Trần Phong Vũ
Ông
Trịnh Vĩnh Bình tham gia phiên tòa với tư cách người bị hại
Trường hợp ông Trịnh Vĩnh
Bình
Sau năm 1975, ông Trịnh Vĩnh Bình đã cùng với hàng
triệu đồng bào liều mình bỏ nước đi tị nạn. Năm 1976, gia đình ông được bảo trợ
qua định cư ở Hà Lan. Với sáng kiến công nghệ hóa việc chế biến chả giò một món
ăn khoái khẩu của người Việt Nam -và cũng được nhiều người ngoại quốc ưa chuộng-,
chỉ trong vòng không đầy mười năm sau, gia đình ông Trịnh đã trở thành triệu
phú.
Trong một bài tổng hợp của tác giả Huỳnh Bá Hải post
trên mạng ngày vừa qua, người ta được biết, khoảng giữa thập niên 80, trước
tình trạng khó khăn về kinh tế, đảng cộng sản Việt nam miễn cưỡng phải mở cửa
kêu gọi quốc tế đầu tư, trong đó bao hàm cả người Việt tị nạn ở hải ngoại. Vì
tâm tình lúc nào cũng hướng về quê hương và cũng vì tin tưởng nơi thiện chí của
nhà cầm quyền Hà nội, ông Trịnh Vĩnh Bình đã đem tiền về Việt Nam làm ăn. Vì cần
có đất để mở cơ xưởng, ông nhờ thân nhân đứng tên giúp vì theo luật rừng của chế
độ, cho đến ngày nay đất đai vẫn thuộc “sở hữu toàn dân” một định nghĩa mơ hồ để
không cho tư nhân làm chủ và trên thực tế tất cả điền sản công tư đều do đảng
và nhà nước thủ đắc.
Nhờ sự cần mẫn và biết áp dụng những phương thức
kinh doanh khoa học, tân tiến trong thế giới tự do, chỉ trong vòng một thập
niên sau, công việc làm ăn của gia đình ông đã đạt được thành công lớn. Ông làm
chủ một tài sản tổng cộng khoảng 30 triệu Mỹ kim, gồm hệ thống cơ xưởng, bất động
sản với hàng trăm mẫu đất và hàng chục dinh cơ. Động lòng tham, giới hữu quyền
để lộ nguyên hình của những kẻ lưu manh, chuyên nghề cướp của hại người lương
thiện. Họ chỉ thị cho Công an Bà Rịa/Vũng Tàu thiết lập vi bằng gian dối để khởi
tố bị can và tạm giam ông Bình với tội danh “vi phạm các quy định về quản lý và
bảo vệ đất đai” cùng với tội “đưa hối lộ”. Năm 1998, ông Bình bị tòa sơ thẩm kết
án 13 năm tù ở với hai tội danh kể trên. Ông kháng án và một năm sau, tòa Phúc
Thẩm chỉ giảm án hai năm, tức còn 11 năm, mặc dù luật sư của ông đã chứng minh
tội “vi phạm các quy định quản lý và bảo vệ đất đai” không có điểm nào trong luật
lệ về việc nhờ người thân đứng tên giùm là có tội. Riêng tội “đưa hối lộ”, những
quan chức đảng tố giác ông Bình đưa hối lộ trước đó để có bằng cớ truy tố ông,
nhưng khi ra tòa vì e ngại có thể bị ‘phản đòn’ nên đã chối là không hề nhận hối
lộ.
Dù vậy, ngoài 11 năm tù ở, toàn bộ tài sản của ông
Bình đã bị Tỉnh ủy Bà Rịa/Vũng Tàu tịch thu nói là nhập vào công quỹ đảng,
trong khi có thể là để chia nhau bỏ túi.
