17.06.2017

Đất nước tôi - Sổ Tay K‎ý Thiệt Kỳ 152

Đất nước tôi” không còn là “một khối non sông vinh quang” với “nòi giống muôn năm hiên ngang”. Đất, nước ngày nay đã bị cắt chia cho ngoại bang, quân thù đang có mặt ở mọi nơi, người yêu nước bị đánh đập và bị giam tù…

Việt Nam ngày nay đã trở thành nước có nhiều “tù nhân nhân lương tâm” đứng hàng thứ hai trên thế giới.“

Đất nước tôi

Sổ Tay K‎ý Thiệt Kỳ 152  

Tin trên đài VOA của Mỹ gần đây cho biết theo phúc trình của Bộ An ninh Nội địa Hoa Kỳ, công bố đầu tuần này, tính tới cuối năm 2016, con số người Việt ở quá hạn visa đi du lịch hoặc giao thương ở Hoa Kỳ là khoảng 3 ngàn người. Trong khi đó, con số du học sinh hoặc sinh viên trao đổi của Việt Nam ở quá thời hạn thị thực được cấp là hơn 1 ngàn người. Bản tin có đặt vấn đề tại sao. Theo giới hữu trách, đó là một vấn đề có gây “nguy cơ về an ninh quốc gia”. Nhưng Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng, Giám đốc Điều hành BPSOS, tổ chức từng giúp đỡ một số người Việt gặp rắc rối vì ở quá hạn visa, nói với VOA Việt Ngữ rằng có nhiều lý do dẫn tới tình trạng này. 


Ông nói: “Lý do thứ nhất, họ sang bên này với chủ ý ở lại. Thứ hai, họ bị gạ gẫm sang bên này bằng con đường du lịch, với sự hứa hẹn được đi làm này kia, nhưng mà chủ sử dụng lao động, chẳng hạn ở tiệm nail hoặc tiệm ăn, lại không gia hạn visa cho họ. Hoặc là chồng bảo lãnh họ sang xong rồi không làm giấy tờ gì hết, và coi như người vợ kẹt cứng với người chồng, cứ ở suốt ngày trong nhà”.

Bên cạnh những người qua Mỹ lao động ấy, là học sinh, sinh viên du học sau khi tốt nghiệp, hay sau khi bỏ học, visa hết hạn ở lại nhiều hơn nữa. VNCS là một quốc gia số sinh viên sang du học Mỹ đứng hàng thứ sáu trong các sắc dân ngoại quốc đến Mỹ du học, cả 20.000 mỗi năm.

Số người Việt sang du lịch Mỹ cũng càng ngày càng tăng với hàng mấy chục ngàn người mỗi năm. Hết visa có người ở lại. Theo Tiến sĩ Thắng, những người này: “Qua bên này, họ làm ăn, buôn bán được dễ hơn, rồi họ có những khu mà chỉ cần nói tiếng Việt thôi họ cũng có thể lẫn lộn vào trong đó. Ở bên Hoa Kỳ dù sao cũng dễ kiếm tiền hơn. Mỗi ngày làm lao động thì cũng kiếm được một số tiền và dành dụm được gửi về nước”.

Theo dõi sinh hoạt cộng đồng người Mỹ gốc Việt cho thấy sinh viên từ trong nước qua Mỹ không chống cộng đồng và cộng đồng có thể nói không chống đối sinh viên du học. Trái lại một số gia đình người Mỹ gốc Việt còn giúp cho con cháu trong việc ăn ở, học hành, mai mối, gả cưới để sinh viên tốt nghiệp có điều kiện ở lại Mỹ. Sinh viên du học cũng hiểu biết không làm những gì khiến cộng đồng người Việt tỵ nạn CS bất bình. Các cơ sở dịch vụ và kinh doanh của người Mỹ gốc Việt cũng mướn sinh viên làm giá rẻ để sinh viên du học kiếm chút đỉnh tiền qua việc làm ngoài giờ học. Các đại học Mỹ gần cộng đồng Mỹ gốc Việt có nhiều sinh viên VN du học là vì thế.

