17.12.2018

Nhìn lại luật 10/59 và những chiêu trò ngậm máu phun người của CSVN-Hoàng Tất Thắng

Nhìn lại luật 10/59 và những chiêu trò ngậm máu phun người của CSVN

Hoàng Tất Thắng (Danlambao)

1/ Bối cảnh trật tự trị an tại miền nam Việt Nam 1956 – 1959: 

Sau tháng 7/1954, hiệp định ngừng bắn ký kết tại Genève – Thụy Sĩ chấm dứt cuộc chiến tranh 9 năm giữa các phe Việt – Pháp và Quốc - Cộng, đã đưa cục diện chính trị, quân sự và thân phận người dân Việt Nam rẽ vào một bước ngoặc quan trọng. Lực lượng quân sự các bên tham chiến phải gom, rút tập trung về hai miền nam, bắc riêng biệt, phân cách bởi con sông Bến Hải tại vĩ tuyến 17 và hình thành ra hai chính phủ Việt Nam đối lập hẳn với nhau. Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (VNDCCH) là hậu thân của Việt Minh, ở miền bắc, đi theo con đường cộng sản, xã hội chủ nghĩa. Việt Nam Cộng hòa (VNCH) phát triển từ các thí nghiệm chính trị Pháp và là hậu thân của chính phủ Quốc gia Việt Nam, ở miền nam, đi theo con đường cộng hòa, tự do. Có một khuyến cáo ghi trong bản tuyên bố cuối cùng của hội nghị Genève, tức một phụ đính của hiệp định, không có giá trị cưỡng hành, cũng như không có chữ ký của các bên tham dự hội nghị, lẫn phía phải thi hành hiệp định, khuyến nghị từ tháng 7/1955 nhà đương cục hai miền gặp gỡ, thương lượng để tiến tới phối hợp tổ chức một cuộc tổng tuyển cử, thống nhất đất nước trong tháng 7/1956.

Trên thực tế, thi hành theo chỉ thị của Chu Ân Lai, thủ tướng và là trưởng phái đoàn tham dự hội nghị Geneve của Trung Cộng là khi chia hai Việt Nam, rút quân Việt Minh về miền bắc Việt Nam, không có nghĩa là phải rút hết người và vũ khí, nên ít nhất đã có gần 10.000 cán bộ Việt Minh, trong đó có các thành phần cao cấp như Lê Duẩn, Võ Văn Kiệt, Mai Chí Thọ… được gài lại nằm vùng ở miền nam để chờ thời cơ nổi dậy đấu tranh chính trị tổng tuyển cử và thực hiện bạo loạn phá rối trị an, với hơn 274 hầm chôn giấu vũ khí các loại bị chính phủ VNCH phát giác, phá hủy khắp nơi dưới vỹ tuyến 17 trong các năm 1955 - 1958 (1). 

Ngày 6/7/1955, để vô hiệu hóa các âm mưu và thủ đoạn của Hà Nội, chính phủ VNCH tuyên bố không phản đối nguyên tắc tổng tuyển cử, nhưng cũng chưa thể thảo luận về việc tổ chức tổng tuyển cử, với lý do VNCH không ký vào hiệp định Genève, nên không bị ràng buộc bởi tinh thần của hiệp định, nhất là đối với bản tuyên bố cuối cùng lại càng không có giá trị pháp lý phải thi hành. Hơn nữa, một cuộc tổng tuyển cử thống nhất đất nước, chỉ có thể thành công tốt đẹp, một khi miền bắc Việt Nam chấm dứt những hoạt động khủng bố, phá hoại nhằm vào miền nam Việt Nam và thực sự đặt quyền lợi quốc gia lên trên quyền lợi quốc tế cộng sản, trước mắt và cụ thể là thực thi dân chủ, tự do, cũng như các quyền con người căn bản cho mọi người dân Việt Nam đang sinh sống ngay tại vùng đang do đảng cộng sản kiểm soát. 

Không còn hy vọng thôn tính miền nam Việt Nam qua mưu đồ chính trị, đảng cộng sản Việt Nam và chính phủ miền bắc Việt Nam đã lệnh các cơ sở nằm vùng khắp nơi ở miền nam Việt Nam, khởi động các hoạt động bạo loạn khủng bố và gây ra tình trạng bất ổn trên nhiều địa phương từ cuối năm 1956. 

Giai đoạn 1956 đến 1963, do hệ thống tiếp vận quân dụng, vũ khí, nhân lực từ miền bắc xâm nhập, đưa vào miền nam còn bị giới hạn, đồng thời các khả năng kiểm soát, chế ngự, phản công của chính phủ VNCH còn vững vàng, nên các hành vi khủng bố của các nhóm cộng sản miền nam thường là lén lút phá hoại những công trình kinh tế, tiện ích, phúc lợi xã hội, đào đường, phá cầu, đắp mô, ngăn sông, cản trở giao thông vận tải để tuyên truyền, cướp đoạt tài sản và nhất là thường xuyên tổ chức các vụ đột nhập tới những nơi quần cư để giết người. 

