp khác chấp hành một chính sách “ba ngưng”: Ngưng tuyên bố thêm chủ quyền, ngưng xây dựng thêm những cơ sở hạ tầng và ngưng quân sự hóa những cơ sở hiện có. Nhưng Mỹ không bao giờ giải thích thêm rằng điều gì sẽ xảy ra nếu những yêu cầu đó không được chấp hành. Trong nhiều trường hợp, Hoa Kỳ cùng với Hiệp Hội các Quốc Gia Đông Nam Á (ASEAN), Khối G-7 và Liên Minh Âu Châu đã chỉ trích các hành động của Trung cộng. Mỗi lần như vậy, Bắc Kinh đa phần bỏ qua những cáo buộc, còn những nước khác thì không kiên trì nhấn mạnh vấn đề này.

Hãy xét phản ứng của Bắc Kinh đối với phán quyết quan trọng vào tháng 7 năm 2016 của Tòa Án Quốc Tế được soạn thảo dựa theo Công Ước Quốc Tế Liên Hiệp Quốc, phán quyết cho rằng phần lớn những tuyên bố chủ quyền của Trung cộng ở Biển Nam Hải là bất hợp pháp chiếu theo luật quốc tế. Hoa Kỳ và những nước khác kêu gọi Trung cộng tuân hành phán quyết này nhưng không có những bước giám sát đi kèm. Do vậy, Trung cộng đơn giản vứt bỏ nó và tiếp tục quân sự hóa các đảo và tuần tra các vùng biển chung quanh. Mặc dầu Hoa Kỳ đã tiếp tục phô trương những màn trình diễn quân sự đáng kể trong khu vực qua các cuộc thao diễn quân sự và tuần tra, họ chưa bao giờ làm rõ cho Trung cộng hiểu những hoạt động đó nhắn gởi tín hiệu gì. Các viên chức Mỹ thường xem đó là “Minh họa cho quyết sách”. Nhưng họ không giải thích chính xác là Mỹ sẽ có quyết sách gì. Với câu hỏi không có câu trả lời đó, lãnh đạo Trung cộng không có lý do gì để thay đổi.

Với cùng lý do, ý tưởng của Tổng Thống Hoa Kỳ Donald Trump làm sống lại chiến lược của Tổng Thống Ronald Reagan “hòa bình thông qua sức mạnh” bằng cách tăng cường sức mạnh quân đội sẽ không chận đứng được Trung cộng. Vấn đề là chưa bao giờ Trung cộng không kiêng nể sức mạnh quân sự của Mỹ. Trái lại, họ sợ rằng sẽ chịu thất bại nặng nề trong một cuộc chiến với Mỹ. Nhưng họ cũng tin rằng Mỹ sẽ chỉ gây ra những tổn hại nhỏ cho những hoạt động phi pháp mà họ sẽ ngưng ngay nếu có sự đáp trả không khoan nhượng. Bất kể Mỹ cho chế tạo thêm bao nhiêu tàu chiến, phi cơ chiến đấu và vũ khí hạt nhân, tính toán đó vẫn không bao giờ thay đổi.

Dám làm

Để thay đổi động cơ của Trung cộng, Hoa Kỳ nên đưa ra một cảnh báo: Nếu Trung cộng tiếp tục xây dựng các đảo nhân tạo hay thiết đặt các khí tài hùng hậu như phi đạn tầm xa, phi cơ chiến đấu trên những đảo đã xây dựng, Hoa Kỳ sẽ thay đổi tận gốc các chính sách của mình đối với vấn đề Biển Nam Hải (Biển Đông - DLB). Từ bỏ lập trường trung lập, Washington sẽ chấm dứt kêu gọi tự chế mà thay vào đó là gia tăng nỗ lực giúp đỡ các nước khác trong khu vực tự bảo vệ mình khỏi sự cưỡng đặt của Trung cộng.

