28.04.2017

Tin Tổng Hợp Liên Quan đến Biển Đông và Trung cộng (ngày 28.04.2017)

Tin Tổng Hợp Liên Quan đến Biển Đông và Trung cộng (ngày 28.04.2017)

TT Phi Luật Tân: Không có hy vọng chống lại Trung cộng ở Biển Đông

Tổng thống Phi Luật Tân Rodrigo Duterte (T) đón quốc vương Brunei Hassanal Bolkiah (G) tại Manila, ngày 27/04/2017.NOEL CELIS / AFP
Hôm nay, 27/04/2017, tổng thống Phi Luật Tân, nước chủ tịch luân phiên Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN), nói rằng không thể chống lại việc Trung cộng bồi đắp các đảo nhân tạo trong các vùng đang có tranh chấp ở Biển Đông bởi vì không thể ngăn chặn được tiến trình này.
TT Phi Luật Tân đã có những phát biểu như vậy vào lúc ASEAN chuẩn bị họp hội nghị thượng đỉnh, bắt đầu từ ngày mai, 28/04, tại Manila. Đồng thời, ông khẳng định sẽ không đế cập đến sự kiện này để gây sức ép với Trung cộng trước các hành động bá quyền của Bắc Kinh ở Biển Đông.
Tổng thống Phi Luật Tân giải thích : Ai có thể ngăn chặn ? Chúng tôi ư ? Chỉ có Hoa Kỳ mới đủ khả năng ngăn chặn Trung cộng trong việc này. Lẽ ra, từ nhiều năm nay, Mỹ nên dùng hải quân để ngăn chặn Trung cộng bồi đắp các đảo nhân tạo. Thế nhưng, Hoa Kỳ đã để cho việc này xẩy ra.
Mặt khác, tổng thống Phi Luật Tân cũng cho biết là sẽ không nêu các phán quyết của Tòa Án Trọng Tài Thường Trực La Haye về Biển Đông tại thượng đỉnh ASEAN. Ông nói : "Tôi sẽ tránh nêu phán quyết của Tòa. Đây không phải là vấn đề của ASEAN và đó chỉ là vấn đề giữa Trung cộng và Phi Luật Tân.“
Tổng thống Duterte nói là nhân dịp thượng đỉnh, ông muốn các nước ASEAN tập trung thảo luận về Bộ Quy Tắc Ứng Xử ở Biển Đông – COC. Theo các nhà ngoại giao Phi Luật Tân, thì bộ khung của COC có thể được hoàn tất vào tháng Sáu.
Giới quan sát tỏ ra thận trọng vì từ 15 năm nay, Trung cộng đã tìm mọi cách trì hoãn các cuộc thương lượng về COC, đồng thời tranh thủ thời gian để bồi đắp, xây dựng các đảo nhân tạo tại các nơi đang có tranh chấp ở Biển Đông. 

Nam Dương: ASEAN nên có lập trường Biển Đông chung trước đàm phán với Trung cộng

Tổng thống Nam Dương Joko Widodo trước dinh tổng thống ở Jakarta, ngày 29/03/2017Reuters
ASEAN nên giải quyết “ngay lập tức” các tranh chấp Biển Đông trước khi diễn ra thượng đỉnh của khối này. Tổng thống Nam Dương Joko Widodo đã phát biểu như trên khi trả lời phỏng vấn đài truyền hình Phi Luật Tân ANC.
Trong một cuộc phỏng vấn được kênh truyền hình ANC phát sóng hôm nay 27/04/2017, tổng thống Joko Widodo cho rằng Hiệp hội các Quốc Gia Đông Nam Á cần có một “thỏa thuận chung” về các tranh chấp trên Biển Đông trước khi đàm phán với Trung cộng.
Ông nói: “Biển Đông là một trong những hồ sơ cần được giải quyết ngay lập tức. Trong những lần thượng đỉnh trước, giữa các thành viên trong khối vẫn còn tồn tại nhiều bất đồng. Tôi cho là chúng ta nên có một quan điểm chung”.
Vẫn theo tổng thống Nam Dương, “điều quan trọng nhất là trong nội bộ ASEAN nên có một sự đồng thuận với nhau về vấn đề này, khi đó và chỉ khi đó, chúng ta mới có thể nói chuyện với Trung cộng”.
Bộ Quy Tắc Ứng Xử sẽ phải làm cơ sở cho các hoạt động chung trên Biển Đông, bao gồm cả các hoạt động khai thác và đánh bắt. Do vậy, theo nguyên thủ Nam Dương, Bộ Quy Tắc này phải cụ thể, thực tế và rất quan trọng.


