Hoa Kỳ công bố các lệnh trừng phạt mới lên Nga
Hôm 06/04, chính phủ Tổng thống (TT) Biden đã công bố một đợt trừng phạt mới vào Moscow sau những cáo buộc rằng quân đội Nga phạm tội ác chiến tranh ở thị trấn Bucha của Ukraine. Các biện pháp mới bao gồm việc cấm tất cả các khoản đầu tư mới vào Nga và áp lệnh trừng phạt lên hai người con gái đã trưởng thành của TT Vladimir Putin.
Hoa Kỳ, các đồng minh G7, và Liên minh Âu Châu đang chuẩn bị cho một đợt các lệnh trừng phạt mà Tòa Bạch Ốc cho biết trong tuyên bố hôm 06/04 là “sẽ tiếp tục áp đặt các phí tổn kinh tế nghiêm trọng và tức thời” lên Nga vì những gì mà Hoa Kỳ mô tả là “những hành động tàn bạo ở Ukraine, bao gồm cả ở Bucha”.
Những hình ảnh rùng rợn xuất hiện vào ngày cuối tuần 03/04 từ Bucha, một thị trấn gần Kyiv, cho thấy những ngôi mộ tập thể và thi thể của những người bị sát hại – một số bị trói tay và những người khác có dấu vết như bị tra tấn.
Ukraine đã cáo buộc quân đội Nga phạm tội ác chiến tranh ở Bucha; Moscow đã bác bỏ những tuyên bố này.
Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov đã gọi những cáo buộc về hành vi tàn bạo này là một “sự giả mạo quái ác” nhằm bôi nhọ quân đội Nga và là một “cái cớ để phá hoại” các cuộc đàm phán hòa bình đang diễn ra.
TT Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết Nga đã không đàm phán một cách thiện chí, nói rằng Kyiv đã nhiều lần yêu cầu ngừng bắn để tạo cơ hội cho các cuộc đàm phán, “nhưng chiến tranh vẫn tiếp diễn” và “Nga không nghiêm túc về hòa bình”.
Gọi Nga là một “quốc gia bị ruồng bỏ về mặt tài chính trên toàn cầu,” Tòa Bạch Ốc cho biết các biện pháp mới sẽ cấm Moscow thanh toán tiền lời của các khoản nợ công của Nga bằng các quỹ thuộc quyền tài phán của Hoa Kỳ.
Tòa Bạch Ốc cho biết “bây giờ Nga sẽ cần phải lựa chọn giữa việc rút hết các khoản tiền sẵn có của mình để thanh toán nợ hoặc vỡ nợ.”
Các biện pháp mới cũng bao gồm các biện pháp trừng phạt ngăn chặn hoàn toàn đối với các doanh nghiệp quốc doanh lớn quan trọng của Nga, cấm người Mỹ tham gia vào các giao dịch với các doanh nghiệp đó, và phong tỏa tài sản của họ. Bộ Ngân khố dự kiến vào ngày 07/04 sẽ công bố chi tiết các biện pháp này; Tòa Bạch Ốc cho rằng các biện pháp đó sẽ làm hao mòn khả năng tài trợ của Nga cho cuộc chiến ở Ukraine.
Hoa Kỳ cũng đang trừng phạt hai người con gái trưởng thành của ông Putin, vợ và con gái của ông Lavrov, và các thành viên cao cấp của hội đồng an ninh Nga.
Cũng trong số những người bị trừng phạt còn có ông Dmitry Medvedev, cựu tổng thống, cựu thủ tướng Nga và là một trong những đồng minh thân cận nhất của ông Putin. Những người khác bao gồm Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin và Bộ trưởng Tư pháp Konstantin Chuychenko.
Các biện pháp trừng phạt sẽ loại họ khỏi hệ thống tài chính của Hoa Kỳ và phong tỏa bất kỳ tài sản nào mà họ nắm giữ tại Hoa Kỳ.
Các biện pháp trừng phạt Nga cũng sẽ bao gồm các biện pháp trừng phạt ngăn chặn hoàn toàn đối với Sberbank, tổ chức tài chính lớn nhất của Nga, cũng như ngân hàng tư nhân lớn nhất của Nga, Alfa Bank.
