28.07.2017

Vai trò lớn của Trung cộng trong nhiệt điện than Việt Nam

Vai trò lớn của Trung cộng trong nhiệt điện than Việt Nam

Nhiệt điện than tại Việt Nam hiện có phần tham gia khá lớn của phía Trung cộng. Tình trạng này dẫn đến lo ngại vì tin tức cho biết Bắc Kinh đang thực hiện việc đóng tất cả mọi nhà máy nhiệt điện tại Hoa Lục.

Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2  Photo by RFA

Nhìn lại những đầu tư của Trung cộng

Theo các cơ sở dữ liệu tài chính về điện than ở Việt Nam do Trung tâm phát triển Sáng tạo Xanh GreenID tìm hiểu, từ tháng 3 năm 2016 đến nay, Việt Nam đầu tư gần 40 tỉ USD vào công nghệ nhiệt điện than. Tổng vốn góp từ các đối tác nước ngoài vào các dự án này chiếm 52 %; trong đó, Trung cộng đầu tư khoản tương đương 8 tỉ đô la Mỹ.


Trong số những dự án có phần Trung cộng góp vốn và trúng thầu có thể kể đến một số như dự án nhà máy nhiệt điện BOT ở tỉnh Hải Dương, Việt Nam có công suất 1,200MW.

Đây là công trình nhiệt điện do Tập đoàn Điện lực Trung cộng (China Power Engineering Consulting Group Co., Ltd) và công ty JAKS của Malaysia cùng góp vốn. Dự án này do công Southwest Electric Power Design Institute Co.,Ltd và China Power Engineering Consulting Group International Engineering Co., Ltd của Trung cộng trúng thầu.

Một viên chức cấp cao của Tập đoàn Điện lực Trung cộng cho biết Nhà máy nhiệt điện BOT Hải Dương là dư án đầu tư tư nhân lớn nhất của Trung cộng vào Việt Nam.

Hai năm trước đây, vào giữa tháng 7, hãng tin Reuters loan tin  các công ty Trung cộng tham gia xây dựng nhà máy nhiệt điện trị giá U$1.75 tỷ tại phía Nam Việt Nam. Đó là nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1 với công suất 1,200 MGW ở tỉnh Bình Thuận khởi công vào tháng 12 2015. Theo kế hoạch tổ máy thứ nhất của Vĩnh Tân 1 sẽ được hoàn thành năm 2018, tổ máy thứ hai dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào tháng 6 năm 2019.

Reuters còn cho biết đây là công trình đầu tư lớn nhất của Trung cộng tại Việt Nam” với 55% vốn góp của Tập đoàn Điện lực Trung cộng, trong đó có 5% là vốn góp của Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin).

Ảnh chụp ngày 22 tháng 1 năm 2013 cho thấy một nhà máy nhiệt điện thải ra khói bụi ở Trường Xuân, tỉnh Cát Lâm, Trung cộng. AFP Photo

Việt Nam tiếp nhận công nghệ cũ

Chuyện có lẽ sẽ không gây phản ứng mạnh cho đến khi Cục Đầu tư nước ngoài thuộc Bộ Kế hoạch- Đầu tư Việt Nam vào ngày 2 tháng 5 cho biết vốn góp mua cổ phần, cổ phiếu của doanh nghiệp Việt từ đối tác Trung cộng tăng cao trong 4 tháng đầu năm 2017 và đa phần nằm trong kế hoạch chuyển giao công nghệ cũ sang các nước nhận đầu tư.

Mặc dù không phủ nhận rằng Việt Nam cần nhiều nguồn đầu tư từ nước ngoài trong lúc này, nhưng Tiến sĩ Vũ Quang Việt, Kinh tế gia của Liên Hiệp quốc, nhấn mạnh:

“Có thể Việt Nam vẫn cần nhưng cần là cần cái tốt chứ không phải cái xấu.”

Xác nhận vấn đề này, ông Đặng Hùng Võ, Nguyên Bộ trưởng Bộ Tài nguyên môi trường, cho chúng tôi biết:

Tôi cho rằng đúng là có hiện tượng những công nghiệp cũ của Trung cộng chuyển sang Việt Nam để Trung cộng thay đổi bằng các thể loại công nghệ mới trong phát triển công nghiệp. Xu hướng đó nhìn thấy rất rõ.”

Trung cộng làm năng lượng mới, chuyển điện than đi

Trong khi đó ngay tại Hoa Lục, Trung cộng được đánh giá là nước đầu tư lớn nhất cho năng lượng tái tạo với tổng công suất 480 ngàn MW, chiếm 25% tổng công suất phát điện cả nước.