Trong trường hợp này, Mỹ sẽ làm việc với các nước khác có tuyên bố chủ quyền về biển để tuyên bố chủ quyền các vùng đất bao quanh lãnh thổ và gia cố các căn cứ của họ. Mỹ còn sẽ dẫn đầu các cuộc thao dượt chung với họ với quân đội của mình và bán cho họ loại vũ khí được các chuyên gia về quân sự biết đến như là loại có khả năng“chống can thiệp”, giao cho họ các vũ khí mà họ có khả năng mua để ngăn đe sự cưỡng đặt quân sự của Trung cộng trong và ngoài khu vực. Các vũ khí này bao gồm máy bay thám thính không người lái, hải lôi, hỏa tiễn trên đất chống tàu thuyền, tàu gắn hỏa tiễn tấn công nhanh và hệ thống phòng không lưu động.

Một chương trình như thế sẽ làm cho những cố gắng của Trung cộng nhằm thống lĩnh biển và vùng trời bên trên mang nhiều rủi ro đáng kể hơn cho Bắc Kinh. Hoa Kỳ sẽ không nhắm vào việc bồi đắp đủ hỏa lực tổng hợp để đánh bại Quân Đội Nhân Dân Giải Phóng, hoặc ngay cả việc kiểm soát một phần lớn biển, thay vào đó, mục đích của Mỹ là làm cho các đối tác trong vùng của họ có khả năng không cho Trung cộng xâm nhập vào những thủy lộ, bờ biển và các yết hầu hàng hải quan trọng.

Hoa Kỳ nên dựa vào sự giúp đỡ của các đồng minh và đối tác đã có những mối gắn bó an ninh chặt chẽ ở Đông Nam Á. Nhật Bản đặc biệt sẽ có nhiều giá trị bởi vì họ đã nhận ra Trung cộng là một mối đe dọa, đang cộng tác chặt chẽ với nhiều nước quanh vùng Biển Nam Hải và hiện giờ đang phát triển hệ thống phòng thủ của chính mình chống lại sự xâm phạm của Trung cộng vào những đảo vành ngoài của Biển Hoa Đông. Trong khi đó, Úc Đại Lợi có quan hệ gắn bó hữu hảo với Nam Dương và Mã Lai hơn là với Hoa Kỳ, tương tự như là giữa Ấn Độ và Việt Nam, những mối liên kết cho phép Úc và Ấn Độ giúp đỡ các nước này một cách dồi dào hơn cái mà Washington có thể hỗ trợ.

Trường hợp Bắc Kinh từ chối thay đổi các việc làm của họ, Washington cũng nên thương lượng để đạt thỏa thuận với các nước trong khu vực cho phép các lực lượng của Mỹ và các bạn bè khác đến thăm hoặc trong vài trường hợp, được đồn trú thường xuyên tại các căn cứ của họ tại Biển Hoa Nam (Biển Đông - DLB). Nên kiếm cách tiếp cận đảo Itu Aba (do Đài Loan chiếm), đảo Thitu (do Phi Luật Tân chiếm) và đảo Trường Sa (thuộc Việt Nam), là các đảo thuộc quần đảo Trường Sa theo thứ tự lớn nhất, nhì và tư. Thêm vào việc dễ dàng hóa các cuộc tập dượt của Mỹ và các đối tác, thiết lập lực lượng trên các đảo này sẽ gây ra các ngòi nổ mới cho Trung cộng, làm tăng các rủi ro cho việc áp đặt quân sự của họ.

Sự răn đe mới này sẽ đem đến cho Trung cộng một chọn lựa khó khăn: một mặt họ có thể tăng thêm việc quân sự hóa Biển Nam Hải (Biển Đông - DLB) và đương đầu với các nước có các căn cứ và quân đội ngày một tân tiến, được hỗ trợ bởi sức mạnh của Mỹ, hoặc mặt khác, họ có thể chấm dứt quân sự hóa các đảo, từ bỏ các kế hoạch tuyên bố thêm chủ quyền lãnh thổ và bắt đầu làm việc một cách nghiêm túc để tìm ra một giải pháp ngoại giao.

