15.09.2016

PHÍA BÊN KIA TỘI ÁC - Fb Luân Lê

„Phía bên kia của nỗi đau và sự phẫn nộ, đó chính là tội ác. Nó nằm ngay giữa lòng quê hương, giữa nhân dân và giữa sự được cho phép.“

PHÍA BÊN KIA TỘI ÁC
Nguồn ảnh: internet

Nếu ai đó đã đọc cuốn “Bên kia bờ ảo vọng” của nhà văn Dương Thu Hương thì sẽ thấy một xã hội đầy gian trá và mục đích tư lợi, sự toan tính và sử dụng quyền bính trong truyền thông đã khiến tình cảnh xã hội bị đảo ngược như thế nào.


Chỉ thông qua một tay nhà báo, với nhiều lý tưởng ban đầu, nhưng vì miếng cơm, manh áo và vì lý do “lo cho vợ con” cuộc sống đầy đủ mà đã đánh đổi phẩm chất của mình. Hắn được đi thực địa một vùng mà nông dân đang lâm vào cảnh nghèo đói, khổ cực, mất mùa, nhưng lại đã đến nơi này để sắp xếp, dựng cảnh về việc nông dân vẫn đang làm đồng, thu hoạch và có bài viết về sự phát triển của nơi ấy. Thế rồi anh ta được hưởng bổng lộc, còn những người dân vùng thiên tai vẫn khốn đốn từng ngày.

Khi người vợ biết được điều đó, vốn là người đàn bà sắc sảo và ngay thẳng, luôn thích những tâm hồn trong sáng, trung thực và cả một lương tri tốt đẹp, đã phải chán chường ngay cho chính người chồng chung chăn gối một thời mà mình đã yêu thương, tin tưởng mà lấy làm chồng. Thế rồi, cô lang thang trong sự sụp đổ và tìm kiếm tiếp một con người như thế, và cuộc đời run rủi đã đẩy cô gặp được tay Trần Phương, một con người quá chất nghệ sỹ, hiện lên lung linh giữa lúc cô tuyệt vọng nhất, cái cảnh ông ta đứng trên bục sân khấu để hùng biện sang sảng nói về những giá trị đạo đức đã choáng ngợp lấy tâm hồn người đàn bà ngây dại này. Cô lại bị lừa một lần nữa sau khi đã ngã vào vòng tay ông ta ở túp lều bên sông thơ mộng. Rồi rất sớm thay, cô nhận ra người đàn ông này còn tệ hơn cả người chồng hiện tại đang níu kéo cô về từng ngày của mình (ly thân chứ chưa ly hôn).

Phía bờ kia tội ác, tôi gọi một cách hình tượng và văn học như vậy, bởi nó không có ranh giới nào rõ ràng, nó được trộn lẫn trong mỗi chúng ta. Chúng ta đều có thể trở thành tội phạm trong khi đã từng rất lương tri và đạo đức, rất đàng hoàng và tử tế, mà thực ra mỗi chúng ta đang hoặc là chính nó, hoặc dung dưỡng nó bằng cách im lặng.

Mỗi chúng ta, cũng đều đang “ác”. Khi chứng kiến người ta tham nhũng, người ta đầu độc dân tộc, chạy chức chạy quyền, vơ vét tài sản quốc gia, bóc lột tầng lớp dân nghèo bằng các loại thuế, phí, lệ phí kinh hoàng, nhưng chúng ta lại lặng im hoặc chỉ phản ứng một cách yếu ớt và rời rạc, và coi đó là chuyện bình thường, vì bởi lẽ nó không phải chuyện của mình. Mỗi chúng ta cũng đang ác, bởi chúng ta cũng phải chạy chọt, lo lót khi làm ăn, khi ra đường bị bắt phạt lại dấm dúi hối lộ, khi tìm trường lớp cho con, khi lo cái hộ khẩu, khi tìm việc cho mình, cũng vẫn làm những việc mà chính chúng ta thấy đó là hành vi phạm pháp, nhưng vẫn tặc lưỡi làm những thứ ấy.

Tội ác, là khi con người ta dùng mọi thủ đoạn để gian trá và che đậy sự thật. Giống như trước thảm hoạ biển chết do Formosa gây ra, người ta còn cố tình đổ cho thuỷ triều đỏ bằng cách đưa lên báo một hình ảnh được photoshop đến đỏ cả những chiếc cọc tại bờ biển của một nơi ở tỉnh Nghệ An, nó được đăng công khai và nhằm đánh lạc hướng dư luận, điều ấy được lặp lại đúng như hành động của tay nhà báo trong truyện ngắn Bên Kia Bờ Ảo Vọng của nhà văn Dương Thu Hương trong thời kỳ trước đổi mới.