Qua thì nhiều mà về lại nước chẳng bao nhiêu. CSVN bị mất máu trí tuệ. Sinh viên tốt nghiệp biết về mà không thân thế cũng rất khó kiếm việc đúng ngành nghề mình học. Còn kiếm chỗ làm thì phải “thủ tục đầu tiên” giá tính bằng cây vàng, làm việc thì bị chèn ép bởi nguyên tắc CS, “hồng hơn chuyên”. Chính Thứ trưởng Bộ Nội vụ CSVN ngày 28/12/2015 Nguyễn Duy Thăng cũng “thực thà khai báo” trước Quốc Hội đảng cử dân bầu, rằng "Tôi nghĩ con em nhiều người ngồi ở đây cũng không về. Cá nhân gia đình tôi cũng vậy, 2 đứa không về.”./.(Vi Anh)

Đoạn trên đây trích từ một bài trên Internet, có lẽ không làm ai ngạc nhiên. Nó chỉ giúp người đọc những con số cụ thể về một hiện tượng nghịch lý đang trên đà gia tăng: công dân nước Cộng - Hòa Xã - Hội Chủ - Nghĩa Việt - Nam, đặc biệt là thành phần được chế độ ưu đãi, đang tìm mọi cách rời bỏ Việt Nam, di cư sang Mỹ.

              Anh là ai? Sao đánh tôi chẳng một chút nương tay?

Trong khi đó, người Việt định cư ở hải ngoại (khoảng 4 triệu), mà VC gọi là “Việt kiều”, đã “đi Việt Nam như đi chợ”, và “gửi đô-la về Việt Nam như nước” (mỗi năm hơn 10 tỉ) để nuôi béo cái chế độ gian ác, hại dân bán nước, mà mọi người đều biết rõ, trong đó những người từng là “thuyền nhân” đã trải qua những cuộc vượt biển gian nguy và được hưởng quy chế “ti nạn chính trị” để sinh sống tự do an bình tại Mỹ hay nhiều nước khác, và không ít người đang có những sinh hoạt “chống cộng” ở hải ngoại.

Hình như người Việt Nam, ở trong nước cũng như ở hải ngoại, đang sống trong một thực tế rất phi lý. Trước một con quái vật, người ta tìm mọi cách chạy xa nó, rồi một khi đã an toàn ở một nơi khác, người ta lại tìm về với nó, cho nó ăn, nuôi nó sống, để nó tiếp tục làm hại đồng loại của họ, và đồng loại của họ cũng hồ hởi hoan nghênh những người như vậy, vì cũng được hưởng phần lợi trước mắt.

Và cứ như thế, mọi người cùng nhau nuôi dưỡng cái ác, cái xấu, cái hèn. Và cứ như thế, mọi người đã mất đi khả năng để sống như một con người đúng nghĩa, với nhân cách và nhân bản toàn vẹn, trong đó có khả năng phân biệt phải/trái, đúng/sai, thiện/ác và phải chống lại cái ác, cái sai, cái trái. Con người chỉ còn biết sống với những cái lợi nhỏ nhặt và những suy nghĩ vặt vãnh.

Cuộc đối thoại nhỏ dưới đây giữa hai người bạn đáng làm cho mọi người suy nghĩ:
_____

Hôm rồi có đứa bạn ở Mỹ về chơi, chở nó đi ngang qua nhà cũ của nó, nó hỏi :

- Giờ nhà tao trị giá khoảng bao nhiêu tiền, mầy?

Mình đoán ngôi biệt thự của nó giờ phải trên hai ngàn lượng nên phán đại khoảng tầm 3 triệu đô la.

Nó thở dài rồi nói:

- Hồi đó ba tao bán chưa tới 200 cây, đi rớt hai vụ gần như hết sạch. Tới chuyến thứ ba toàn bộ cái thuyền là ba tao vay mượn của bạn bè.
Nếu không bán nhà mà ở lại thì giờ cầm 3 triệu cũng có thể đàng hoàng làm công dân Mỹ mầy ha, mà tiền vẫn còn nguyên ở đó.

Đang suy nghĩ coi phải đối đáp với nó thế nào thì nó lại tiếp lời :

- Nhưng mà mầy biết cái được của việc đi là gì hay không?

- Là gì?

- Cái được là có ba thế hệ được sống trong môi trường văn minh, tự do, được làm mọi điều mình thích, được nói mọi điều cần nói, túm lại là được sống ra một con người.