Cộng sản nằm vùng từng địa phương lập danh sách một số cá nhân sở tại như cộng sự, cộng tác viên sơ cấp thuộc các ngành công quyền ấp, thôn, xã, các viên chức dân sự phụ trách dân sinh, văn hóa, kinh tế, xã hội, như giáo chức, nhân viên y tế, chuyên viên khuyến nông của chính phủ, đến các lương dân can đảm từ chối đóng góp tài lực cho cách mạng (?) và luôn cả số nông dân đa... dám làm đơn xin mua ruộng đất truất hữu, hoặc ký hợp đồng tá canh với chủ điền theo chính sách cải cách điền địa của VNCH... đều là những thành phần không có đủ khả năng tự vệ trước bạo lực tập thể, để lần lượt tìm cách sát hại bằng các hình thức ám sát, bắt cóc, thủ tiêu và giết chết toàn gia tại chỗ trước sự ép buộc phải chứng kiến của người thân và láng giềng, theo các kiểu hành hình rất dã man, tàn bạo như chôn sống, chặt đầu, mổ bụng, treo cổ, với một bản án viết nguệch ngoạc vài chữ tội danh đầy mơ hồ như Việt gian bán nước, đặt cạnh tử thi người bị hại đã không còn nguyên vẹn. 

...Tỉnh An Xuyên – Cà Mau trong niên khóa 1960 – 1961 có 27.935 học sinh tại 189 trường học trong tỉnh. Khi người cộng sản lén lút trở về, nhiều nơi họ đã ngăn cản phụ huynh học sinh không được cho con em đến trường, cũng như buộc các thầy, cô giáo không được giảng dạy các môn học giáo dục công dân, mà phải tôn vinh cờ và chủ tịch của họ. Nhiều giáo viên không tuân lệnh đã bị bắn, chặt đầu, hay cắt cổ với các bản án đặt bên cạnh (…). Tính tới cuối năm toàn tỉnh có hơn 50 thầy, cô giáo bị sát hại, 150 trường học bị phá hoại, hay phải đóng cửa bởi áp lực đe dọa của cộng sản, gây ảnh hưởng đình trệ học tập cho gần 20.000 trẻ em…..(Reader’s Digest, The Blood - Red Hands of Ho Chi Minh, 12/1968). 

Hình ảnh những toán sát thủ cộng sản đột ngột xuất hiện trong bóng đêm với cây mã tấu cầm tay, đã là một mối ám ảnh kinh hoàng rất khó phai mờ trong tâm trí người dân miền nam, quanh năm chỉ biết khu vườn, miếng ruộng……Dân làng bị bắt buộc tập trung chứng kiến cảnh tàn sát. Việt Cộng đã giết cả nhà 14 người của một viên xã trưởng miền nam bằng cách chặt đầu và mổ bụng lần lượt từng người bất kể lớn, nhỏ. Giết một cách lạnh lùng như thể họ bấm cò súng đại liên bắn máy bay và việc tàn sát thế này là chuyện bình thường hàng ngày... (Dr Uwe Siemon Netto, dẩn theo Richard Nixon, The Real War, 1980). Mục đích của Hà Nội là trong mọi cơ hội có thể đều phải tìm cách hủy hoại hiệu năng trị an của các cấp chính quyền hạ tầng VNCH, làm cho dân chúng khiếp sợ cao độ, không còn dám ủng hộ các chủ trương, kế hoạch dân sinh, dân trí của chính phủ, từ đó buộc chính phủ phải đề ra các chính sách chống cộng, kiểm soát dân chúng gắt gao hơn, lại có cớ cho cộng sản tố cáo ngược chính phủ VNCH đàn áp, tuyên truyền, xuyên tạc, gây bất mãn, hay khiến người dân trở nên thụ động, hoặc dần dà tuân phục theo lệnh của các nhóm cộng sản sở tại. 

Trong ba năm 1957 – 1960, có 11.700 vụ ám sát, 2.200 vụ bắt cóc xảy ra. Trong đó năm 1960 có khoảng 1.500 thường dân bị giết, 700 người khác bị bắt cóc (2) và tính tới cuối năm 1963 tổng cộng có 13.000 vụ giết người. Trung bình mỗi năm đã có 1.200 đến 4.000 nạn nhân, bị cộng sản giết hại rất dã man, kiểu hành hình thời trung cổ, hầu gia trọng thêm mức độ kinh hoàng trong cộng đồng (3). Báo cáo đặc biệt năm 1960 - 1961 của Ủy hội kiểm soát đình chiến ở Đông Dương ICC (International Control Commission) ghi nhận hoạt động chiến tranh du kích và khủng bố tại miền nam đã được sự tiếp tay từ phía Hà Nội, trong đó năm 1960 có 284 cầu cống bị phá hoại, 60 trường học và trạm y tế của chính phủ miền nam bị tấn công đốt phá. 