Chuyện biển Đông tại thượng đỉnh ASEAN 2017
Biểu tượng ASEAN bên ngoài Trung tâm Hội nghị Quốc tế Phi Luật Tân, Manila. Ãnh chụp ngày 25/4/2017.  AFP photo

Hội nghị Thượng đỉnh các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) diễn ra từ ngày 26 đến 29 tháng 4 tại Manila, Phi Luật Tân được trông đợi là sẽ đề cập đến vấn đề tranh chấp ở biển Đông giữa Trung cộng và những nước láng giềng.
Quyền Ngoại trưởng Phi Luật Tân, ông Enrique Manalo mới đây nói với tờ South China Morning Post rằng những tranh chấp ở khu vực biển Đông sẽ được đưa ra bàn thảo giữa 10 nước thành viên ASEAN tại thượng đỉnh ASEAN nhưng ông cũng đồng thời nhấn mạnh những thảo luận này sẽ không ảnh hưởng đến quan hệ giữa Trung cộng và Phi Luật Tân.
Không làm xấu quan hệ với Trung cộng
Tờ South China Morning Post trích lời ông Manalo nói rằng Phi Luật Tân sẽ nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thúc đẩy hoặc ít nhất là điều tiết những căng thẳng và tranh chấp một cách hòa bình và qua những phương cách ngoại giao. Phi Luật Tân nhìn nhận còn tồn tại những khác biệt, nhưng điều này không có nghĩa là mối quan hệ tổng thể sẽ bị ảnh  hưởng bởi vì Phi Luật Tân và Trung cộng cũng có quan hệ kinh tế và trao đổi giữa người dân hai nước tốt đẹp.
Mối quan hệ giữa Phi Luật Tân và Trung cộng đã từng có thời gian căng thẳng dưới thời của Tổng thống Benigno Aquino mà đỉnh điểm là việc Phi Luật Tân đệ đơn lên tòa Trọng tài Quốc tế ở The Hague đòi hỏi làm rõ những yêu sách về chủ quyền của Trung cộng ở biển Đông.
Tuy nhiên kể từ khi Tổng thống Rodrigo Duterte lên nắm quyền vào hồi giữa năm ngoái, mối quan hệ giữa Trung cộng và Phi Luật Tân đã cải thiện rõ ràng. Tổng thống Duterte cũng tuyên bố sẵn lòng bỏ phán quyết của tòa sang một bên khi đàm phán với Trung cộng. Tổng thống Duterte cũng nói nhiều lần là ông muốn cải thiện quan hệ với Trung cộng, trong khi chỉ trích Hoa Kỳ, nước đồng minh lâu năm của Phi Luật Tân. Giáo sư Renato Cruz de Castro, chuyên gia về quan hệ quốc tế thuộc trường đại học De La Salle, Phi Luật Tân cho biết:
Kế hoạch của Tổng thống Duterte là quay trở lại giống như dưới thời của Tổng thống Gloria Arroyo. Nhưng thời đó, Tổng thống Arroyo chơi một trò chơi mà tôi gọi là trò chơi cân bằng. Theo cách này, Phi Luật Tân tìm một điểm trung gian giữa hai cường quốc đang cạnh tranh với nhau, đó là Mỹ và Trung cộng. Cơ bản mà nói thì đây giống như một cách thí quân mở đường theo cách ngoại giao.
Tổng thống Arroyo vào đầu những năm 90 cho thấy là bà ủng hộ Mỹ trong trận chiến chống khủng bố và đã có được những hỗ trợ từ Mỹ. Cùng lúc đó bà mở ra các cơ hội để hợp tác phát triển chung với Trung cộng.
Vào tháng 5 tới đây, Phi Luật Tân và Trung cộng sẽ bắt đầu những đàm phán song phương chính thức về vấn đề biển Đông. Theo ông Manalo, vấn đề chính được bàn thảo giữa hai nước sẽ bao gồm những vấn đề kỹ thuật ở mức cấp cao. Ông đánh giá đây là cơ hội tốt cho phía Phi Luật Tân để nêu ra những vấn đề với Trung cộng và môi trường cũng thuận tiện để hai phía có thể nói chuyện và giải quyết những khác biệt một cách hòa bình.
Gần đây Trung cộng cũng đã cho phép các ngư dân Phi Luật Tân trở lại đánh bắt cá trong khu vực bãi cạn Scaborough Shoal mà nước này chiếm của Phi Luật Tân từ năm 2012.
Tổng thống Duterte mới đây cũng lên tiếng cho biết ông đang xem xét đến việc hợp tác với Trung cộng để cùng khai thác tài nguyên thiên nhiên ở khu vực tranh chấp.
Căng thẳng có thể tiếp tục
Tổng thống Phi Luật Tân Rodrigo Duterte (phải) bắt tay Phó Chủ tịch Trung cộng Wang Yang (trái) tại thành phố Davao, Phi Luật Tân hôm 17 tháng 3 năm 2017. AFP photo