Trước tình trạng oan khốc ấy, ông Bình vận dụng mọi
phương thế, kể cả tiền bạc, để ra tù trước thời hạn. Tiếp theo đó là những ngày
tháng lẩn trốn đầy gian lao, nguy hiểm vì đương sự bị công an, mật vụ lần mò
tìm tòi tông tích. Sau khi tìm được manh mối vượt biên qua Campuchia, ông Trịnh
trở lại quốc gia định cư là Hà Lan. Từ đấy ông âm thầm tham vấn với các luật sư
nhằm thiết lập hồ sơ với ý định làm sáng tỏ nội vụ. Năm
2005 ông nạp đơn kiện đảng và nhà nước CSVN tại Trung Tâm Trọng Tài Quốc Tế ở
Stockholm, Thụy điển, đòi bồi thường 100 triệu Mỹ kim. Trong đơn kiện,
ông Bình viện dẫn các quy ước của Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư mà Việt
Nam đã ký kết với Hà Lan vào năm 1994 để tiến hành khởi kiện và ông chứng minh
bản án hình sự kết tội ông tại Việt Nam trước đây chỉ là cái cớ để Chính phủ Việt
Nam tiến hành tước đoạt quyền sở hữu tài sản của ông. Và như vậy họ đã vi phạm
thỏa thuận tại Hiệp định nêu trên và phải bồi thường đền bù thiệt hại cho ông.
Phiên tòa quốc tế khi ấy dự định sẽ khởi sự vào tháng 12/2005 tại Stockholm (Thụy
Điển).
Vẫn theo bài viết của ông Huỳnh Bá Hải thì phía Việt
Nam vì biết trước sẽ thua kiện nên quyết định chọn giải pháp điều đình bên
ngoài phiên tòa. Tháng 9 năm 2005, việc hòa giải đạt được kết quả với những cam
kết sau đây:
Thứ nhất:
Phía Việt Nam có các nghĩa vụ:
1.- Bồi thường cho ông Trịnh Vĩnh Bình 15 triệu MK
là tiền chi phí đi kiện. Ngân khoản này phía VN phải thanh toán nội trong năm
2005.
2.- Phía Việt Nam trao trả toàn bộ tài sản ở VN cho
ông Trịnh Vĩnh Bình bao gồm phân xưởng, nhà kho, đất đai bất động sản. Việc
trao trả tài sản chậm nhất vào năm 2012.
3.- Phía Việt Nam cho ông Trịnh Vĩnh Bình ra vào Việt
nam tự do để làm từ thiện.
Thứ hai:
Phía ông Trịnh Vĩnh Bình có nghĩa vụ giữ kín cam kết mật nói trên không được tiết
lộ cho bất cứ cơ quan truyền thông nào.
Bản Cam kết hòa giải này có sự chứng kiến của Trung
tâm trọng tài Thương mại Stockholm và Văn phòng Thừa Phát Lại xác lập vi bằng.
Trong suốt những năm qua, dư luận trong và ngoải nước
không hề nghe biết về chuyện cam kết cũng như tiến trình việc thi hành cam kết
giữa đôi bên ra sao. Cho tới những ngày gần đây, nhờ rò rỉ thông tin trên các
trang mạng, mọi việc vỡ lở và người ta lại có thêm một bằng chứng cụ thể cho thấy
thái độ lọc lừa, gian dối cố hữu của đảng và nhà nước cộng sản. Và đấy cũng là
lý do tháng giêng năm 2015, một lần nữa ông Bình lại
thiết lập hồ sơ kiện nhà cầm quyền CSVN. Lần này ông chọn Tòa án Trọng tài Quốc
tế La Haye, Hà Lan.
Hồ sơ vụ kiện ghi nhận:
* Phía ông Trịnh Vĩnh Bình hoàn toàn tuân thủ
cam kết không tiết lộ bất cứ điều gì cho các cơ quan truyền thông về
chuyện Hà nội xin hòa giải nhằm giữ thể diện cho Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt
Nam.
