07.02.2017

EU, Hoa Kỳ lên tiếng về việc Việt Nam bắt các nhà hoạt động

EU, Hoa Kỳ lên tiếng về việc Việt Nam bắt các nhà hoạt động

Tù nhân lương tâm Nguyễn Văn Oai đã bị bắt hôm 19/1/2017. Ảnh: internet

Việc nhà chức trách Việt Nam bắt giữ một số nhà hoạt động trong nửa cuối tháng 1 đã làm các phái bộ ngoại giao của EU và Mỹ “quan ngại”. Họ đã nhanh chóng lên tiếng vào thời điểm cuối tháng 1, trùng với những ngày nghỉ Tết kéo dài ở Việt Nam, khi báo chí và người dân dường như chú ý nhiều hơn đến các thông tin về Tết.


Hai nhà hoạt động vì nhân quyền là bà Trần Thị Nga và ông Phan Văn Phong bị bắt giữ ngày 21/1 ở Hà Nam với cáo buộc “tuyên truyền chống phá nhà nước”. Hai ngày trước đó, một nhà hoạt động nhân quyền khác là ông Nguyễn Văn Oai bị bắt giữ tại tỉnh Nghệ An với cáo buộc “chống lại người thi hành công vụ” và vi phạm thời hạn án treo.

Trong thông điệp đăng hôm 26/1 trên trang Facebook của Phái đoàn Liên hiệp châu Âu ở Việt Nam, Đại sứ Bruno Angelet kêu gọi rằng “Sự an toàn của những nhà bảo vệ nhân quyền cùng với quyền được thể hiện chính kiến một cách tự do, ôn hòa mà không bị đe dọa hay cản trở cần phải được bảo đảm”. Vị trưởng đại diện phái đoàn nhấn mạnh đây là “một trong những cam kết quốc tế và trong nước của Việt Nam về nhân quyền”.

Đại sứ của Liên hiệp châu Âu cũng kêu gọi chính quyền Việt Nam “đảm bảo quyền lợi của bà Trần Thị Nga, ông Phan Văn Phong và ông Nguyễn Văn Oai được tôn trọng”. Thông điệp của đại sứ nhắc lại rằng “Ủng hộ các nhà bảo vệ nhân quyền là một nội dung lâu đời trong chính sách của Liên hiệp châu Âu về nhân quyền”.

Từ Việt Nam, ông Vũ Quốc Ngữ, Tổng giám đốc của Người Bảo vệ Nhân quyền, nói với VOA hôm 6/2 ông đánh giá cao tuyên bố của EU:

Tôi cũng thấy mừng là bên EU họ cũng ra một tuyên bố để phản đối việc bắt giữ chị Nga và anh Nguyễn Văn Oai. Tôi cũng trông đợi phản ứng này của EU từ lâu rồi. Đấy là một tín hiệu ủng hộ của Liên minh châu Âu đối với hoạt động nhân quyền ở Việt Nam. Thường là những người bị bắt vì cáo buộc về an ninh quốc gia là do họ thực hiện những quyền tự do ngôn luận và bày tỏ chính kiến, chứ họ cũng không phải những người thực sự gây hại cho an ninh quốc gia Việt Nam”.

Chỉ 3 ngày trước khi phái bộ EU công bố thông điệp của Đại sứ Bruno Angelet, hôm 23/1, Tòa Đại sứ Mỹ ở Hà Nội đã gửi VOA hồi đáp của họ khi được hỏi về vụ bắt giữ bà Nga.

Tòa Đại sứ Mỹ nói rằng họ “quan ngại sâu sắc về việc bắt giữ bà Trần Thị Nga tại Hà Nam” và “Hoa Kỳ kêu gọi Việt Nam thả bà Nga và tất cả tù nhân lương tâm khác, và cho phép tất cả cá nhân tại Việt Nam tự do thể hiện quan điểm chính trị của mình trên mạng và ngoài đời mà không lo sợ bị trừng phạt”.

Email của Đại sứ quán Mỹ gửi VOA cũng nhắc lại là họ “đã liên tiếp kêu gọi chính quyền Việt Nam bảo vệ quyền tự do hội họp một cách ôn hòa, quyền lập hội đoàn, quyền tự do biểu đạt và quyền tự do tôn giáo đã được quy định trong Hiến pháp 2013 và các nghĩa vụ quốc tế về nhân quyền của Việt Nam”.

Việc nhà chức trách bắt những người đấu tranh gần dịp Tết, khi các gia đình quây quần, đoàn tụ đã dẫn đến những chỉ trích gay gắt trên mạng xã hội từ nhiều nhà hoạt động thúc đẩy dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam. Họ gọi đó là hành động “độc ác”, “vô nhân đạo”.

Tin  VOA Tiếng Việt