Phía Phi Luật Tân cũng sẽ tập trung vào việc xây dựng một bộ khung cho Bộ Quy tắc về Ứng xử của các bên ở biển Đông giữa ASEAN và Trung cộng (gọi tắt là COC) và hy vọng sẽ hoàn tất trong tháng tới và được các nước chấp thuận trong năm nay.
Tuy nhiên, đã có những nghi ngờ về khả năng COC có thể được thông qua như Phi Luật Tân mong đợi. Giáo sư Renato Cruz de Castro nhận xét:
Tôi rất nghi ngờ khả năng COC có thể được hoàn tất vào năm nay. Nam Dương đã cố gắng thực hiện điều này, Việt Nam đã cố gắng, Campuchia ở chừng mực nào đó cũng có cố gắng. Với tình hình thực tế mà Phi Luật Tân đang có thì Phi Luật Tân đang tìm cách duy trì mối quan hệ mới tốt đẹp với Trung cộng. Nhưng mặt khác Phi Luật Tân cũng phải đối mặt với lập trường cứng rắn từ Trung cộng muốn xây dựng các cơ sở quân sự ở biển Đông. Tình hình này đặt Phi Luật Tân vào một vị trí rất khó xoay xở liệu Phi Luật Tân có thể đưa ra được một COC có tính ràng buộc hay không và do đó có thể khiến Trung cộng tức giận. Cho nên tôi nghĩ cam kết đó của Phi Luật Tân cũng nên được coi là hơi quá mức.
Vào tháng 2 vừa qua, tại hội nghị Ngoại trưởng các nước ASEAN diễn ra tại Phi Luật Tân, các nước ASEAN đã thống nhất lên tiếng bày tỏ quan ngại trước các hoạt động quân sự hóa ở biển Đông. Ngoại trưởng Phi Luật Tân Perfecto Yasay vào lúc đó nói rằng việc phi quân sự hóa sẽ là yếu tố then chốt trong bất kỳ một COC nào đạt được giữa ASEAN và Trung cộng, nhưng còn quá sớm để có thể nói rằng liệu việc Bắc Kinh tháo gỡ các vũ khí lắp đặt trong khu vực có phải là điều kiện tiên quyết cho việc hình thành COC hay không.
Hồi đầu tháng này Bộ trưởng Quốc phòng Phi Luật Tân cùng một số viên chức quốc phòng cấp cao khác đến các đảo do nước này kiểm soát ở biển Đông trong nỗ lực khẳng định chủ quyền của Phi Luật Tân. Ngay trước khi những chiếc máy bay quân sự của Phi Luật Tân đến đảo Thị Tứ mà cả Trung cộng, Việt nam và Đài Loan đều đòi chủ quyền, phía Trung cộng đã gửi tín hiệu phát thanh cảnh báo máy bay của Phi Luật Tân đang đi vào khu vực ngoại vi của các cơ sở do Trung cộng kiểm soát và yêu cầu máy bay của Phi Luật Tân phải ra khỏi khu vực này. Phía Việt Nam sau đó cũng lên tiếng phản đối chuyến thăm mà họ cho là phi pháp của giới chức Phi Luật Tân đến Trường Sa.