* Phía Việt Nam, theo ghi nhận của báo điện tử Thanh
Niên, Chính phủ Việt Nam đã miễn chấp hành hình phạt tù cho ông Trịnh Vĩnh
Bình, và cho ông được tự do về nước. Về số tiến 15 triệu MK bồi thường cho ông
Bình cũng đã xong, dù chậm trễ vì mãi đến năm 2014 mới trả hết và ông Bình cũng
không đòi tiền lãi từ năm 2005 đến 2014. Riêng các bất động sản là 02 xưởng sản
xuất với diện tích gần 40.000 m2 cùng 9 ngôi nhà và đất, đoàn xe vận tải 12 chiếc,
căn nhà 86 m2 trên diện tích đất hơn 2.000 m2 ở đường Trần Phú- Vũng Tàu và nhiều
bất động sản ở các tỉnh thành khác..v.v… phía bị cáo là Hà nội chưa hề
thực hiện lời cam kết hoàn trả cho bên nguyên. Theo dư luận bàn tán thì có
thể các quan chức tham những đã trót tẩu tán để chia nhau bỏ túi rồi.
Do sự bội ước trên đây, tháng giêng năm ngoái, ông
Bình quyết định khởi kiện. Một trùng hợp hy hữu mang nhiều ý nghĩa là Tòa án Quốc
Tế đã chính thức gửi lệnh thông báo vụ kiện này đến nhà cầm quyền cộng sản Việt
Nam hôm 30-4-2015, trùng với ngày đảng cộng sản ăn mừng 40 năm “cưỡng chiếm miền
Nam” mà bên nguyên là một người tị nạn Việt Nam hiện mang quốc tịch Hà Lan.
Nội dung hồ sơ kiện của ông Trịnh đòi chính phủ Việt
Nam và các cá nhân, cơ quan liên hệ trực tiếp là Bộ kế hoạch đầu tư và UBND tỉnh
Bà Rịa/Vũng Tàu phải bồi thường cho ông 1 tỷ Mỹ kim vì đã trắng
trợn vi phạm cam kết mật giữa ông và phía chính phủ Việt Nam vào năm 2005.
Tổ hợp luật sư của ông Trịnh Vĩnh Bình kỳ này cũng
là các luật sư từng giúp cho tỷ phú dầu mỏ của Nga là ông Khodorkovski. Đó là Hãng luật Covington & Burling nổi tiếng của
Mỹ. Điểm thuận lợi cho ông Bình và tổ hợp Luật sư của ông là chính Tòa án Quốc
tế này từng tuyên án chính phủ Nga phải có nghĩa vụ bồi thường 50 tỷ USD cho
ông Khodorkovski. Theo nhận định của các giới am tường về luật lệ quốc tế thì
trong vụ kiện lần thứ hai này, cùng với các hiệp ước thương mại giữa Việt Nam
và Hà Lan và với án lệ có sẵn, khả năng phía Việt Nam thua kiện rất cao.
Đặc biệt vì hiện
nay không bị ràng buộc bởi cam kết giữ im lặng, ông Trịnh hứa sẽ dùng 90% số tiền
nhận được từ vụ kiện, trừ chi phí cho vụ án, để dùng vào các công tác từ thiện,
hoạt động nhân đạo, hỗ trợ (bao gồm tư vấn và tiền bạc) giúp các nạn nhân lấy lại
công lý hoặc, tiếp tay các dân oan thấp cổ bé miệng bị Hànội cướp trắng đất
đai, sản nghiệp kiện ra các tòa án quốc tế đòi bồi thường.
Nguồn tin cho
hay, ông Bình được Tòa án Quốc tế khuyến cáo không nên quay về Việt Nam lúc
này, có thể vì sợ ông sẽ bị ám toán. Vì thế mới đây ông tuyên bố sẽ không về Việt
Nam cho đến khi công lý được sáng tỏ.
Được biết trong
những ngày tới các cơ quan truyền thông Hà Lan và EURO-zone sẽ thông báo tình
tiết vụ kiện hy hữu này trên các phương tiện truyền thông nhằm khuyến cáo người
Việt ở hải ngoại cân nhắc trước khi quyết định về Việt Nam đầu tư làm ăn. Cũng
có tin cho biết nhà cầm quyền Hà nội đã thuê một tổ hợp LS nổi tiếng của Pháp để
bào chữa trong vụ bị ông Trịnh kiện trước Tòa án Quốc tế La Haye.