Kế hoạch đánh chiếm miền nam được Hà Nội thực hiện theo hai mũi giáp công, đấu tranh chính trị và tấn công võ trang, lồng vào đó là việc thực hiện các hoạt động bạo lực, khủng bố ngày càng gia tăng mạnh mẽ để phát triển uy thế và đây là một nhiệm vụ không thể thiếu trong mục tiêu xích hóa toàn bộ Việt Nam vào dưới ngọn cờ cộng sản (4). Do đó, chính phủ VNCH và Tổng thống Ngô Đình Diệm đã phải tuyên bố đặt miền nam Việt Nam trong tình trạng chiến tranh trong tháng 3/1959, ban hành luật 10/59 và thiết lập tòa án quân sự đặc biệt trong tháng 5/1959, để trừng phạt mọi can phạm can tội phá hoại, xâm phạm an ninh quốc gia và xâm phạm sanh mạng, tài sản của nhân dân. 

2/ Luật số 10/59 toàn văn đã được đăng vào Công báo VNCH năm 1959, trang 1597, 1598. 

Ngày mồng 6 tháng 5 năm 1959. 

Trừng phạt sự phá hoại, sự xâm phạm an ninh quốc gia, sự xâm phạm sanh mạng, tài sản của nhân dân và thiết lập Tòa án Quân sự Đặc biệt. 

Quốc hội đã thảo luận và biểu quyết, 

Tổng thống ban hành luật số 10/59, ngày mồng 6 tháng 5 năm 1959, trừng phạt sự phá hoại, sự xâm phạm an ninh quốc gia, sự xâm phạm sanh mạng, tài sản của nhân dân và thiết lập tòa án quân sự đặc biệt, nguyên văn như sau: 

Phần thứ nhất. 

Những tội phạm phá hoại, xâm phạm an ninh Quốc gia, xâm phạm sanh mạng hay tài sản nhân dân. 

Điều 1. 

Sẽ phạt tử hình và tịch thu toàn thể hay một phần tài sản, và nếu là quân nhân thì còn bị tước binh quyền, kẻ nào đã hoặc toan phạm các tội sau đây với mục đích phá hoại hoặc xâm phạm an ninh Quốc gia, hoặc xâm phạm sanh mạng hay tài sản nhân dân: 

1/ Cố sát, đầu độc, hay bắt cóc. 

2/ Phá hủy hay làm cho vô dụng toàn thể, hoặc một phần bằng chất nổ, bằng cách đốt cháy, hay bằng mọi cách nào khác: 

a/ Những nhà ở, hay dùng để ở, dù có người ở hay không, nhà thờ, đền chùa, miếu vũ, những kho, xưởng, trại và mọi kiến trúc phụ thuộc của tư nhân; 

b/ Những công ốc, công thự, công sở, công xưởng, kho chứa và nói chung tất cả các kiến trúc các loại thuộc về của công nhà nước và những tài sản, động sản hay bất động sản nào khác thuộc về của công nhà nước, hay do nhà nước kiểm soát, hay đặt dưới chế độ đặc nhượng hay công quản; 

c/ Những thứ tàu đi trên không, trên bộ, dưới nước, các thứ xe; 

d/ Các hầm mỏ, máy móc, dụng cụ đặt nơi hầm mỏ; 

e/ Các khí giới, dụng cụ, vật liệu quân sự, các đồn bót, Nha, Sở, kho xưởng và kiến trúc đủ các loại thuộc về quốc phòng hay cảnh bị; 

g/ Những mùa màng, hoa màu, những nông súc và nông cơ, những rừng rú đủ các loại; 

h/ Những hệ thống viễn thông, bưu điện, đài phát thanh, những hệ thống sản xuất và phân phối điện nước, và những nhà hoặc kiến trúc hay dụng cụ thuộc về việc khai thác các hệ thống kể trên; 

i/ Những đê điều, đập nước, đường giao thông, đường sắt, phi trường, hải cảng, cầu cống, hay kiến trúc kỹ thuật về cầu cống hay các đường nói trên; 

k/ Các sông lớn, sông con mà thuyền bè đi lại được, sông đào. 

Điều 2. 

