29.07.2017

Liên Hiệp Quốc lên án Việt Nam gia tăng trấn áp bất đồng chính kiến

Liên Hiệp Quốc lên án Việt Nam gia tăng trấn áp bất đồng chính kiến
Bà Liz Throssell, phát ngôn viên của Cao Ủy Liên Hiệp Quốc về Nhân Quyền.@unwebtv

Theo AFP, Cơ quan nhân quyền Liên Hiệp Quốc tại Genève ngày 28/07/2017 đã lên án tình trạng gia tăng trấn áp các nhà hoạt động nhân quyền tại Việt Nam, đồng thời yêu cầu chính quyền Hà Nội trả tự do ngay những người bất đồng chính kiến đang bị cầm tù.


Trong buổi họp báo ngày 28/07 tại Genève, phát ngôn viên của Cao Ủy Liên Hiệp Quốc về Nhân Quyền, bà Liz Throssell nói : « Chúng tôi lo ngại tình trạng trấn áp gia tăng nhằm vào những người bảo vệ nhân quyền tại Việt Nam chỉ vì họ chỉ trích đường lối chính sách của chính phủ ».

Đại diện cơ quan của Liên Hiệp Quốc cũng bày tỏ quan ngại về bản án nặng nề 9 năm tù mới đây dành cho bà Trần Thị Nga vì tội « tuyên truyền chống Nhà nước » cũng như trình tự xét xử của vụ án.

Bà Liz Throssell nhắc lại trong vòng 6 tháng qua, ít nhất có thêm 7 người hoạt động nhân quyền bị bắt giữ, nhiều người khác đang ngồi tù và 2 người đã buộc phải ra nước ngoài tị nạn.

Đại diện cơ quan Liên Hiệp Quốc nhấn mạnh : « Không bao giờ được đối xử những người bảo vệ nhân quyền như là những tội phạm đe dọa an ninh quốc gia… Chúng tôi khẩn thiết yêu cầu chính quyền Việt Nam trả tự do ngay lập tức tất cả những người bị bắt giam vì thực thi các quyền tự do ngôn luận của họ, đồng thời Việt Nam phải xem xét lại các điều luật không rõ ràng, được sử dưới cái cớ an ninh quốc gia, để trấn áp bất đồng ».

Các tổ chức nhân quyền quốc tếtổ chức xã hội dân sự độc lập của Việt Nam kêu gọi Hà Nội trả tự do ngay lập cho nhà tranh đấu Trần Thị Nga và các tù nhân lương tâm khác, vì “cho rằng việc phát biểu ôn hòa về các vấn nạn của đất nước và xã hội Việt Nam, dù trái với quan điểm và chính sách của nhà cầm quyền, dứt khoát không thể bị xem là hành vi phạm tội theo luật pháp hiện hành.”

Trưởng phái đoàn Liên Hiệp châu Âu tại Việt Nam hôm 26/7 nói rằng bản án 9 năm tù đối với bà Nga mâu thuẫn trực tiếp với Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền và Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị mà Việt Nam là một nước thành viên, trong đó các quyền tự do ý kiến và tự do biểu đạt là những quyền căn bản, không thể thiếu đối với phẩm giá và sự mãn nguyện của mỗi cá nhân, cũng như đã được nêu trong Điều 25 của Hiến pháp Việt Nam.

Quyết định của các cơ quan thẩm quyền Việt Nam không cho phép các đại diện của Phái đoàn EU cũng như của các đại sứ quán các nước thành viên EU quan sát phiên xét xử đã đặt dấu hỏi về sự minh bạch của quá trình xét xử, tuyên bố của đại diện EU tại Việt Nam cho biết.

Liên minh châu Âu nói sẽ tiếp tục theo dõi tình hình nhân quyền ở Việt Nam cũng như hợp tác với các cơ quan thẩm quyền nhằm hướng tới việc cải thiện tình hình nhân quyền tại đây.

Tin RFI, VOA