Vụ kiện này chắc
chắn sẽ hứa hẹn nhiều pha sôi nổi. Trong tình trạng đảng
và nhà nước CSVN đang bị tứ bề thọ địch: vì chuyện đấu đá nội bộ; vì dịch tham
nhũng đã đến mức báo động đỏ; vì tình trạng kinh tế/xã hội xuống dốc; vì phải đối
phó với phong trào chống đối của quần chúng đã lên tới cao điểm do hệ quả giây
chuyền của thảm họa cá chết mà tập đoàn Formosa cấu kết với các nhóm lợi ích
trong guồng máy cầm quyền gây ra…..; vụ kiện do ông Trịnh Vĩnh Bình khởi tố lần
này trước tòa án quốc tế chắc chắn sẽ khiến chế độ phải đối mặt với không ít
khó khăn về nhiều phương diện, kể cả những xáo trộn về mặt chính trị.
Điều cần ghi nhận:
trong vụ kiện của ông Trịnh, phía bị cáo không phải là cá nhân hay một đoàn thể,
tổ hợp, mà là một chính phủ, một chế độ -chế độ mệnh danh Cộng Hòa Xã Hội Chủ
Nghĩa Việt Nam. Điều này có nhiều khả năng trở thành tiền lệ cho những nạn nhân thảm họa cá chết ở Hà Tĩnh không những có quyền
đưa Formosa và các phe phái liên hệ ra tòa – không phải chỉ giới hạn ở tòa địa
phương mà là tòa án quốc tế- và hơn thế còn có thể đặt gánh nặng trách nhiệm
liên đới cho guồng máy cầm quyền Hà Nội.
Trong giới hạn
bài viết này, chúng tôi tạm gác ra một bên mọi yếu tố khác.
Mục tiêu người
viết tập chú vào trường hợp hi hữu của ông Trịnh để xét về khả năng thắng thế của
vụ kiện tổ hợp gang thép Formosa, sau khi đạt thắng lợi trong bước đầu dồn Tòa
Án Nhân Dân Thị Xã Kỳ Anh phải nhận đơn khiếu kiện một lần của 506 nạn nhân dưới
sự hướng dẫn của Lm Đặng Hữu Nam buổi trưa 27-9-2016 vừa qua. Thắng lợi này dẫn
tới bước thứ hai: nâng cấp vụ kiện thế kỷ này ra Tòa án Quốc tế.
Lần đầu, quyền khiếu kiện mặc nhiên thành hiện thực
Linh
mục Đặng Hữu Nam trước Tòa án nhân dân thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh
* Một tiền lệ mới vừa được
mở ra
Khi dư luận mới bàn tán về vấn đề các nạn nhân vụ cá
chết ở Vũng Áng sẽ kiện thủ phạm vụ xả thải độc chất gây hủy hoại môi trường
sinh thái, có người bi quan cho rằng chuyện này khó có thể xảy ra. Người ta nêu
ra khá nhiều trở ngại. Từ nguyên tắc tố tụng tới những khía cạnh phức tạp về
phương diện luật pháp. Trước và trên hết là vì hệ thống cai trị độc tài, độc đảng
của Hànội, trong đó cả ba cơ chế hành pháp, lập pháp và tư pháp đều do Bộ Chính
Trị cộng đảng nắm giữ. Vì tâm lý sợ đám đông, thích xé lẻ, rào cản thứ nhất họ
đặt ra là tòa án chỉ chấp nhận kiện cá nhân, dứt khoát không nhận kiện tập thể.
Đấy là những sự thật không thể phủ nhận.
Có điều xu thế, cảnh ngộ và ý thức người dân ngày
nay đã đổi khác.
Trong bài viết trình bày diễn tiến và sự thành công
trong bước đầu khởi kiện Formosa của các nạn nhân giáo xứ Phú Yên, người viết
đã nhắc lại quan điểm của LS Lê Quốc Quân trong cuộc phỏng vấn của đài Á Châu Tự
do.
