21.07.2017

Xã hội chủ nghĩa là xã hội phi nghĩa - Trung Nguyễn

„Mục tiêu của “xã hội chủ nghĩa” (XHCN) là để tiến tới “xã hội công bằng”, nhưng giới lãnh đạo cộng sản đã tạo ra một thứ “xã hội phi nghĩa” thể hiện qua một “xã hội bất công”.“

Xã hội chủ nghĩa là xã hội phi nghĩa

Trung Nguyễn
Cặp đôi hoàn hảo: bà Lê Mai Trang (trái) và ông Võ Văn Liêm.

Những ngày vừa qua, trên mạng xã hội lan truyền nhiều clip cho thấy hình ảnh rất phản cảm của những người trong hệ thống công quyền như vụ bà Lê Mai Trang, Phó Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân đi ăn sáng đậu xe trái phép nhưng cãi chày cãi cối; vụ trung tướng Võ Văn Liêm, cựu Phó Chính ủy Quân khu 9, cựu Phó Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Quân ủy Trung ương, chửi tục, hống hách không chấp hành lệnh dừng xe của cảnh sát giao thông (CSGT) vì lỗi vi phạm quá tốc độ…


Thành quả của “xóa bỏ giai cấp”

Tất cả những vụ việc trên phản ánh một thực tế là tâm thế của những người trong bộ máy công quyền coi họ là vua quan, là giai cấp thống trị, còn dân đen hay thậm chí cấp dưới là giai cấp bị trị.

Nhìn cách ông chủ tịch phường Thanh Xuân Bắc phải đi giữ xe cho bà phó chủ tịch quận Thanh Xuân, chúng ta có thể thấy tư duy, phong cách “thượng đội hạ đạp” trong bộ máy chính quyền Việt Nam. Quan chức cấp dưới như cấp quận lại khúm núm hầu hạ quan chức cấp trên là cấp thành phố và cứ thế. Hẳn mọi người còn nhớ vụ việc 21 giáo viên nữ bị cấp trên điều động đi làm lễ tân, tiếp khách ở Hà Tĩnh?

Bản thân tôi cũng từng chứng kiến cấp dưới trong một công ty quốc doanh phải đi phụ việc nhà cho bí thư đảng ủy của công ty vào dịp Tết cứ như là một osin.

Như thế, sau bao nhiêu năm đảng cộng sản xây dựng và vận hành chính quyền để tiến tới mục tiêu “xóa bỏ giai cấp”, “không còn người bóc lột người”, xã hội Việt Nam hiện tại đã phân hóa thành nhiều giai cấp, trong đó có hai giai cấp chính, và con người bị lạm dụng, lợi dụng.

Giai cấp thống trị là những người trong bộ máy chính quyền và đảng viên cộng sản. Trong thành phần giai cấp này lại phân ra nhiều tầng lớp khác nhau, tùy vào cấp bậc thấp, trung, hay cao. Ông chủ tịch một phường có thể là người thuộc giai cấp thống trị với dân đen, nhưng cũng chỉ là osin cho một bà phó chủ tịch quận. CSGT có thể hét ra lửa với dân, nhưng cũng chỉ là tép riu với một ông tướng.

Giai cấp bị trị là toàn thể người dân Việt Nam không phải đảng viên cộng sản và đương nhiên, không có chức quyền. Nhưng những người có quan hệ với giai cấp thống trị bên trên lại là thành phần cao cấp hơn, được ưu tiên hơn, chẳng hạn như chủ các công ty sân sau cho quan chức trong chính quyền. Còn những người thuộc các tôn giáo không được thừa nhận, hoặc có quan hệ tới chế độ Việt Nam Cộng Hòa trước đây, hoặc tệ nhất là những người đấu tranh dân chủ, là nằm dưới đáy xã hội.