Mạng tin Bloomberg vào tháng 11 năm 2016 năm ngoái cho biết Chính quyền thành phố Thạch Gia Trang, thủ phủ của tỉnh Hà Bắc, Trung cộng thông báo, cho đến cuối năm 2016 cắt giảm sản lượng đầu ra của nhà máy nhiệt điện. Và chỉ trong tháng 1 năm 2017, Trung cộng đã huỷ 85 nhà máy đang trong giai đoạn xây dựng và quy hoạch ở 13 tỉnh.

Nguyễn Thị Hằng, chuyên gia phân tích cơ sở dữ liệu của trung tâm phát triển Sáng tạo Xanh Green ID từng cho rằng

Vì muốn tiếp tục phát triển, Trung cộng phải chuyển công nghệ điện than sang các nước khác. Làm như vậy họ vừa xuất khẩu được công nghệ lại vừa giải ngân được vốn.”

Nêu vấn đề này với ông Đặng Hùng Võ, ông cho biết chính ông cũng nghe rất nhiều ý kiến từ các chuyên gia cũng như người dân về vấn đề phát triển điện than ở Việt Nam.

“Việc phát triển điện than như hiện nay là một điều mà chúng ta cần tính toán thật kỹ lưỡng. Bởi vì tác động xấu của điện than đến môi trường là khá mạnh, đặt biệt là phát thải khí nhà kính là lớn, rồi bản thân phương thức sản xuất điện từ than cũng không phải là hiệu suất cao.”

Vì sao phải là Trung cộng?

Trả lời phỏng vấn báo Thanh niên trong nước, bà Nguyễn Thị Hằng đưa ra lý do các nhà máy nhiệt điện than ở Việt Nam phần nhiều do Trung cộng đầu tư và cả thắng thầu xây dựng.

Các doanh nghiệp Trung cộng thường rất dễ thắng thầu vì họ được hưởng nhiều chính sách ưu đãi về thuế từ chính phủ, vốn vay lãi suất thấp. Việt Nam chúng ta sản xuất nhiều điện hơn nhưng phải đối mặt với rủi ro về môi trường, sức khoẻ người dân.”

Hiện nay, chỉ riêng ở Bình Thuận, cụm nhiệt điện Vĩnh Tân có 4 nhà máy với tổng công suất 4.200MW. Tất cả đều được đầu tư với nguồn vốn chính từ Trung cộng

Nhận định về điều này, ông Đặng Hùng Võ cho biết đó là chính sách quan hệ kinh tế tất nhiên giữa hai quốc gia láng giềng.

“Trong mối quan hệ kinh tế với Trung cộng, là hai nước láng giềng thì tất nhiên điều đó sẽ xảy ra nhưng làm thế nào để có thể ngăn chặn được xu hướng công nghệ lạc hậu sang Việt Nam với giá rất rẻ và thuận lợi cho các dự án dưới dạng phát triển đầu tư?”

Về việc này, Tiến sĩ Vũ Quang Việt, Kinh tế gia của Liên Hiệp Quốc đưa ra phản biện:

Một nước như Việt Nam nếu không muốn Trung cộng đầu tư vào thì hoàn toàn có thể cấm. Đó là quyền của Việt Nam.”

Ông Đặng Hùng Võ đưa ra một số ví dụ để cho thấy lý do vì sao Việt Nam phải chấp nhận những nhà máy nhiệt điện than.

“Cũng đã tính đến chuyện điện hạt nhân, nhưng cuối cùng cũng phải dừng sau khi có những vụ thảm hoạ điện hạt nhân do động đất sóng thần ở Nhật.
Thế còn thuỷ điện thì trước đây chúng ta vẫn quan tâm đấy là 1 phương thức sản xuất điện ít tác động đến môi trường, nhưng cho đến hiện nay, khái niệm tác động đến môi trường hơi rộng hơn và chúng ta thấy là thuỷ điện cũng không phải là 1 phương thức tốt đối với môi trường.”

Bắc Kinh đã đóng cửa nhà máy nhiệt điện than đá lớn cuối cùng của thành phố, có nghĩa là lời hứa "đưa bầu trời xanh trở lại" của Thủ tướng Trung cộng Lý Khắc Cường trong cuộc họp lập pháp cấp cao hồi đầu năm  2017 đã được thực hiện.

Trong khi đó Trung cộng chuyển công nghệ điện than lỗi thời, gây ô nhiễm sang Việt Nam. Điều này khiến nhiều người nhớ đến phát biểu mạnh mẽ của ông Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc rằng “Kiên quyết không vì lợi ích kinh tế trước mắt mà đánh đổi môi trường, cuộc sống bình yên của nhân dân”. Thực tế chứng minh lời nói đó được thực hiện đến mức độ nào!

Cát Linh (RFA)
2017-07-27