Sẽ bị khổ sai chung thân và tịch thâu toàn thể hay một phần tài sản, và nếu là quân nhân còn bị tước binh quyền, kẻ nào với mục đích phá hoại, hoặc xâm phạm an ninh quốc gia, hoặc xâm phạm sanh mạng hay tài sản nhân dân, đã hay toan phạm những tội sau đây: 

1/ Cướp hoặc có khí giới, hoặc từ 2 người trở lên; 

2/ Làm gián đoạn sự giao thông trên đường bộ, hay đường thủy, bằng cách khủng bố, hăm dọa bằng vũ khí, hay bằng mọi cách khác; 

3/ Hăm dọa trực tiếp hay gián tiếp về các việc sau đây: ám sát, đốt nhà cửa, mùa màng, bắt cóc; 

4/ Phá phiên chợ, hay ngăn cản không cho nhóm chợ; 

5/ Phá hủy hay có hành vi phá hoại không được ghi ở những điều khoản trên. 

Điều 3. 

Sẽ bị những hình phạt dự liệu trong điều 1, hay điều 2 kể trên, những kẻ nào gia nhập một tổ chức, hoặc giao kết với nhau để giúp đỡ sự chuẩn bị, hoặc sự thực hành những tội phạm được quy định ở hai điều này. 

Điều 4. 

Các chánh phạm, đồng phạm và chủ mưu thuộc thẩm quyền Tòa án Quân sự Đặc biệt như sẽ quy định ở phần thứ hai luật này, không được hưởng trường hợp giảm khinh. 

Điều 5. 

Sẽ được miễn những hình phạt, hay được giảm khinh về những tội thuộc thẩm quyền Tòa án Quân sự Đặc biệt, kẻ nào mà trước khi các tội ấy được thực hành hay toan thực hành và khi chưa có sự truy tố nào, đã báo tin đầu tiên cho chánh phủ hay nhà chức trách quân sự, hành chánh, hay tư pháp biết, hoặc là khi đã có sự truy tố rồi mà giúp đỡ cho bắt được những kẻ phạm tội, hay tòng phạm. 

Tuy nhiên, những can phạm được miễn hình phạt có thể bị xử phạt quản thúc, hay biệt xứ trong một thời gian do Tòa định. 

Phần thứ hai. 

Tổ chức các Tòa án Quân sự Đặc biệt. 

Điều 6. 

Nay thiết lập 3 Tòa án Quân sự Đặc biệt đặt trụ sở ở Saigon, Banmethuot và Huế. 

Quản hạt Tòa án Quân sự Đặc biệt Sài Gòn là các tỉnh Nam phần. Quản hạt Tòa án Quân sự Đặc biệt Banmethuot là các tỉnh Cao nguyên Trung phần. Quản hạt Tòa án Quân sự Đặc biệt Huế là các tỉnh Trung nguyên Trung phần. 

Tùy theo nhu cầu, có thể thiết lập thêm những Tòa án Quân sự Đặc biệt khác do sắc lệnh. Và sự phân chia quản hạt giữa những Tòa án mới và Tòa án cũ cũng sẽ do sắc lệnh ấn định. 

Sự sửa đổi quản hạt sau này sẽ do sắc lệnh ấn định. 

Các Tòa án Quân sự Đặc biệt sẽ đặt trụ sở tại trụ sở Tòa Thượng thẩm, Sơ thẩm, hay Hòa giải rộng quyền, nếu không có trụ sở riêng biệt và sẽ xét xử tại đó hay xét xử lưu động ngoài trụ sở nếu cần. 

Điều 7. 

Thành phần của một Tòa án Quân sự Đặc biệt gồm có: 

- Một sĩ quan từ cấp Tá trở lên, có bằng luật khoa cử nhân làm Chánh thẩm. 

– Đô trưởng, Thị trưởng hay Tỉnh trưởng nơi tòa nhóm họp, hặc đại diện làm Phụ thẩm. 

– Một sĩ quan từ cấp Tá trở lên làm Phụ thẩm. 

Chánh thẩm, hay Phụ thẩm sẽ do nghị định của bộ trưởng quốc phòng, hay bộ trưởng phụ tá quốc phòng bổ nhiệm. 

Điều 8. 

Một sĩ quan từ cấp Tá trở lên giữ chức vụ Ủy viên chánh phủ và một hay nhiều Phó ủy viên chánh phủ là sĩ quan cấp Tá. 

Các nhân viên sĩ quan trên đây đều do nghị định của bộ trưởng quốc phòng, hay bộ trưởng phụ tá quốc phòng cử ra mỗi sáu tháng. Khi thiếu cấp Tá thì sẽ lấy xuống cấp Úy nếu không có điều chi ngăn trở. 

Mỗi khi cần thì cũng có thể cử ngay những sĩ quan thay thế theo thể thức trên. 

Điều 9. 