Xã hội chủ nghĩa là xã hội bất công

Trong Đề án Thí điểm đổi mới cho thi tuyển để chọn lãnh đạo, quản lý cấp vụ, cấp sở, cấp phòng tại Việt Nam mới đây, những người không phải đảng viên cộng sản hoặc không được đảng cộng sản quy hoạch có thể được thi, nhưng phải có đề cử của cơ quan. Họ cũng không được phép tự ứng cử để ra thi tuyển.

Như thế, giới lãnh đạo cộng sản công khai thừa nhận có hai giai cấp chính ở Việt Nam. Người ngoài đảng – giai cấp bị trị – về mặt lý thuyết chỉ có thể làm tới cấp vụ. Họ đã công khai vi phạm điều 16 Hiến pháp do chính họ ban hành là “1. Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật. 2. Không ai bị phân biệt đối xử trong đời sống chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội”.

Mục tiêu của “xã hội chủ nghĩa” (XHCN) là để tiến tới “xã hội công bằng”, nhưng giới lãnh đạo cộng sản đã tạo ra một thứ “xã hội phi nghĩa” thể hiện qua một “xã hội bất công”.

Quốc gia không có nền tảng

Tại sao từ một mục tiêu rất tốt đẹp ban đầu là “xã hội công bằng” lại dẫn đến tình trạng bất công như hiện nay? Đó là do quốc gia không có nền tảng dân chủ thể hiện qua bản hiến pháp chuẩn mực.

Những ai đã từng đi học từ nhỏ đến lớn tại Việt Nam, và từng phục vụ trong quân đội, công an, đều có thể dễ dàng nhận thấy những gì được nhồi nhét vào đầu chỉ là tin tưởng tuyệt đối vào chủ trương, chính sách của đảng cộng sản, bảo vệ, hy sinh cho đảng cộng sản, chấp hành mệnh lệnh của các đảng viên cộng sản. Tuyệt nhiên không thấy nhấn mạnh việc chúng ta phải tuân theo pháp luật.

Lấy 10 lời thề của quân nhân ra làm ví dụ, ta có thể thấy tất cả những lời thề “thiêng liêng” mà ông Trung tướng Võ Văn Liêm phải nghe và đọc mỗi thứ hai đầu tuần chỉ là chấp hành “sự lãnh đạo của đảng Cộng sản Việt Nam”, “chấp hành… mọi đường lối chủ trương của Đảng [Cộng sản]” “tuyệt đối phục tùng mệnh lệnh cấp trên”, “phấn đấu thực hiện một nước Việt Nam … XHCN”,  “nâng cao tinh thần yêu nước XHCN, tinh thần quốc tế vô sản”, “nêu cao tinh thần làm chủ tập thể XHCN”,…

Ngay cả 6 điều Chủ tịch Hồ Chí Minh dạy công an hay 5 lời thề danh dự của công an cũng không hề có điều nào yêu cầu công an phải chấp hành hiến pháp và bảo vệ pháp luật, tất cả vẫn chỉ là trung thành và chấp hành mệnh lệnh của đảng cộng sản, nhà nước. Yếu tố “Tổ quốc” và “nhân dân” có được nhắc tới, nhưng “Tổ quốc” và “nhân dân” thì không thể ra lệnh, không thể có “chủ trương” hay “chính sách”.

Ông Võ Văn Liêm, một cựu sĩ quan chính trị quân đội cao cấp, không hề được nhắc nhở rằng ông cũng phải chấp hành pháp luật, đừng nói gì tới tất cả những ai đang ở trong hệ thống chính trị này.

Khi quan chức của đảng cộng sản kêu gọi “thượng tôn pháp luật”, chẳng hạn như ông chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung bao biện cho việc khởi tố dân Đồng Tâm bắt giam các chiến sỹ cảnh sát cơ động, chữ “pháp luật” mà họ dùng, đồng nghĩa với ý chí của giới lãnh đạo đảng cộng sản. “Thượng tôn pháp luật” nghĩa là tuyệt đối phục tùng đảng cộng sản.

