29.03.2016

Ứng xử đối với Trung cộng – cách của Nam Dương và của Việt Nam

Ứng xử đối với Trung cộng – cách của Nam Dương và của Việt Nam (*)
Vũ Kim Hạnh
1/ Ngôi sao sáng trên chính trường Nam Dương…
Ảnh: Bà Bộ trưởng Bộ Ngư nghiệp Nam Dương (Indonesia), ngôi sao chính trường đang được dân chúng ái mộ. 
Trên face, hôm qua, tình cờ tôi đọc được một số stt gọi bà Susi Pudjiastuti, Bộ trưởng Bộ Ngư nghiệp Nam Dương là “ngôi sao sáng” trên chính trường nước này. Tiếp tục đọc, biết thêm là gần đây, dư luận dân Indo rất “đã” chuyện bà Bộ trưởng ráo riết cử tàu tuần duyên đuổi bắt hết tàu Trung cộng xâm phạm hải phận. Đó là động thái mới của “người bạn duy nhất”, người tự nhận vai “người điều đình” giúp Trung cộng về Biển Đông khi… nhịn hết nổi!

Chuyện gần nhất là vầy: Buổi tối ngày thứ Bảy tuần qua, tàu tuần duyên theo lịnh của bà bắt được một tàu đánh cá Trung cộng trong vùng kinh tế 200 hải lý phía Bắc đảo Borneo. Thuyền trưởng và thủy thủ của tàu Trung cộng bị bắt, tàu vi phạm bị kéo về; nhưng một chiếc tàu Hải Giám của Trung cộng đã bám theo, và đến nửa đêm thì tiến vào phạm vi hải phận 12 hải lý để… kéo tàu vi phạm của họ chạy mất.
Chính phủ Nam Dương để cho bà Susi họp báo ngay hôm sau, Chủ Nhật, cho biết sẽ triệu tập đại sứ Trung cộng phản đối việc “cướp tàu”; và ngày kế đó, Bộ trưởng Ngoại giao lên tiếng và rồi lãnh đạo Hải quân họp báo công bố sẽ huy động các tàu lớn hỗ trợ tàu tuần tiểu của Bộ Ngư nghiệp. Thì ra dân Indo ái mộ bà Bộ trưởng Susi vì bà vượt qua các thủ tục ngoại giao, hành động nhanh đáp trả quyết liệt và thẳng thừng hành vi của Trung cộng xâm phạm chủ quyền quốc gia của họ.
Còn nhớ, Trung cộng chính là một trong các nước nhập cảng từ Nam Dương nhiều nhất, trong đó có các nguyên liệu như dầu dừa và than đá. Gần đây hai nước đã ký thỏa hiệp trao cho các công ty Trung cộng xây dựng đường xe lửa cao tốc giữa thủ đô Jakarta và Bandung, thủ phủ tỉnh Tây Java. Thế nên lâu nay Nam Dương luôn cố gắng nhẫn nhịn cho qua, cho đến khi “con giun bị xéo lắm cũng oằn”.
Một điều tôi thấy hay ở “ngôi sao chính trường Nam Dương” là, chỉ mới nhậm chức được một tháng, dù mới đó là đại gia tên tuổi, là chủ hãng hàng không tư mang tên mình Susi Air, bà đã đứng ngay vào đúng vị trí, làm đúng chức phận, hành động đàng hoàng chứ không chỉ chém gió, và không hành xử vì lợi lộc doanh nghiệp riêng, gia đình, phe nhóm. Còn chính phủ Indo, bất ngờ cần “rắn” thì cũng rất chuyên nghiệp, hiệu quả: phân công các tổ chức, cơ quan hợp đồng tác chiến với những nội dung khác nhau, phản ứng dồn dập chứ không chỉ “quan ngại” kiểu “đồng phục”.
Chính trường Việt Nam, trời, sao vẫn quá thiếu “ngôi sao” được lòng dân. Mấy hôm rày thấy dư luận chú ý ông đại biểu Quốc hội luật sư Trương Trọng Nghĩa với kêu gào (vô vọng?) về tình trạng “phụ thuộc sâu” kinh tế Trung cộng, nguy cơ mất chủ quyền kinh tế đất nước. Đó, bên cạnh chuyện xâm phạm chủ quyền biển đảo thì mối nguy phụ thuộc kinh tế mới là chuyện gay go, hóc hiểm nhất cho Việt Nam mình.
2/ Làm ăn với Trung cộng, liệu có thể cứ mãi theo kiểu “ở liều gặp lành”?