Phòng Lục sự sẽ do một Lục sự trưởng điều khiển, với sự giúp việc của một số Lục sự, thơ ký lục sự và thơ ký đánh máy. 

Các nhân viên này sẽ được bổ nhiệm do nghị định của bộ trưởng quốc phòng, hay bộ trưởng phụ tá quốc phòng. 

Điều 10. 

Tất cả các nhân viên đều phải tuyên thệ trước Tòa Phá án trước khi nhận việc. Sự tuyên thệ này là tuyên thệ viết. 

Điều 11. 

Thuộc thẩm quyền Tòa án Quân sự Đặc biệt: 

1/ Các vi phạm dự liệu trong các điều 1, 2 và 3 luật này bất luận bị can là thường dân hay quân nhân. 

2/ Các tội gián điệp và phản nghịch, ấn định bởi Dụ số 47 ngày 21/8/1956. 

3/ Các tội lũng đoạn và phá hoại nền kinh tế và tài chánh quốc gia, dự liệu bởi Dụ số 61 ngày 3/10/1955. 

4/ Những tội có điều luật minh định thuộc thẩm quyền Tòa án Quân sự Đặc biệt. 

Điều 12. 

Khi một việc thuộc thẩm quyền Tòa án Quân sự Đặc biệt thì bộ trưởng quốc phòng, hay bộ trưởng phụ tá quốc phòng ra lệnh có viện dẫn lý do để truyền đưa thẳng bị can ra xét xử, không cần mở cuộc thẩm cứu. 

Điều 13. 

Ủy viên chánh phủ đọc bản cáo trạng về thẩm quyền của Tòa án và về mọi chi tiết của tội trạng. 

Điều 14. 

Ủy viên chánh phủ Tòa án Quân sự Đặc biệt trong công việc truy tầm các vụ phạm pháp thuộc thẩm quyền Tòa án này, được quyền xử dụng tất cả các nhân viên công lực. 

Điều 15. 

Tòa án Quân sự Đặc biệt sẽ nhóm họp để xét xử trong thời hạn là 3 ngày sau khi nhận được lệnh của bộ trưởng quốc phòng, hay bộ trưởng phụ tá quốc phòng, nói ở điều 12. Trát trực tố ra hầu phiên tòa của Ủy viên chánh phủ sẽ tống đạt cho bị can 24 giờ trước phiên xử. 

Điều 16. 

Bị can có quyền nhờ luật sư biện hộ. Nếu bị can không có luật sư, Ủy viên chánh phủ, hay Chánh thẩm phải triệu dụng một luật sư biện hộ cho bị can. 

Điều 17. 

Tòa án Quân sự Đặc biệt xử chung thẩm và án văn không được thượng tố lên Tòa Phá án. 

Điều 18. 

Án văn do Tòa án Quân sự Đặc biệt tuyên xử sẽ đem thi hành theo thể thức được ấn định trong các điều 93 đến 98 bộ Quân luật. 

Điều 19. 

Trong trường hợp xử tử hình, án văn chỉ được thi hành sau khi đơn xin ân xá bị bác bỏ. 

Điều 20. 

Nếu cần, một sắc lệnh sẽ ấn định thể thức thi hành Luật này. 

Điều 21. 

Các điều trái với luật này đều bị bãi bỏ. Luật này sẽ đăng vào Công báo Việt Nam Cộng hòa. 

Saigon, ngày 6 tháng 5 năm 1959. 

Ký tên: Ngô Đình Diệm. 

Do đó đứng về mặt luật pháp quốc gia, luật 10/59 hoàn toàn là một đạo luật trị an chính thống, được thông qua bởi Quốc hội và công bố, ban hành bởi nguyên thủ quốc gia, nhằm đáp ứng cho nhu cầu bảo vệ an ninh quốc gia, trừng phạt mọi kẻ (bất luận là ai, thường dân, hay quân nhân) can tội phá hoại, xâm phạm đến an ninh quốc gia, xâm phạm sanh mạng, tài sản của nhân dân và thiết lập Tòa án Quân sự Đặc biệt để thực thi hiệu lực của luật trong thời kỳ đất nước bị chiến tranh. Luật 10/59 không phải là luật khủng bố, phát xít (Terreur Fasciste au Sud Việt Nam: La Loi 10/59) và lại càng không phải là luật để lê máy chém đi khắp miền nam, nhằm tiêu diệt những người kháng chiến cũ, các cựu Việt Minh tham gia chống Pháp như Hà Nội đã, đang và còn lu loa tuyên truyền. 

Trong điều kiện chính quyền VNCH còn non trẻ, lại bị áp lực phá hoại của Pháp và của Hà Nội rất nặng nề, nhưng luật 10/59 vẫn bảo đảm được tính chuẩn mực pháp lý và công bằng ngay đối với những kẻ phá hoại công cuộc trị an, thực hiện bạo loạn võ trang để lật đổ chính quyền, thông qua những minh định luật pháp cụ thể và hiện hành. 