- Bộ tao sống không ra con người hả?

- Nhìn cái cách mầy chạy xe trên đường, mầy dụi tàn thuốc lá tao biết rằng dù mầy cố sống khác đi nhưng những thói xấu vẫn theo mầy từ trong tiềm thức. Mầy biết không, khi mầy phải sống trong một hũ mực thì dù có tránh né hay bằng cách gì đi nữa thì mầy vẫn bị lem, chỉ có điều nếu không được gần đèn thì mầy sẽ không nhận ra mình bị lem ở chỗ nào và vì sao như vậy.

Cái người ta nhìn thấy mất đi vì cộng sản đa phần là những thứ vật chất hữu hình nhưng thứ quý hơn là những giá trị phi vật chất, những thứ thuộc về đạo đức, văn hoá, đó mới là những mất mát lớn lao mà cần rất, rất nhiều thời gian người ta mới xây dựng lại được.

Nhớ hồi trước nó cũng là đứa hời hợt, thậm chí đoản hơn mình. Vậy mà giờ nó nói ra những điều mà mình không nghĩ tới, không nhìn thấy. Thế mới biết nền tảng văn hoá, giáo dục nó ảnh hưởng đến con người ta ở mức nào.

Phải! Thứ mà cộng sản tàn phá lớn nhất đối với dân tộc này không phải là môi trường, không phải là tài nguyên, không phải là những món nợ khổng lồ. 

Cái mất lớn hơn nhiều là giờ đây người Việt không còn sống và ăn ở với nhau như những con người thực sự
. (Fb Trương Quang Thi.)

Viết tới đây, tôi như nghe bên tai những lời ca từ nơi xa vắng nào vẳng lại:

Đất nước tôi màu thắm bên bờ đại dương
Bắc với Nam, tình nối qua lòng miền Trung
Đất nước tôi từ mái tranh nghèo Bắc Giang
Vượt núi rừng già Trường Sơn
Vào tới ruộng ngọt phương Nam

Dân nước tôi từng đấu tranh diệt ngoại xâm
Trên máu xương từng hát ca bài thành công
Dân nước tôi nòi giống hùng cường Lạc Long
Làm gái toàn là Trưng Vương
Làm trai rạng hồn Quang Trung

(Bên Bờ Đại Dương, Hoàng Trọng)

 “Đất nước tôi” có một thời từng tạo nguồn cảm hứng cho người nghệ sĩ viết ra những lời đầy yêu thương thắm thiết như thế, tạo nên những dòng nhạc thiết tha tuyệt vời như thế mà mỗi lần nghe là mỗi lần trái tim tôi xúc động, bồi hồi trào dâng niềm tự hào vô biên về đất nước mình, về dân tộc mình.

Phải chăng vì lòng yêu thương và niềm tự hào ấy đối với đất nước và đồng bào mình mà người dân Việt, dù đắm chìm trong binh lửa điêu linh, chết chóc qua mấy thế hệ, vẫn không rời bỏ đất nước ra đi. Thế nhưng, sau khi chiến tranh chấm dứt, hàng triệu người đã vượt biển băng rừng đi tìm đất sống. Đây có thể là cuộc di cư lớn chưa từng xảy ra trong lịch sử Việt Nam, mà có người gọi là vụ trốn chạy của “phe thua” trong cuộc chiến đã tàn.

Và rồi không bao lâu sau, đến lượt “phe thắng” trong cuộc chiến cũng kéo nhau ra đi, mà nơi đến lại chính là đất nước của những người mà HCM và đồng bọn từng gọi là những kẻ thù hung ác và thề nếu phải đốt sạch dải Trường Sơn và hy sinh đến mấy thế hệ người Việt Nam để làm nghĩa vụ quốc tế cho Liên Sô và Trung cộng cũng phải làm.

Rút cuộc, kẻ thắng người thua cùng gặp nhau trên nước Mỹ, bỏ nước Việt Nam lại cho dân nghèo và “dân ngu” để một ngày không xa trở thành một quận huyện của đế quốc đại Hán. “Đất nước tôi” đang chìm vào một bóng đêm hãi hùng.

