25.05.2017

Hà Nội - thành phố ô nhiễm nhất Đông Nam Á

Hà Nội - thành phố ô nhiễm nhất Đông Nam Á



Cách đây 5 năm, Hà Nội đã bị coi là thành phố đứng đầu về ô nhiễm không khí ở khu vực Đông Nam Á. Nhưng mối đây, mức độ ô nhiễm trong không khí ở Hà Nội đang ở mức cảnh báo.  Theo các chuyên gia, không khí ô nhiễm này có thể ngấm vào máu nếu thường xuyên hít phải. Đây là dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm cho người dân và khách du lịch đang sống ở Hà Nội.

Không khí Hà Nội chứa loại bụi nguy hiểm nhất thế giới


Trung tâm Phát triển sáng tạo xanh (GreenID), một tổ chức phi chính phủ - vừa công bố báo cáo định kỳ về chất lượng không khí quý I/2017. Theo báo cáo, Hà Nội trải qua 3 tháng đầu năm 2017 với nồng độ bụi cao trong không khí: 

- Có 37 ngày nồng độ bụi PM 2.5 cao gấp đôi so với quy chuẩn quốc gia (25 μg/m3) là 50,5 μg/m3, gần gấp đôi số liệu của thành phố Sài Gòn (28,23 μg/m3) 

- Có 78 ngày vượt quá giới hạn (25 μg/m3) và gấp 5 lần so với ngưỡng trung bình năm theo Hướng dẫn khuyến nghị của tổ chức Y tế thế giới –WHO (10 μg/m3).

Như vậy, xét về hàm lượng bụi PM2.5 trong một số thời điểm, chỉ số ô nhiễm của Hà Nội chỉ đứng sau thủ đô New Delhi của Ấn Độ (124µg/m3).

Có những lúc hàm lượng bụi PM2.5 ở Hà Nội chỉ đứng sau thủ đô New Delhi (Ấn Độ). Ảnh: Times of India

Được biết, bụi PM2.5 (có kích cỡ nhỏ hơn 2,5 micromet) có khả năng thẩm thấu, di chuyển, hấp thụ vào trong máu, đặc biệt nguy hiểm khi các bụi này là hợp chất hữu cơ, thuốc trừ sâu, kim loại nặng... có thể gây nhiễm độc, ung thư, hen... Với bụi PM2.5, khẩu trang thông thường không có tác dụng do bụi này siêu nhỏ, chỉ bằng 1/30 sợi tóc. Để hiệu quả, phải đeo khẩu trang y tế N95.

Việc gia tăng ô nhiễm bụi tại Hà Nội được xác định do khí thải từ các nhà máy nhiệt điện sử dụng than, khí thải từ phương tiện giao thông, phát thải từ công nghiệp, hoạt động xây dựng, đốt chất thải và đun nấu hộ gia đình.

Trong đó, nguồn ô nhiễm do đốt than từ các nhà máy nhiệt điện từ các vùng lân cận và hoạt động các khu công nghiệp đang và sẽ đóng vai trò chủ đạo trong việc làm gia tăng ô nhiễm bụi. Ngoài ra, do ảnh hưởng của hướng gió, tro bụi của các nhà máy nhiệt điện ở miền nam của Trung Hoa có nhưng lúc có thể làm mức độ ô nhiễm bụi của Hà Nội sẽ rất cao.
Hiện tại Việt Nam vẫn có xu hướng xây dựng thêm các nhà máy nhiệt điện (theo quy hoạch điện VII) và tiếp tục sử dụng nhiệt điện than, trong khi Trung cộng đã có cam kết cắt giảm lượng phụ thuộc vào năng lượng hóa thạch và Bắc Kinh đã chấm dứt hoạt động các nhà máy điện sử dụng than.

Trước đây không lâu, Jacques Moussafir, chuyên gia người Pháp cung cấp giải pháp phần mềm tính toán, mô phỏng ô nhiễm môi trường không khí và hỗ trợ dự báo khí tượng, đưa ra nhận xét đáng chú ý trên một số tờ báo:  "Tại Việt Nam, ô nhiễm không khí ảnh hưởng tới hoạt động của người dân mọi lúc, mọi nơi, nhất là ở thủ đô Hà Nội. Đây là một trong những thành phố ô nhiễm không chỉ nhất Đông Nam Á mà còn cả châu Á".

Điều này làm dấy lên rất nhiều lo ngại của các nhà khoa học về việc ô nhiễm không khí ở Hà Nội sẽ tác động lớn đến sức khỏe người dân, cũng như về viễn cảnh "
ô nhiễm như Bắc Kinh" .

Ảnh: The New York Times.


Để hạn chế ảnh hưởng của các dạng ô nhiễm không khí, tốt nhất là thay đổi các chính sách về quản lý ô nhiễm cũng như chính sách phát triển nhiệt điện. Điều này sẽ đóng vai trò rất quan trọng trong việc hạn chế không chỉ ô nhiễm không khí mà còn các tác động khác tới môi trường sống của chúng ta. Ví dụ như các chính sách về quản lý khí thải hay hạn chế nhiệt điện.