+ Về điều 12 luật 10/59: Chiếu theo Dụ ngày 5/5/1953 về việc “ ấn định tạm thời và áp dụng cho tới khi trật tự được phục hồi, thủ tục tố tụng và hình phạt thi hành trước tòa án quân sự là thủ tục trong thời kỳ chiến tranh “, nếu dự thẩm quân sự xét rằng việc bị tố cáo là một tội đại hình, vị ấy có thể tuyên cáo giao bị can ra trước tòa án quân sự xét xử theo thủ tục hiện hành áp dụng là thủ tục tố tụng trong thời kỳ chiến tranh, không qua phòng luận tội của tòa thượng thẩm được xem là hợp pháp (5). Tuy nhiên trước một sự phạm pháp mà bị can có thể bị xử tử hình, thì thủ tục xét xử thẳng chỉ được áp dụng khi nhà chức trách khiển dụng bị can đã có mở một cuộc điều tra rõ ràng và trong các trường hợp đã được luật pháp minh định (6). 

+ Về điều 16 luật 10/59: Chiếu điều 53 bộ Quân Luật ban hành theo Dụ số 8, ngày 14/5/1951, có tu chính sửa đổi theo các Dụ số 15, 37, 45, 47 và luật 21/59, ít nhất là 3 ngày trước phiên nhóm của tòa án quân sự, ủy viên chánh phủ phải tống đạt cho bị can cáo trạng cùng với nguyên văn điều luật áp dụng và báo cho y biết nếu không chọn được một người biện hộ, thì ông chánh án tòa quân sự sẽ tự động cử cho y một người. Nếu không báo và không làm án văn sẽ vô hiệu (5). Ngoài ra, chiếu điều 76 Quân Luật, nếu bị can là vị thành niên dưới 18 tuổi, vị Chánh thẩm phải đặt câu hỏi “Bị can hành động mà có phân biệt phải, trái hay không?” khi các thẩm phán tham dự phiên tòa vào họp luận tội. Câu hỏi là dự liệu để bảo vệ quyền lợi của vị thành niên, có tính cách trật tự công cộng và được các thẩm phán biểu quyết có hay không, theo phương cách bỏ phiếu kín. Nếu có thiếu sót việc này, án văn sẽ trở thành vô hiệu (5). 

+ Về sự cưỡng hành của điều 18 luật 10/59: Tham chiếu theo bộ Quân Luật trong chương X tức chương chấp hành án văn với các điều 93 đến 98, chủ yếu là các điều 93, 94, 95 và 96, riêng hai điều 97 và 98 có tính chất riêng biệt cho quân phạm VNCH, gồm: 

Điều 93. 

Nếu không có sự thượng cáo lên tối cao pháp viện, án văn sẽ được đem ra thi hành trong khoảng 24 giờ sau khi mãn hạn thượng cáo, trừ trường hợp bị xử tử hình thì không kể. Nếu có sự thượng cáo lên tối cao pháp viện, bản án sẽ được hoãn thi hành. 

Điều 94. 

Nếu sự thượng cáo lên tối cao pháp viện bị bác, án văn xử phạt sẽ được đem ra thi hành trong khoảng 24 giờ sau khi tiếp được bản án bác việc thượng cáo, trừ trường hợp bị xử tử hình thì không kể. 

Điều 95. 

Trong tất cả các trường hợp, ủy viên chánh phủ trình cho nhà chức trách đã ra khởi tố lệnh biết bản án của tòa án quân sự, hoặc của tối cao pháp viện. Ông ấy yêu cầu chấp hành án văn trong những thời hạn ấn định ở các điều 93, 94 nói trên. 

Điều 96. 

Trong trường hợp xử tử hình, chỉ có thể đem chấp hành án văn sau khi đã có sự phán định về việc xin ân xá, quyền xin ân xá này là đương nhiên (6). 

+ Về điều 19 luật 10/59: Tham chiếu Sắc luật số 11/62 về việc thiết lập các tòa án quân sự mặt trận, tại điều 13, do Tổng thống VNCH Ngô Đình Diệm ký ban hành ngày 21/5/1962 và đăng vào Công báo VNCH 1962, trang 1568/1 cũng được minh định rất rõ ràng và cụ thể. 

Điều 13. 

Bản án sẽ được thi hành sau khi tuyên án, nếu không phải là án tử hình. 

Nếu là án tử hình, mặc dầu có hay không có đơn xin ân xá của phạm nhân, ủy viên chánh phủ phải lập hồ sơ xin ân xá trong thời hạn tối đa mười ngày sau khi tòa tuyên án. 