Bất kỳ tài sản nào của hai tổ chức này liên quan đến hệ thống tài chính Hoa Kỳ sẽ bị phong tỏa, và người Mỹ sẽ bị cấm kinh doanh với hai ngân hàng này.
Sberbank – tổ chức tài chính quan trọng về mặt hệ thống, nắm giữ gần ⅓ tài sản của ngành ngân hàng Nga – đã hạ thấp tác động của các biện pháp mới.
Sberbank tuyên bố, “Các lệnh trừng phạt sẽ không tác động đáng kể đến hoạt động của ngân hàng và sẽ không ảnh hưởng đến dịch vụ cho người Nga vì hệ thống đã thích ứng với các hạn chế trước đó.”
Alfa Bank dường như cũng bình tĩnh khi đối diện với các lệnh trừng phạt mới của Hoa Thịnh Đốn.
Alfa Bank cho biết, “Đã có 8,257 lệnh trừng phạt được áp dụng chống lại Nga. Trước đây chúng tôi lo sợ điều đó, nhưng giờ đây thì chúng tôi vẫn làm việc như thường lệ.”
Các biện pháp trừng phạt mới cũng sẽ bao gồm việc cấm người Mỹ có các khoản đầu tư mới vào Nga; Tòa Bạch Ốc nói rằng biện pháp này “sẽ bảo đảm sự suy yếu lâu dài khả năng cạnh tranh toàn cầu của Liên bang Nga.”
Hôm 06/04, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cho biết các lệnh trừng phạt chống lại Nga là “tổn thất lớn” đối với nền kinh tế toàn cầu, gây tổn hại cho các nước mua hàng hóa như nông sản và phân bón từ Nga.
Các chuyên gia đã lên tiếng cảnh báo về việc giá lương thực tăng vọt trong bối cảnh xung đột Nga–Ukraine, vốn dự kiến sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng nhất đến các quốc gia nghèo nhất thế giới. Viện Nghiên cứu Chính sách Lương thực Quốc tế gần đây cho biết rằng những hậu quả từ chiến tranh chắc chắn sẽ đẩy giá lương thực lên cao hơn và “tác động mạnh đến an ninh lương thực cho hàng trăm triệu người.”
Trong khi đó, Liên minh Âu Châu sẽ cấm nhập cảng than của Nga, mặc dù các nước EU vẫn còn chia rẽ về việc hạn chế các lĩnh vực khí đốt và dầu mỏ của Nga, vốn quan trọng hơn đối với nền kinh tế của họ.
Hôm 06/04, Chủ tịch Hội đồng Âu Châu Charles Michel cho biết tại phiên họp toàn thể của Nghị viện Âu Châu ở Brussels, “Chúng tôi sẵn sàng xúc tiến mau chóng các lệnh trừng phạt có phối hợp và thiết thực hơn nữa.”
Ông nói thêm, “Gói mới bao gồm lệnh cấm nhập cảng than, và tôi tin rằng các biện pháp về dầu mỏ và thậm chí là cả khí đốt sớm muộn gì cũng sẽ cần thiết.”
Ông Michel cho biết EU sẽ chặn các tàu Nga vào các cảng của khối và áp đặt lệnh cấm vận chuyển đường bộ lên Nga và Belarus. Ông nói thêm rằng EU cũng sẽ áp đặt lệnh cấm giao dịch hoàn toàn lên nhiều ngân hàng hơn để “làm suy yếu thêm hệ thống tài chính của Nga.”
Ông Michel cũng bày tỏ “sự phẫn nộ trước tội ác phản nhân loại – đối với những thường dân vô tội – ở Bucha và ở nhiều thành phố khác,” gọi đó là “một bằng chứng nữa cho thấy sự tàn bạo của Nga đối với người dân Ukraine là không có giới hạn.”
Đại sứ quán Nga tại Anh cho biết chính phủ Ukraine và lực lượng quân sự hóa trong nhiều năm đã “xóa sổ” thường dân ở các khu vực đang tranh chấp Donetsk và Luhansk tại miền đông Ukraine.
Họ đã chia sẻ một video với hình ảnh bạo lực cho thấy các nạn nhân của vụ sát hại và tuyên bố rằng những ngôi mộ tập thể vẫn đang được tìm thấy trong khu vực này.