"Xin
chân thành cám ơn những ai đã bỏ mình cho quê hương VN"
T.H.
Hoa Kỳ – 1970, 20 tháng Tư, Tổng thống Nixon tuyên bố sẽ rút 150.000
quân trong 12 tháng sắp tới giảm tổng số quân nhân Mỹ tại Việt Nam xuống
284.000 người. Phong trào phản chiến tiếp tục ở Mỹ.
Ngày 4 tháng Năm, sinh viên tại đại học Kent State bị Vệ binh Quốc gia bắn
trong cuộc biểu tình. Ngày 9 tháng Năm, khoảng 80.000 người và 10 dân biểu quốc
hội đã tham dự cuộc biểu tình phản chiến tại công viên Ellipse hay President’s
Park South trước Nhà Trắng ở Washington, DC.
Chiến trường Việt Nam – Ngày 13 tháng Năm năm 1970, toán quân của Tiểu
đoàn 3, Trung đoàn 1 Bộ binh, Lữ đoàn 11 Bộ Binh thuộc Sư đoàn Hoa Kỳ đang vượt
qua cánh đồng vừa gặt, bất chợt súng nổ vang trời. Từ những lùm cây xung quanh,
đạn và lựu đạn bủa xuống cánh đồng Việt Nam, nhắm thẳng vào toán quân Mỹ. Tiếng
người bị thương kêu gào lẫn trong tiếng đạn, khói súng mịt mù.
Người lính buồn ở mặt trận A Shau (1970, Việt Nam).
Anh, người lính cứu thương của Đại đội Tổng hành dinh, không vũ
trang, vai mang túi thuốc, bổ nhào xuống mặt đất, lần theo tiếng rên la của đồng
đội đã trúng thương cách đó cả 100 mét. Vẫn trên đường tìm đến bạn, một viên đạn
địch đã xuyên da thịt anh. Không ngừng, dưới lằn đạn địch đang đan trên đầu,
anh lại tiếp tục bò và chạy đến nơi, bó thương cho đồng đội. Đạn vẫn bay, súng
vẫn nổ, và lại tiếng kêu trúng thương của một đồng đội khác; anh lại tiếp tục
bò đi tìm bạn, một viên đạn khác lại tìm được thân thể anh; không ngưng nghỉ,
dò theo tiếng kêu cứu, anh vẫn bò, kéo túi thuốc và khi chỉ còn 10 thước cách
người bạn đang chờ thì đạn địch quân đã chấm dứt đời anh.
Anh là David F. Winder, binh nhất y tá không vũ trang của
Đại đội chỉ huy, đã quên mình, dũng cảm hy sinh cứu đồng đội tại chiến trường
miền Nam Việt Nam. Chính phủ Hoa Kỳ đã truy tặng cho anh Huy chương cao quý nhất
của quân đội, Medal of Honor – Huy chương Danh dự.
Năm đó anh 23 tuổi.
Tháng Năm, 1970, David viết thư về Mỹ hẹn ngày sẽ gọi điện thăm hỏi gia
đình. Đó là lá thư cuối cùng và từ đấy David không còn gọi điện về thăm nhà được
nữa.
Mai trở về chiều hoang trốn nắng
Poncho buồn liệm kín hồn anh (*)
Poncho buồn liệm kín hồn anh (*)
I will return on a radiant
afternoon, avoiding the sun,
Wrapped tightly in a poncho which covers all my life. (**)
Wrapped tightly in a poncho which covers all my life. (**)
David F. Winder
Sinh tại Edinboro, Pennsylvania, lớn lên ở Ohio, David chết tại chiến
trường Việt Nam và an nghỉ ngàn thu tại nghĩa trang Mansfield, quận Richland,
Ohio, nước Mỹ.
***
Tháng 10, 2008 – 38 năm sau, ở Mount Airy, Philadelphia, một người đàn
ông 60 tuổi, miệng ngậm píp, dáng điệu băn khoăn nhìn qua khung cửa như đang
nóng lòng chờ đợi ai về...
