01.01.2017

Việt Nam - Những Ngày Cuối Năm

Việt Nam - Những Ngày Cuối Năm


Dân Sài Gòn, Hà Nội đổ ra đường đón năm mới 2017

Hàng ngàn người đổ ra đường vui chơi và chào đón năm mới dương lịch ở Sài Gòn và Hà Nội dù năm nay không có bắn pháo bông.

Hàng ngàn người dân vui chơi tại đường Nguyễn Huệ, quận 1, Sài Gòn tối 31 Tháng Mười Hai, 2016. (Hình: Tuổi Trẻ)

Tại Sài Gòn mọi người đã chuyển hướng đến các khu vui chơi khác trong đêm giao thừa. Giới trẻ tuổi chọn phố đi bộ Nguyễn Huệ làm địa điểm vui chơi vào Tết Dương lịch 2017. Ngoài ra, tại đây có chương trình đếm ngược trong thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới và trình chiếu ánh sáng nghệ thuật 3D lên tòa thị chính thành phố và tòa nhà Timesquare.




Hàng ngàn người đứng kín khu vực hồ Gươm từ rất sớm. (Hình: Tuổi Trẻ)

Tại Hà Nội, hàng ngàn người đến khu vực hồ Gươm đếm ngược đón năm mới. Ngay từ chiều tối, hàng ngàn người đã có mặt tại xung quanh khu vực hồ Gươm, Hà Nội để tham dự chương trình đếm ngược và văn nghệ đón mừng năm mới.

Dân ở các thành phố lớn không bị ảnh hưởng bởi lũ lụt gây ra bởi thủy điện xả lũ ở miền Trung hoặc ảnh hưởng bởi Formosa xả chất thải độc ra biển thì háo hức như thế. Vào thời khắc này, suốt một dọc nhiều tỉnh miền Trung từ Hà Tĩnh, Quảng Bình đến tận Bình Thuận, Ninh Thuận, hàng trăm ngàn gia đình đang đối diện với đủ mọi thứ khó khăn do “nhân tai” phối hợp với thiên tai gây ra. (TN)


Người Việt


Truyền đơn xuất hiện tại Việt Nam vào những ngày cuối năm


Trong 3 ngày qua, tin tức cho biết, những người quan tâm đến tình hình Việt Nam không lấy làm ngạc nhiên khi nhìn thấy truyền đơn lại xuất hiện lần nữa ngay tại Hà Nội, trên các đường phố có đông đảo người đi qua. Nội dung kêu gọi mọi người cùng nhau lật đổ chế độ cộng sản để xây dựng đất nước. Qua các phương tiện truyền thông xã hội, người ta đã thấy sự lan truyền tin tức về Lực Lượng Quốc Dân  Việt Nam (LLQDVN) thuộc Mặt Trận Quốc Gia Việt Nam, mới xuất hiện tại Hà Nội. Mặt Trận Quốc Gia Việt Nam là tổ chức đã được thành lập ở hải ngoại từ hơn 10 năm trước. Thời gian âm thầm hoạt động đã qua, nay họ có những hoạt động tích cực hơn nhờ có sự yểm trợ từ các đảng viên CSVN đã bỏ đảng, từ quân đội đến các cơ quan công quyền. 
Hình thức phổ biến truyền đơn không giống những lần trước. Họ đã gắn truyền đơn trên các gốc cây lớn trong thành phố, tại những nơi có nhiều người qua lại, gây chú ý cho nhiều người, nhất là công an CSVN. Công an đã ra sức điều tra nhưng chưa tìm ra manh mối.  



Hồi tháng trước, cũng tổ chức này đã phổ biến truyền đơn chung quanh các tòa Đại Sứ và các cơ quan lớn của nhà cầm quyền CSVN, để chứng tỏ sự có mặt của LLQDVN tại thủ đô.


Bản Tin của Lực Lượng Quốc Dân  Việt Nam (LLQDVN)







   
 Cản phá không cho tưởng niệm nạn nhân lũ lụt
RFA
Dược sĩ Nguyễn Anh Tuấn ở Hà Nội treo băng-rôn tưởng niệm các nạn nhân lũ lụt miền Trung.  RFA

Con số hơn 230 người Việt bị thiệt mạng do thiên tai, lũ lụt gây nên trong năm qua khiến một số cư dân mạng lên tiếng kêu gọi phải tổ chức quốc tang cho họ từ ngày 26 đến 28 tháng 12.

Một dược sĩ trẻ tại Hà Nội hưởng ứng lời kêu gọi này, thế nhưng việc làm của anh lại bị cản phá.

Quốc tang cho nạn nhân lũ lụt

Kêu gọi được đưa ra trên mạng xã hội facebook và nhiều người đồng loạt thay ảnh đại diện, hình cover của trang cá nhân với hình “Quốc tang tưởng niệm nạn nhân lũ lụt ở miền Trung”.