Thêm một ví dụ là mới đây giới lãnh đạo cộng sản thản nhiên cho phép xả “vật chất”, mà thực chất là chất thải độc hại, xuống biển Bình Thuận, dù đã có Luật bảo vệ môi trường cũng do chính họ ban hành.

Nghĩa là luật pháp ở Việt Nam là để nhà cầm quyền cai trị dân đen chứ bản thân họ hoàn toàn đứng trên pháp luật, dù họ cũng ráng làm ra vẻ văn minh bằng mục 3 của điều 4 Hiến pháp là “Các tổ chức của Đảng và đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật.”

Đảng cầm quyền trên đường tan rã

Các sự việc xảy ra cho thấy trình độ và tư cách của quan chức, thậm chí là cấp tướng, rất thấp kém. Người dân bên ngoài mới chỉ nhìn thoáng vào bên trong hệ thống chính trị còn thấy như vậy, đừng nói gì tới những người bên trong hệ thống nhưng ở thân phận osin thì còn bức xúc, bất mãn tới mức độ nào.

Về mặt an ninh quốc gia, liệu quân nhân có tuân phục thi hành mệnh lệnh của những tướng tá với tư cách, trình độ như vậy hay không? Liệu họ có chịu hy sinh để bảo vệ cho một chế độ bất công hay không? Vậy thì khi quân xâm lược đến họ có liều chết đánh giặc hay không?

Việc các chiến sĩ cảnh sát cơ động “đầu hàng” dân Đồng Tâm đã cho ta phần nào câu trả lời của các chiến sỹ. Câu trả lời là KHÔNG.

Giới lãnh đạo cộng sản biết rất rõ câu trả lời đó nên họ cũng ráng đề ra những cái gọi là nghị quyết chống “tự diễn biến, tự chuyển hóa”, hay như báo Quân đội nhân dân mới đây cũng giật tít “Ngăn chặn và đẩy lùi biểu hiện đòi thực hiện ‘đa nguyên, đa đảng’ [trong nội bộ]”. Thậm chí có những tỉnh thành yêu cầu cán bộ công chức phải ký cam kết “không tự diễn biến, tự chuyển hóa”.

Những hành động đó thực chất chỉ là những hành động trong tuyệt vọng để kéo dài thời gian hấp hối của chế độ. Vì chính những người bên trong hệ thống đã thấy rõ bản chất bất công và đòi hỏi cấp bách phải cải cách dân chủ.

Đảng cộng sản đã thực sự tan rã về mặt tư tưởng, chút keo kết dính còn lại là tính tổ chức trong đảng, là quyền lợi dành cho một số nhóm lợi ích. Từ sự tan rã về tư tưởng cho đến sự sụp đổ của chế độ chỉ là vấn đề thời gian, mà thời gian cũng không dài nữa. Đó là lý do tại sao giới thống trị đã lo đưa con cái ra nước ngoài du học và chuyển tài sản ra nước ngoài.

Chính quyền thất sách thì dân quyền tự quyết là thượng sách

Với tâm tình người Việt là đồng bào, giữa người Việt không có thù địch, người Việt trong cũng như ngoài đảng cộng sản cần cùng nhau phối hợp để cải tổ thể chế.

Pháp luật chính là thể chế. Cái mà “toàn đảng [cộng sản], toàn quân, toàn dân” cần làm là cùng nhau thiết lập một nền pháp luật chuẩn mực, bắt đầu từ bản hiến pháp được toàn dân phúc quyết, trong đó phải cụ thể hóa được quyền làm chủ bình đẳng của người dân.

Có bản hiến pháp chuẩn mực bao hàm tinh thần bao dung đồng bào chính là để ngăn ngừa tình trạng lừa mị trong chính trị, tránh tình trạng đất nước lại rơi vào chế độ độc tài toàn trị một lần nữa, tránh để xảy ra chia rẽ, nội chiến.

Pháp luật tùy tiện đem lại xã hội bất công, gây chia rẽ xã hội. Pháp luật chuẩn mực sẽ đem lại xã hội công bằng và đoàn kết quốc gia.

Tiếng Dân