“Tuần Lễ Vàng 1945” – Trà Phương, Vnexpress 12.10.2010
“Bộ Tài chính đôn đốc trả nợ tiền vay dân
trong 2 cuộc kháng chiến” - Vnexpress 19.10.2017
Tiền/Vàng & Nước Mắt
Tưởng
năng Tiến
Vấn đề với chủ nghĩa xã hội
là tới lúc nào đó nó sẽ dùng hết tiền của người khác.
(Margaret Thatcher)
Chừng mười năm trước, tôi tình cờ đọc được một bài báo ngắn (“Tuần Lễ Vàng 1945”) của Trà Phương – trên trang Vnexpress, số ra ngày 13 tháng 10 năm 2010 – mà cứ cảm động và bâng khuâng mãi. Xin ghi lại nguyên văn, cùng hình ảnh, để chia sẻ với mọi người:
“Sau khi giành
độc lập, đất nước gặp nhiều khó khăn về tài chính, 4/9/1945 Bác Hồ đã phát động
Tuần lễ Vàng kêu gọi mọi người ủng hộ ngân sách quốc gia. Trong tuần lễ này, giới
công thương có đóng góp nhiều nhất.
Một
số bức ảnh về Tuần lễ Vàng đã được Nhà sử học Dương Trung Quốc sưu tầm trong một
chuyến công tác tại Pháp mới đây. Theo ông Dương Trung Quốc, ngay sau khi từ
chiến khu lần đầu tiên về Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chọn nơi ở và làm việc
tại ngôi nhà số 48 phố Hàng Ngang. Đây là nơi ở của nhà tư sản Trịnh Văn Bô, một
người thuộc vào hạng giàu nhất Việt Nam lúc bấy giờ.
Bác
chọn nhà một tư sản giàu có vì tin vào nhân dân của mình. Không chỉ người nghèo
mà cả người giàu cũng khao khát độc lập, tự do. Và cách mạng cần đến sự ủng hộ
và tham gia của cả người giàu lẫn người nghèo.”
Một cụ già tám mươi tuổi mang tới một gói lụa điều,
bên trong là nén vàng gia bảo nặng mười bảy lạng. Ảnh & chú
thích: Vnexpress
Chỉ có điều đáng tiếc (nho nhỏ) là nhà báo Trà Phương cho biết quá ít về gia đình nhà tư sản Trịnh Văn Bô. Đang lúc rảnh nên tôi xin phép được chép lại (đôi trang) của một nhà báo khác, để rộng đường dư luận:
Ông Trịnh Văn Bô (1914-1988) là một
doanh nhân Việt Nam nổi tiếng giữa thế kỷ 20. Cha ông, ông Trịnh Văn Đường và
cha vợ ông, ông Hoàng Đạo Phương, đều là những nhà nho cùng thời với cụ Lương
Văn Can, từng đóng góp rất nhiều cho phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục.
Ông Trịnh Văn Bô cùng vợ là bà Hoàng Thị
Minh Hồ, trong 10 năm, kinh doanh thành công, đưa tài sản của hãng tơ lụa Phúc
Lợi tăng lên 100 lần so với ngày thừa kế hãng này từ cha mình. Tơ lụa do Phúc Lợi
sản xuất được bán sang Lào, Campuchia, Thái Lan, được các thương nhân Pháp,
Anh, Thuỵ Sĩ, Thuỵ Điển, Ấn Độ, Trung Quốc và Nhật Bản tìm kiếm.
Từ năm 1944, gia đình ông nằm trong sự
chú ý của những người cộng sản. Ngày 14-11-1944, hai vợ chồng ông bà cùng người
con trai cả đồng ý tham gia Việt Minh. Vài tháng sau, ông bà đã mang một vạn đồng
Đông Dương ra ủng hộ Mặt trận Việt Minh và từ đó, gia đình ông Trịnh Văn Bô trở
thành một nguồn cung cấp tài chánh to lớn cho những người cộng sản. Đến trước
Cách mạng tháng Tám, gia đình ông đã ủng hộ Việt Minh 8,5 vạn đồng Đông Dương,
tương đương 212,5 cây vàng. Khi những người cộng sản cướp chính quyền, ông bà
Trịnh Văn Bô được đưa vào Ban vận động Quỹ Độc lập.