Hồ sơ xin ân xá được đệ lên Tổng thống thẩm định theo thể thức ấn định do luật lệ hiện hành. 

Sau khi có quyết định về đơn xin ân xá, án tử hình mới được thi hành. 

3/ Các thủ đoạn tuyên truyền của cộng sản & sự thật lịch sử. 

Cũng giống như chính sách Ấp Chiến lược, luật 10/59 đã điểm trúng vào tử huyệt của Hà Nội, cụ thể là đối với số phận của hàng chục ngàn cán bộ và cảm tình viên cộng sản được gài lại để phá hoại miền nam sau hiệp định Genève, có thể bị chính phủ VNCH bắt giữ và vô hiệu hóa, nên chế độ cộng sản miền bắc đã nỗ lực vu cáo, không từ mọi thủ đoạn tuyên truyền nào để xuyên tạc và chụp mũ chính quyền VNCH là một chế độ phát xít và đàn áp, đã giết hại hàng ngàn người yêu nước tại chỗ bằng máy chém, chỉ sau những phiên xử không có công lý diễn ra tối đa trong vòng 3 ngày (?). 

Câu nói Mỹ - Diệm đã lê máy chém đi khắp miền nam đã trở thành kinh nhật tụng cộng sản khi mô tả sự giết hại tàn bạo đối với nhân dân miền nam của chính phủ VNCH, nhưng ngoài sự vu vạ tuyên truyền và gắp lửa bỏ tay người là ngón nghề cộng sản, thì Hà Nội gần như không thể đưa ra bất kỳ một chứng cớ cụ thể nào. 

Trang Wikipedia (giọng Hà Nội) chỉ có các ghi nhận: 

+ Chính quyền Ngô Đình Diệm cho đặt máy chém giữa các chợ Trung Hòa, Tân An Hội (Củ Chi) kèm theo lời đe dọa “ Ai liên quan đến cộng sản thì sẽ mất đầu “ để gây khiếp sợ cho những người cộng sản. 

+ Sách The Việt Nam War: Revolution and Social Change in the Mekong Delta của Elliot ghi nhận có 2 người bị hành hình bằng máy chém ở Mỹ Tho. 

+ Báo Straits Times của Singapore, số ra ngày 24/7/1959 có bài tường thuật cảnh hơn 1.000 người dân đi xem xử chém công khai ở Saigon (thật ra đây là bản tin nói về một khủng bố cộng sản bị hành hình tại tỉnh Ba Xuyên). 

+ Báo Buổi Sáng (Sài Gòn) ngày 12/10/1959 có đăng ảnh máy chém kèm chú thích đây là chiếc máy chém đã chặt đầu tên cộng sản Võ Song Nhơn ngay lập tức khi tòa tuyên án (?). Ba ngày sau án tử hình khiếm diện Việt Cộng Nguyễn Văn Lép tức Tư Út Lép cũng đã được thi hành khi cảnh sát bắt được y ở Tây Ninh. 

+ Tờ Công Báo phát hành tại Sài Gòn ngày 23/5/1962 thông báo việc xử tử bằng máy chém diễn ra công khai bằng hàng tít cỡ lớn 4 án tử hình: 1 giáo sư, 1 học sinh, 1 cựu binh nhì và 1 vô nghề nghiệp sẽ bị đoạn đầu bằng máy chém. 

Các dẫn chứng này không những quá ít ỏi so với một núi tội ác mà Hà Nội vu cáo cho phía chính phủ VNCH, mà còn bị cắt đầu, ngắt đuôi và “ bỏ quên “ các chi tiết trọng yếu để pha chế cho đúng khẩu vị của tuyên giáo cộng sản. Trường hợp 4 án tử hình được tòa án quân sự tuyên ngày 23/5/1962 là điển hình, có tất cả 12 can phạm thuộc hội liên hiệp sinh viên, học sinh Sài Gòn – Gia Định can tội hoạt động phản nghịch, mưu sát và toan mưu sát ở đô thành Sài Gòn đã bị bắt và đưa ra tòa, có 5 án khổ sai hữu hạn, 3 án khổ sai chung thân và 4 án tử hình đối với 4 can phạm Lê Quang Vịnh, Lê Hồng Tư, Lê Văn Thành và Huỳnh Văn Chính, chỉ có 2 án tử hình phải thi hành, Lê Quang Vịnh và Lê Hồng Tư được Tổng thống Ngô Đình Diệm ân xá, giảm xuống chung thân và đày ra Côn Đảo, đến năm 1975 vẫn còn sống sót (7). 