Theo ông, đây là một bước tiến mới, tạo tiền lệ phá vỡ lối mòn bóp nghẹt
quyền tự do khiếu kiện do Hànội quen áp đặt lên người dân hơn nửa thế kỷ qua.
Theo LS Lê Quốc Quân, tuy vẫn bị gò bó trong phạm vi cá nhân, nhưng với con số
nhiều trăm người đi kiện một lần, nhất là không ai khác, chính đại diện chế độ
tại địa phương, nơi xảy ra thảm nạn hủy hoại môi trường sinh thái, đã phải chấp
nhận đơn khiếu kiện của 506 nạn nhân, là một thành công lớn.
* Thế nhân dân trước nỗi
khốn cùng của kẻ bị nạn
Trước những tiếng kêu gào thảm thiết của các nạn
nhân, đồng bào trong và ngoài nước đã có những phản ứng cụ thể. Để chuẩn bị, báo chí và các cơ quan truyền thông trên mạng,
những tuyên ngôn của giới trí thức, các tổ chức xã hội dân sự, các tôn giáo nhất
loạt lên tiếng tích cực yểm trợ. Điều cần nhấn mạnh là những nỗ lực này
không chỉ giới hạn trong việc gom góp tiền bạc trợ giúp cấp thời hàng trăm ngàn
gia đình ngư phủ bốn tỉnh miền Trung đang lâm cảnh đói cơm, thiếu áo, con cái
phải bỏ học hiện nay. Quan trọng hơn, đông đảo đồng
bào quốc nội và tập thể người Việt tị nạn ở nước ngoài còn có những quyết định
trợ giúp về mặt pháp lý cho các nạn nhân trong ý định khởi tố những kẻ ác đã
gây hiểm họa phá hoại môi trường biển ra trước pháp luật.
Trong những cuộc biểu tình với sự tham dự của hàng
chục ngàn người bộc phát ở các tỉnh xảy ra hiểm họa cá chết hàng loạt, nhất là
cuộc tuần hành của ba, bốn chục ngàn giáo dân ở Tam Tòa, người ta đọc được những
biểu ngữ và nghe được những lời hô nói lên tất cả tâm tình và sự phẫn nộ đòi hỏi
công lý phải được thực thi của đồng bào đối trước hoàn cảnh đau thương của các
nạn nhân. Nội dung những biểu ngữ và khẩu hiệu quy vào ba điểm:
(a) Quyết liệt đòi truy tố tổ hợp Formosa
và những kẻ đồng lõa ra trước pháp luật.
(b) Buộc Formosa phải bồi thường xứng
đáng, đồng thời trả lại môi trường trong lành của biển cho ngư dân.
(c) Trục xuất vĩnh viễn tổ hợp này khỏi lãnh
thổ Việt Nam.
Hôm 30-8-2016, 21 tổ chức Xã Hội Dân Sự độc lập ở
quốc nội đã công bố một Tâm Thư khẩn thiết kêu gọi đồng bào trong, ngoài nước
tích cực đáp ứng nguyện vọng chính đáng của cả triệu nạn nhân hủy hoại môi trường
do kẻ ác gây ra.
Trong khi ấy, hầu hết các cộng
đồng người Việt tị nạn trên khắp thế giới, từ Âu châu, Úc châu tới Bắc Mỹ đã có
những cuộc xuống đường, những đêm thắp nến cầu nguyện liên tục, bày tỏ tình
liên đới, hiệp thông với đồng bảo trong nước.
* Những yếu tố cơ hữu
Ngoài sự lên tiếng mạnh mẽ, nhất loạt của đồng bào
trong, ngoài nước tạo nên thế nhân dân đàng sau vụ án, những chứng cứ cụ thể về
tội ác cố ý của tổ hợp Formosa, với sự đồng lõa của đảng và nhà nước CSVN trong
mưu toan xả thải những chất cực độc xuống lòng biển Vũng Áng, không chỉ gây nên
thảm họa biển chết, cá chết và cả người chết mà còn di lụy cho nhiều thế hệ kế
tiếp, là yếu tố quan trọng và vững chắc để hỗ trợ cho vụ kiện. Đây là một yếu tố
nằm trong quyền dân sự của các nạn nhân, không chỉ riêng cho những gia đình ngư
dân trực tiếp hiện nay mà còn bao gồm cả các thế hệ công dân trẻ mai ngày nếu
không kịp thời khắc phục sự lây lan của chất thải.