Đô đốc Mỹ tuyên bố sẵn sàng tuần tra tại Biển Đông
Đô đốc Harry Harris điều trần trước Ủy ban Quân Vụ Hạ Viện Mỹ, ngày 26/04/2017.Reuters

Hôm qua 26/04/2017, trong một cuộc điều trần tại Quốc Hội Mỹ, tư lệnh Bộ Chỉ Huy Thái Bình Dương Mỹ (PACOM) thông báo sẵn sàng cho một cuộc tuần tra mới để bảo vệ tự do hàng hải tại Biển Đông, đồng thời lên án việc Trung cộng “làm biến đổi hoàn toàn diện mạo địa lý và chính trị tại Biển Đông, với việc quân sự hóa và bồi đắp đảo nhân tạo trên quy mô lớn”.

Đô đốc Harry Harris, tư lệnh Bộ Tư Lệnh Thái Bình Dương tuyên bố : “Tôi được bộ trưởng Quốc Phòng và tổng chỉ huy quân đội chỉ đạo và hướng dẫn để tiến hành những hoạt động như vậy. Tôi hy vọng sẽ sớm được làm việc này”. Reuters cho biết tư lệnh Mỹ không đưa thêm thông tin nào cụ thể hơn về chiến dịch này.

Cuối tháng 2/2017, hàng không mẫu hạm Carl Vinson đã có cuộc tuần tra tại Biển Đông tại khu vực nằm giữa đảo Hải Nam và bãi cạn Scarbourough. Cuối tháng 3/2017, Hải Quân Mỹ phái thêm hai khu trục hạm thuộc Hạm Đội 3 đến phối hợp với nhóm tác chiến của hàng không mẫu hạm Carl Vinson, trong các hoạt động tại Biển Đông.

Thông báo của tư lệnh Thái Bình Dương Mỹ được đưa ra cùng ngày với việc Trung cộng tổ chức rầm rộ lễ hạ thủy hàng không mẫu hạm thứ hai và cũng là chiếc đầu tiên do nước này tự đóng. hàng không mẫu hạm này có kế hoạch bố trí gần sát Biển Đông, để sẵn sàng can thiệp tại khu vực tranh chấp này.

Lực lượng Trung cộng tại Trường Sa vượt xa nhu cầu phòng vệ

Cũng trong phát biểu hôm qua, đô đốc Hải Quân Mỹ lên án việc Trung cộng phát triển tại Biển Đông các cơ sở và phương tiện quân sự “vượt xa” so với mục tiêu phòng vệ tại chỗ hay các nhu cầu tiềm năng của khu vực. Theo viên chỉ huy Mỹ, mục tiêu thực sự trước mắt của Trung cộng là “tập trung xây dựng các lực lượng tác chiến và gia tăng ưu thế trên thực địa nhằm giới hạn quyền tự do hàng hải và hàng không, với việc khẳng định chủ quyền trên thực tế đối với nhiều thực thể địa lý và không gian tại Biển Đông”.