Giữ gìn hòa bình

Để cho sách lược này thành công, các nước trong khu vực cần phải đầu tư cho quân đội hùng mạnh hơn và làm việc với Mỹ khắng khít hơn. May mắn là điều đó đang xảy ra. Việt Nam đã mua một đoàn tàu ngầm đắt tiền từ Nga để ngăn đe Trung cộng, Đài Loan vừa mới tuyên bố sẽ tự chế tạo chúng. Nam Dương đã tăng cường các thực tập quân sự gần quần đảo Natuna nhiều tài nguyên của mình. Mặc cho tài hùng biện thù nghịch của Tổng Thống Rodrigo Duterte, Phi Luật Tân đã không phủ quyết các dự án cho phép Mỹ được đem thêm nhiều tàu chiến và máy bay vào đồn trú tại các cảng và sân bay của họ ở phần rìa phía đông của Biển Nam Hải (Biển Đông - DLB).

Tuy nhiên vẫn còn tồn tại những rào cản đáng kể. Nhiều nước trong khu vực lo sợ rằng Trung cộng sẽ trả đũa bằng cách trừng phạt kinh tế nếu họ là đối tác của Mỹ. Sau sự kiện Trump rút khỏi Hiệp Định Mậu Dịch Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương, các nước Đông Nam Á tin rằng điều không thể tránh khỏi là Trung cộng sẽ thống lĩnh trật tự kinh tế như nhiều người thường quan tâm về viễn cảnh này. Cảm nhận ngày càng tăng này sẽ làm các nước trong khu vực miễn cưỡng tham gia các hoạt động quân sự với Mỹ vì lo sợ Trung cộng sẽ trừng phạt. Cách duy nhất để Washington tránh khuynh hướng nguy hiểm này là đưa ra một biện pháp thay thế khả thi cho sự phụ thuộc kinh tế vào Trung cộng. Điều này có nghĩa là làm sống lại một hình thức khác của TPP hoặc đưa ra một sáng kiến mới có cùng mục đích đối với vấn đề mậu dịch và đầu tư. Hoa Kỳ không thể thắng một cái gì mà không phải làm một cái gì cả.

Hoa Thịnh Đốn cũng cần phải làm nhiều hơn để định hình nền chính trị đối nội của các quốc gia có tuyên bố chủ quyền ở Biển Nam Hải bằng cách truyền bá cho công chúng thêm những thông tin về các hoạt động trên biển của Trung cộng. Khối nhà báo và chuyên gia quốc phòng hiện giờ chỉ có thể trông cậy vào những ảnh vệ tinh thương mại không liên tục và đầy đủ để tìm hiểu các hoạt động của Trung cộng. Chính quyền Mỹ nên bổ túc những thông tin này với những báo cáo thường kỳ và hình ảnh của việc triển khai vũ khí của Trung cộng, cũng như việc hải quân, tàu tuần duyên và các tàu đánh cá có sự hậu thuẫn của Trung cộng đang hoạt động trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế và lãnh hải của các nước khác.

Các quốc gia trong khu vực cũng cần hợp tác với Washington nếu họ có thể cậy vào Mỹ mà bảo vệ luật pháp quốc tế. Về mặt này, hải quân Mỹ nên tiến hành các cuộc tuần tra cho tự do thông thương hàng hải một cách thường lệ, không chỉ trong những lúc Washington muốn đưa ra một quan điểm ngoại giao.