Nhấn mạnh tầm mức rộng lớn về hậu quả vụ hủy hoại
môi trương biển Vũng Áng và những yếu tố cơ bản thuộc quyền dân sự trước luật
pháp, Tâm Thư của các tổ chức Xã Hội Dân Sự độc lập viết:
“Formosa đã gây thiệt hại cho hàng triệu
con người làm những nghề liên quan đến biển: đánh bắt nuôi trồng thủy sản, dịch
vụ tàu thuyền ngư nghiệp, du lịch sinh thái duyên hải. So với hơn 60 tỷ đôla mà
công ty British Petroleum đã phải trả cho các nạn nhân vụ tràn dầu ở vịnh
Mexico năm 2010, số tiền bồi thường 500 triệu đôla (=11 ngàn tỷ đồng VN) của
Formosa hoàn toàn nực cười, chẳng thấm vào đâu, kiểu bố thí cho nạn nhân, khiến
người dân cảm thấy bị lăng nhục. Ngay cả quốc tế, như Quỹ Ethecon tại Đức (công
tố của Formosa) và chính phủ Đài Loan (quê hương của Formosa) cũng phê phán rằng
như thế là vô cùng ít ỏi.
Đang khi đó, chính phủ VN tự tiện đoạt
quyền của các nạn nhân để đón nhận số tiền ấy và chi dùng, phân phối nó cách
tùy tiện. Trong thực tế, việc hỗ trợ ngư dân (chưa nói đến các ngành nghề khác)
đã chẳng tới đâu (trung bình vài chục ký gạo mỗi người và vài triệu đồng mỗi hộ).
Việc nhà nước thu mua hải sản đánh bắt xa bờ cũng chỉ là hứa cuội. Vô số người
dân 4 tỉnh miền Trung phải tha phương cầu thực. Hôm 10-08-2016 lại có tin động
trời cho hay: Formosa được Tổng cục Thuế dự kiến miễn thuế và hoàn thuế với
số tiền hơn 10.450 tỷ đồng (chủ yếu do bị thiệt hại từ sự cố biểu tình
ngày 13-5-2014 lúc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 tại vùng biển và
thềm lục địa VN). Điều này khiến dư luận càng thêm công phẫn và các nạn nhân
càng thêm ngao ngán.”
Chính những lời tố cáo cùng những phát giác sau đây
của 21 tổ chứ XHDS độc lập ở quốc nội đã cung ứng những dữ kiện cụ thể, vững chắc,
đầy tính thuyết phục về phương diện luật pháp hỗ trợ cho các nạn nhân khi thiết
lập hồ sơ khiếu kiện trước Tòa Án Nhân Dân Thị Xã Kỳ Anh hôm 27-9 vừa qua:
“Với việc đặt ống xả thải ngầm dưới biển,
để xảy ra sự cố mất điện nhiều ngày, đẩy vào đại dương hàng chục, thậm chí hàng
trăm ngàn khối nước thải sinh hóa, giết chết tôm cá hàng loạt từ tầng mặt xuống
đáy sâu, tiêu diệt các rặng san hô thuộc 4 tỉnh miền Trung, Formosa quả đã phạm
tội ác đối với môi trường. Từ đó gây nạn đói, cảnh thất nghiệp, nhiễm độc thức
ăn, tổn hại sức khỏe cho dân Việt trong hiện tại lẫn tương lai, thành thử phải
bị truy tố. Chính Quỹ Ethecon cũng cho rằng: “Những kẻ
chịu trách nhiệm của Formosa phải bị đưa ra tòa và xét xử thích đáng. Tội ác về
môi trường phải được điều tra triệt để, từ phía tập đoàn cũng như từ phía chính
phủ… một sự bồi thường công minh và tương xứng phải được bảo đảm, cũng như sự
trừng phạt thích đáng những kẻ chịu trách nhiệm, phải được thực thi”.
