22.07.2017

Hoạt động của các tổ chức phi chính phủ, xã hội dân sự tại Việt Nam

Hoạt động của các tổ chức phi chính phủ, xã hội dân sự tại Việt Nam
Tổng thống Mỹ Barrack Obama gặp gỡ đại diện một số tổ chức dân sự Việt Nam, ngày 24 tháng Năm, 2016, tại Hà Nội.   AFP

Ngày 14 tháng 7 năm 2017, 13 tổ chức phi chính phủ đã làm kiến nghị gửi chính phủ Việt Nam đề nghị dừng lại việc đổ bùn nạo vét xuống biển Bình Thuận. Một tuần sau đó, Hội nghề cá Việt Nam cũng lên tiếng phản đối chuyện này.

Đó là dấu hiệu cho thấy các tổ chức dân sự và phi chính phủ hiện nay ở Việt Nam ngày càng đóng vai trò của mình.


Theo Tiến sĩ Nguyễn Quang A, hiện sống ở Hà Nội, các tổ chức xã hội dân sự, các tổ chức phi chính phủ (NGO) ở Việt Nam mang những màu sắc rất đa dạng, từ những tổ chức có đăng ký hoạt động với nhà nước, đến các nhóm đấu tranh vì dân chủ và nhân quyền, luôn bị nhà nước xem là bất hợp pháp. Theo ông cả trăm ngàn tổ chức như thế hoạt động trên mọi lĩnh vực và vùng miền trong cả nước.

Vẫn theo ông Nguyễn Quang A, nhà nước Việt Nam muốn xếp những tổ chức của đảng cộng sản như Hội liên hiệp phụ nữ, Đoàn thanh niên cộng sản,… vào trong danh sách những tổ chức phi chính phủ, nhưng ông A nói rằng những tổ chức này hoạt động bằng ngân sách nhà nước, và ông gọi đó là các GONGO, tức là mang danh phi chính phủ nhưng do nhà nước dựng nên và điều khiển.

Tiến sĩ Nguyễn Quang A là người nghiên cứu về xã hội dân sự Việt Nam, ông đã từng thành lập một tổ chức tư vấn, phản biện chính sách độc lập mang tên là IDS, sau đó bị giải tán vì một chỉ thị kiểm soát các tổ chức phản biện, đưa ra dưới thời cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.

Các NGO đã làm được nhiều việc trong những năm qua

Mặc dù bị chi phối bởi nhà nước Việt Nam, nhưng điều đó không có nghĩa là các tổ chức này hoàn toàn lệ thuộc vào nhà nước. Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, chuyên gia về môi trường hiện làm việc ở Đại học Cần Thơ, cho biết các tổ chức NGO dù có đăng ký với nhà nước, nhưng thường rất quan tâm đến các vấn đề môi trường, và đời sống của cộng đồng dân cư:

“NGO rất nhạy cảm đối với các dự án liên quan đến cộng đồng, bởi vì NGO làm việc với người dân, với cộng đồng nhiều hơn. Họ phải dùng tiếng nói của họ bằng cách này hay cách khác, họ mời các nhà khoa học, họ tổ chức ra những mạn đàm, họ viết trên báo, đưa ra những kiến nghị để chính quyền thay đổi những chính sách hay thay đổi những quyết định.”

Tiến sĩ Lê Anh Tuấn là thành viên của tổ chức Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam, một trong các NGO tham gia ký kiến nghị yêu cầu nhà nước Việt Nam dừng lại việc đổ bùn nạo vét xuống biển Bình Thuận.
Đánh giá các hoạt động như vừa nêu trên của các NGO đăng ký với chính quyền ở Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Quang A cho rằng:

“Rất là quan trọng, vì những hội đấy là những hội chuyên nghiệp. Họ là những người được đào tạo và rất chuyên nghiệp. Và càng ngày họ càng có vai trò quan trọng. Và tôi nghĩ là rất cần khuyến khích những hội như thế hoạt động. Bởi vì xã hội dân sự nó rất là rộng chứ không chỉ bao gồm một nhóm người đấu tranh cho dân chủ và nhân quyền.”

Cá nhân Tiến sĩ Nguyễn Quang A cũng tham gia các hoạt động của các nhóm đấu tranh vì nhân quyền chẳng hạn như tổ chức No-U, ra đời từ những cuộc biểu tình chống Trung cộng, nhưng không được nhà nước công nhận. Ông nói rằng hiện nay các nhà hoạt động dân chủ và nhân quyền tại Việt Nam, đôi khi nhìn những tổ chức NGO có đăng ký với nhà nước bằng một ánh mắt không thiện cảm.

“Những tổ chức đấy không phải là tay sai của chính quyền. Rất đáng tiếc một số anh em hoạt động nhìn họ như những tổ chức GONGO. Họ mời người này người kia vào tham dự, thì đấy là cái cách thực hiện, chiến thuật hoạt động của họ. Họ muốn trôi chảy thì cũng phải thế này thế kia. Mình nghĩ họ hoạt động độc lập chứ không phải là tay sai.”

Ông đưa ra ví dụ một tổ chức tên gọi là RED, nghiên cứu về chuyện bạo hành các nhà báo. Tổ chức này mời các thành viên chính phủ Việt Nam đến họp với họ, bao gồm cả các quan chức của Ban tuyên giáo trung ương, cơ quan tuyên truyền của đảng cộng sản.

