"Tôi là công dân. Tôi có quyền đứng ở đây!"
RFA * Trần Quốc Việt dịch
Chị Trần Thị Nga 37 tuổi, với con nhỏ còn chập chững
ẵm bên mình, mái tóc ngắn, giọng thét vang chửi rủa kẻ mà chị tố cáo là một tên
mật vụ, là hình ảnh của một người tràn đầy khí phách mạnh mẽ và quyết tâm.
Chị la mắng gã an ninh che mặt đằng sau điện thoại với
những lời chửi rủa sa sả chen với những tiếng chửi thề. Chị nói hắn ở trong bọn
ngăn cản chị lên Hà Nội tham dự cuộc biểu tình nhân quyền vào tháng Năm 2013.
Chị nói công an bắt cóc rồi đánh đập và ăn cướp mẹ con chị.
"Ngày hôm nay tao đến đây tao nộp
đơn tố cáo ngành công an chúng mày đây,"chị tiếp tục chửi
rủa với theo khi gã từ từ bước ra khỏi phòng, lên ô tô bỏ đi.
Nhưng chị vẫn
không buông tha. "Chúng mày không nhận đơn tố cáo của công
dân," chị tiếp tục la to. "Ai cho phép bọn an ninh
vào đây hãm hại dân à."
"Chúng
nó một lũ an ninh đây này," chị nói với nhóm người xúm quanh chị. "Ngành an ninh
trấn áp, ăn cướp, hãm hại người dân à."
Trần Thị Nga chỉ
có tiếng nói và nghị lực phi thường để chống lại áp bức ở Việt Nam. Và chị can
đảm dùng hai vũ khí này. "Chúng mày đừng tưởng khoác lên mình bộ
quần áo công an là chúng mày trấn áp, được quyền tung hoành với dân à," chị
chửi người đàn ông ở đấy, cuối cùng hắn phải lui vào bên trong tòa nhà.
Chị cẩn thận
quay phim lại chuyện xảy ra này vào ngày 19 tháng Chín, 2013 ở trụ sở giải quyết
các đơn tố cáo của công dân của chính quyền tại thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam,
là quê quán và nơi cư trú hiện nay của chị.
Video về cuộc đối
đầu này có thể tìm thấy trên Youtube, và đã được đăng lại dưới nhiều tên gọi
khác nhau.
Những video khác
làm đau lòng hơn. Vào tháng Năm 2014, chị bị tấn công khi được chở ở phía sau
xe máy. Bon côn đồ vũ trang với tuýp sắt đánh chị, đuổi chị chạy vào nhà bán ô
tô cạnh đó, và chúng quay trở lại xông vào đánh chị đến ba lần.
Video cũng hỗn
loạn như cuộc tấn công, ghi lại những tiếng la thất thanh rợn người trong lúc
chị tìm nơi ẩn núp.
Trong một video
khác đăng trên Youtube, chị Trần Thị Nga được đẩy vào bệnh viện, chân tay chị bị
băng bó và nẹp lại, và khắp người còn lại bị đánh sưng bầm dập. Hai đứa bé nhỏ
lẻo đẽo chạy theo sau cáng, và chị Trần Thị Nga vừa an ủi con vừa nói chuyện với
camera để ghi lại bằng chứng cuộc tấn công.
Việc hành hung
các nhà hoạt động nhân quyền bây giờ đã trở thành thủ đoạn đe dọa ưa thích của
chính quyền Việt Nam trong nỗ lực gia tăng đàn áp bất đồng chính kiến. Đảng Cộng
sản Việt Nam đã cai trị cả nước từ năm 1975 và ít cho phép những quyền tự do
căn bản như các công dân ngày càng đòi hỏi.
Hiện nay các nhà
tù ở Việt Nam đang giam cầm khoảng 200 tù chính trị, nhưng rất nhiều nhà hoạt động
bị an ninh mật vụ và côn đồ đánh thuê đánh đập dã man và điều này đã trở thành
khuynh hướng khiến các tổ chức nhân quyền lo ngại.