(Thông cáo báo chí ngày 16-08-2016)
Chi tiết sau đây trong Tâm Thư kể trên, hỗ trợ cấp
thời cho vụ kiện sơ khởi lúc này của 506 bà con Phú Yên và hàng ngàn, hàng vạn
nạn nhân trong tương lai nhằm vào tổ hợp Formosa giới hạn trong hệ thống tư
pháp địa phương. Xa hơn nó còn tăng thêm khả năng đẩy vụ kiện này lên tầm vóc
quốc tế. Đầu tiên nó vạch trần những vướng mắc mờ ám của nhà cầm quyền Hànội đối
với tập đoàn Formosa khiến một mặt họ bao che cho hành vi phạm pháp của thủ phạm.
Mặt khác, họ còn cúi mặt từ chối đề nghị của nhiều chính phủ tiên tiến muốn tiếp
tay trong việc thử nghiệm để tìm ra các loại độc chất trong nước biển, trong
các loại tôm cá chết, nhất là người chết!
“… Chính Quỹ bảo vệ Biển của Đức trong
Thông cáo báo chí ngày 26-07-2016 đã cho biết chuyên gia của họ (được mời
riêng tư chỉ để góp ý cho báo cáo soạn sẵn của Viện Hàn lâm Khoa học VN) không
được phép lấy mẫu chất độc để nghiên cứu. Mới đây, ngày 22-08-2016, tại
Quảng Trị, bộ Tài nguyên Môi trường đã tổ chức hội nghị công bố rằng sau khi
quan trắc môi trường, nay bộ xác nhận biển 4 tỉnh Miền Trung đang tự làm sạch,
nước biển đã đạt quy chuẩn để tắm và nuôi trồng thủy sản!?!”
Về điểm này người ta chưa quên trường hợp giới truyền
thông Đài Loan đã gặp rất nhiều khó khăn do lực lượng an ninh địa phương gây ra
khi các nhà báo của họ tới Vũng Áng tác nghiệp để tìm hiểu về hành vi gây hại
môi trường biển với mục tiêu thực hiện một loạt phóng sự về chuyện này như họ từng
làm để tố giác tội ác của Formosa trong quá khứ. Quan trọng hơn nữa là trường hợp
bà Tô Thị Phần, một Dân Biểu Đài Loan và cũng là một nhà đấu tranh bảo vệ môi
trường nổi tiếng tại đảo quốc này bị an ninh Hànội cản trở khi xuống phi trường
Nội Bài không cho bà lên máy bay đi tiếp tới Vũng Áng để tự mình mở cuộc điều
tra về hành vi xả thải độc tố xuống biển của tổ hợp Formosa. Sau đó bà phải tìm
mọi cách dùng đường bộ, nhưng khi tới nơi lại bị bọn công an mặc thường phục
ngăn chặn không cho bà tự do hành động.
Tâm Thư viết tiếp:
“Công luận cho rằng chỉ quan trắc môi
trường, nghĩa là chỉ theo dõi chứ chưa có hoạt động thanh tẩy thì không thể nào
vùng biển đó tự sạch được trong thời gian mấy tháng. Khi vịnh Minamata ở
tỉnh Kumamoto (Nhật Bản) bị nhiễm thủy ngân, phenol và cyanur vào nửa đầu thế kỷ
XX, chính phủ Nhật phải mất 40 năm ra sức nạo vét lòng biển với gần 50 tỷ yen mới
dám tuyên bố đã làm sạch biển.”