Phía bên kia của nỗi đau và sự phẫn nộ, đó chính là tội ác. Nó nằm ngay giữa lòng quê hương, giữa nhân dân và giữa sự được cho phép.

Phía bên kia tội ác, nó nằm ngay giữa lòng một xã hội, một đất nước, khi một phía là những người dân khốn khổ, còn những tên tham quan thì ngày càng sung túc, nhởn nhơ, phồn thịnh, vương giả trong sự lộng hành ngang nhiên. Những người dân thì con cái thất học, lo lắng miếng cơm manh áo từng ngày, nhưng những kẻ nhân danh đạo đức, có chức quyền với sự gian manh, lại có một cuộc đời khác. Với những dự án “ngu gì mà không làm thép”, bất chấp hậu quả nhãn tiền lớn chưa từng thấy còn đang hiển hiện trước mắt như một tội ác mà không thế che lấp là Formosa. Ăn chặn tiền của gia đình liệt sỹ, của những người có công với đất nước, ăn chặn tiền hỗ trợ ngư dân, nông dân gặp thảm hoạ hạn hán và biển chết, ăn chặn tiền của trẻ em, người khuyết tật, ăn chặn những nguồn vốn dự án đầu tư công, dựng lên những dự án ma, những tượng đài, chùa chiền nghìn tỷ, trong khi lại bỏ không, hay vừa làm xong thì sụt lún.

Nếu ai cũng đã từng xem bộ phim hành động, đặc vụ Kingsman, thì sẽ thấy một tay nhà giàu, lại tự cho mình cái quyền được lựa chọn những kẻ giàu có hoặc những người mà anh ta cho là xứng đáng được sống trên toàn cầu, được hưởng những đặc quyền còn phần còn lại của thế giới thì đáng bị phá huỷ và giết chết. Phải chăng, điều đó lại có ở trong những cái đầu mà sẵn sàng bất chấp hậu quả của hành động mà tiếp tục thực hiện đến cùng mục đích của mình?

Giàu có đến mức nào thì dừng lại? Tội ác dã man đến chừng nào thì bị trừng trị? Vị thân đến khi nào thì biết cho đi? Nếu tiếp tục để các tập đoàn tài phiệt làm ăn kiểu manh động thì quả thực quá nguy hiểm, bởi trong nó đã tiềm ẩn những nguy cơ tội ác mà chực chờ phát tác vào một thời điểm nào đó. Và nếu cứ tin vào những lời hứa hẹn, cam đoan, vào bức tranh tương lai tốt đẹp được vẽ ra, mù quáng trước lợi lộc được mua chuộc, thì nơi ấy sẵn sàng phải trả giá đắt hơn gấp nhiều lần những gì đã nhận được, mà vốn chỉ dành cho một số ít người may mắn thụ đắc được. Tâm lý trọng khinh là một điều hiển nhiên, giống như chúng ta sẵn sàng ngưỡng mộ hoặc ưu ái cho những quốc gia văn minh, để có thể xót thương cho 150 người Pháp bị tấn công, cho những học sinh bị xả súng ở Mỹ, nhưng chúng ta lại không mấy để tâm hoặc thờ ơ với những trẻ em bên châu Phi vẫn phải đối mặt với những tệ nạn, sự đói khổ, bệnh tật, hay những người đàn bà Trung Đông bất hạnh vì Hồi Giáo hoặc cả những người dân thuộc các nước thế giới thứ ba vẫn bị chết hàng ngày, mà chúng ta chẳng mấy khi thống kê hay nhìn đến, một cách thật tâm. Mà có khi, chúng ta còn khinh khi ngay cả chính mình, thì đừng nói đến sự tôn trọng từ phía người khác.

Và khi một bên là gia đình và xã hội, một bên là người thân và nhân dân, một bên là mái nhà và tổ quốc, một bên là lợi ích và của chung, đương nhiên người ta sẽ hy sinh phần cảm xúc hay lương tri đạo đức đơn thuần mà cân nhắc cho bước chân sẽ sẵn sàng lấn sang phía bên kia lằn ranh có hình hài tội ác để đảm bảo những thứ thuộc về vị thân của mình.

Lừa dối nhau hạnh phúc, là vì lục tung cả xã hội, người ta vẫn không tìm thấy, hoặc có thì quá ít, những giá trị cũng như điều tốt đẹp của cuộc sống này.

Những đứa trẻ bên lề xã hội. Ảnh: internet