Ngày 24-8-1945, khi Chính phủ lâm thời về
Hà Nội, Hồ Chí Minh, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Lê Đức Thọ, Hoàng Quốc Việt,
Hoàng Tùng đều đã ở hoặc qua lại ngôi nhà 48 Hàng Ngang. Ba đêm đầu Hồ Chí Minh
ngủ trên giường của ông bà Trịnh Văn Bô, sau đó, ông xuống tầng hai, ngủ trên
chiếc giường bạt còn các nhà lãnh đạo khác thì kê ghế da hoặc rải chiếu ngủ. Ở
tầng trệt, cửa hàng vẫn hoạt động bình thường, ngay cả bảo vệ của Hồ Chí Minh
cũng không xuống nhà để tránh gây chú ý. Mọi việc ăn uống đều do bà Trịnh Văn
Bô lo, thực khách hàng ngày ngồi kín chiếc bàn ăn 12 chỗ.
Trong suốt từ 24-8 cho đến ngày 2-9-1945
Chủ tịch Hồ Chí Minh hiếm khi ra khỏi nhà 48 Hàng Ngang. Mỗi buổi sáng, cứ sau
khi ông tập thể dục xong, bà Trịnh Văn Bô lại đích thân mang thức ăn sáng lên.
Bà nhớ, có lần Hồ Chí Minh đã giữ bà lại và hỏi: “Cô bao nhiêu tuổi mà có được
gia tài lớn thế này?”. Năm ấy bà 31 tuổi, dù có 4 đứa con nhưng vẫn còn xinh đẹp.
Hồ Chí Minh ở lại đây cho đến ngày 27-9-1945. Mỗi khi ra khỏi nhà, Hồ Chí Minh
thường xuống tầng dưới vấn an bà mẹ ông Trịnh Văn Bô và gọi bà là mẹ nuôi. Ở 48
Hàng Ngang, Hồ Chí Minh đã ngồi viết bản Tuyên Ngôn Độc Lập và tiếp các sĩ quan
OSS như Archimedes Patti và Allison Thomas. Quần áo mà các lãnh đạo Việt Minh bận
trong ngày lễ Độc lập, đều do gia đình ông bà cung cấp. Các ông Phạm Văn Đồng,
Võ Nguyên Giáp thì mặc đồ của ông Trịnh Văn Bô còn áo của Chủ tịch Hồ Chí Minh
thì may bằng vải Phúc Lợi.
Khi Pháp tái chiếm Đông Dương, ông Trịnh
Văn Bô theo Chính phủ Kháng chiến lên Việt Bắc còn vợ ông thì mang 5 người con,
trong đó có một đứa con nhỏ, cùng với mẹ chồng lên “vùng tự do” Phú Thọ. Những
năm ở đó, từ một bậc trâm anh, thế phiệt, bà đã phải cuốc đất trồng khoai và
buôn bán để nuôi con. Năm 1955, gia đình ông Trịnh Văn Bô trở về Hà Nội. Ông bà
tiếp tục xoay xở và bắt đầu phải bán dần đồ đạc cũ để nuôi sống gia đình. Lúc
này, toàn bộ biệt thự, cửa hàng đều đã bị các cơ quan nhà nước sử dụng hoặc
chia cho cán bộ nhân viên ở. Lúc đầu, Nhà nước “mượn” sau tự làm giấy nói gia
đình xin hiến, nhưng cụ bà Trịnh Văn Bô bảo: “Tôi không ký”.