Nhân sĩ Bắc Hà bình chuyện giao thương với Trung cộng như vậy: coi bộ nhà nước mình làm ăn với họ, biết hết là nguy, là hại mà cứ liều, vì “ở liều gặp lành” mà. Liều thật. Đường ống nước sông Đà vỡ 17 lần, 8 công chức Vinaconex vào tù, vẫn rủ Trung cộng làm tiếp đường ống nước mới, vẫn hùng hồn “đừng nghĩ sản phẩm Trung cộng là không hiện đại”. Có ai nghĩ ngu thế đâu, nhưng cái “vi diệu” nhất đã và đang xảy ra rành rành là cái hiện đại, cái hay cái tốt thì họ toàn làm với thế giới, còn chỉ dành cho Việt Nam toàn thứ độc hại, tệ lậu, xấu xí kinh hoàng. Cả nước đã kêu gào vô vọng về mối lo Trung cộng cứ thắng thầu liên miên các dự án trọng điểm các ngành kinh tế như cơ khí, hóa chất, năng lượng, giao thông vận tải, khai khoáng (5/6 dự án hóa chất, 49/62 dự án xi măng, 16/27 dự án nhiệt điện…) đã gây hại không kể xiết: đẩy nhập siêu từ Trung cộng trong tổng nhập siêu của Việt Nam từ 15% năm 2001 lên đến 136% chỉ trong 10 năm (đây mới chính là nguồn gốc chính của nhập siêu), giật hết công trình của các ngành kinh tế Việt Nam, giành ráo việc làm của người lao động phổ thông Việt Nam, thải, tống vào mọi loại công nghệ thiết bị lạc hậu, lạc xon và dĩ nhiên đội vốn, chậm trễ, thiệt hại kéo dài, chẳng công trình nào ra hồn, chưa kể mối lo văn hóa, quân sự khi tự phát hình thành nhiều “làng Trung cộng” khắp các vùng, chứa những sư đoàn tiềm năng đội lốt công nhân bí ẩn… Hiện giao thương tiểu ngạch vẫn là cửa vào gần như tự do cho tất cả sản phẩm mất chất, độc hại, không nhãn mác đùng đùng đi xuống Việt Nam mỗi ngày, mới đây còn chuẩn bị nhập gia cầm, phụ… phế phẩm từ Trung cộng khi xứ họ vẫn đang bị cúm gia cầm hoành hành, đã có 10 người chết.
Câu chuyện làm ăn ngu như vậy, trên thế giới không thấy có nước nào. Tất nhiên, còn vì mối lợi khó từ bỏ ở chân tường rất lung linh là “thứ gì không bán được ở đâu thì đều bán được cho Tàu”, thượng vàng hạ cám, giá nào họ cũng mua. Riết rồi từ nông nghiệp đến công nghiệp, ngày càng nhập tâm quen thói làm ăn dễ dãi, bá đạo với Trung cộng đến mức bị khó khăn, ngày càng khó để làm ăn HỘI NHẬP VỚI THẾ GIỚI.
Một người bạn thân đang xuất khẩu rất thành công với Mỹ, châu Âu, có lần bức xúc nói với tôi: “Thị trường Trung cộng lớn lắm chị, hàng Trung cộng cũng đẳng cấp thế giới, người ta đầu tư công nghệ thiết bị cao cấp, chinh phục cả Mỹ, châu Âu, mình phải phát huy thế mạnh nằm sát biên giới với họ chứ sao? Mình không dọn cái nước mình đi đâu được thì liệu mà giao thương thuận thảo cho doanh nghiệp nhờ chứ ?”. Tôi giải thích với anh nhiều thứ, nghe xong anh vẫn kết luận, họ cư xử kiểu gì với mình là cũng… do mình, cuối cùng mình vẫn phải làm ăn với họ, chẳng những không nên kỳ thị mà phải khôn ngoan giành mọi lợi thế để phát triển cùng họ.
Đó là nan đề đau đầu nhất mà chúng ta cần thảo luận sâu và cùng nhau đưa ra định hướng và hành động. Nếu chúng ta thực lòng muốn làm thì hoàn toàn có giải pháp, nhưng phải đồng lòng vượt qua tất cả khó khăn. Họ nhiều mưu sâu kế hiểm, làm ăn thương trường không lẽ bỏ qua cơ hội tận dụng cái ngu và tham của đối tác? Bây giờ cái thói hư dễ dãi, giả dối trong giao thương với họ đã qui định cho Việt Nam quá lậm rồi, dễ gì sửa? Quyết tâm cao, chịu đau, có lộ trình đồng bộ giải độc dần dần thì mới mong lấy lại thế công bằng với họ và đúng thế của mình trong hội nhập thế giới. Chứ cứ mãi đứng nhất nhì thế giới về số lượng nông sản xuất thô và nhất nhì từ dưới đếm lên về giá trị thì làm sao mà thoát cái bẫy thu nhập trung bình thấp?
Từ năm 2012, nhóm nghiên cứu của nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại với các đồng ngiệp danh giá như Võ Trí Thành, Nguyễn Đức Thành… đã công bố công trình nghiên cứu về tác động của các hiệp định thương mại tự do tới nền sản xuất, thương mại Việt Nam, có đưa ra những giải pháp xác đáng để cải thiện giao thương với Trung cộng như: 
Giảm dần buôn bán tiêu ngạch, chuyển những ngành có nhu cầu cao của Trung cộng sang chính ngạch để giảm rủi ro, 
lập những công ty phân phối lớn của Việt Nam ở Trung cộng, tận dụng các hiệp định thương mại tự do với Trung cộng (cứ xem cách Thái Lan tận dụng hiệp định thương mại tự do Trung cộng – ASEAN bằng cách ký chương trình thu hoạch sớm T6-2003 về rau quả, ngũ cốc với Trung cộng để giảm dần thuế đẩy mạnh xuất khẩu nông sản qua Trung cộng dù phải vượt vô vàn khó khăn mà hiện nay, Việt Nam cứ “nhìn Thái bán nông sản cho Trung cộng mà phát thèm”, mới thấy họ có tầm nhìn, quyết tâm và chuyên nghiệp hơn Việt Nam nhiều).
Về nguyên tắc không nên phân biệt đối xử với đối tác, kể cả đó là kẻ thù truyền kiếp, ta vẫn phải bán buôn với họ. Nhưng giải bài toán này cần một quyết tâm chính trị cao, từ bỏ lợi ích dành cho một nhóm người để dám đề cao lợi ích dân tộc. Mất chủ quyền kinh tế thật ra cũng là nguy cơ lớn nhất, lâu dài, sâu xa chẳng kém cuộc chiến Biển Đông.

Top of Form
V. K. H.

(*) Nhan đề của BVN