Sài Gòn, tháng Sáu 2008 – Jess DeVaney, cựu quân nhân Thủy Quân Lục
chiến, và khoảng hơn mười cựu chiến binh và người tình nguyện khác, thuộc tổ chức
cựu quân nhân Tour Hòa Bình, trong hai tuần công tác đã mua lại được khoảng 200
tấm thẻ bài của những người hào hiệp hoặc ở các khu bán hàng kỷ niệm cho du
khách đến Việt Nam.
Tour of Peace, trụ sở ở Tucson, Arizona, đã hoạt động 10
năm qua trong mục đích hàn gắn lại vết thương từ thời chiến tranh bằng cách trở
lại các mặt trận cũ ở Việt Nam làm công tác từ thiện như xây giếng, lọc nước,
phát tập vở bút viết cho học trò,… Đồng thời Tour of Peace cũng đi tìm lại vật
dụng cũ của những người lính Mỹ ngày xưa đem về giao lại cho thân nhân và gia
đình của họ. Nhóm Tour of Peace đã đem về lại Hoa Kỳ được 1940 tấm thẻ bài và
đã tìm được và trao lại cho 580 gia đình tử sĩ Hoa Kỳ.
Trong những thẻ bài đó, một tấm đã cong với vết rạn nứt in những hàng chữ
số “Winder David F. - Số quân E 292 44 4402, máu A+,..”
Sau vài tháng tìm kiếm khắp nơi, Tour of Peace đã tìm được người thân của
binh nhất David Winder.
Joe Winder, người đàn ông ở Philadelphia, chính là thằng em thân thiết
đã ở cùng phòng với David suốt thời niên thiếu. Joe không ngờ có ngày sẽ nhận
được kỷ vật của người anh thương mến.
Cha Mẹ của David F. Winder
Thứ Ba, ngày 9 tháng 12, 2008 – Mount Airy, Philadelphia, người đàn ông
60 tuổi mở hộp nhung đen, cầm tấm thẻ bài rạn nứt, xoa nhẹ ngón tay trên hàng
chữ David Winder F. và bật khóc.
Joe sẽ đeo tấm thẻ bài bên cạnh tim ông suốt khoảng đời còn lại.
Thẻ bài của Winder David F. trong tay người em, Joe Winder.
Việt Nam – tháng 12, 2008, sau 33 năm ngưng tiếng súng, vẫn còn là một
quốc gia yếu, nghèo, không dân chủ, kém văn minh. Trong 85 triệu con người đang
sống ở đó và hơn 3 triệu người mang dòng máu Việt Nam đang ở rải rác khắp nơi từ
Mỹ sang Âu sang Úc còn có rất nhiều người em, người con, người vợ, … đang mong
đợi có ngày được như Joe Winder, được nhìn lại kỷ vật của người yêu, được về ngồi
bên mộ cũ, được thắp nén nhang vọng tưởng người thương,…
Hàng trăm ngàn người lính Việt Nam đã đổ máu, gục ngã cho quê hương
nhưng mồ họ vẫn chưa yên, mả của họ vẫn lạnh tanh không hương khói. Tại sao?
Những người lãnh đạo Cộng sản Việt Nam – không phải chỉ những người hôm
nay – từ lâu rồi, từ bản chất, họ là những người không có lương tri, không có đến
một iota lương tâm, đạo đức. Ngày nay, họ chỉ là những con buôn khoác áo Mác Lê
rách nát – lúc thì họ buôn xương lính Mỹ khi thì họ buôn thân xác phụ nữ Việt
Nam…
Ngàn sau người viết sử sách Việt Nam biết và sẽ công minh ghi rõ cáo trạng
của người đã tuyên bố “Dù có phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn,…” và đồng đảng bất
lương của hắn.