Có một con số được cho là tạm tổng kết duy nhất trong thời gian từ 1957 đến 1959, có khoảng hơn 2.000 nạn nhân đã bị chế độ Sài Gòn giết hại bằng máy chém, do William Duiker đưa ra trong sách Ho Chi Minh: A Life viết năm 2000 và đã được John Guinane lập lại nguyên văn trong sách Where Have All the Flowers Gone viết năm 2015, nhưng rất tiếc tính khả tín của chi tiết này chỉ là một con số không tròn trĩnh, do đây chỉ là con số rồng rắn do Trần Bạch Đằng (Trương Gia Triều), trưởng ban tuyên huấn trung ương cục R đưa ra năm 1969, chẳng khác gì mấy so với hình tượng anh hùng dỏm Lê Văn Tám đã do Trần Huy Liệu bộ trưởng tuyên truyền của Việt Minh đúc cốt thêu dệt từ năm 1946. Nếu trong vòng hai năm, với hơn 2.000 tử tội chờ đợi sự xem xét và phê duyệt ân xá theo luật định được hay không, thì có lẽ Tổng thống Ngô Đình Diệm sẽ không còn lấy một ngày nào để thực thi các việc trị quốc khác. Ngông cuồng và loạn trí hơn còn có giáo sư Nguyễn Mạnh Quang (?) cho là đã có đến 300.000 nạn nhân bị giết dưới thời cai trị của chế độ Diệm (?). 

Không phủ nhận hiệu quả của luật 10/59 trong việc trừng phạt thích đáng mọi can phạm, bất luận là ai can tội phá hoại, xâm phạm an ninh quốc gia và xâm phạm sanh mạng, tài sản của nhân dân trong công cuộc bảo vệ an ninh quốc gia và nhu cầu phải mạnh mẽ chấn chỉnh trị an của chính thể VNCH và Tổng thống Ngô Đình Diệm trong giai đoạn 1956 - 1963, nhưng cũng không thể nào khơi khơi ngậm máu phun người như các hoạt động tuyên truyền, bôi nhọ của tập đoàn cộng sản Hà Nội. Tập tài liệu Hai mươi năm qua: Việc từng ngày 1945 – 1964 của Đoàn Thêm là một biên niên sự kiện khá chi tiết và chính xác, cũng chỉ ghi chép 3 trường hợp tòa án quân sự đặc biệt tuyên án tử hình 9 can phạm chiếu theo luật 10/59, từ tháng 12/1959 đến tháng 4/1963 (7). 

Ngược lại hành vi trả thù của cộng sản mới dã man, đê tiện và dai dẳng hơn. Khi có luật 10/59, Chánh án tòa Hòa giải Rộng quyền Kiên Giang là Nguyễn Vạng Thọ, được Tổng thống Ngô Đình Diệm đồng hóa cấp bậc Đại tá và cử làm Chánh thẩm tòa án Quân sự Đặc biệt Sài Gòn để thực thi luật mới ban hành. Con trai độc nhất của Chánh thẩm Nguyễn Vạng Thọ du học học bổng theo kế hoạch Colombo tại Canada đã bị nhóm sinh viên thân cộng Đoàn Kết theo dõi và sát hại. Bản thân Đại tá Nguyễn Vạng Thọ là một trong hai Đại tá duy nhất của QLVNCH trong tổng cộng 48 người cần phải được trừ khử, bị Hà Nội lưu đày lên trại giam Cổng Trời – Hà Giang, để mưu toan giết mòn trong chính sách tập trung cải tạo quân, cán, chính VNCH sau năm 1975. 

12/2018. 


__________________________________

Chú thích:

(1) Trần Gia Phụng, Ai vi phạm hiệp định Genève 1954, 10/2017, Bộ Thông tin VNCH, Thành tích 4 năm hoạt động của chánh phủ 1955 – 1958, 1958, Huy Đức, Bên thắng cuộc 2012. 

(2) Reader’s Digest, The Blood - Red Hands of Ho Chi Minh, 12/1968. 

(3) Stanley Karnov, Việt Nam: A History, 1983, Bernard B. Fall, Street Without Joy, 1987, Douglas Pike, The Việt Cộng: Strategy of Terror, 02/1970, Dr Uwe Siemon Netto, Đức: A reporter’s love for a wounded people, 2013. 

(4) US Mission in Việt Nam, Vietcong use of Terror, Revised and Updated 03/1967. 

(5) Thẩm phán Trần Đại Khâm, Án Lệ Vựng Tập 1948 – 1967, 1968, Phán quyết Tòa Phá Án ngày 29/11/1961, ngày 31/6/1960 và ngày 26/9/1960. 

(6) Bộ Quốc phòng VNCH, Bộ Quân Luật VNCH, ấn bản 1962. 

(7) Đoàn Thêm, Hai mươi năm qua: Việc từng ngày 1945 – 1964, tái bản 1998.