Đô đốc Harry Harris khẳng định là hiện tại riêng ở quần đảo Trường Sa, Trung cộng đã xây dựng tổng cộng 72 nhà để phi cơ chiến đấu, tương đương với ba trung đoàn không quân, và khoảng 10 nhà lớn hơn, để chứa các oanh tạc cơ hoặc các loại phi cơ đặc biệt khác. Đô đốc Mỹ nhấn mạnh : Hành động của Trung cộng tại bảy căn cứ quân sự trên các đảo nhân tạo ở Trường Sa, gây tổn hại nghiêm trọng cho môi trường sinh thái, ngược lại hoàn toàn với những cam kết không quân sự hóa của Trung cộng.

Đô đốc Mỹ cũng tố cáo Trung cộng tung hỏa mù che đậy các mục tiêu quân sự với các tuyên bố mời đầu tư tư nhân, xây dựng các công trình dân sự hay phát triển du lịch.

Phát biểu của lãnh đạo Bộ Tư Lệnh Thái Bình Dương Mỹ được đưa ra ngay trước thềm thượng đỉnh của khối ASEAN, tại Manila, khai mạc ngày thứ Bảy 29/04.

Nhiều người lo ngại, ASEAN một lần nữa sẽ lại rơi vào chiếc bẫy “câu giờ” của Trung cộng, trong bối cảnh Bắc Kinh tỏ ra sốt sắng hoàn tất Bộ Quy Tắc Ứng Xử ở Biển Đông (COC) với ASEAN, vào cuối năm nay, đồng thời tiếp tục chủ trương giành quyền kiểm soát dần dần Biển Đông trên thực tế.



ASEAN sẽ tránh chỉ trích Trung cộng

Các nước ASEAN sẽ không chỉ trích Trung cộng và sử dụng những từ ngữ nhẹ nhàng hơn khi nói về vấn đề tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông trong tuyên bố thượng đỉnh các nước ASEAN diễn ra từ ngày 26 đến 29 tháng 4 tại Manila, Phi Luật Tân.

Hãng tin Reuters trích dẫn một số đoạn trong bản thảo tuyên bố chung các nước ASEAN cho biết mặc dù một số nước sẽ bày tỏ quan ngại sâu sắc về các hoạt động leo thang trong khu vực tranh chấp; nhưng ASEAN sẽ không đả động gì đến việc xây dựng trên các đảo nhân tạo của Trung cộng.

Tuy nhiên Reuters trích lời một giới chức ngoai giao ở Ban thư ký ASEAN cho biết các quan chức ASEAN vẫn đang tiếp tục hoàn thiện bảo tuyên bố chung và có thể vẫn có những thay đổi vào phút cuối.

Bản tuyên bố dự kiến sẽ được công bố vào thứ bảy tuần này, ngày 29 tháng 4, cho thấy những nỗ lực muốn giảm căng thẳng với Trung cộng của tổng thống Phi Luật Tân Rodrigo Duterte.

Có 4 nước ASEAN là Việt Nam, Mã Lai, Phi Luật Tân và Brunei đang có những đòi hỏi về chủ quyền chồng lấn với Trung cộng và Đài Loan ở Biển Đông. Trung cộng là nước đòi đến chừng 90% chủ quyền vùng biển này.