Các nhà bình luận lập luận rằng biện pháp răn đe vũ lực chỉ có thể khuyến khích Trung cộng gia tăng thêm quân sự hóa. Tuy nhiên, trong vài năm qua, Mỹ đã chứng minh rằng bằng cách đối thoại về những hậu quả có thể xảy ra, họ có thể làm cho Trung cộng thay đổi hành vi. Năm 2015, khi chính quyền Obama đe dọa cấm vận để đáp trả việc nhà nước Trung cộng hỗ trợ cho việc đánh cắp các bí mật thương mại của Mỹ, chính quyền Trung cộng đã nhanh chóng kềm chế các hoạt động mạng vi tính phi pháp. Trong những tháng cuối của chính quyền Obama, Bắc Kinh cuối cùng khởi sự kiểm soát các công ty Trung cộng có giao dịch với Bắc Hàn sau khi Washington tuyên bố rằng họ sẽ áp dụng các biện pháp trừng phạt tài chánh đối với những công ty Trung cộng đã luồn lách lịnh cấm vận đối với Bắc Hàn.

Hơn nữa, nhiều người cho rằng sự phản công của Mỹ sẽ không làm cho đám diều hâu trong giới lãnh đạo Trung cộng thêm gan lì. Thực tế cho thấy những người trong giới lãnh đạo Bắc Kinh cổ xúy cho việc quân sự hóa Biển Nam Hải (Biển Đông - DLB) đã làm như thế vì Mỹ không có cách giải quyết, chứ không phải vì Mỹ hiếu chiến. Một cơ hội thật sự duy nhất cho một giải pháp hòa bình về vấn đề tranh chấp là chận đứng tập quán của Trung cộng. Bắc Kinh sẽ không thỏa hiệp chừng nào mà họ còn có thể tự bước vào một cánh cửa đã mở.

Trong trường hợp Trung cộng không thay đổi đường lối, Mỹ vẫn có thể để yên cho việc tăng cường quân sự hóa Biển Nam Hải (Biển Đông - DLB) chừng nào mà cán cân quyền lực không thiên về Trung cộng. Đó là lý do Trung cộng thấy mối đe dọa từ Mỹ khi họ tăng cường sự hỗ trợ về quân sự cho các nước khác có tuyên bố khả tín về chủ quyền biển. Việc bảo đảm các nước trong khu vực có khả năng đóng góp vào việc răn đe sự hiếu chiến của Trung cộng có thể tạo ổn định hơn là chỉ dựa vào thiện chí của Trung cộng hay sự bảo vệ hòa bình của quân đội Mỹ. Phải thú nhận rằng với quá nhiều lực lượng quân sự hoạt động trong một môi trường căng thẳng như thế, các nước cần phải khai triển những cơ cấu vận hành để dàn xếp các khủng hoảng và phòng tránh những cuộc leo thang ngoài ý muốn. Nhưng những năm gần đây, ASEAN đã đạt được những tiến bộ đáng kể về mặt này bằng sáng kiến về những biện pháp xây dựng lòng tin giữa các quân đội của các nước trong vùng. Hoa Kỳ nên ủng hộ nỗ lực này.

Sau cùng, có những nhà bình luận về một sách lược sung mãn hơn của Hoa Kỳ cho rằng Biển Nam Hải không đáng để vướng vào rắc rối, bởi vì vùng ảnh hưởng của Trung cộng có thể xem là vô hại. Nhưng xét việc Bắc Kinh ngày càng dụng tâm dùng các áp lực kinh tế và quân sự cho mục đích chính trị, nhận định trên ngày càng trở nên nguy hiểm. Và ngay cả nếu sự kiểm soát của Trung cộng trở nên hòa hoãn hơn, không có bảo đảm nào là nó sẽ luôn hòa hoãn mãi. Cách tốt nhất để giữ cho không có xung đột biển là để cho Hoa Kỳ làm cái việc kiến hiệu hơn một thế kỷ qua là ngăn ngừa bất cứ siêu cường nào ra lệnh làm điều đó.


Ely Rattner là một thành viên của Hội đồng Quan hệ Quốc tế, chuyên về nghiên cứu Trung cộng. Bài viết cho thấy cái nhìn của một học giả Hoa Kỳ về vấn đề tranh chấp Biển Đông và biện pháp giải quyết với sự có mặt của Hoa Kỳ tại đây.

Nguồn: Foreign Affairs, Volume 96, Number 4


Người dịch: Yên Tánh