Bà quả phụ Trịnh Văn Bô: Ảnh: giadinh.net
Năm 1958, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho tiến
hành “cải tạo xã hội chủ nghĩa” trên toàn miền Bắc, các nhà tư sản Việt Nam buộc
phải giao nhà máy, cơ sở kinh doanh cho Nhà nước. Bà Trịnh Văn Bô lại được kêu
gọi “làm gương”, đưa xưởng dệt của bà vào “công tư hợp doanh”. Bà Bô cùng các
nhà tư sản được cho học tập để nhận rõ, tài sản mà họ có được là do bóc lột,
bây giờ Chính phủ nhân đạo cho làm phó giám đốc trong các nhà máy, xí nghiệp của
mình. Không chỉ riêng bà Bô, các nhà tư sản từng nuôi Việt Minh như chủ hãng nước
mắm Cát Hải, chủ hãng dệt Cự Doanh cũng chấp nhận hợp doanh và làm phó.
Cho dù được ghi nhận công lao, trong lý
lịch các con của ông Trịnh Văn Bô vẫn phải ghi thành phần giai cấp là “tư sản
dân tộc”, và rất ít khi hai chữ “dân tộc” được nhắc tới. Con trai ông Trịnh Văn
Bô, ông Trịnh Kiến Quốc kể: “Ở trường, các thầy giáo, nhất là giáo viên chính
trị, nhìn chị em tôi như những công dân hạng ba. Vào đại học, càng bị kỳ thị vì
lượng sinh viên người Hà Nội không còn nhiều. Trong trường chủ yếu là sinh viên
con em cán bộ thuộc thành phần cơ bản từ Nghệ An, Thanh Hoá… những người xếp
sinh viên Hải Phòng, Hà Nội vào thứ hạng chót. Chị tôi vào Đại học Bách Khoa,
năm 1959, phải đi lao động rèn luyện một năm trên công trường Cổ Ngư, con đường
về sau Cụ Hồ đổi thành đường Thanh Niên, và sau đó là lao động trên công trường
Hồ Bảy Mẫu”.
Cả gia đình ông Trịnh Văn Bô, sau khi về
Hà Nội đã phải ở nhà thuê. Năm 1954, Thiếu tướng Hoàng Văn Thái có làm giấy mượn
căn nhà số 34 Hoàng Diệu của ông với thời hạn 2 năm. Nhưng cho đến khi ông Trịnh
Văn Bô qua đời, gia đình ông vẫn không đòi lại được. (Huy
Đức. Bên Thắng Cuộc,
tập II. OsinBook, Westminster, CA: 2013).
Câu chuyện thượng dẫn tuy hơi cay đắng nhưng kết cục
(không ngờ) lại vô cùng có hậu, theo như bản tin của Vnexpress (“Bộ Tài
chính đôn đốc trả nợ tiền vay dân trong 2 cuộc kháng chiến”) số ra ngày
19 tháng 7 năm 2017:
“Đây là những
khoản nợ từ công phiếu kháng chiến, phát hành trong các năm 1948, 1949, 1950,
1951, 1952; công trái quốc gia, phát hành năm 1951; công trái Nam-Bộ, phát hành
năm 1947, 1958; công phiếu nuôi quân phát hành năm 1964 và những khoản vay khác
(tiền hoặc lương thực) do các cơ quan chính quyền từ cấp huyện trở lên vay theo
lệnh của cấp trên để mua sắm vũ khí, nuôi quân.”
Nguồn ảnh: taichinhdientu.vn
Thiệt là tử tế và qúi hóa quá xá Trời. Tôi rất tâm đắc
với hai chữ “đôn đốc” trong tiêu đề của bản tin thượng dẫn: “Bộ
Tài Chính Đôn Đốc Trả Nợ Tiền Vay Dân Trong Hai Cuộc Kháng Chiến.” Nghe sao
có tình, có nghĩa hết biết luôn.
Nhà nước sòng phẳng,
đàng hoàng, và tử tế đến như thế nên khi quốc khố trống rỗng và nợ công ngập đầu
– như hiện nay – thì chuyện huy động vàng trong dân chắc ... cũng dễ (ợt)
thôi.
Good bye and good luck!