Dược sĩ Nguyễn Anh Tuấn, thành viên của nhóm Hà Nội Xanh, tiến hành những hoạt động bảo vệ môi trường, nói về tổ chức của mình, một tổ chức không có đăng ký hoạt động:

Chúng tôi hình thành từ phong trào Hà Nội xanh, từ con người cho đến phương châm hành động, khi chúng tôi phát triển lên thành một tổ chức thì chúng tôi cũng biết khả năng được cấp phép hoạt động là không thể. Nên ngay từ đầu chúng tôi đã xác định là hoạt động độc lập.”

Tuy nhiên nhận xét về hoạt động của các NGO có đăng ký, dược sĩ Nguyễn Anh Tuấn nói:

Để đạt được mục tiêu làm được nhiều việc, họ phải chính thức đăng ký để có trụ sở, để chính danh, để có thể vận động các bên liên quan trong hệ thống chính trị. Khi mà như vậy thì họ phải chịu cấp phép, và chịu áp lực tránh công an rút giấy phép, cho nên họ cũng bị hạn chế. Tuy nhiên tôi trân trọng họ, tin rằng họ luôn hướng đến sự thúc đẩy những giá trị văn minh.

Ngoài các NGO, còn có các hội nghề nghiệp ở Việt Nam. Ý kiến về tính độc lập của các hội này là những ý kiến khác nhau. Dược sĩ Nguyễn Anh Tuấn thì cho rằng họ là cánh tay nối dài của đảng cộng sản, trong khi đó thì Tiến sĩ Nguyễn Quang A cho rằng cũng có thể xem họ là các tổ chức dân sự:

“Nó tùy từng hội. Có những hội khá độc lập. Có những hội do một ông quan chức nào đấy, một ông Thứ trưởng về hưu, thì những hội do những quan chức lập ra như thế, thì nhiều khi họ cũng xin xỏ cái bộ chủ quản của họ cái gì đấy. Khả năng độc lập của họ kém đi. Ngay trong các hội nghề nghiệp cũng là một cái phổ tương đối là rộng. Có những ông khá là độc lập, có những ông thực sự là vô tích sự.”

Chia sẻ quan điểm này là Tiến sĩ Lê Anh Tuấn:

“Thực ra nói về tính độc lập thì ở Việt Nam cũng phải để nó trong ngoặc kép chút xíu. Có những cái họ độc lập, có những cái họ lệ thuộc phần nào vào chính quyền. Ví dụ như Hội nông dân, hay Hội nghề cá. Trong các hội nghề nghiệp này họ cũng tư vấn các nhà khoa học, giúp cho họ cơ sở khoa học, đề nghị nhà nước xem xét.”

Ông đưa ra ví dụ những lần Hội nghề cá và Hội nông dân Việt Nam phản đối những dự án có nguy cơ ảnh hưởng tới môi trường, như chuyện dìm bùn nạo vét ở Bình Thuận, hay phản đối dự án nhà máy giấy ở tỉnh Hậu Giang, có nguy cơ làm ô nhiễm sông Cửu Long.

Sự tự nguyện và nguồn lực từ bên ngoài

Ngoài chuyện xin giấy phép, các tổ chức NGO còn phải đối mặt với vấn đề kinh phí hoạt động. Tiến sĩ Lê Anh Tuấn nói:

“Có một số cái nhà nước cho phép, một số cái nhà nước kiểm soát. Đó cũng là điều khó khăn. Ngoài ra họ không có nguồn tài chính dồi dào như các cơ quan nhà nước để làm nghiên cứu. Họ dựa vào sự tự nguyện của các thành viên, hay nhờ các nhà khoa học cố vấn cho họ. Mà không phải ai cũng nhận lời vì sợ đụng chạm các cơ quan nhà nước, hay các công ty tập đoàn lớn. Nhưng cũng có những nhà khoa học quan tâm đến môi trường, sinh thái, sinh kế của người dân thì cũng góp tiếng nói trong các vấn đề này.”

Một số các NGO Việt Nam nhận được tài trợ từ các tổ chức nước ngoài, ví dụ như OXFAM, Cộng đồng châu Âu, Quĩ Fort, Quĩ Toyota, nhưng theo Tiến sĩ Nguyễn Quang A, chuyện này không hề dễ dàng, vì họ luôn bị kiểm soát chặt chẽ từ chính phủ:

“Họ luôn luôn soi cái thủ tục để mà xét duyệt dự án, để được nhận tiền thì họ hành các tổ chức NGO lên bờ xuống ruộng. Các NGO bị kềm kẹp một cách mệt mỏi và khó khăn. Các NGO có thể nhận tiền từ nước ngoài nhưng các thủ tục ấy rất là phức tạp.”

Quan sát hoạt động của các tổ chức NGO trong hai chục năm qua, Tiến sĩ Nguyễn Quang A cho rằng sự hình thành và hoạt động của các tổ chức dân sự, phi chính phủ Việt Nam là rất tốt.

Dược sĩ Nguyễn Anh Tuấn thì cho rằng các tổ chức NGO được cấp giấy phép của chính phủ cũng đã tham gia vào các hoạt động trước kia bị xem là nhạy cảm, chẳng hạn như trong cuộc biểu tình chống chặt cây xanh tại Hà Nội cách đây hai năm, một NGO có giấy phép của nhà nước đã cùng nhóm Hà Nội Xanh của ông tổ chức cuộc tuần hành.

Tuy nhiên ông Tuấn lại bi quan cho rằng trong thời gian từ đầu năm 2017 đến nay, các tổ chức dân sự không có giấy phép lại bị đàn áp mạnh mẽ hơn trước, mặc dù những hoạt động như đưa kiến nghị, phản biện xã hội trên báo chí, hay mạng xã hội của các NGO có vẻ khởi sắc và cấp thời hơn.


Kính Hòa (RFA)