Đó là kết quả của 30 năm “kháng chiến” và chiến tranh “chống Mỹ cứu nước”, và hơn 40 năm “xây dựng chủ nghĩa xã hội”.

Đất nước tôi” không còn là “một khối non sông vinh quang” với “nòi giống muôn năm hiên ngang”. Đất, nước ngày nay đã bị cắt chia cho ngoại bang, quân thù đang có mặt ở mọi nơi, người yêu nước bị đánh đập và bị giam tù:

“Xin hỏi anh là ai?
Sao bắt tôi, tôi làm điều gì sai?
Xin hỏi anh là ai?
Sao đánh tôi chẳng một chút nương tay?
Xin hỏi anh là ai?
Không cho tôi xuống đường để tỏ bày tình yêu quê hương này, dân tộc này đã quá nhiều đắng cay?

Xin hỏi anh ở đâu? Ngăn bước chân tôi chống giặc ngoại xâm?
Xin hỏi anh ở đâu? Sao mắng tôi bằng giọng nói dân tôi?
Dân tộc anh ở đâu? Sao đang tâm làm tay sai cho Tàu?
Để ngàn sau ghi dấu bàn tay nào nhuộm đầy máu đồng bào?
Tôi không thể ngồi yên khi nước Việt Nam đang ngả nghiêng.
Dân tộc tôi phải đắm chìm một ngàn năm hay triền miên tăm tối.
Tôi không thể ngồi yên để đời sau cháu con tôi làm người.
Cội nguồn ở đâu khi thế giới này không còn Việt Nam?

(Anh là ai? Nhạc Việt Khang)

Vì bài ca trên đây, cùng những bài yêu nước khác, Việt Khang đã bị xử sáu năm tù về “tội yêu nước”, tội nặng nhất tại Việt Nam ngày nay. Nhưng hành động đàn áp man rợ này của bạo quyền không làm những người yêu nước sợ hãi. Trái lại, càng làm những người yêu nước khác đứng lên, đặc biệt là những người trẻ, như Mẹ Nấm, Trần Huỳnh Duy Thức, Nguyễn Văn Đài, Bùi Thị Minh Hằng, Nguyễn Đắc Kiên…

Việt Nam ngày nay đã trở thành nước có nhiều “tù nhân nhân lương tâm” đứng hàng thứ hai trên thế giới. Nhưng nhà tù, đánh đập cũng không ngăn cản được những cuộc biểu tình đang diễn ra ở nhiều nơi trên nước Việt Nam, đặc biệt là tại Hà Tĩnh với hàng chục ngàn người đã xuống đường đòi quyền sống, đòi tự do.

Phải chăng trong đêm đen của đất nước, nhiều người đã thức tỉnh như những lời kêu gọi của Nguyễn Đắc Kiên:

. . . . . .
tôi chưa thấy một đêm nào dài như thế,
không ánh mặt trời, bóng tối chí tôn,
lũ quỷ ám thừa cơ toàn trị,
khủng bố dã man, reo rắc những kinh hoàng,
biến lẽ sống thành châm ngôn “mày phải sợ”.
mày phải sợ, mày ơi, mày phải sợ,
sợ nữa đi, có sợ mãi được không,
cốt tủy mục rỗng rồi trí óc cũng tối đen,
mày lại đẻ ra lũ con cháu “biết sợ”
bao thế hệ đã ngậm ngùi mắc nợ,
lũ chúng ta lẽ nào lại mắc nợ mai sau,
còn chần chừ gì mà không tỉnh dậy mau,
sống cho xứng danh xưng con người trên mặt đất.
tôi chưa thấy một đêm nào dài như thế,
cũng chưa thấy có ngày mai nào không thể.
vì người ta cần ánh mặt trời,
tỉnh dậy đi lũ chúng ta ơi!

Rõ ràng đàn áp và nhà tù đã thất bại, không còn làm cho những người yêu nước “sợ hãi”.

Cái “chế độ khốn nạn” (lời Nguyễn Văn Đài) được duy trì trên sự lừa dối và bạo lực đang sống thoi thóp những ngày tháng cuối cùng.

Liệu đất Mỹ có phải là “bãi đáp an toàn” cho những tên tội phạm của dân tộc Việt Nam, đất nước Việt Nam?

Ký Thiệt