Trung cộng hạ thủy hàng không mẫu hạm tự đóng đầu tiên
Hàng không mẫu hạm Trung cộng tự đóng được hạ thủy trong buổi lễ khởi động tại nhà máy đóng tàu Đại Liên ở tỉnh Liêu Ninh, ngày 26 tháng 4 năm 2017.  AFP photo

Trung cộng cho hạ thủy chiếc hàng không mẫu hạm tự đóng đầu tiên giữa những căng thẳng đang leo thang taị Bắc Triều Tiên và những lo ngại xung quanh việc Bắc Kinh tăng cường quân sự hóa vùng Biển Đông.
Hãng Reuter ngày 26/4 loan tin cho biết hàng không mẫu hạm vừa hạ thủy này được đóng tại cảng Đại Liên của Trung cộng và dự tính sẽ được đưa vào hoạt động trong năm 2020.
Hãng tin Tân Hoa Xã khen ngợi chiếc tàu sân bay do Trung cộng tự đóng cho thấy ngành thiết kế và xây dựng hàng không mẫu hạm của Trung cộng đã từng bước đạt được những thành tựu nhất định.
Chính phủ Trung cộng cho biết chiếc tàu lần này được thiết kế theo những kinh nghiệm từ chiếc tàu Liêu Ninh mà Trung cộng mua lại từ Ucraina năm 1998.
Trung cộng cho biết sẽ cần ít nhất 6 chiếc hàng không mẫu hạm. Trước đó nhiều nguồn tin đã từng loan báo rằng Trung cộng đang xây dựng thêm 2 chiếc nữa, tuy nhiên hiện tại Trung cộng chưa lên tiếng xác nhận việc đang xây dựng thêm 1 chiếc khác.
Hoạt động hạ thủy hàng không mẫu hạm tự đóng đầu tiên của Trung cộng diễn ra sau khi Hải quân nước này vừa kỷ niệm 68 năm ngày thành lập vào chủ nhật vừa qua.


Thượng đỉnh ASEAN: Phi Luật Tân bị tố chiều ý Bắc Kinh về Biển Đông
Tổng thống Phi Luật Tân Rodrigo Duterte (P) và thủ tướng Trung cộng Lý Khắc Cường (Li Keqiang) trong một bức ảnh chụp chung tại thượng đỉnh ASEAN+3 tại Vientiane, Lào, 07/09/2016.REUTERS/Soe Zeya Tun

Các cuộc họp chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh ASEAN vào cuối tuần này đã mở ra hôm nay, 26/04/2017, tại Manila dưới quyền chủ tọa của Phi Luật Tân, nước làm chủ tịch luân phiên Hiệp Hội Đông Nam Á năm nay. Bản dự thảo thông cáo chung dự trù công bố cuối hội nghị đã bị cho là có lời lẽ quá « nhẹ » đối với các hành vi quân sự hóa Biển Đông của Trung cộng. Nước chủ nhà bị dư luận tố là đã « chiều ý » Bắc Kinh.

Theo một bản sao bản dự thảo mà các hãng thông tấn Reuters, AP hay AFP có được, lãnh đạo 10 nước Đông Nam Á dĩ nhiên sẽ bày tỏ những « quan ngại sâu sắc » về tình hình « leo thang các hoạt động » trong khu vực Biển Đông đang tranh chấp. Vấn đề là bản dự thảo đã phớt lờ hay chỉ nói gián tiếp về nhiều điểm thiết yếu liên quan hành động của Trung cộng ở Biển Đông.

Hãng tin Mỹ AP đã ghi nhận việc bản dự thảo không đề cập gì đến phán quyết vào năm ngoái của Tòa Trọng Tài Thường Trực bác bỏ các yêu sách chủ quyền quá đáng của Trung cộng tại Biển Đông.

Hãng Reuters thì chú ý đến việc bản dự thảo không nói đến việc Trung cộng bồi đắp và quân sự hóa các đảo nhân tạo ở Biển Đông. Theo các chuyên gia được hãng tin Anh tham khảo, thì bản dự thảo lần này còn nhẹ nhàng đối với Bắc Kinh còn hơn cả bản Thông cáo chung đã được thông qua tại hội nghị thượng đỉnh ASEAN năm ngoái ở Lào.