Nhưng những gì
những người như chị Trần Thị Nga thiếu về nhân quyền và sự bảo vệ, họ bù đắp lại
bằng sự quyết tâm lên tiếng mạnh mẽ và bằng mọi giá dùng interrnet để chứng tỏ
sự tàn bạo của chế độ.
Chị Trần Thị Nga
chỉ 20 tuổi khi chị giống như nhiều phụ nữ người Việt khác nhờ công ty môi giới
tìm việc ở Đài Loan để gởi tiền về nhà.
Ban đầu chị làm
công việc người giúp việc nhà, rồi chị được điều đi làm những công việc trong
các xí nghiệp công nghiệp khác nhau như phân loại rác và sản xuất chai nhựa, mạch
điện tử, và phụ tùng xe hơi bằng nhựa. Lúc còn là người giúp việc nhà, chị làm
từ 4 giờ sáng đến 9 giờ tối. Công ty môi giới không những thu giữ hộ chiếu mà
còn thu 80 phần trăm tiền lương của chị. Công việc mới có nghĩa là chị phải trả
những chi phí mới.
Chị có lẽ không
bao giờ được ai biết đến nếu không phải vì tai nạn xe vào năm 2005 đã khiến chị
phải nằm bệnh viện và rồi ba năm sau mới hồi phục.
Chính nhờ cảnh
sát Đài Loan mà chị mới biết tính chất bất hợp pháp của cung cách đối xử với
người lao động nước ngoài như chị. Và trong thời gian hồi phục chị tự học các
luật và các quyền lao động với sự giúp đỡ của một linh mục người Việt.
Chị Trần Thị Nga
vẫn còn có nợ bệnh viện một số tiền lớn, nhưng chị cũng có sự hiểu biết sâu sắc
về nhân quyền và có đôi mắt tinh tường để nhận ra ngay các bất công.
Trở về Việt Nam,
chị tự quyết định can thiệp nhằm bảo vệ những người lao động bị ngược đãi, đặc
biệt với những phụ nữ bị buôn lậu ra nước ngoài. Nhưng chị cũng lên tiếng và
tham gia vào các cuộc biểu tình về những vấn đề chính trị.
Năm 2014, chị
tham gia vào các cuộc biểu tình chống Trung Quốc làm rung chuyển quốc gia theo
sau những cuộc đối đầu trên biển ở Biển Đông giữa hai nước.
Chị Trần Thị
Nga, mẹ của bốn con trai, dành toàn bộ thời gian tập trung vào những vấn đề
nhân quyền. Chị sống nhờ vào tiền cho thuê nhà và vào lương của người bạn đời
thứ hai, người chị không thể kết hôn về pháp lý vì sợ ông có thể mất việc vì những
hoạt động của chị.
Chị bây giờ là
thành viên của hội Phụ nữ Nhân Quyền Việt Nam, một nhóm mới thành lập gần đây
bao gồm những người Việt ở hải ngoại mong muốn góp phần ủng hộ, huấn luyện, và
khích lệ những ai sẵn sàng bảo vệ nhân quyền ở Việt Nam.
Chị cũng là
thành viên của hội Bầu Bí Tương Thân, một nhóm trong nước giúp đỡ những tù nhân
lương tâm và gia đình.
Chị Trần Thị Nga
không có tham vọng chính trị - chỉ có niềm tin vững chắc về các quyền con người
của công dân Việt Nam. Như chị bảo với các tên mật vụ bao vây chị trong video ở
Phủ Lý, "Tôi là công dân. Tôi có quyền đứng ở đây!"
Nguồn:
Dịch từ tác phẩm ""It's
not OK" Women struggling for human rights" của Đài Á Châu Tự
Do ấn hành vào tháng Mười Một 2014. Tựa đề nguyên tác "Firm in her
beliefs". Tựa đề tiếng Việt của người dịch.
Trần Quốc Việt dịch