Anh Nguyễn Anh Tuấn – một dược sĩ trẻ tại Hà Nội, đã không chỉ thể hiện trên mạng, mà còn có hành động thực tế để “quốc tang” trong đời thực. Ngày 26/12/2016, anh Tuấn đã treo một lá cờ rủ, có cuốn dải băng đen tại cổng nhà.

Anh cho biết lý do thôi thúc anh làm việc này:
“Trước hết không hẳn là theo cái kêu gọi ở trên mạng, mà trước hết nó xuất phát từ cái suy nghĩ của mình khi mà qua các báo cáo của chính phủ trên báo chí…”

Gây hấn, đe dọa

Tuy nhiên, động thái đó của anh vấp phải sự ngăn cản của chính quyền và lực lượng an ninh địa phương. Anh chia sẻ trên trang cá nhân rằng: “Chiều 26/12, cùng ngày, an ninh quận Hai Bà Trưng, công an phường Vĩnh Tuy, tổ dân phố, và 2 bà hàng nước đã tụ tập đến hơn 20 người, đe doạ ầm ĩ, gây sức ép với vợ Tuấn, bắt phải tháo cờ xuống.

Sự việc này đã được camera giám sát an ninh của nhà anh Tuấn ghi lại rõ ràng, nhưng anh đã không sử dụng bằng chứng này để tố cáo những người đã “cướp” đi lá cờ rủ của anh. Anh nhận định về hành xử của phía những người cản phá anh như sau:

“Có những người còn hò hét là mình treo cờ, một lá cờ rất là khiêm tốn, lá cờ rất là nhỏ được buộc gọn gàng lại bên cổng nhà mình là một hành vi gây rối mất trật tự công cộng.

Họ chỉ thấy rằng việc mà mình thực hiện một nghi lễ quốc tang đó nó trái với quan điểm của chế độ cầm quyền.

Đáng xấu hổ với những người nhìn nhận ra nhưng vẫn phải làm từ sức ép của các lãnh đạo từ bên trên mà vắng mặt và đáng thương những người bị ép thực hiện hành vi đáng xấu hổ này…”

Đến ngày 28/12/2016, anh Tuấn lại tiếp tục hành động thực hiện “quốc tang” của mình bằng cách treo một tấm băng rôn ghi rõ nội dung “Tưởng niệm 235 đồng bào đã tử nạn vì lũ lụt năm 2016” lên hàng rào trước nhà. Anh giải thích lý do vì sao anh lại treo băng rôn như vậy:

“Mình muốn treo cái băng rôn này là vì một là hình thức mình tiếp tục tưởng niệm, hai là ai chưa hiểu thì họ có thể hiểu ra tại sao mình lại làm như thế. Rất hy vọng họ có thể hưởng ứng và họ cũng có một cái động tác nào đó tưởng niệm cho các nạn nhân chết vì lũ lụt…”

Trách nhiệm với cộng đồng, xã hội

Việc thực hiện hành động “quốc tang” của anh Tuấn ngoài việc vấp phải sự cản phá như ngày 26/12, gia đình anh Tuấn cũng chịu một số sức ép khác. Vợ của anh Tuấn hiện là một giảng viên đại học tại Hà Nội đã bị phía cơ quan an ninh gây sức ép đến nhà trường.

Ngoài ra, khi ngôi nhà của anh bị quậy phá hôm 26/12 với sự tham gia của một nhóm “côn đồ”, trong nhà có vợ và con gái nhỏ của anh, anh chia sẻ cách thức mà vợ chồng anh bảo vệ con cái trong những sự vụ như vậy:

“Có đôi khi ta không có được tất cả, ta phải chấp nhận một số thiệt hại nhất định. Ví dụ như con mình, đương nhiên là cháu sợ nhưng mà mình và vợ đã thống nhất cho con mình ở trong nhà, đóng cửa lại không cho con tiếp xúc hoặc nhìn thấy với những người họ đến họ gây sức ép. Với vợ mình đương nhiên mình cũng cảm thấy có lỗi…”

Anh cho biết có thể gia đình vợ con anh phải chịu cú sốc tâm lý do những người khác gây nên vừa qua; nhưng anh mong người vợ sẽ hiểu và thương yêu anh qua cả những hành động trách nhiệm đối với người thân gần gũi cũng như đối với cộng đồng xã hội.

Vừa qua khi chính quyền Hà Nội thông báo sẽ tổ chức quốc tang cho ông Fidel Castro, cố lãnh tụ cách mạng cộng sản Cuba, nhiều người dân Việt Nam đã tỏ ra không đồng thuận.

Đến khi cơ quan chức năng chính thức công bố số nạn nhân tử vong vì thiên tai, lũ lụt trong năm nay tại Việt Nam, nhiều người lại nghĩ ngay đến “quốc tang” cho số người này.

Một lý do là họ phải hy sinh mạng sống một cách oan uổng vì sự tắc trách của con người- họ chết vì nhân tai chứ không phải thiên tai!

Phóng viên RFA tại Hà Nội