Hãng tin Pháp AFP cũng thấy rằng văn kiện do chủ tịch ASEAN năm nay là Phi Luật Tân chuẩn bị chỉ đề cập bóng gió đến việc Trung cộng bồi đắp đảo nhân tạo trong nhóm từ « diễn biến gần đây và leo thang các hoạt động ». Tên Trung cộng cũng không được nêu lên.

Lập trường của ông Duterte đã tạo ra phản ứng bất bình. Cựu ngoại trưởng Alberto del Rosario vào hôm qua đã không ngần ngại lưu ý chính quyền Duterte là nên tranh thủ hội nghị ASEAN để nêu bật việc Trung cộng quân sự hóa Biển Đông. Theo ông : « Vai trò lãnh đạo của Phi Luật Tân sẽ bị mất ảnh hưởng đáng kể nếu bỏ lỡ cơ hội này ».

Một cựu viên chức chính quyền Phi Luật Tân còn nặng lời hơn khi so sánh Phi Luật Tân năm nay với Cam Bốt vào năm 2012. Phnom Penh khi đó đã bị tố cáo là ngả hẳn theo Trung cộng và chống lại các đồng minh trong ASEAN trên vấn đề Biển Đông.

Trả lời hãng Reuters, quan chức xin giấu tên này nhận định : « Mọi chú ý đang dồn vào Phi Luật Tân, và điều chờ đợi là Trung cộng sẽ thông qua Duterte để gởi thông điệp đến ASEAN. Phi Luật Tân đang hành động như là tay sai của Trung cộng ».



G7 kêu gọi tuân thủ phán quyết của Tòa trọng tài về Biển Đông 
Đại diện G7 chụp hình lưu niệm tại Lucca, Italy ngày 11/4/17

Ngoại trưởng nhóm nước công nghiệp G7 vừa ra thông cáo chung kêu gọi thực thi phán quyết của Tòa trọng tài Liên hiệp quốc vô hiệu hóa những tuyên bố chủ quyền bành trướng của Trung cộng trên Biển Đông.
Trong thông cáo, Ngoại trưởng G7 cũng nhắc lại sự phản đối mạnh mẽ về việc xây dựng các tiền đồn quân sự mới tại các vùng biển tranh chấp cũng như việc đe dọa dùng võ lực trong giải quyết tranh chấp hàng hải.
Nhóm G7 gồm Canada, Pháp, Đức, Italy, Nhật, Anh, và Mỹ.
Thông cáo nói G7 xem phán quyết ngày 12/7 của Tòa trọng tài chiếu theo Công ước Liên hiệp quốc về Luật biển là căn cứ hữu ích cho các nỗ lực sau này để giải quyết tranh chấp Biển Đông một cách ôn hòa.
Các nước G7 cũng lặp lại cam kết duy trì trật tự hàng hải dựa trên luật quốc tế, đặc biệt là Công ước về Luật biển, giữ vững cam kết về quyền tự do hàng không-hàng hải và các quyền khác trong việc sử dụng biển phù hợp với luật quốc tế.
G7 nhấn mạnh giải quyết tranh chấp phải bằng công cụ pháp lý và bằng các biện pháp xây dựng lòng tin.
Ngoại trưởng nhóm G7 cũng bày tỏ quan ngại về tình hình ở Biển Đông và Biển Hoa Đông.
Thông cáo G7 cũng khuyến khích các cuộc đối thoại dựa trên luật lệ để theo đuổi một Bộ Quy tắc Ứng xử Biển Đông hiệu quả.
“Chúng tôi kêu gọi thực thi đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố Ứng xử Biển Đông một cách toàn diện,” các nước G7 kêu gọi.
Phi Luật Tân kỳ vọng ASEAN và Trung cộng sẽ hoàn tất được khung sườn Bộ Quy tắc Ứng xử Biển Đông trong thời gian Manila giữ chức chủ tịch ASEAN trong năm nay.
Tin RFA, RFI, VOA, BBC, Phil Star/CNN