21.05.2017

Một bóng ma đang ám ảnh Việt Nam - Trần Trung Đạo

„Cuộc chiến mới không phải riêng của nhân dân miền Nam hay nhân dân miền Bắc, không phải riêng của người Việt trong nước hay người Việt hải ngoại, không phải của những người từng bị chế độ cầm tù hay những người một thời chiến đấu trong hàng ngũ Việt Minh. 

Cuộc chiến mới là của dân tộc Việt Nam chống lại ý thức hệ ngoại lai xâm lược. „

Một bóng ma đang ám ảnh Việt Nam

Trần Trung Đạo 


 Câu “bóng ma chủ nghĩa cộng sản” mà Marx đã viết trong Tuyên ngôn đảng cộng sản để thách thức quyền lực của các nhà nước tư sản giữa thế kỷ 19, đã trở thành bóng ma của quá khứ. Một trăm năm chục năm sau ngày công bố Tuyên ngôn đảng cộng sản, nơi yên nghỉ của Marx tại nghĩa địa High Gates ở ngoại ô London đã nhiều lần được chọn để làm ngoại cảnh cho những cuốn phim ma.

Thế nhưng, có một nơi, bóng ma Cộng Sản vẫn còn đang ám ảnh trong nhiều lãnh vực của đời sống xã hội. Nơi đó là Việt Nam.


Những sản phẩm của chủ nghĩa cộng sản tại Việt Nam còn đầy dẫy: cơ chế chính trị độc tài, nền kinh tế lạc hậu, xã hội sa đọa, đạo đức suy đồi, sùng bái cá nhân, suy tôn lãnh tụ, lừa dối nhân dân, bưng bít có chủ trương, đổ thừa có hệ thống. 

Lấy trường hợp suy tôn Hồ Chí Minh làm ví dụ. 

Rất đông người Việt trong nước vẫn còn tin rằng “Bác Hồ” của họ có một “tình yêu bao la” dành cho dân tộc Việt Nam, tương tự như Marx đã có một “tình yêu bao la” dành cho nhân loại. Tin hay không tin là quyền của mỗi người, điều đó không có gì phải bàn, tuy nhiên điều thắc mắc làm thế nào để biết ông Hồ có “tình yêu bao la” trong khi tất cả những gì đại đa số người Việt đang sùng bái ông Hồ biết về ông ta đều chỉ qua những dữ kiện, tài liệu do đảng bào chế, gạn lọc và giảng dạy? 

Bộ máy tuyên truyền của đảng bắt 90 triệu người dân Việt, từ một em bé vừa tập nói cho đến cụ già đang mất dần trí nhớ, phải học thuộc, phải tin, phải lặp đi lặp lại những khẩu hiệu, những lời sùng bái, ca tụng ông Hồ cho đến khi chúng được ghi sâu vào ý thức của con người, trở thành một phần thiêng liêng trong đời sống đạo đức và tình cảm của con người. 

Nếu một đề thi tuyển đại học hỏi về “Tình yêu bao la” của ông Hồ, tất cả bài trả lời của học sinh trung học tại Việt Nam đều sẽ viết giống hệt nhau. 

Một sinh viên năm đầu cũng biết phương pháp căn bản của mọi nghiên cứu khoa học là hoài nghi, đặt vấn đề, phản đề, đối chiếu, phân tích và tổng hợp. Nếu đồng ý như thế thì bao nhiêu người Việt Nam hiện nay, có quyền hoài nghi một cách công khai về cuộc đời và sự nghiệp của ông Hồ, có quyền so sánh những gì họ học dưới mái trường xã hội chủ nghĩa với những công trình nghiên cứu độc lập khác, có quyền nói lên điều họ không đồng ý? 

Rất nhiều bài viết về “cách mạng tư duy” của nhiều người trong nước, đặc biệt những người trẻ đang sinh hoạt trong guồng máy của đảng. Tuy nhiên cho đến nay, ngoại trừ các nhà phản kháng nằm ngoài hệ thống đảng, chưa ai dám thách thức vai trò chủ đạo của đảng Cộng sản trong tiến trình cách mạng tư duy đó. 

Trong lúc người viết thông cảm với các tác giả, những người vừa mang khát vọng phục hưng đất nước lại vừa khó có thể từ bỏ ân huệ bổng lộc của chế độ ban cho, nhưng sự can đảm là đức tính cần phải có của một người trí thức. 

Đặc tính của mọi cuộc cách mạng là triệt để và cách mạng tư duy cũng không thoát khỏi quy luật đó. Nếu không, đó chỉ là những cải cách nửa vời, vá víu, sáo rỗng. 

