15.09.2017

Vận động nhân quyền Việt Nam ở châu Âu vào ngày sinh nhật Anh Ba Sàm

Vận động nhân quyền Việt Nam ở châu Âu vào ngày sinh nhật Anh Ba Sàm

Poster của tổ chức VOICE để khởi động chiến dịch Vận động nhân quyền UPR năm 2017 tại châu Âu.

Một phái đoàn vận động nhân quyền người Việt sẽ tới châu Âu để cập nhật cho các cơ quan Liên Hiệp Quốc về những tiến bộ cũng như những vi phạm của chính phủ Việt Nam trong lĩnh vực nhân quyền.


Chiến dịch Vận động nhân quyền quốc tế UPR (Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát) do VOICE phát động kéo dài gần 1 tháng và sẽ bắt đầu vào ngày 15/9, sinh nhật của blogger Anh Ba Sàm (tức Nguyễn Hữu Vinh) đang bị cầm tù.
Một trong những người tham gia phái đoàn vận động, nhà hoạt động Đinh Thảo, sẽ phát biểu trước Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc tại Geneva, Thụy Sỹ, ngày 19/9 để thu hút sự chú ý của quốc tế về các hành động vi phạm nhân quyền nghiêm trọng diễn ra tại Việt Nam.

Nhà hoạt động trẻ tuổi từng bị bắt giữ vì tham gia các cuộc biểu tình phản đối chính quyền Hà Nội đốn chặt cây xanh hồi năm 2015 nói với VOA rằng cô sẽ “lên án chính phủ Việt Nam đã không những không thực hiện những điều đã cam kết trong chiến dịch UPR năm 2014, mà thậm chí còn làm ngược lại so với những gì đã hứa.”

"Năm 2014 chính phủ Việt Nam đã chấp nhận 182 khuyến nghị từ hơn 100 quốc gia khác nhau trong đó có những khuyến nghị đòi hỏi việc cải cách nhân quyền mạnh mẽ," theo Đinh Thảo. "Thế nhưng Việt Nam không những không thực hiện điều đó mà còn gia tăng đàn áp, bắt bớ, bỏ tù những người bất đồng chính kiến."

Blogger Anh Ba Sam (tên thật Nguyễn Hữu Vinh), tại một phiên tòa xử ông ở Hà Nội hôm 22/9/2016. Cựu nhân viên công an này bị tuyên án 5 năm tù vì viết blog có ý kiến trái chiều với chính quyền Việt Nam.

Theo báo các của tổ chức theo dõi nhân quyền quốc tế Human Rights Watch, ít nhất 19 người trong đó có blogger nổi tiếng Anh Ba Sàm, bị chính quyền Việt Nam kết án tù từ 20 tháng tới 9 năm vì những hoạt động phản đối ôn hòa. Cũng theo HRW, trong năm 2016 các blogger và những người hoạt động vì nhân quyền thường trở thành mục tiêu bị chính quyền sách nhiễu và quấy rối. Năm 2016 cũng là năm nhiều các cuộc biểu tình ôn hòa của người dân bùng phát để phản đối thảm họa cá chết và nhiễm độc biển miền Trung do công ty Formosa gây ra.

Theo cô Đinh Thảo, việc chính quyền Việt Nam gia tăng đàn áp hồi gần đây sẽ là một thách thức cho giới hoạt động dân chủ trong nước. Tuy nhiên cô nói những hành vi đàn áp “khốc liệt” như vậy có thể làm khiến “lòng dân căm phẫn hơn” và càng củng cố quyết tâm của các nhà tranh đấu.

Nhà hoạt động trẻ tuổi nói những người đấu tranh ở trong nước sẽ không còn đơn độc, vì những chiến dịch vận động như cô đang tham gia sẽ thu hút sự chú ý của cộng đồng quốc tế.

"Những chính phủ có điều kiện nhân quyền tốt, ví dụ như châu Âu, Mỹ, Canada, và họ có điều kiện kinh tế tốt và thông qua những điều đó khi họ quan hệ ngoại giao với Việt Nam thì họ có thể giúp đối thoại với chính phủ Việt Nam về nhân quyền," theo nhà hoạt động Đinh Thảo.

Với sự đồng hành của nhiều tổ chức quốc tế quan tâm, phái đoàn vận động của VOICE, gồm cả bà Lê Thị Minh Hà, vợ của blogger Nguyễn Hữu Vinh, sẽ cung cấp thêm thông tin đầy đủ hơn về tình hình nhân quyền hiện tại ở Việt Nam.

Ngoài các cơ quan của Liên Hiệp Quốc và các tổ chức nhân quyền có liên quan, các nhà hoạt động này dự kiến sẽ tới Đức, Thụy Sỹ, Thụy Điển, Na Uy, Bỉ và Cộng hòa Czech trong chiến dịch vận động kéo dài tới ngày 10/10. Họ hy vọng chiến dịch vận động này sẽ khích lệ chính quyền Việt Nam tôn trọng và bảo vệ nhân quyền trong tư cách là một bên tham gia ký kết nhiều công ước nhân quyền của Liên Hiệp Quốc.

15/09/2017