Cây cầu “Anh Tèo Sài Gòn”...
TT - Cách đây hơn một tháng, báo Tuổi Trẻ đã đăng mấy tấm ảnh về người dân bản vùng cao Cu Pua, thuộc xã Đakrông, huyện Đakrông (Quảng Trị), phải đi qua suối bằng hai sợi dây cáp.
|
Từ ngày có cầu “Anh Tèo Sài Gòn”, dân bản Cu Pua không còn phải vượt
suối bằng dây cáp nữa - Ảnh: Quốc Nam
|
Ngay sau đó, một người đàn ông ở Sài Gòn
đã tức tốc tìm về tận nơi đây mang theo số tiền 30 triệu đồng vào thẳng nhà trưởng
bản Hồ Văn Phoi, đề nghị cùng dân bản xây một cây cầu tạm bằng bêtông để qua suối
cho an toàn.
Chiếc cầu “lạ”
Không khó để tìm thấy cây cầu “Anh Tèo
Sài Gòn”, dù tính cả chiều dài cây cầu này chỉ xấp xỉ chục mét, rộng hai mét. Bởi
giờ đây cây cầu này đã quá “nổi tiếng” trong vùng.
Toàn bộ cây cầu này không có gì đặc biệt.
“Điều đặc biệt nằm ở cách làm nên cây cầu ấy” - ông Phoi nói.
Bản Cu Pua chủ yếu là đồng bào dân tộc
Vân Kiều, quanh năm chỉ biết cặm cụi lên nương kiếm miếng cơm qua ngày nên sự
xuất hiện của người đàn ông nói giọng miền Nam ấy ngay từ đầu đã khiến tất cả
tò mò.
Đó là buổi trưa 28-12-2015. Một cuộc thỏa
thuận nhanh đã diễn ra ngay bên bờ suối.
“Tui không giàu có, chỉ có khoảng
30 triệu đồng. Nếu dân bản đồng ý thì góp công, tui sẽ mua vật liệu ximăng, sắt
thép. Nếu chúng ta hợp tác, ít ra cũng sẽ xây được một chiếc cầu bằng bêtông bắc
qua đoạn suối này để đem lại sự an toàn hơn cho dân bản” - ông Phoi kể về lời đề nghị của người
đàn ông lạ.
Trưởng bản nhận rằng đúng là mình có hơi
bối rối vì quá ngạc nhiên với lời đề nghị thật bất ngờ của người đàn ông lạ.
Ông Phoi quyết định dẫn người đàn ông lên gặp chủ tịch UBND xã Đakrông Trần Văn
Chạy.
Ông Chạy kể mình cũng không tin vào tai
khi nghe chuyện. “Mấy năm rồi tui đề xuất khắp các cấp để xin làm cầu cho dân bản Cu
Pua mà không có. Nay lại có người
tự nguyện về làm cầu. Không ngạc nhiên sao được” - ông Chạy nói.
Nhưng ông Chạy lại chợt chột dạ vì sợ
nhiều thủ tục quá người đó sẽ không còn muốn xây cầu nữa.
Hít một hơi thật sâu, ông Chạy đưa người
đàn ông lạ tới phòng kinh tế hạ tầng của huyện. Tại đây, sau khi nói qua ý tưởng,
cán bộ phòng này cho biết có thể làm cầu theo cách tự phát.
Ngay tối hôm đó, người đàn ông lạ ngược
trở lại Sài Gòn để chuẩn bị, còn trưởng bản Hồ Văn Phoi về tổ chức họp dân để lập
ra đội xây cầu.
Nghe có người góp vật liệu cho xây cầu,
cả bản duyệt luôn mỗi hộ cử ra hai người vào đội này. Bản có 26 hộ. Tức mỗi
ngày có 52 người sẵn sàng.
Đúng trưa 5-1, người đàn ông lạ từ Sài
Gòn về lại Cu Pua. Và lần này anh không đi một mình mà đi cùng với hai người bạn.
Theo anh giới thiệu thì một người là kỹ
sư cơ khí phụ trách phần hàn sắt cho cầu. Người còn lại là kỹ sư cầu đường. Cả
hai người đều là bạn của anh, được nhờ ra để cùng với dân bản làm cầu.
“Dù
là cầu tạm nhưng cũng nên có chút kỹ thuật vào cho an toàn hơn” - người đàn
ông lạ giải thích.
Ngay buổi chiều hôm đó, việc xây cầu được
thực hiện. Cầu được xây ngay chỗ trước đây người dân buộc hai sợi dây cáp để
qua suối. Cả ba người đàn ông từ Sài Gòn đều mặc áo quần công nhân cùng dân bản
trộn vữa, đan rá sắt...
Khi cầu hoàn thành sau một tuần, ba người
đàn ông uống với dân bản vài chén rượu rồi xin phép về lại Sài Gòn.
|
Chiếc “cầu” bằng hai sợi dây cáp mà dân bản Cu Pua đã dùng để vượt suối
hơn 20 năm qua - Ảnh: Quốc Nam
|
Làm việc nghĩa không cần để tên
Trưởng bản Hồ Văn Phoi là người đầu tiên
trong bản gặp người đàn ông lạ. Hỏi trưởng bản có nhớ người đàn ông đó như thế
nào không? Trưởng bản gật gật nói không chỉ bây giờ mà mấy chục năm nữa cũng
không thể quên.
Tuy nhiên, tất cả những gì trưởng bản
Phoi nhớ cũng chỉ là cái tên Tèo cùng với hình dung về một người đàn ông ngoài
bốn mươi, dáng người thấp, mập và gương mặt rất hiền. Hỏi ông có biết gì thêm về
anh Tèo ngoài cái tên thường gọi đó không?
Trưởng bản lắc đầu: “Miềng cũng có hỏi mấy lần mà anh Tèo nhất định
không nói. Anh Tèo nói dân bản cứ gọi anh là Tèo".
"Người Sài Gòn làm việc nghĩa bằng tấm lòng
chứ không phải bằng cái tên. Dù không biết tên, nhưng để ghi công người đàn ông
lạ cho mình chiếc cầu, dân bản đã đặt tên cây cầu đó là cầu Anh Tèo Sài Gòn”.
Có một
người biết tên thật của anh Tèo, đó là ông chủ tịch xã Trần Văn Chạy. Chỉ có
ông biết cụ thể về nhân thân của anh Tèo. Tuy nhiên ông kiên quyết không lộ ra
vì: “Anh Tèo đã dặn kỹ lắm rồi. Anh ấy
không muốn mọi người biết việc mình làm”.
QUỐC
NAM