Chống tham nhũng không phải là một hình thức cách mạng vì tham nhũng sẽ không bao giờ bị tận diệt nếu các điều kiện tạo ra tham nhũng còn tồn tại. 

Làm thế nào để trong sạch hóa chính quyền khi các cơ quan nhà nước (hành pháp, lập pháp và tư pháp) không có sự phân quyền, độc lập và kiểm soát lẫn nhau? 

Làm thế nào để trong sạch hóa xã hội khi sinh mạng của hơn 90 triệu người tập trung trong tay của một nhóm vài chục người? 

Trong lúc ở một phần lớn thế giới, chủ nghĩa cộng sản đã là bóng ma của quá khứ, học thuyết Marx chỉ còn trong thư viện nghiên cứu, hàng triệu học sinh, sinh viên Việt Nam vẫn phải tụng một cách từ chương mỗi ngày những khái niệm, những định nghĩa, những giá trị đã lỗi thời. 

Con đường dân tộc đang đi, tuy không còn nghe tiếng bom rơi, đạn hú nhưng có nhiều tiếng xiềng xích khua vang, tiếng người rên siết. 

Đất nước Việt Nam không còn những đại lộ kinh hoàng, những cánh đồng nhuộm máu, nhưng đã mọc lên thêm rất nhiều nhà tù và sân bắn, các thế hệ Việt Nam măng non của hai miền vẫn tiếp tục lớn lên trong hận thù và nghi kỵ lẫn nhau. 

Cuộc chiến tranh bằng súng đạn gắn liền và phục vụ cho quyền lợi của các đế quốc đã chấm dứt hơn 40 năm, nhưng một cuộc chiến tranh mới, khó khăn, gian nan và làm tiêu mòn sinh lực dân tộc hơn nhiều cũng bắt đầu ngay từ hôm đó. 

Cuộc chiến mới không phải riêng của nhân dân miền Nam hay nhân dân miền Bắc, không phải riêng của người Việt trong nước hay người Việt hải ngoại, không phải của những người từng bị chế độ cầm tù hay những người một thời chiến đấu trong hàng ngũ Việt Minh. 

Cuộc chiến mới là của dân tộc Việt Nam chống lại ý thức hệ ngoại lai xâm lược. 

Nhìn lại quá trình du nhập chủ nghĩa Marx vào Việt Nam, chúng ta sẽ thấy cuộc chiến đấu mới sẽ rất khó khăn, bởi vì kẻ thù của một người Việt Nam trong cuộc chiến mới không phải mắt xanh, mũi cao, da trắng, không phải ai xa lạ mà nhiều khi lại là quá khứ của chính người đó. 

Từ bỏ thói quen cà-phê, thuốc lá đã là khó đừng nói chi từ bỏ cả một phần đời đầy kỷ niệm có tất cả những đau thương và hạnh phúc, có vui và buồn, có những phút vinh quang và có cả những vết thương còn hằn sâu trên thân thể, không phải là chuyện dễ dàng. 

Người viết thường nói vui với bạn bè, quyết định ẵm cô gái đẹp xuống ghe thì dễ nhưng để cô ta lại trên bờ bên kia và ra đi trong an nhiên tự tại mới là chuyện khó. Bao nhiêu người trong số hàng trăm ngàn người Việt chiến đấu trong hàng ngũ Việt Minh để giải phóng dân tộc trước 1954 thấy được sự khác nhau giữa chiếc ghe cộng sản giúp cho họ qua sông và chiếc ách cộng sản đã và đang nhiễm trùng sâu xa trong cổ họng của dân tộc mình. Rất ít. 

Nói như thế không có nghĩa là tôi không kính trọng các nhà phản kháng cao niên trong nước hiện nay. Tôi kính trọng họ. Các chú các bác đã dám nói lên những điều mà ít ai dám nói. Yêu nước không bao giờ sớm và cũng chẳng bao giờ trễ. Nói lên một tiếng nói yêu nước, dù trong lúc tàn hơi, trong tuổi về già vẫn còn hơn những người khác, trẻ hơn, có học hơn mà chỉ chỉ biết ngậm miệng ăn tiền, nhắm mắt làm ngơ trước nỗi bất hạnh của dân tộc mình. 

Lịch sử Việt Nam như một dòng sông, bốn ngàn năm đã chảy qua bao nhiêu thăng trầm ghềnh thác nhưng phải tiếp tục chảy, chảy cho ngày mai, chảy cho các thế hệ Việt Nam mới, được lớn lên trong thương yêu đoàn kết, dù phải vượt qua nhiều thác ghềnh đang đợi chờ phía trước. 

20/5/2017
Trần Trung Đạo