Những việc cần làm
Trước hết, cần nói ngay để tránh ngộ nhận. Tất cả những
gì được trình bày ở đây là do sự thôi thúc từ ý thức công dân và trách nhiệm của
người cầm bút trước sự tồn vong của đất nước, cụ thể là tình trạng đau thương
thống khổ của đồng bào nạn nhân thảm họa cá chết, người chết ở bốn tỉnh miền
Trung. Cá nhân người viết tự biết mình không đủ kiến thức chuyên môn về phương
diện pháp lý, nhất là công pháp quốc tế. Do đó, bài viết này chỉ là những gợi ý
sơ khởi nhân đọc những tài liệu liên quan tới trường hợp ông Trịnh Vĩnh Bình, một
người tị nạn định cư ở Hà Lan kiện đảng và nhà nước CSVN để đòi bồi thường cho
những thiệt hại mà gia đình ông phải gánh chịu.
Trong hoàn cảnh hiện nay, vì thấy trước những trở ngại
chưa thể vượt qua trong vấn đề vận động phương tiện để đưa kẻ ác ra tòa quốc tế,
bước đầu các nạn nhân bốn tỉnh miền Trung chỉ giới hạn vụ kiện trong phạm vi địa
phương. Tuy vậy, dư luận trong và ngoài nước đều tỏ ý
mong mỏi vụ kiện sẽ sớm được đưa ra tòa án quốc tế. Trong lời kêu gọi khẩn
thiết gửi đồng bào của LM Đặng Hữu Nam trước và sau ngày 26 & 27-9-2016 khi
hướng dẫn đồng bào nạn nhân nạp hồ sơ kiện Formosa ở thị xã Kỳ Anh, ông cũng
không loại bỏ việc nâng cấp vụ kiện này ra ngoài phạm vi tòa án trong nước.
Đôi điều góp ý trước khi kết
thúc
Theo thiển ý có mấy chuyện cấp bách sau đây cần thực
hiện:
* Trước hết,
cần đẩy mạnh cuộc vận động các giới đồng bào trong
ngoài nước – kể cả những cá nhân, tổ chức trên thế giới – đóng góp tài chánh
cho quỹ yểm trợ pháp lý trong vụ kiện thế kỷ này. Căn cứ vào những khoản
chi phí linh tinh mà LM Đặng Hữu Nam phải lo để có thể hoàn tất việc đưa đón
600 nạn nhân trên đoạn đường mấy trăm cây số đi nạp hồ sơ khiếu kiện ở thị xã Kỳ
Anh hôm rồi đủ để mọi người hình dung ra những ngân khoản to lớn cần có, nếu
mai ngày phải nhờ tới sự can thiệp của hệ thống pháp lý quốc tế.
* Thứ hai,
sưu tầm những chứng tích, tài liệu liên quan tới tất cả
những vụ xâm phạm môi trường sinh thái – cách riêng môi trường biển-
trên thế giới dẫn tới những thảm họa tương tự mà các ngư dân Việt Nam đang phải
đối diện, bao gồm trường hợp công ty hóa chất Chisso gây ra ở vịnh Minamata, Nhật
Bản thế kỷ trước. Đây là những chứng liệu cụ thể, cần thiết để đưa vào hồ sơ pháp lý vụ kiện về thảm họa môi trường
biển hiện nay.
* Thứ ba,
vận động để mời gọi sự tiếp tay của những luật sư thiện
chí trong ngoài nước am tường luật lệ quốc tế, có nhiều kinh nghiệm để
giúp nghiên cứu sâu xa những khía cạnh có thể áp dụng trong vụ kiện tổ hợp gang
thép Formosa ra tòa quốc tế.
* Thứ tư,
dựa vào lời ông Trịnh Vĩnh Bình hứa nếu thắng kiện lần này sẽ hỗ trợ các nạn
nhân gặp khó khăn về tiền bạc trong các vụ tranh tụng với đảng và nhà nước cộng
sản Việt Nam, người viết nêu câu hỏi: liệu trong vụ kiện
Formosa và những kẻ đồng lõa đã gây hệ quả tại hại trầm trọng cho môi trưởng biển
Vũng Áng, bên nguyên có nên tiếp xúc với ông Trịnh để tìm sự giúp đỡ không?
Nam
California ngày 30-9-2016
Trần Phong Vũ