07.08.2017

Tư chất con người và trách nhiệm cá nhân - Thọ Nguyễn

„…vấn đề chủ quyền ở Biển Đông, nạn phá hoại môi sinh, vấn đề bảo vệ cuộc sống của người dân khi lũ lụt, sự bức xúc của các văn nghệ sĩ có phẩm giá, hay cả nỗi khổ của ba bệnh nhân trên một giường bệnh, của hàng triệu người đeo khẩu trang vải để chống chất thải của xăng dầu, tệ nạn bắt trộm chó.v.v tất cả đều liên quan chặt chẽ đến nhau.

Và tất cả đều phụ thuộc vào cách hành xử của từng người chúng ta. Sẽ không ai thoát khỏi trách nhiệm với hậu thế.“

Tư chất con người và trách nhiệm cá nhân

Thọ Nguyễn 

Người tự trọng luôn có đủ nghị lực vượt qua cám dỗ của vật chất, của quyền lực. Người hãnh tiến, tham quyền dễ bỏ qua danh dự, dễ chậc lưỡi khi làm điều ác. Người hèn nhát hay tìm cách biện hộ cho sự nhu nhược của mình và biết ngậm bồ hòn v.v.


Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư xuất thân từ sông nước Nam Bộ đã thuyết phục tôi bởi những đoạn văn ngắn, mộc mạc, nhưng mang nặng tình người. Thành công như vậy, nhưng Tư vẫn sống trong căn nhà gỗ nhỏ bé bên bờ sông cùng chị chồng. Nhà văn Võ Đắc Danh thấy vậy nên yêu cầu bí thư tỉnh ủy cấp cho Tư 1 căn nhà. Chuyện dễ ợt mà, bí thư bảo vậy. Nhưng với Tư điều đó không dễ. Cô không nhận căn nhà vì danh dự của cô cao hơn nhiều.


Cũng là nhà văn, nhưng tầm cỡ cha chú, ông Hữu Thỉnh hôm qua nài nỉ Thủ tướng Phúc cấp cho ông chiếc xe ô-tô, vì cho rằng cấp bậc của ông xứng đáng được đi xe nhà nước cấp từ 10 năm nay. Sống sượng hơn, ông dám thay mặt giới cầm bút, đề nghị nhà nước phải đầu tư hơn, đổ thêm tiền cho các nhà văn. Ông nhà văn coi văn học như một dự án đầu tư kiểu nhà máy sữa hay khơi dòng sông Tô Lịch.

Ông Trần Khánh Chương - chủ tịch Hội Mỹ thuật VN phụ họa với ông Thỉnh, đề nghị nhà nước đổ tiền thêm vào các dự án „Mỹ thuật“ của hội ông ta. Ông cảm thấy buồn vì nhà nước, giải cứu dưa mà không chịu giải cứu tranh. Ông này khôn, không đem giải cứu lợn ra so sánh.


Tại sao có nghệ sĩ sống bằng tài năng, khước từ đồ bố thí và có nghệ sĩ chỉ sống bằng ăn xin?

Quyền lực không được kiểm soát là cỗ máy lưu manh hóa con người mạnh nhất. Chúng ta ai cũng có lòng tham, nhưng những người có lòng tham lớn nhất sẽ tìm mọi cách chui vào cỗ máy đó để trục lợi và kết quả là họ đã bị tha hóa để đổi lấy thành đạt. Càng thành đạt, họ càng quy tụ những kẻ tha hóa khác xung quanh để củng cố quyền lực. Họ dùng bọn tha hóa để có thể khống chế chúng. Người ngay thẳng nhiều khi vô hại, vì họ không có dã tâm, nhưng họ lại khó điều khiển, họ bị nghiền nát và đào thải. Một dòng chảy mà chỉ toàn nước thải đậm đặc nhất chỉ tạo ra sông Tô-Lịch đặc quánh. Kết cục là chúng ta có một xã hội như hôm nay.

Điều buồn nhất không phải là dòng sông Tô-Lịch đen ngòm, đặc quánh, mà là sự tác động của nó đến những cư dân hai bên bờ sông. Họ đã quen với mùi này và cảm thấy hạnh phúc khi ở dòng sông đó bốc lên một mùi khác.
Khi cỗ máy tha hóa kia thu hồi một sản phẩm của nó, để rồi tiếp tục củng cố bộ máy nhằm tạo ra các sản phẩm hoàn hảo hơn, nguy hiểm hơn, đã có hàng triệu người hân hoan.

Họ quên rằng trong khi họ đang hân hoan, có gần bốn chục đồng bào chết trôi trong lũ lụt ở Yên Bái, có một triệu m³ bùn bẩn đã được đổ xuống biển Ninh Thuận và đau hơn nữa, chủ quyền đất nước bị từ bỏ ở một giếng khoan dầu ngoài Biển Đông.

Hãy tin tôi đi: vấn đề chủ quyền ở Biển Đông, nạn phá hoại môi sinh, vấn đề bảo vệ cuộc sống của người dân khi lũ lụt, sự bức xúc của các văn nghệ sĩ có phẩm giá, hay cả nỗi khổ của ba bệnh nhân trên một giường bệnh, của hàng triệu người đeo khẩu trang vải để chống chất thải của xăng dầu, tệ nạn bắt trộm chó.v.v tất cả đều liên quan chặt chẽ đến nhau.

Và tất cả đều phụ thuộc vào cách hành xử của từng người chúng ta. Sẽ không ai thoát khỏi trách nhiệm với hậu thế.


Yên Bái sau trận lũ tuần trước